Tin tức

Tai biến mạch máu não: Cẩm nang toàn diện từ A đến Z cho người bệnh và gia đình

Ngày 15/04/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Bùi Thị Thanh
Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ, xảy ra khi việc cung cấp máu cho não bị cản trở, do tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu. Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp, có thể đe dọa tính mạng và để lại nhiều di chứng nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho bạn cái nhìn đầy đủ về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa tai biến mạch máu não để bảo vệ sức khỏe.

1. Vì sao tai biến mạch máu não lại nguy hiểm?

Não bộ đóng vai trò là trung tâm điều khiển mọi hoạt động sống của con người. Khi một vùng não bị thiếu máu, các tế bào thần kinh sẽ dần tổn thương và chết đi, khiến những chức năng mà vùng não đó kiểm soát bị rối loạn hoặc mất hoàn toàn. 

Não bộ đóng vai trò là trung tâm điều khiển mọi hoạt động sống của con người

Não bộ đóng vai trò là trung tâm điều khiển mọi hoạt động sống của con người

Hậu quả mà tai biến để lại có thể rất nặng nề, bao gồm:

  • Liệt một bên cơ thể hoặc toàn thân.
  • Mất khả năng nói.
  • Không thể hiểu lời người khác. 
  • Giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ.
  • Rối loạn vận nhãn, mất thị lực. 
  • Thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

2. Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não

Tai biến xảy ra khi máu không thể lưu thông đến não, khiến các tế bào não bị thiếu oxy và chết chỉ sau vài phút.

tai biến mạch máu não có hai dạng chính:

  • Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ (nhồi máu não): Đây là dạng đột quỵ phổ biến nhất. Nguyên nhân chính là do mạch máu não bị tắc nghẽn, thường do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa chặn dòng chảy của máu. 
  • Đột quỵ do xuất huyết não: Loại đột quỵ này xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ, gây chảy máu và tổn thương mô não. 

Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não:

  • Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ đột quỵ cao hơn.
  • Giới tính: Nam giới có tỉ lệ mắc cao hơn nữ giới.
  • Tiền sử gia đình: Nếu gia đình có người từng đột quỵ thì nguy cơ của bạn cũng cao hơn.
  • Lối sống không lành mạnh: Hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên, ăn uống kém lành mạnh, lười vận động đều góp phần làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não.

Hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên góp phần làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não

Hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên góp phần làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não

  • Bệnh lý nền: Tiểu đường, bệnh tim mạch, cholesterol cao cũng là những yếu tố nguy cơ gây ra tai biến mạch máu não.

3. Dấu hiệu nhận biết sớm tai biến mạch máu não

"Thời gian là vàng" – câu nói này càng đúng hơn trong trường hợp tai biến mạch máu não. Phát hiện tai biến mạch máu não sớm và đưa người bệnh đến bệnh viện kịp thời có thể giúp giảm tổn thương não và tăng cơ hội phục hồi.

Có một quy tắc đơn giản thường được áp dụng trong nhận biết sớm dấu hiệu tai biến mạch máu não là quy tắc FAST:

  • F (Face - Mặt): Một bên mặt bị méo, xệ xuống.
  • A (Arms - Tay): Tay yếu, không thể giơ lên.
  • S (Speech - Lời nói): Nói ngọng, lắp bắp hoặc không nói được kể cả những câu đơn giản.
  • T (Time - Thời gian): Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào bên trên, hãy gọi cấp cứu ngay để người bệnh được cấp cứu kịp thời và hạn chế tối đa tổn thương sức khỏe do Đột quỵ!

Ngoài ra, người bệnh có thể có thêm các triệu chứng khác khi đột quỵ xảy ra như:

  • Cơn đau đầu dữ dội, xuất hiện đột ngột
  • Hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng
  • Nhìn mờ hoặc mất thị lực
  • Tê bì một bên cơ thể

4. Các phương pháp điều trị tai biến mạch máu não

Người bị tai biến mạch máu não nếu được cấp cứu kịp thời và có phương pháp phục hồi đúng, thì hoàn toàn có thể cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Dưới đây là những điều quan trọng về điều trị đột quỵ, từ giai đoạn cấp cứu đến phục hồi chức năng.

4.1. Điều trị cấp cứu

Khi tai biến mạch máu não xảy ra, thời gian là yếu tố quyết định. Việc can thiệp càng sớm, cơ hội phục hồi càng cao. Các phương pháp cấp cứu quan trọng bao gồm:

  • Sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rtPA): Loại thuốc này có thể làm tan cục máu đông nếu được sử dụng trong vòng 4,5 giờ đầu sau khi đột quỵ xảy ra.
  • Phẫu thuật lấy huyết khối: Áp dụng cho trường hợp tắc mạch lớn, phẫu thuật giúp lấy cục máu đông ra, khơi thông dòng máu lên não. 
  • Phẫu thuật điều trị tai biến mạch máu não do xuất huyết: Các bác sĩ có thể can thiệp phẫu thuật để loại bỏ khối máu tụ. Việc này giúp giảm áp lực lên vùng não bị tổn thương, tạo điều kiện cho mô não hồi phục tốt hơn.
  • Kiểm soát huyết áp và các biến chứng: Giúp giữ huyết áp ổn định, giảm nguy cơ tổn thương thêm cho não bộ.

4.2. Phục hồi chức năng

Sau giai đoạn nguy kịch, giai đoạn phục hồi chức năng đóng vai trò vô cùng quan trọng để giúp bệnh nhân có thể vận động bình thường trở lại:

  • Vật lý trị liệu: Các bài tập giúp cải thiện khả năng di chuyển, giữ thăng bằng.
  • Ngôn ngữ trị liệu: Giúp người bệnh luyện tập phát âm, cải thiện khả năng giao tiếp.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Một thực đơn cân bằng, giàu chất dinh dưỡng, hạn chế muối và chất béo giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.
  • Hỗ trợ tâm lý: Sau một cơn đột quỵ, nhiều bệnh nhân có thể cảm thấy lo lắng hoặc trầm cảm. Việc động viên, hỗ trợ tinh thần là điều vô cùng cần thiết giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi.

5. Làm sao để phòng ngừa tai biến mạch máu não?

Tai biến mạch máu não có thể xảy ra bất ngờ, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể giảm nguy cơ bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh. Những điều quan trọng bạn nên làm là:

  • Giữ huyết áp ổn định: Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân hay gặp gây tai biến. Hãy cố gắng giữ huyết áp ổn định bằng cách ăn nhạt hơn, tập thể dục thường xuyên và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ nếu cần.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn để tránh thừa cân, làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch - yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não.
  • Tập thể dục đều đặn: Không cần quá khắt khe, bạn chỉ cần duy trì thói quen đi bộ, bơi lội hay tập yoga cũng đủ để giúp máu lưu thông tốt hơn và bảo vệ hệ tim mạch.
  • Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia: Thuốc lá và rượu bia có thể đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Hãy giảm hoặc từ bỏ chúng để tốt cho sức khỏe của bạn.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp bạn phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường, rối loạn mỡ máu để có cách kiểm soát kịp thời.

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn và phòng ngừa tai biến mạch máu não hiệu quả

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn và phòng ngừa tai biến mạch máu não hiệu quả

  • Giữ tinh thần thoải mái: Căng thẳng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hãy giữ tinh thần thoải mái bằng thiền, đọc sách hoặc đi dạo.
  • Ăn uống khoa học: Chế độ ăn giàu rau xanh, trái cây và thực phẩm chứa omega-3 sẽ giúp bảo vệ mạch máu, giảm nguy cơ tai biến.

Tai biến mạch máu não là một tình trạng nguy hiểm, có thể để lại hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ tai biến mạch máu não, hãy liên hệ ngay với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ