Tin tức

Cách tăng đề kháng cho trẻ sơ sinh​: Mẹ đã biết chưa?

Ngày 17/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Sức đề kháng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ sơ sinh chống lại các tác nhân gây bệnh ngay từ những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt và dễ bị tổn thương, vì vậy việc tăng đề kháng cho trẻ sơ sinh luôn là ưu tiên hàng đầu của các bậc cha mẹ.

1. Sức đề kháng là gì?

Sức đề kháng hay còn gọi là hệ miễn dịch, là khả năng tự bảo vệ của cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc độc tố. Hệ miễn dịch gồm nhiều cơ quan và tế bào miễn dịch như: tế bào lympho, đại thực bào, bạch cầu, kháng thể… 

Sức đề kháng là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ

Sức đề kháng là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ 

Ở trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện như người lớn. Trẻ chỉ có một lượng kháng thể IgG được truyền từ mẹ qua nhau thai trong 3 tháng cuối thai kỳ. Một phần nhỏ khác đến từ sữa mẹ (chủ yếu là IgA), giúp bảo vệ hệ tiêu hóa và đường hô hấp của bé trong thời gian đầu.

Vì vậy, trong những tháng đầu đời, trẻ rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nếu không được chăm sóc và bổ sung đề kháng đúng cách.

2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị suy giảm sức đề kháng

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu suy giảm sức đề kháng ở trẻ giúp cha mẹ có biện pháp can thiệp kịp thời. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến cần lưu ý:

  • Thường xuyên ốm vặt: Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất. Trẻ bị suy giảm đề kháng thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi), tiêu hóa (tiêu chảy) hoặc các bệnh ngoài da. Tần suất ốm có thể là vài lần trong một tháng hoặc ốm liên tục, bệnh này chưa khỏi đã mắc bệnh khác;

Thường xuyên ốm vặt là một trong những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị suy giảm sức đề kháng

Thường xuyên ốm vặt là một trong những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị suy giảm sức đề kháng 

  • Thời gian ốm kéo dài và khó hồi phục: Thay vì khỏi bệnh trong vài ngày như bình thường, trẻ có đề kháng kém sẽ ốm dai dẳng, các triệu chứng kéo dài và cần thời gian lâu hơn để hồi phục hoàn toàn;
  • Triệu chứng nặng hơn bình thường: Khi mắc bệnh, trẻ có thể sốt cao hơn, ho nhiều hơn, tiêu chảy nặng hơn hoặc có các biến chứng nghiêm trọng hơn so với trẻ khỏe mạnh;
  • Chậm tăng cân, suy dinh dưỡng: Sức đề kháng kém khiến trẻ thường xuyên ốm, ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng. Trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, thậm chí sụt cân là điều thường thấy;
  • Da xanh xao, nhợt nhạt: Thiếu máu hoặc thiếu chất dinh dưỡng do sức đề kháng kém có thể khiến da trẻ xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt;
  • Biếng ăn, bỏ bú, ngủ kém: Khi cơ thể mệt mỏi, hệ miễn dịch suy yếu, trẻ thường không có cảm giác ngon miệng, biếng ăn hoặc bỏ bú. Giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng, trẻ quấy khóc nhiều hơn, ngủ không sâu giấc;
  • Vết thương lâu lành: Khả năng phục hồi của cơ thể giảm sút, khiến các vết thương nhỏ trên da cũng lâu lành hơn bình thường;
  • Viêm nhiễm tái phát nhiều lần: Đặc biệt là các bệnh viêm tai giữa, viêm đường tiết niệu, viêm da.

Khi nhận thấy một hoặc nhiều dấu hiệu trên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị, can thiệp phù hợp.

3. Cách tăng đề kháng cho trẻ sơ sinh

Vậy làm thế nào để tăng đề kháng cho trẻ sơ sinh? Đây mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Để tăng đề kháng cho trẻ sơ sinh, cần được thực hiện đồng thời nhiều biện pháp, cụ thể như sau:

Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

  • Sữa mẹ là “vắc-xin tự nhiên” giúp trẻ chống lại bệnh tật vì chứa nhiều kháng thể, enzyme, lợi khuẩn và các yếu tố miễn dịch như IgA, IgG, lactoferrin, lysozyme…;
  • Đặc biệt, sữa non (xuất hiện trong 2 – 3 ngày đầu sau sinh) rất giàu kháng thể, giúp bảo vệ đường ruột và ngăn ngừa nhiễm khuẩn;
  • Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó tiếp tục bú kèm ăn dặm đến 24 tháng tuổi.

Bú sữa mẹ hoàn toàn là một trong những cách tăng đề kháng cho trẻ sơ sinh

Bú sữa mẹ hoàn toàn là một trong những cách tăng đề kháng cho trẻ sơ sinh 

Giữ vệ sinh môi trường sống và cơ thể trẻ

  • Tắm rửa, vệ sinh mũi – miệng – tay cho trẻ thường xuyên, nhất là sau khi đi ngoài, trước khi ăn hoặc sau khi đi chơi về;
  • Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc, bụi mịn, mùi hóa chất hoặc người đang mắc bệnh hô hấp;
  • Vệ sinh sạch sẽ bình sữa, đồ chơi, chăn màn và không gian phòng ngủ.

Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch

  • Tiêm chủng là biện pháp vô cùng quan trọng giúp cơ thể trẻ sản sinh kháng thể phòng ngừa bệnh truyền nhiễm như: viêm gan B, lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, cúm, phế cầu…;
  • Tuân thủ lịch tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hoặc lịch tiêm dịch vụ theo tư vấn của bác sĩ.

Không lạm dụng thuốc kháng sinh

Lạm dụng kháng sinh có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, bao gồm làm suy yếu hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột, từ đó ảnh hưởng đến sức đề kháng của trẻ. Vì vậy, cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Massage cho bé hằng ngày

Massage nhẹ nhàng không chỉ giúp lưu thông máu mà còn kích thích hệ bạch huyết hoạt động tốt hơn, từ đó hỗ trợ miễn dịch. Việc vuốt ve, ôm ấp còn giúp trẻ cảm thấy an toàn, giảm căng thẳng và tăng kết nối giữa mẹ và bé.

Cho trẻ tắm nắng đúng cách

Tắm nắng vào buổi sáng (6h30 – 8h) từ 10 – 15 phút mỗi ngày giúp tổng hợp vitamin D một dưỡng chất cần thiết để tăng hấp thu canxi, hỗ trợ miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Cần chú ý không tắm nắng sau 9 giờ sáng để tránh tia UV gây hại cho da trẻ.

Bổ sung vi chất và men vi sinh nếu cần

Trẻ cần bổ sung Vitamin D 3 hàng ngày hoặc các vi chất khác theo chỉ định của bác sĩ để tăng cường miễn dịch, nhất là trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc hay ốm vặt. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc bổ sung mà chưa qua thăm khám bác sĩ.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tăng đề kháng cho trẻ sơ sinh và cách hỗ trợ hệ miễn dịch của bé phát triển một cách tự nhiên, an toàn.

Sức đề kháng tốt là nền tảng để trẻ lớn lên khỏe mạnh, ít ốm vặt và phát triển toàn diện cả thể chất lẫn trí tuệ. Tuy nhiên, nếu nhận thấy trẻ thường xuyên ốm, chậm tăng cân, hoặc có dấu hiệu suy giảm miễn dịch, cha mẹ nên đưa bé đi thăm khám để được đánh giá và tư vấn kịp thời. Cha mẹ có thể liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được đội ngũ y bác sĩ tư vấn kịp thời các thắc mắc có liên quan cũng như đặt lịch kiểm tra sức khỏe cho con yêu. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ