Tin tức

Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh cha mẹ cần phải có

Ngày 05/01/2023
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Ngày trẻ cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc trẻ phải tự thích nghi với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Khi đó sự chăm sóc của cha mẹ là điều hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên đối với nhiều bậc phụ huynh, nhất là những người mới lần đầu làm cha mẹ thì việc chăm sóc trẻ vẫn còn rất nhiều bỡ ngỡ. Hiểu được điều này, MEDLATEC xin chia sẻ cuốn Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh cơ bản dưới đây để đồng hành cùng cha mẹ trong việc chăm sóc bé.

1. Cha mẹ hãy đặc biệt lưu ý đến thân nhiệt và hô hấp của bé

1.1. Thân nhiệt

Nếu đo nhiệt độ ở nách thì trung bình thân nhiệt bình thường của trẻ sẽ là từ 36,5 - 37,2 độ C. Khi chỉ số này hạ thấp thì trẻ có nguy cơ cao bị bệnh viêm phổi, còn nếu thân nhiệt tăng cao tức là trẻ đang bị sốt. 

Để giữ thân nhiệt của trẻ luôn nằm trong mức ổn định, cha mẹ nên để trẻ nằm ở phòng thoáng mát và đón được nhiều ánh sáng tự nhiên vào mùa hè. Mùa đông phòng ngủ của trẻ cần kín gió. Ngoài ra cha mẹ không nên cho trẻ sơ sinh mặc quá nhiều quần áo dày hoặc quấn bé quá chặt sẽ làm gia tăng thân nhiệt và khó phát hiện ra những bất thường trên cơ thể của trẻ. 

Cha mẹ cần theo dõi thân nhiệt thường xuyên cho trẻ sơ sinh

Cha mẹ cần theo dõi thân nhiệt thường xuyên cho trẻ sơ sinh

Hãy làm theo những cách sau nếu trẻ đang gặp về vấn đề về thân nhiệt:

  • Nếu nhiệt độ cơ thể của trẻ trên 37,5 độ C: cha mẹ hãy nới lỏng quần áo, cho trẻ nằm ở chỗ thông thoáng, đồng thời chườm ấm tại các vị trí trán, nách, bẹn;

  • Nếu thân nhiệt của bé dưới 36 độ C: hãy ôm bé, da kề da với mẹ và ủ ấm cho bé.

1.2. Hô hấp

Trung bình, nhịp thở của trẻ thay đổi theo từng độ tuổi, cụ thể:

  • Trẻ sơ sinh (dưới 2 tháng tuổi): thở nhanh là khi nhịp thở > 60 lần/ phút;

  • Trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng tuổi: thở nhanh là khi nhịp thở > 50 lần/ phút;

  • Trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi: thở nhanh là khi nhịp thở > 40 lần/ phút.

Nếu trẻ thở nhanh kết hợp với các triệu chứng như thở khò khè, nhịp thở không đều, co thắt lồng ngực,... thì hãy nhanh chóng đưa trẻ đi khám.

Ở những bé sinh non dễ gặp phải triệu chứng ngừng thở (thường diễn ra trong thời gian ngắn dưới 15s) nên mỗi khi  trẻ có biểu hiện này, cha mẹ hãy ôm bé, dùng phương pháp da kề da để kích thích trẻ thở lại bình thường. Nếu trẻ tiếp tục bị thở ngắn hoặc ngưng thở trên 15s, da dẻ tím tái thì cha mẹ nên đưa trẻ đi cấp cứu ngay.

Trong trường hợp trẻ bị hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, hãy nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý ấm mỗi ngày. Nếu tình trạng này diễn ra lâu ngày không có dấu hiệu cải thiện thì các bậc phụ huynh cũng nên cho trẻ đến gặp bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc cho trẻ.

2. Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh hàng ngày

2.1. Cách cho trẻ ăn

Đối với trẻ sơ sinh, nguồn dinh dưỡng giá trị nhất đó chính là sữa mẹ. Bởi vì đây chính là nguồn thức ăn tự nhiên dễ thích nghi với cơ thể của trẻ nhất, nó giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ. Bởi vậy các chuyên gia y tế đều khuyến cáo trẻ sơ sinh nên được bú mẹ hoàn toàn trong vòng ít nhất 6 tháng đầu đời.

Cho bé ăn cũng là một trong những lưu ý quan trọng trong cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh

Cho bé ăn cũng là một trong những lưu ý quan trọng trong cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh

Mỗi đứa trẻ cần được bú khoảng 8 cữ/ngày, mỗi cữ bú cách nhau 3 giờ. Ở những trẻ chưa đầy tháng thì nhu cầu dinh dưỡng là theo bản năng nên trẻ cảm thấy đói lúc nào thì mẹ hãy cho trẻ bú lúc đó. Những tháng tiếp theo trẻ sẽ giãn cữ bú dần dần. Trong trường hợp mẹ bị thiếu sữa hãy dặm thêm sữa công thức cho trẻ. Mẹ hãy lựa chọn dòng sữa uy tín, có thương hiệu và xuất xứ rõ ràng, phù hợp với độ tuổi của bé.

Thể tích dạ dày của trẻ sơ sinh khá nhỏ nên ban đầu trẻ sẽ bú không được nhiều. Sau khi sinh khoảng vài tuần, cứ cách 1 - 2 giờ bé sẽ bú 1 lần, mỗi cữ bú có thể kéo dài từ 15 - 20 phút (trẻ bú bình sẽ nhanh hơn tùy từng bé). Dấu hiệu của một em bé khi đói là ngọ nguậy, khóc và liên tục chép miệng,... 

2.2. Vỗ ợ hơi cho trẻ

Vì dạ dày của trẻ vẫn còn nằm ngang, tâm vị chưa đóng kín hoàn toàn nên trẻ sơ sinh rất dễ bị nôn trớ sau khi ăn. Đặc biệt ở những trẻ sinh non chưa biết kết hợp tốt 3 phản xạ bú, thở và nuốt nên khi  ăn trẻ hay bị sặc. Để cải thiện vấn đề này, mẹ chỉ nên cho bé bú khi bé có nhu cầu, không ép trẻ ăn, chia nhỏ các cữ và lượng sữa mỗi cữ. 

Động tác vỗ ợ hơi giúp hạn chế nguy cơ nôn trớ và trào ngược dạ dày cho bé. Sau khi hoàn thành một cữ bú, hãy để trẻ ở tư thế đầu cao hơn thân, sau đó vỗ ợ hơi cho trẻ. Lúc này mẹ hãy từ từ bế bé lên, bụng bé áp vào ngực mẹ, cằm tựa trên vai mẹ, một tay mẹ bế bé, bàn tay kia khum lại  và vỗ nhẹ lên lưng bé, thực hiện từ 10 - 15 phút và mẹ có thể nghe thấy những tiếng ợ phát ra từ miệng bé.

2.3. Cách cho bé ngủ

Môi trường ngủ của trẻ cần phải là nơi yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè và ấm cúng vào mùa đông. Đối với những bé được sinh đủ tháng, đủ cân thì phòng ngủ nên duy trì mức nhiệt độ là 28 độ C. Khi trời nắng nóng cần bật điều hòa nhưng cha mẹ không được để nhiệt độ phòng ở mức quá thấp vì trẻ sẽ bị cảm lạnh, đồng thời cũng không nên chỉnh ở mức quá cao sẽ làm trẻ nóng bức khó chịu, đổ nhiều mồ hôi và khó ngủ. 

Trước khi ngủ trẻ cần được vệ sinh cơ thể sạch sẽ, ăn no, được trò chuyện với cha mẹ, vận động nhẹ nhàng,... Những hoạt động này sẽ giúp bé dễ đi vào giấc ngủ hơn. Cha mẹ cũng biết rằng nếu trẻ có một giấc ngủ ngon thì cả thể chất lẫn tinh thần đều sẽ được phát triển toàn diện.

Môi trường ngủ của bé phải là nơi yên tĩnh, sạch sẽ và dễ chịu

Môi trường ngủ của bé phải là nơi yên tĩnh, sạch sẽ và dễ chịu

Trẻ sơ sinh chưa biết lẫy lật thì nên được đặt nằm ngửa khi ngủ, tránh tư thế nằm sấp sẽ khiến trẻ bị ngạt thở - một trong những nguyên nhân gây nên hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Xung quanh nôi cũi hoặc nơi bé nằm không nên chèn thêm thú bông hay gối vì trong quá trình ngủ những đồ vật này có thể đè vào mặt bé.

2.4. Cách chăm sóc da cho trẻ 

Làn da của bé rất mong manh và nhạy cảm, vì vậy cha mẹ cần lưu ý những điều sau khi chăm sóc da cho bé:

  • Cho trẻ mặc những loại quần áo có chất vải mềm mại, dễ thấm mồ hôi, không trang trí dây dợ cầu kỳ;

  • Nước giặt nên là loại dành riêng cho trẻ sơ sinh để đề phòng trẻ bị kích ứng với xà phòng của người lớn;

  • Thay bỉm tã thường xuyên để tránh làm hăm da bé. Về bỉm thì mẹ nên chọn loại mỏng nhẹ,  bề mặt mềm mịn, độ thấm hút tốt và khi thay bỉm hãy nhớ vệ sinh vùng kín sạch sẽ cho bé;

  • Dùng loại sữa tắm dịu nhẹ, loại dành riêng cho trẻ sơ sinh có độ pH thấp phù hợp với làn da bé;

  • Việc tắm rửa và thời tiết hanh khô rất dễ khiến da trẻ bị bong tróc, nứt nẻ. Vì vậy hàng ngày mẹ hãy nhớ thoa kem dưỡng ẩm toàn thân cho bé nhé.

Vượt cạn là một quá trình đầy khó khăn đối với những người làm mẹ, và cũng là lần “chuyển nhà” đánh dấu sự phát triển quan trọng trong cuộc đời của những em bé. Rời xa lòng mẹ, trẻ với chút vốn liếng sinh tồn ít ỏi và một hệ miễn dịch yếu ớt đã phải tự mình thích ứng với môi trường bên ngoài nên rất cần có bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Do vậy, rất mong cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh mà MEDLATEC vừa chia sẻ sẽ phần nào gửi gắm đến các bậc phụ huynh những kiến thức cơ bản cần thiết trong hành trình chăm sóc và nuôi con khôn lớn. 

Nếu các bậc phụ huynh vẫn đang có nhu cầu được tư vấn về các vấn đề khác trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sơ sinh thì hãy liên hệ đặt lịch thông qua tổng đài 1900 56 56 56 để các bác sĩ Chuyên khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC thăm khám và tư vấn chi tiết hơn các mẹ nhé!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.