Tin tức

Cảnh báo suy hô hấp ở trẻ sơ sinh các mẹ chớ nên bỏ qua

Ngày 05/05/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là hội chứng dễ gặp phải ở những trẻ sinh thiếu tháng, khi mà hệ hô hấp của trẻ chưa được hoàn thiện. Thời điểm trẻ ra đời càng sớm thì rủi ro mắc phải hội chứng này sẽ càng cao. Nếu không được can thiệp kịp thời thì trẻ sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong rất lớn. 

1. Thế nào là hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh? 

Suy hô hấptrẻ sơ sinh hay bệnh màng trong (viết tắt là RDS) là bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh non. Dấu hiệu dễ nhận ra nhất đó là trẻ sinh ra có biểu hiện khó thở, tím tái nên cần được đưa đi chăm sóc đặc biệt để được cấp đủ oxy. 

Trung bình một em bé đủ 40 tuần sẽ được coi là đủ tháng và sẵn sàng chào đời. Khoảng thời gian này đảm bảo trẻ đã phát triển đầy đủ các cơ quan trong cơ thể và những cơ quan này có thể tự vận hành chức năng của mình. Nếu trẻ sinh non (trước tuần thai thứ 37) thì 2 lá phổi lúc này vẫn chưa được hoàn thiện về mặt cấu trúc, vì thế nên chúng sẽ không hoạt động được như bình thường và sẽ gây suy hô hấp ở trẻ.

Khi trẻ sơ sinh bị suy hô hấp, các phế nang hay còn gọi là túi khí trong phổi sẽ bị xẹp lại. Điều này khiến phổi mất đi sự co giãn và trở nên cứng hơn. Ngoài ra có những phế nang lại không thể kiểm soát được mức giãn nở của mình dẫn tới vỡ, khí bị tràn ra ngoài trung thất và màng phổi. Do đó cho dù trẻ có cố gắng thở như thế nào đi chăng nữa chức năng hô hấp vẫn bị cản trở và suy yếu.

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh hay bệnh màng trong (RDS) là bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh non

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh hay bệnh màng trong (RDS) là bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh non

Thường thì ngay từ khi mới chào đời các triệu chứng của suy hô hấp sẽ xuất hiện ngay. Nhưng đôi khi là sau 24 giờ đầu. Trẻ suy hô hấp sẽ bị thở rên, thở nhanh gấp, co lõm lồng ngực, thở phập phồng cánh mũi, da tím tái, thậm chí ngưng thở.

2. Cơ chế bệnh sinh của suy hô hấp ở trẻ sơ sinh 

Để giúp quá trình hô hấp của trẻ được diễn ra dễ dàng, các phế nang cần được chứa đầy không khí. Theo cấu tạo bình thường, có một chất hoạt động bề mặt sẽ được các tế bào ở phổi sản sinh ra. Nhờ có chất này bao bọc, các phế nang có thể ổn định sức căng bề mặt và giúp duy trì trạng thái mở ra của các phế nang này trong suốt quá trình hô hấp. Tuy nhiên tình trạng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh khiến trẻ bị thiếu hụt chất hoạt động bề mặt nên phổi không thể hoạt động bình thường và hệ quả là trẻ bị khó thở.

Từ tuần thai thứ 24 chính là thời điểm cơ thể thai nhi bắt đầu tiết ra chất hoạt động bề mặt. Trong khoảng thời gian từ 34 - 36 tuần tuổi, phổi của thai nhi đã tích trữ đủ chất này. Do đó nếu trẻ càng sinh thiếu tháng thì chất ổn định sức căng bề mặt túi khí sẽ càng ít, nguy cơ bị suy hô hấp sau sinh sẽ càng cao.

Không chỉ thường gặp ở trẻ sinh non, hội chứng suy hô hấp còn có thể xuất hiện ở những trẻ có đặc điểm sau đây:

  • Trẻ sinh gần đủ tháng hoặc đã đủ tháng nhưng mẹ bé bị tiểu đường thai kỳ không kiểm soát tốt trong quá trình mang thai;

  • Anh/chị/em ruột của trẻ cũng bị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh;

  • Sản phụ sinh mổ khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ;

  • Mẹ mang đa thai;

  • Trẻ bị hạ thân nhiệt hoặc không được ủ ấm sau sinh;

  • Trẻ bị giảm tưới máu, thiếu oxy trong khi sinh.

Thường thì ngay từ khi mới chào đời các triệu chứng của suy hô hấp sẽ xuất hiện ngay

Thường thì ngay từ khi mới chào đời các triệu chứng của suy hô hấp sẽ xuất hiện ngay

Không thể xem thường hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh vì trên thực tế cũng đã có những trường hợp tình trạng hô hấp của trẻ xấu đi, diễn tiến nặng sau vài ngày đầu trẻ sinh ra. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, hội chứng này có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ bất cứ lúc nào. Ngay cả khi được cứu sống nguy cơ biến chứng sau này cũng rất cao. Trẻ có thể bị mù lòa, máu chảy vào phổi hoặc não, loạn sản phế quản phổi, thiểu năng trí tuệ, khí phế thũng mô kẽ, suy thận,...

3. Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh điều trị ra sao? 

Trẻ sau khi chào đời nếu có các dấu hiệu của suy hô hấp, các bác sĩ sẽ đưa trẻ đến phòng chăm sóc đặc biệt ngay lập tức (NICU). Khi đó trẻ sẽ được áp dụng những biện pháp điều trị tích cực nhằm hạn chế tối đa di chứng và cải thiện chức năng hô hấp cho trẻ. Sau đây là 3 phương pháp điều trị chính áp dụng cho trường hợp trẻ sơ sinh bị suy hô hấp:

3.1. Thở áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP)

Đây là biện pháp giúp các túi khí (phế nang) duy trì trạng thái mở ra trong suốt quá trình trao đổi khí. Phương pháp này phù hợp với những trẻ có thể tự thở được. 

3.2. Liệu pháp oxy

Nếu bị thiếu hụt oxy thì không chỉ riêng gì hệ hô hấp mà toàn bộ các cơ quan trong cơ thể cũng không hoạt động bình thường được. Vì vậy liệu pháp oxy được chỉ định để giúp đưa oxy từ phổi tới các cơ quan khác. Khi ấy cần có sự hỗ trợ của máy thở hoặc NCPAP. Nếu trẻ bị suy hô hấp nhẹ thì chưa cần dùng đến NCPAP mà chỉ cần cho thở oxy là đủ.

3.3. Liệu pháp thay thế chất hoạt động bề mặt

Do trẻ sinh non thường bị thiếu đi chất này nên cần phải bổ sung chúng vào phổi của trẻ. Bác sĩ sẽ dùng một ống thông chuyên dụng để đưa chất hoạt động bề mặt vào phổi của trẻ. Em bé sau đó sẽ được cung cấp thêm oxy thông qua máy thở. Số lần thực hiện liệu pháp này sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hội chứng. 

4. Phương pháp giúp phòng ngừa suy hô hấp ở trẻ sơ sinh 

Để phòng tránh nguy cơ mắc hội chứng này ở trẻ, cha mẹ nên hạn chế tối đa tỷ lệ sinh non vì đây là nguyên nhân chính dẫn tới hội chứng này thông qua các biện pháp sau:

  • Duy trì mức cân nặng phù hợp trong giai đoạn thai kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa sản;

  • Tiến hành sàng lọc trước sinh và khám thai định kỳ;

  • Hạn chế ăn đồ ngọt và có chế độ dinh dưỡng hợp lý để phòng tránh nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ;

  • Tránh xa khói thuốc lá, đồ uống có cồn, chất  kích thích, chất cấm và không lạm dụng thuốc kê đơn. Nếu bị ốm hay gặp bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe thì nên đi khám, không được tự ý dùng thuốc;

  • Kiểm soát tốt các bệnh mạn tính như huyết áp cao, trầm cảm, tiểu đường, bệnh tuyến giáp,...;

  • Trước và trong quá trình mang thai hãy tuân thủ lịch tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như thủy đậu, cúm, rubella, hay uốn ván,...

Các mẹ bầu nên chú ý lịch khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của trẻ

Các mẹ bầu nên chú ý lịch khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của trẻ

Nếu mẹ được chẩn đoán có thể sẽ sinh non thì hãy tham khảo cân nhắc tiêm mũi trưởng thành phổi. Đây là loại thuốc giúp kích thích phổi của trẻ phát triển nhanh và kịp thời sản sinh ra chất hoạt động bề mặt, ngăn ngừa hội chứng suy hô hấp cho thai nhi trước khi chào đời.

Thường thì những ca sinh mổ trẻ sẽ có khả năng bị mắc hội chứng này cao hơn so với trẻ sinh thường. Vì vậy nên các mẹ chỉ thực hiện sinh mổ khi bác sĩ chỉ định chứ không được tự đề xuất sinh theo phương pháp này. 

Như vậy trên đây là những thông tin bạn cần nắm rõ về hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Trong trường hợp bạn còn đang băn khoăn không biết nên đi khám thai ở đâu thì có thể đăng ký theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56. Đội ngũ y bác sĩ đầu ngành ở MEDLATEC luôn tận tình và có trách nhiệm trong thăm khám, giúp các mẹ bầu cập nhật được tình hình phát triển của thai nhi và hướng dẫn các mẹ cách chăm sóc thai kỳ sao cho khỏe mạnh, hiệu quả nhất.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.