Tin tức

Khái niệm về hội chứng suy hô hấp tiến triển và các phương án điều trị

Ngày 24/06/2022
Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển có thể gặp trong nhiều bệnh lý về phổi. Hội chứng này có thể gây nên biến chứng vô cùng nguy hiểm đó là suy đa tạng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh. Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng.

1. Thế nào là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển?

Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS - Acute Respiratory Distress Syndrome) là tình trạng tổn thương cấp tính phế nang mao mạch phổi. Hội chứng này là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên dẫn tới biến chứng suy hô hấp nặng, ngay cả khi sử dụng oxy liều cao cũng không đáp ứng. Hậu quả do hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển bao gồm:

  • Biến chứng có thể xảy ra do thở máy: viêm phổi, chấn thương do áp lực;

  • Các biến chứng khác: loét dạ dày thực quản, huyết khối tĩnh mạch sâu, loạn thần, nhiễm khuẩn catheter, suy dinh dưỡng,... 

Các biến chứng do ARDS có tính chất rất nghiêm trọng

Các biến chứng do ARDS có tính chất rất nghiêm trọng

Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển bắt nguồn từ hai nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân tại phổi và nguyên nhân ngoài phổi. Cụ thể:

  • Nguyên nhân tại phổi:

  • Viêm phổi nặng: đây là nguyên nhân phổ biến nhất và biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển thường xảy ra sau khi người bệnh bị viêm phổi do virus (SARS, cúm A H5N1,...) hoặc do vi khuẩn (liên cầu, phế cầu, Haemophilus Influenzae,...);

  • Trào ngược dịch dạ dày: gặp ở những bệnh nhân say rượu hoặc hôn mê. Khi dịch dạ dày bị trào ngược sẽ gây tổn thương phổi trên diện rộng, kèm theo đó là hiện tượng xẹp phổi;

  • Ngạt nước: khiến màng surfactant bị tổn thương;

  • Phù phổi: do tái tưới máu sau  khi trải qua phẫu thuật lấy huyết khối mạch phổi hoặc ca ghép phổi;

  • Tiêm hoặc hít heroin, sử dụng các chất kích thích dạng ma túy khác như amphetamine, cocaine,...:

  • Chấn thương lồng ngực nghiêm trọng làm dập phổi.

  • Nguyên nhân ngoài phổi:

  • Truyền máu số lượng lớn (> 15 đơn vị);

  • Thông nối tim phổi;

  • Sử dụng thuốc quá liều;

  • Sốc nhiễm khuẩn hoặc nhiễm khuẩn nặng;

  • Bỏng nặng, chấn thương đầu, gãy nhiều xương;

  • Viêm tụy cấp nặng;

  • Đông máu nội mạch lan tỏa.

2. Biểu hiện ở người bị suy hô hấp cấp tiến triển 

2.1. Các biểu hiện lâm sàng 

Thời gian hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển xuất hiện khá nhanh, thường chỉ trong vòng 4 - 48 giờ sau khi xảy ra triệu chứng suy hô hấp cấp tiến triển do nguyên nhân tại phổi hoặc ngoài phổi:

  • Ho, đau ngực;

  • Nghe phổi thấy có tiếng ran nổ lan tỏa;

  • Khó thở, thở nhanh, đầu chi và môi đều thâm tím;

  • Nhịp tim nhanh, đổ nhiều mồ hôi;

  • Sốt, rối loạn đông máu;

  • Co kéo cơ hô hấp phụ.

Bệnh nhân bị hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển thường có những triệu chứng diễn tiến nhanh

Bệnh nhân bị hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển thường có những triệu chứng diễn tiến nhanh

2.2. Triệu chứng cận lâm sàng

  • Hình ảnh X-quang phổi và CT ngực cho thấy 2 phổi đều trong tình trạng thâm nhiễm;

  • Xét nghiệm khí máu có các chỉ số: PaO2 và CO2  giảm, Gradient oxy mao mạch - động mạch tăng.

3. Các phương án điều trị 

Mục đích trong việc điều trị hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển là phát hiện điều trị các nguyên nhân, thông khí và bảo vệ phổi, hạn chế biến chứng, cân bằng nước dịch và đảm bảo bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Người bệnh có thể được thở máy với các thông số được cài đặt phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn những phương pháp điều trị khác dưới đây:

  • Dùng thuốc an thần, hoặc kết hợp thuốc an thần và thuốc giãn cơ để đảm bảo bệnh nhân đáp ứng với thở máy. Khi dùng thuốc cần theo dõi sát sao, giảm liều và thôi dùng đúng lúc khi bệnh đã có dấu hiệu tiến triển tốt hơn. Từ đó dần cai thở máy càng sớm càng tốt;

  • Cân bằng dịch vào ra, đảm bảo huyết động: cần lưu ý không nên truyền dịch nhiều và quá nhanh cho bệnh nhân vì hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển thực chất là một dạng tổn thương do phù phổi cấp. Giới hạn truyền dịch và lượng nước mà bệnh nhân ăn uống là không quá 1,5 lít dịch/ngày;

  • Phương pháp điều trị khác: 

  • Liệu pháp kháng sinh: áp dụng để chống nhiễm khuẩn và điều chỉnh theo kháng sinh đồ;

  • Dùng corticoid liều thấp;

  • Kiểm soát tốt lượng đường trong máu: trong trường hợp glucose > 10 mmol/l thì cần thực hiện xét nghiệm đường máu mao mạch 3 giờ/lần, kết hợp dùng insulin để ổn định và kiểm soát đường máu trong mức 6  -10 mmol/l;

  • Trường hợp viêm phổi do cúm A: cần tuân theo một phác đồ điều trị cụ thể;

  • Dự phòng loét đường tiêu hóa: dùng thuốc ức chế bơm proton (chẳng hạn như omeprazol);

  • Dự phòng tắc mạch: dự phòng bằng Heparin;

  • Đảm bảo đủ hemoglobin (> 8g/l);

  • Biện pháp huy động phế nang.

Người bệnh có thể được thở máy với các thông số được cài đặt phù hợp cho từng trường hợp cụ thể

Người bệnh có thể được thở máy với các thông số được cài đặt phù hợp cho từng trường hợp cụ thể

  • Theo dõi điều trị: nếu bệnh nhân tiến triển tốt sau vài ngày điều trị thì sẽ trở nên tỉnh táo, huyết áp và mạch ổn định, sắc mặt hồng hào. Tuy nhiên vẫn cần tích cực theo dõi, đề phòng bệnh biến chứng nghiêm trọng hơn. Nên cho người bệnh gối đầu cao, nhất là những người bị rối loạn ý thức.

4. Biến chứng và tiên lượng bệnh

Trong trường hợp không được điều trị đúng cách và kịp thời, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển sẽ khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng chỉ trong vòng vài giờ đến vài ngày với những triệu chứng như:

  • Mạch nhanh, hạ huyết áp và  dần dẫn tới trụy mạch;

  • Rối loạn ý thức, thiếu oxy não khiến bệnh nhân dần rơi vào trạng thái hôn mê;

  • Nếu bệnh nhân vượt qua được giai đoạn nguy kịch thì vẫn khó đánh giá tiên lượng xa, đồng thời cũng dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp mạn tính, xơ phổi, tâm phế mạn tính;

  • Nhìn chung tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50 - 70% và nguyên nhân chủ yếu là do bị suy cơ quan ngoài phổi và nhiễm trùng huyết. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong của người bệnh bao gồm: xơ gan, bị bệnh gan mạn tính, tuổi cao, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng huyết, suy bất kỳ  một cơ quan nào đó ngoài phổi, bệnh thận mạn tính,...;

  • Đa phần những trường hợp bị suy hô hấp cấp tiến triển đều có khả năng phục hồi chức năng phổi trong vòng 6 tháng.

Như vậy trên đây là những chia sẻ của MEDLATEC về hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển. Có thể nói việc phát hiện từ sớm sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị và hạn chế tối đa rủi ro xảy ra biến chứng. Do đó khi nhận thấy bản thân xuất hiện các dấu hiệu của suy hô hấp cấp tiến triển, người bệnh nên sớm đi kiểm tra để được chẩn đoán xác định bệnh và điều trị kịp thời.

Nếu bạn còn bất kỳ băn khoăn nào cần được giải đáp, hãy liên hệ ngay với tổng đài của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ