Tin tức

Capsaicin - Thuốc giảm đau, sử dụng ngoài da

Ngày 07/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Minh Dũng
Thuốc Capsaicin chứa thành phần hoạt chất tổng hợp từ ớt hoặc một số loại quả thuộc họ cà. Loại thuốc này có thể được bán theo dạng kê đơn hoặc không kê đơn, tùy hàm lượng. Với tác dụng giảm đau, dùng ngoài da, Capsaicin thường được chỉ định trong nhiều trường hợp. Nếu muốn hiểu rõ hơn về tác dụng, trường hợp chỉ định cụ thể, lưu ý khi dùng, bạn đọc hãy tham khảo bài viết sau.

1. Công dụng chính của Capsaicin

Capsaicin được biết đến như một loại thuốc giảm đau sử dụng ngoài da. Trong đó, hai dạng bào chế phổ biến nhất là dạng kem bôi và dạng miếng dán qua da. 

Thuốc có thành phần chính là Capsaicin, một hợp chất chiết xuất từ ớt, thực phẩm thuộc họ cà. Hoạt chất Capsaicin có khả năng kích thích quá trình giải phóng chất P (một chất dẫn truyền cảm giác đau từ các dây thần kinh ngoại biên về hệ thần kinh trung ương), khiến chất P bị giải phóng ồ ạt. Nhưng vì chất P trong dây thần kinh chỉ có giới hạn, sau khi bị kích thích giải phóng quá nhiều, dây thần kinh sẽ cạn kiệt chất P tạm thời, khiến triệu chứng đau cũng dần thuyên giảm. 

Hoạt chất Capsaicin thường được tổng hợp từ ớt hoặc thực vật thuộc họ cà

Hoạt chất Capsaicin thường được tổng hợp từ ớt hoặc thực vật thuộc họ cà

Loại thuốc này cũng có tác dụng chống viêm, giảm cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Dưới dạng điều chế kem bôi và miếng dán, người dùng có thể sử dụng rất tiện lợi và dễ dàng nhưng cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ. 

2. Các trường hợp chỉ định 

Với thành phần chính là hoạt chất Capsaicin, loại thuốc này có thể được sử dụng cho các trường hợp đau mạn tính hoặc đau do kích thích thần kinh. Một số chỉ định phổ biến gồm:

  • Giảm đau sau nhiễm zona thần kinh (Herpes Zoster), đặc biệt là đau dây thần kinh sau zona. 
  • Giảm đau dây thần kinh do đái tháo đường. Capsaicin giúp cải thiện tình trạng đau rát, châm chích do tổn thương thần kinh ngoại biên. 
  • Giảm đau trong thoái hóa khớp, nhất là đau tại khớp gối hoặc bàn tay ở người cao tuổi. 
  • Người bị viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp mạn tính cần giảm đau tại chỗ. 
  • Giảm đau sau phẫu thuật, như sau khi cắt bỏ vú (đau dây thần kinh sau phẫu thuật). 
  • Người mắc chứng hỏa thống. Thuốc giúp làm dịu cảm giác bỏng rát khó chịu ở tay chân. 
  • Người bị đau dây thần kinh mạn tính không đáp ứng điều trị với thuốc uống thông thường. 
  • Giảm ngứa trong bệnh vảy nến, bệnh thận mạn giai đoạn cuối (ngứa do thẩm tách máu). 

Capsaicin giúp giảm đau trong nhiều trường hợp

Capsaicin giúp giảm đau trong nhiều trường hợp

3. Chống chỉ định 

Những loại thuốc chứa thành phần Capsaicin thường chống chỉ định với các nhóm đối tượng sau:

  • Người có tiền sử dị ứng với hoạt chất Capsaicin hoặc thành phần khác của thuốc. 
  • Người bị dị ứng với ớt hoặc các loại thực vật thuộc họ cà (Capsaicin thường tổng hợp từ ớt). 
  • Trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi, hệ da và thần kinh chưa hoàn thiện, dễ bị kích ứng. 
  • Không bôi lên vùng da bị tổn thương, trầy xước, vết thương hở hoặc vùng da viêm nhiễm.
  • Không dùng cho mắt, niêm mạc miệng hoặc sinh dục vì có thể gây bỏng rát nghiêm trọng.

4. Cách dùng và liều lượng 

Capsaicin được sử dụng ngoài da, dạng kem bôi thường phổ biến hơn so với miếng dán. Theo đó, bạn nên bôi thuốc 3 đến 4 lần mỗi ngày tùy theo tình trạng đau. Nên thoa đều, nhẹ nhàng lên vùng da cần điều trị. Đây là liều lượng được khuyến cáo áp dụng trong điều trị giảm đau. Hiệu quả giảm đau có thể xuất hiện sau vài ngày, nhưng thường rõ rệt hơn sau 1 - 2 tuần sử dụng liên tục. 

Trường hợp cơn đau lại xuất hiện sau khi tạm ngừng thuốc, bạn có thể dùng thuốc trở lại. Đối với bệnh nhân bị đau thần kinh do ảnh hưởng của bệnh đái tháo đường, thời gian dùng thuốc thường là 8 tuần và sau đó sẽ được bác sĩ đánh giá lại tình hình bệnh. Trong mọi trường hợp, nên rửa tay sạch sau khi bôi thuốc và tránh chạm vào mắt, mũi, miệng hoặc vùng da nhạy cảm.

Mỗi ngày, bạn nên bôi thuốc từ 3 đến 4 lần

Mỗi ngày, bạn nên bôi thuốc từ 3 đến 4 lần

5. Tác dụng phụ 

Capsaicin có thể gây ra một số tác dụng phụ, thường là tại chỗ và tạm thời. Dưới đây là những phản ứng có thể gặp phải:

Phản ứng thường gặp Phản ứng ít gặp hơn Phản ứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng (cần ngưng thuốc ngay)

- Cảm giác nóng rát, châm chích hoặc đau nhẹ tại vùng da bôi thuốc.

- Ngứa ngáy hoặc đỏ da.

- Có thể xảy ra ho hoặc kích ứng họng, nếu hít phải hơi thuốc trong không gian kín.

- Phát ban nhẹ, buồn nôn, tăng nhẹ nhịp tim hoặc huyết áp.

- Kích ứng mắt, nếu vô tình chạm tay bẩn vào mắt sau khi thoa thuốc.

- Khó thở, đau ngực, rối loạn nhịp tim.

- Lên cơn hen kịch phát (ở người có tiền sử hen).

- Co thắt cơ bất thường hoặc đau dữ dội tại vùng chi.

Nếu xuất hiện bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào, người dùng nên ngưng thuốc và đến gặp bác sĩ ngay để được đánh giá và xử trí kịp thời.

Thuốc Capsaicin bôi ngoài da có thể gây cảm giác nóng rát tại vùng da bôi thuốc

Thuốc Capsaicin bôi ngoài da có thể gây cảm giác nóng rát tại vùng da bôi thuốc

6. Tương tác của thuốc

Mặc dù Capsaicin chủ yếu dùng ngoài da và ít hấp thu toàn thân, nhưng trong một số trường hợp, thuốc vẫn có thể gây tương tác nếu dùng đồng thời với các thuốc khác. Nếu dùng Capsaicin cùng một số loại thuốc ức chế ACE, người dùng có thể bị ho nhiều hơn. Ngoài ra, Capsaicin cũng được cho là dễ phản ứng với Prucalopride, Larotrectinib, Ivosidenib, Dexniguldipine,... 

Tương tác có thể không phổ biến nhưng cần đặc biệt thận trọng, nhất là với người đang dùng thuốc điều trị mạn tính hoặc hóa trị liệu. Luôn thông báo cho bác sĩ biết toàn bộ thuốc bạn đang sử dụng, kể cả thuốc bôi ngoài da và thực phẩm chức năng. 

Capsaicin dễ tương tác với nhiều loại thuốc khác

Capsaicin dễ tương tác với nhiều loại thuốc khác

7. Lưu ý khi dùng 

Mặc dù cách sử dụng tương đối đơn giản nhưng để Capsaicin phát huy hiệu quả tác dụng giảm đau và hạn chế tác dụng phụ, bạn cần dùng thuốc đúng cách. Trước khi sử dụng loại thuốc này, bạn hãy lưu ý một vài vấn đề sau. 

7.1. Trước khi sử dụng

  • Không bôi quá nhiều thuốc hoặc tạo lớp dày trên da, chỉ cần một lượng mỏng vừa đủ để bao phủ vùng cần điều trị.
  • Nếu bạn bị dị ứng với ớt hoặc các sản phẩm từ ớt, không nên sử dụng Capsaicin.
  • Thông báo với bác sĩ nếu bạn đang có bệnh da liễu, vết thương hở, viêm da cơ địa hoặc bất kỳ bệnh lý mạn tính nào khác.

7.2. Trong quá trình sử dụng

  • Rửa tay kỹ sau khi bôi thuốc.
  • Nếu bôi thuốc để giảm đau ở vùng tay (ví dụ viêm khớp bàn tay), bạn nên rửa tay sau khoảng 30 phút để tránh thuốc lan sang vùng da khác.
  • Tránh để thuốc tiếp xúc với mắt, miệng, mũi hoặc vùng da nhạy cảm. Nếu bị dính, rửa sạch ngay bằng nước ấm và xà phòng.
  • Không bôi lên da bị loét, trầy xước, viêm tấy hoặc nhiễm trùng.
  • Không tắm nước nóng ngay sau khi bôi thuốc, điều này có thể làm tăng cảm giác nóng rát tại chỗ.

7.3. Theo dõi tác dụng phụ

  • Cảm giác nóng rát tại chỗ là phổ biến khi mới dùng thuốc, thường giảm dần sau vài ngày đến vài tuần.
  • Nếu cảm giác này ngày càng nặng, không thuyên giảm, hoặc xuất hiện phát ban, khó thở, sưng da, hãy ngừng dùng thuốc và đi khám ngay.
  • Không tự ý tăng liều hoặc kết hợp thêm các thuốc bôi khác nếu không có chỉ định từ bác sĩ.

7.4. Đối tượng đặc biệt

  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú: cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng capsaicin.
  • Người cao tuổi hoặc có làn da nhạy cảm nên thận trọng và dùng thuốc theo hướng dẫn cá nhân hóa từ nhân viên y tế. 

Lưu ý rằng, các hướng dẫn sử dụng thuốc trong bài viết này của MEDLATEC chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa rủi ro, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. 

Thực tế cho thấy, thuốc bôi ngoài da hoặc miếng dán chứa capsaicin có cách dùng khá đơn giản, thuận tiện cho người bệnh. Loại thuốc này thường phát huy hiệu quả tốt trong việc giảm đau do zona thần kinh, viêm dây thần kinh, thoái hóa xương khớp.

Tuy nhiên, nếu dùng không đúng cách, người dùng vẫn có thể gặp phải tác dụng phụ khó chịu hoặc nghiêm trọng, đặc biệt là cảm giác bỏng rát kéo dài, kích ứng da hoặc phản ứng dị ứng toàn thân. 

Do vậy thay vì tự ý dùng thuốc giảm đau Capsaicin tại nhà, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC để được bác sĩ xác định nguyên nhân, hướng dẫn điều trị đúng cách. Nếu có nhu cầu đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ