Tin tức

Tìm hiểu Methyl Salicylate - Thuốc hỗ trợ giảm đau tại chỗ

Ngày 04/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Minh Dũng
Methyl Salicylate là một loại thuốc quen thuộc dùng trong điều trị giảm đau tại chỗ cho các cơn đau cơ - xương - khớp nhẹ đến vừa. Các dạng bào chế của loại thuốc này tương đối phong phú. Tuy vậy, thuốc chủ yếu được dùng ngoài da, không bổ sung theo đường uống.

1. Tìm hiểu công dụng của Methyl Salicylate

Methyl Salicylate thuộc nhóm thuốc hỗ trợ giảm đau tại chỗ, bào chế theo các dạng sản phẩm sử dụng ngoài da. Tác dụng chính của loại thuốc này là hỗ trợ làm dịu cơn đau cơ, xương, khớp tạm thời. 

Trong đó, hoạt chất Methyl Salicylate hoạt động bằng cách gây kích ứng nhẹ lên da, từ đó kích thích giãn nở mao mạch, tăng tuần hoàn tại chỗ và giúp “che lấp” tín hiệu đau từ các dây thần kinh cảm giác, giúp giảm triệu chứng đau nhức cơ, xương, khớp. 

Hiện nay, Methyl Salicylate thường được bào chế theo những dạng sau: 

  • Dạng kem hoặc gel: Thường có hàm lượng từ 10% đến 30%. 
  • Dạng miếng dán sử dụng ngoài da: Hàm lượng 10%. 
  • Một số dạng bào chế khác: Chẳng hạn như dạng lotion, thuốc xịt. 

Một sản phẩm thuốc bôi ngoài da Methyl Salicylate

Một sản phẩm thuốc bôi ngoài da Methyl Salicylate 

2. Trường hợp có thể chỉ định Methyl Salicylate

Với tác dụng giảm đau tại chỗ, thuốc Methyl Salicylate thích hợp được chỉ định cho những đối tượng dưới đây: 

  • Người cần giảm đau tạm thời do ảnh hưởng của bệnh lý viêm khớp (cơn đau nhẹ). 
  • Người bị bong gân, xuất hiện vết bầm tím. 
  • Người bị đau thắt lưng. 
  • Người bị đau dây thần kinh. 
  • Người bị đau cơ, căng cơ sau vận động. 

Methyl Salicylate có thể giúp giảm đau cho người bị căng cơ

Methyl Salicylate có thể giúp giảm đau cho người bị căng cơ

3. Chống chỉ định

Những trường hợp chống chỉ định của thuốc giảm đau tại chỗ Methyl Salicylate gồm có: 

  • Người dị ứng với hoạt chất Methyl Salicylate hoặc các thành phần khác trong thuốc. 
  • Trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, đặc biệt với các sản phẩm có hàm lượng cao hoặc dạng miếng dán, cần tránh sử dụng nếu không có chỉ định rõ ràng từ bác sĩ, do nguy cơ ngộ độc salicylate qua da. 
  • Không sử dụng lên vùng da bị tổn thương, trầy xước, viêm nhiễm hoặc niêm mạc, ví dụ: quanh mắt, miệng, bộ phận sinh dục.

4. Hướng dẫn sử dụng

Sau đây là phần hướng dẫn sử dụng Methyl Salicylate dạng miếng dán và dạng kem bôi ngoài da. 

4.1. Dạng miếng dán

Mỗi ngày, bạn có thể dán trực tiếp miếng dán vào khu vực da bị đau, tần suất sử dụng là không quá 3 miếng/ngày hoặc không dùng quá 3 ngày liên tiếp nếu không có hướng dẫn của bác sĩ. Với dạng miếng dán, bạn không nên dán vào vùng da bị trầy xước hoặc viêm nhiễm. 

Ngoài ra với cùng một miếng dán, bạn không được dán quá 8 giờ tại một vị trí. Sau khi gỡ miếng dán, cần nghỉ ít nhất vài giờ trước khi dán miếng tiếp theo tại cùng một vị trí.

4.2. Dạng kem bôi

Bạn lấy một lượng kem vừa đủ, thoa nhẹ lên vùng da bị đau 3 - 4 lần mỗi ngày. Lưu ý, bạn cần rửa tay sau khi sử dụng, tránh chạm vào mắt, miệng hoặc vùng da nhạy cảm.

Không nên dùng băng gạc hoặc chườm nóng sau khi bôi thuốc, tránh nguy cơ hấp thu quá mức qua da. 

Bạn nên thoa thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

Bạn nên thoa thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

5. Tác dụng phụ

Methyl Salicylate ít gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, người dùng có thể phải đối mặt với phản ứng phụ như: 

  • Kích ứng da tại chỗ: Phát ban, ngứa, mẩn đỏ, nóng rát nhẹ.
  • Phản ứng dị ứng: Mề đay, sưng đỏ, phồng rộp hoặc bong tróc da.
  • Biểu hiện dị ứng toàn thân hiếm gặp: Khó thở, thở khò khè, khàn tiếng, sưng mặt - môi - lưỡi, tức ngực, sốt. 

Quá trình sử dụng thuốc, người dùng đôi khi thường gặp phải tình trạng phát ban, ngứa ngáy

Quá trình sử dụng thuốc, người dùng đôi khi thường gặp phải tình trạng phát ban, ngứa ngáy

6. Khả năng tương tác của thuốc

Nếu kết hợp không đúng cách, tác dụng của thuốc dễ bị suy giảm hoặc gia tăng tác dụng phụ. Vì thế, nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, bạn phải thông báo cho bác sĩ trước khi được kê đơn điều trị bằng Methyl Salicylate. 

Dưới đây là một số loại thuốc có thể tương tác với Methyl Salicylate:

  • Cortisone hoặc các corticosteroid khác (như Clocortolone Acetate): Dùng đồng thời có thể làm tăng tác dụng phụ trên da, nhất là nếu sử dụng kéo dài hoặc trên vùng da mỏng. 
  • Monopotassium Phosphate: Khiến nồng độ huyết thanh của Methyl Salicylate tăng cao. 
  • Clocortolone Acetate: Dễ khiến tác dụng phụ trong quá trình dùng thuốc gia tăng. 
  • Warfarin: Methyl Salicylate có khả năng làm tăng tác dụng chống đông máu của thuốc Warfarin từ đó làm tăng nguy cơ chảy máu. 

Nhiều loại thuốc có khả năng tương tác với thuốc hỗ trợ giảm đau tại chỗ Methyl Salicylate

Nhiều loại thuốc có khả năng tương tác với thuốc hỗ trợ giảm đau tại chỗ Methyl Salicylate 

Ngoài ra, Methyl Salicylate còn dễ phản ứng với nhiều loại thuốc khác như Loteprednol, Fluprednidene Acetate, Clocortolone Acetate, Melengestrol Acetate,... Nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc bôi hay thuốc uống nào, bạn cần thông báo cụ thể cho bác sĩ trước khi được kê đơn điều trị bằng Methyl Salicylate 

7. Cách xử lý khi nuốt phải thuốc

Methyl Salicylate chủ yếu được sử dụng ngoài da. Trường hợp vô tình nuốt phải thuốc, người dùng thường biểu hiện triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, bồn chồn, thở nhanh, lẫn lộn, thậm chí có biểu hiện giống say rượu. 

Nếu uống nhầm Methyl Salicylate, bạn cần nhanh chóng đi đến cơ sở y tế để được trợ giúp. Tùy mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định rửa dạ dày, giải độc bằng Ethanol hoặc Fomepizole, thậm chí trường hợp nặng có thể phải lọc máu (chạy thận nhân tạo). 

8. Những lưu ý khi sử dụng Methyl Salicylate

Trước khi điều trị giảm đau tại chỗ bằng thuốc Methyl Salicylate, bạn hãy lưu ý: 

  • Không thoa hay dán miếng dán chứa thành phần hoạt chất Methyl Salicylate lên vùng da trầy xước, bị rạn nứt hoặc có vết thương hở. 
  • Tuyệt đối không uống thuốc mà chỉ sử dụng ngoài da. 
  • Không nên thoa thuốc vào vùng da quanh mắt, miệng, mũi, âm đạo hoặc hậu môn. Nếu lỡ bôi, hãy rửa sạch bằng nước. 
  • Không dùng quá liều lượng, đặc biệt tại vùng da bị tổn thương, bong tróc hoặc có phỏng rộp. 
  • Nếu xuất hiện phản ứng phụ nghiêm trọng, như dị ứng toàn thân, ngứa ngáy hoặc sưng nề, hãy ngưng thuốc và đến khám bác sĩ. 
  • Đã dùng thuốc được khoảng một tuần nhưng triệu chứng bệnh không thuyên giảm, hoặc xuất hiện tác dụng phụ, bạn hãy ngừng dùng thuốc và thông báo tình hình cho bác sĩ.
  • Sau khi thoa thuốc, bạn không nên sờ tay lên mắt, miệng hoặc các vùng da nhạy cảm khác. 
  • Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý kết hợp với những loại thuốc bôi ngoài da khác. 
  • Methyl Salicylate dễ bắt cháy. Vì vậy, bạn tuyệt đối không để thuốc gần lửa hoặc nơi có nhiệt độ cao. 
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần thận trọng khi dùng thuốc. Đối tượng này nên tham khảo tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ. 
  • Thận trọng khi cho trẻ sử dụng các loại thuốc bôi hoặc miếng dán ngoài da chứa thành phần Methyl Salicylate. 

Bạn tuyệt đối không dùng Methyl Salicylate cho vết thương hở

Bạn tuyệt đối không dùng Methyl Salicylate cho vết thương hở

Lưu ý: 

  • Hướng dẫn cách sử dụng một số dạng bào chế Methyl Salicylate đề cập trên đây chỉ có tính chất tham khảo. Bạn không tự ý áp dụng khi chưa có sự kê đơn của bác sĩ. 
  • Trước khi dùng thuốc, bạn hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên môn về liều lượng và tần suất sử dụng. 

Như vậy, dễ thấy rằng Methyl Salicylate chủ yếu được sử dụng từ ngoài da, giúp giảm đau tại chỗ. Để tác dụng của loại thuốc này phát huy một cách tối ưu, bạn cần tuân thủ theo các chỉ dẫn về liều lượng và tần suất sử dụng của bác sĩ. Trường hợp triệu chứng đau không thuyên giảm sau khoảng một tuần dùng thuốc, bạn nên đi khám thay vì tự điều trị tại nhà. Nếu chưa biết nên thăm khám tại địa chỉ nào, bạn có thể tin tưởng và lựa chọn Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám cụ thể tại MEDLATEC, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56.

Từ khoá: viêm khớp Khó thở

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ