Tin tức
Khám phá công dụng của cây ô môi đối với sức khỏe
- 04/09/2024 | Cây rẻ quạt: Vị thuốc tốt ngay trong vườn nhà
- 09/09/2024 | Cây dừa cạn trồng làm cảnh và có thể chữa bệnh
- 12/09/2024 | Cây ngâu: Cây cảnh, dược liệu đa công dụng
1. Đặc điểm sinh học cây ô môi
Cây ô môi (cốt khí, bọ cạp nước, brai xiêm,...) thuộc họ Đậu, chiều cao trung bình 10 - 20 mét, thân màu nâu đen, nhẵn. Cành ô môi non thường có lớp lông mịn màu rỉ sắt.
Lá ô môi thon dài, dạng kép lông chim với 10 - 20 đôi lá phụ. Hai đầu lá tròn, mặt trên của lá xanh bóng, nổi gân rõ và phủ lông mịn.
Hoa của cây ô môi mọc thành chùm bao gồm những cụm hoa lớn, màu hồng tươi, mọc ra từ nách lá đã rụng. Các chùm hoa thường rũ xuống dưới với chiều dài 20 - 40cm. Mùa hoa nở vào tháng 2 - 3.
Quả ô môi dẹt, hình trụ, cứng, dài 40 - 60cm, màu nâu đen, cong hình lưỡi liềm. Bên trong quả là lớp thịt có mùi hắc, màu nâu đen, vị chát đắng xen ngọt. Cây ra quả vào tháng 5 - 10.
Cây ô môi có nguồn gốc ở các nước Nam Mỹ, được trồng làm cảnh và lấy bóng mát. Ở nước ta, loài cây này có nhiều ở Nam Bộ và một số tỉnh miền Bắc.
Hoa ô môi có sắc hồng tươi tắn
2. Thành phần hóa học, khai thác và sơ chế dược liệu ô môi
2.1. Thành phần hóa học
- Cơm quả ô môi chứa tinh dầu, sáp, đường glucose và fructose, saponin, tannin, chất nhầy, chất nhựa, anthraglycosid, canxi oxalat,...
- Hạt quả ô môi chứa chất béo
- Lá ô môi chứa anthraglycosid, flavonoid thực vật.
- Vỏ thân cây ô môi có thành phần tanin.
2.2. Khai thác và sơ chế dược liệu
Có thể dùng hạt, vỏ thân, quả và lá cây ô môi làm dược liệu. Quả ô môi được thu hoạch khi đã chín đều, thường vào mùa thu. Quả sau khi thu hoạch sẽ được bỏ vỏ, bỏ hạt, phần thịt ngâm rượu để chữa bệnh xương khớp, cải thiện tiêu hóa, bồi bổ sức khỏe. Ngoài ra, loại quả này còn được nấu cao để dùng với công dụng nhuận tràng, tốt cho hệ tiêu hóa.
Lá và vỏ thân cây ô môi có thể thu hoạch mọi thời điểm trong năm, dùng tươi để giã nhuyễn, vắt nước dùng chữa bệnh ngoài da.
3. Công dụng chữa bệnh của dược liệu cây ô môi
3.1. Theo Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, quả ô môi vị hơi đắng xen chút ngọt, mùi hăng; chủ trị các vấn đề đường tiêu hóa, xương khớp. Ngoài ra, ô môi còn có thể dùng làm dược liệu để làm lành vết thương, nhuận tràng, giảm đau, chữa hắc lào,...
3.2. Theo Y học hiện đại
Cây ô môi có nhiều lợi ích:
- Tốt với hệ tiêu hóa: giảm cảm giác buồn nôn, khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, cải thiện sự thèm ăn, cải thiện tình trạng táo bón,....
- Giảm đau xương khớp.
- Sát trùng da, làm lành thương tổn do rắn rết cắn.
Có thể dùng cây ô môi để chữa hắc lào
3.3. Liều lượng sử dụng
Phần lá, vỏ thân cây ô môi thường sử dụng dưới dạng sắc nước thuốc để uống hoặc giã đắp lên da. Quả ô môi dùng sống hoặc ngâm rượu, nấu cao. Để hỗ trợ tiêu hóa, dùng tối đa 6g/ngày. Rượu ô môi không nên uống quá 2 chén nhỏ mỗi lần, 2 lần/ngày, tốt nhất hãy uống trước bữa ăn chính.
Lá và vỏ thân cây ô môi nếu dùng lấy nước uống thì không nên quá 20g/ngày. Dùng ngoài da có thể tùy chỉnh liều lượng theo phạm vi sử dụng.
4. Bài thuốc chữa bệnh với dược liệu ô môi và lưu ý khi sử dụng
4.1. Bài thuốc chữa bệnh với cây ô môi
- Thuốc bồi bổ sức khỏe
Dùng 1 quả ô môi ngâm với 500ml rượu nếp 25 - 30 độ, tối thiểu trong 15 - 20 ngày. Thời gian ngâm rượu càng lâu thì càng tăng hiệu quả. Hàng ngày, trước khi bắt đầu bữa ăn trưa và tối có thể uống 1 - 2 chén nhỏ rượu ô môi.
- Chữa xương khớp đau nhức
Ngâm 100g cốt toái bổ, 100g dây đau xương, 50g vỏ thân cây ô môi, 30g nhục quế trong 1 lít rượu nếp 30 - 40 độ, sau khoảng 20 ngày có thể lấy ra uống 2 lần/ngày, mỗi lần uống không quá 60ml.
- Giúp nhuận tràng
Nấu 10g lá ô môi già, 10g lá ô môi non với 1.2 lít nước trong khoảng 30 phút rồi chắt lấy nước uống 3 lần sau các bữa ăn chính. Cần duy trì bài thuốc này 1 - 3 tháng tùy vào tình trạng bệnh.
- Cải thiện cảm giác thèm ăn
Lấy 3 - 4 quả ô môi đem tách vỏ rồi lọc lấy phần thịt để ngâm trong 1 lít rượu trắng 40 độ, sau 30 ngày mới lấy ra dùng. Mỗi ngày có thể uống 2 lần rượu ô môi trước bữa ăn nhưng mỗi lần uống chỉ nên tối đa 30ml. Uống liên tục 1 tuần sẽ cảm thấy ăn ngon miệng và tiêu hóa tốt hơn.
- Chữa ngứa ngoài da, lang ben, hắc lào
Rửa sạch 1 nắm lá ô môi rồi giã nhuyễn, xát trực tiếp lên vùng da bị bệnh. Hoặc có thể làm theo cách khác là giã nát lá ô môi rồi ngâm với rượu 40 độ sau đó lấy bôi lên da mỗi ngày 3 lần.
Rượu ngâm quả ô môi có công dụng bồi bổ sức khỏe
4.2. Sử dụng ô môi cần lưu ý
- Rượu ô môi có thể gây nên một số tác dụng phụ như: chóng mặt, buồn ngủ, say, đầu óc choáng váng,...
- Không dùng rượu ô môi cho người đang cho con bú, thai phụ, trẻ em.
- Nếu bị suy yếu miễn dịch hoặc là người cao tuổi thì cần hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng rượu ô môi.
- Không uống rượu ô môi nếu có tiền sử dị ứng.
- Không dùng rượu ô môi với người bị bệnh gan, thận, đau dạ dày, đang trong quá trình điều trị bệnh.
Mặc dù trong dân gian có nhiều bài thuốc chữa bệnh với cây ô môi, rượu ô môi được đánh giá tốt trong việc bồi bổ sức khỏe; nhưng để việc dùng dược liệu trở nên an toàn, đạt mục đích chữa trị thì người bệnh vẫn cần sự hướng dẫn cụ thể về hàm lượng và cách sử dụng của thầy thuốc.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn đặt lịch nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!