Tin tức

Cây dành dành và những lợi ích sức khỏe ít người biết

Ngày 07/01/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Cây dành dành là dược liệu y học cổ truyền quý hiếm không phải ai cũng biết. Hầu hết các bộ phận của loài cây này đều có thể khai thác để đưa vào điều trị các bệnh: tiêu viêm, bí tiểu, đau mắt, viêm gan,... Những công dụng đó sẽ được làm rõ hơn trong bài viết dưới đây.

1. Đặc điểm nhận biết của cây dành dành

Dành dành (chi tử) thuộc họ cà phê, thân có thể cao khoảng 1 - 2m. Cây dành dành có cành màu nâu và nhẵn; dạng lá đơn mọc đối nhau. Hoa dành dành màu trắng hoặc trắng ngà, to, mọc đơn độc phía đầu cành.

Gần như mọi bộ phận của cây dành dành đều có thể khai thác làm dược liệu

Gần như mọi bộ phận của cây dành dành đều có thể khai thác làm dược liệu

Quả dành dành hình trứng dài khoảng 5 - 7cm, đỉnh quả có đài, cạnh quả lồi có cánh, chuyển sang màu vàng khi chín. Hạt dành dành dẹt và hơi tròn, bên ngoài có bám chất cơm màu vàng hoặc đỏ. Đây vốn là cây mọc hoang nhưng nay đã được trồng để làm cảnh và khai thác làm dược liệu.

2. Công dụng và cách dùng cây dành dành để tốt cho sức khỏe

2.1. Những công dụng của dược liệu dành dành

Hầu hết các bộ phận của cây dành dành đều có thể dùng làm thuốc. Phần lá và cành được chặt nhỏ rồi phơi khô, sao vàng. Phần quả thu hoạch khi gần chín sau đó đem phơi khô hoặc đồ cho chín rồi phơi và bóc tách riêng phần vỏ với hạt. Phần hạt có thể sao vàng hoặc đen tùy theo nhu cầu chữa bệnh. Hoa của cây dành dành dùng tươi hay phơi khô đều được.

Thành phần có trong từng bộ phận của cây dành dành như sau:

- Lá: chứa iridoid cerbinal.

- Vỏ của quả: chứa axit ursolic.

- Hạt của quả: chứa hợp chất iridoid glycosid như shanzhiside, gardosid,... cùng các axit hữu cơ, sắc tố α - crosin và α – crocetin.

- Hoa: chứa tinh dầu và steroid.

Y học cổ truyền cho rằng cây dành dành có thể chữa chứng đi tiểu ra máu, chảy máu cam, sưng hoặc đau mắt đỏ, nôn ra máu, vàng da do viêm gan, tâm phiền, sốt cao,...

Y học hiện đại cũng chỉ ra các tác dụng của cây dành dành với sức khỏe, như: chống viêm, chống oxy hóa, chống đái tháo đường, chống viêm, cải thiện giấc ngủ, lưu thông máu,...

2.2. Cách dùng cây dành dành để tốt cho sức khỏe

Dành dành dùng khô hay tươi đều được và có thể kết hợp với các dược liệu khác để tạo thành bài thuốc chữa bệnh. Không chỉ là dược liệu, loài cây này còn được dùng làm màu nhuộm hoặc gia vị cho các món ăn.

Quả dành dành được nhiều người dùng để nhuộm màu làm đẹp cho thực phẩm

Quả dành dành được nhiều người dùng để nhuộm màu làm đẹp cho thực phẩm

Trung bình mỗi ngày nên dùng 6 - 12g cây dành dành. Tuy nhiên, tùy vào mục đích chữa trị mà liều dùng này có thể khác nhau. Mỗi bài thuốc cần được dùng đúng liều lượng, không nên lạm dụng và dùng quá nhiều cây dành dành.

2.3. Một số bài thuốc từ dược liệu dành dành

- Chữa chứng vàng mắt, vàng da, bệnh viêm gan

+ Dược liệu: dành dành 12g, nhân trần và đường kính mỗi loại 24g.

+ Thực hiện: đem tất cả dược liệu đã chuẩn bị sắc với 600ml nước đến khi còn 100ml thì cho thêm đường vào sau đó khuấy đều để uống 3 lần/ngày.

- Chữa bỏng

Dùng phần nhân quả dành dành đem rửa sạch rồi để cho ráo nước sau đó đem đốt lên và tán mịn thành bột. Phần bột đã được chuẩn bị trộn cùng dầu mè và đắp trực tiếp lên vùng da bị bỏng sau đó lấy băng gạc băng tổn thương lại.

- Chữa đau nhức xương khớp và bong gân

Lấy một vài quả của cây dành dành đem rửa sạch rồi giã nát thành bột mịn. Bước tiếp theo là thêm vào phần bột đó một ít nước sạch và trộn đều sao cho có một hỗn hợp sền sệt thì rót thêm ít rượu trắng vào. Cuối cùng, đắp hỗn hợp vừa làm lên vùng bị đau nhức hoặc bong gân, 1 lần/ngày.

- Chữa bệnh sỏi tiết niệu, bí tiểu

+ Dược liệu: rễ dành dành 12g, kim tiền thảo 12g, lá mã đề 12g.

+ Thực hiện: tất cả dược liệu đã chuẩn bị đem rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào nồi sắc lấy nước uống, duy trì trong 10 ngày.

- Chữa nóng rát dạ dày

+ Dược liệu: 7 - 9 quả dành dành.

+ Thực hiện: quả dành dành đã được chuẩn bị đem rửa sạch rồi sao đen và sắc cùng một bát nước đến khi lượng nước còn phân nửa thì tắt bếp và chắt lấy nước uống cùng nước gừng sống để chữa trị cơn nóng rát ở dạ dày.

Lá dành dành giã nát đắp lên vùng da bị bỏng có tác dụng làm lành rất nhanh

Lá dành dành giã nát đắp lên vùng da bị bỏng có tác dụng làm lành rất nhanh

- Chữa đau mắt đỏ

Lấy lá của cây dành dành đem rửa sạch và tráng qua nước sôi, giã thật nát phần lá. Phần lá đã được giã nát sẽ cho vào một miếng gạc mỏng để đắp lên mắt.

- Chữa viêm bàng quang

+ Dược liệu: chi tử 16g, bạch mau căn 20g, đông quỳ tử 12g, cam thảo 8g.

+ Thực hiện: tất cả dược liệu được chuẩn bị đủ đem sắc lấy nước để uống 3 lần/ngày.

- Chữa chảy máu cam

Lấy quả dành dành sống đem đốt thành than sau đó tán lấy bột và thổi vào bên trong mũi.

2.4. Khi dùng dược liệu dành dành cần lưu ý

Cây dành dành là dược liệu cổ truyền quý hiếm bởi nó chữa trị được rất nhiều bệnh lý. Nếu dùng loại cây này để chữa bệnh, cần lưu ý:

- Không tự ý bỏ dùng thuốc Tây nếu trước đó đã được bác sĩ kê đơn. Bài thuốc từ cây dành dành chỉ hỗ trợ điều trị nên nếu muốn dừng cần tham vấn ý kiến của bác sĩ.

- Trước khi sử dụng dành dành làm dược liệu nên tham vấn ý kiến bác sĩ.

So với việc dùng thuốc Tây thì các bài thuốc từ cây dành dành sẽ đem lại hiệu quả chậm hơn. Mặt khác, việc dùng dược liệu này cũng cần thận trọng để tránh nguy cơ bị dị ứng với người có cơ địa mẫn cảm. Thai phụ, trẻ em và người cao tuổi nên thận trọng khi dùng các bài thuốc có dược liệu cây dành dành. Phụ nữ mang thai và người cao tuổi nếu cần dùng cây dành dành hãy thận trọng bằng cách hỏi bác sĩ để được tham vấn.

Nói tóm lại, dành dành chính là một loại dược liệu phổ biến của Đông y với khả năng chữa trị nhiều loại chứng bệnh khác nhau để tốt cho sức khỏe. Điều đáng nói là trước khi điều trị bệnh bằng các bài thuốc từ cây dành dành cần có tham vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ