Tin tức
Chăm sóc hậu sản - những vấn đề không thể bỏ qua
- 05/07/2021 | Nhiễm khuẩn hậu sản ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?
- 15/09/2022 | Hậu sản là gì mà trở thành nỗi ám ảnh của các bà mẹ sau sinh?
- 26/02/2022 | Nhiễm khuẩn hậu sản: Bệnh hậu sản nguy hiểm và phổ biến nhất
1. Tầm quan trọng của việc chăm sóc hậu sản?
1.1. Hậu sản là như thế nào?
Hậu sản là thuật ngữ nói về giai đoạn 6 tuần sau khi sinh (tính từ ngày sinh con). Quá trình mang thai khiến cho các cơ quan sinh dục của người nữ phải phát triển để thích nghi với sự có mặt của thai nhi nên sau sinh khoảng 6 tuần, ngoại trừ tuyến vú tiếp tục phát triển để nuôi con thì các cơ quan sinh dục và cơ thể sẽ dần trở lại như trước thời kỳ mang thai.
1.2. Vì sao cần phải chăm sóc hậu sản?
Bất cứ người phụ nữ nào sinh con xong cũng sẽ bước vào thời kỳ hậu sản. Ở giai đoạn này, với họ, việc chăm sóc về sức khỏe thể chất và tinh thần rất quan trọng bởi nếu không cẩn thận họ có thể mắc bệnh hậu sản.
Chăm sóc hậu sản đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hồi phục sức khỏe và tinh thần của phụ nữ sau sinh
Thực tế hiện nay cho thấy có rất nhiều phụ nữ sau sinh mắc bệnh hậu sản do những nguyên nhân khác nhau, trong đó, thường gặp nhất chính là do chăm sóc hậu sản không tốt. Những nguyên nhân gây nên bệnh hậu sản gồm:
- Trong quá trình mang thai người phụ nữ không được chăm sóc tốt nên sau sinh cơ thể bị suy nhược, thể lực kém, thiếu dinh dưỡng.
- Trước sinh thai phụ phải trải qua một quá trình căng thẳng và mệt mỏi kéo dài nên cơ thể không hấp thụ được chất dinh dưỡng, sau sinh vì thế mà kiệt sức và bị bệnh hậu sản.
- Áp lực vô hình từ việc chăm sóc con nhỏ tác động đến sức khỏe và tâm lý.
- Kiêng cữ sau sinh không tốt: ví dụ như cơ thể cần tối thiểu 6 tuần để trở lại như trước sinh nhưng lại quan hệ tình dục quá sớm nên cơ quan sinh dục dễ bị tổn thương và dễ bị viêm nhiễm.
- Mệt mỏi, căng thẳng do chăm sóc con nhỏ gây ra áp lực về tinh thần và thể chất.
- Quá trình sinh nở không thuận lợi hay giữ vệ sinh không đúng cách nên dễ mắc bệnh phụ khoa.
Ngoài những vấn đề trên đây thì có một điều dễ gặp nữa là sau khi sinh, đại đa số mọi người tập trung vào em bé mà quên mất sức khỏe của người mẹ trong khi quá trình mang thai và sinh nở là một biến động lớn cả về thể chất lẫn tâm lý với người phụ nữ. Vì thế họ không được chăm sóc hậu sản một cách đặc biệt và dễ mắc phải các bệnh hậu sản như:
- Sản dịch.
- Rạn da.
- Rụng tóc.
- Táo bón và bệnh trĩ.
- Trầm cảm.
- Băng huyết.
- Khó lấy lại vóc dáng.
- Ngực gặp các vấn đề như: viêm vú, áp xe vú, tắc tia sữa,...
- Bị đau tầng sinh môn.
- Nhiễm trùng.
- Tâm lý bất ổn: đây là vấn đề hay gặp nhất. Phụ nữ sau sinh thường có tâm lý thất thường và dễ trải qua 3 hình thức rối loạn tâm lý: buồn thoáng qua (ngày 3 - 6 sau sinh và chỉ kéo dài vài ngày), trầm cảm (kéo dài trên 10 ngày) và loạn thần sau sinh.
2. Những vấn đề cần chú ý khi chăm sóc hậu sản
2.1. Chăm sóc cho vết mổ
Khoảng 3 - 5 ngày sau sinh, vết mổ trên da sẽ lành lại. Thời gian này người mẹ cần được lau người hoặc tắm nhanh bằng nước ấm rồi lau khô vết mổ, tuyệt đối không băng kín hay bôi dung dịch sát khuẩn lên vết mổ nếu không được bác sĩ cho phép.
2.2. Về sản dịch và kinh nguyệt
Một vài tuần đầu sau sinh sẽ có sản dịch chảy ra ngoài âm đạo. Khoảng 4 ngày đầu sau sinh sản dịch thường có màu đỏ rồi sau đó chuyển sang màu hồng cho đến khoảng ngày thứ 9. Từ sau ngày thứ 10 sản dịch chuyển màu nâu sẫm rồi nhạt dần và ít đi, cuối cùng là biến mất hoàn toàn trong khoảng 2 - 4 tuần sau sinh.
Nếu chăm sóc hậu sản không đúng, sản phụ có nguy cơ bị bế sản dịch gây nguy hiểm đến tính mạng
Về kinh nguyệt, thường thì những phụ nữ cho con bú mẹ hoàn toàn sau sinh khoảng 6 tháng sẽ có kinh trở lại và khoảng thời gian này là 4 - 6 tuần với phụ nữ không cho con bú mẹ hoàn toàn hoặc không cho con bú.
Trong thời gian này, để chăm sóc hậu sản tốt, người phụ nữ cần chú ý vệ sinh vùng kín thường xuyên và đúng cách để tránh nguy cơ viêm nhiễm vùng kín dẫn đến các bệnh lý phụ khoa hoặc tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm cho sức khỏe.
2.3. Vệ sinh cá nhân
Quá trình sinh nở khiến cho cơ thể sản phụ tiết ra rất nhiều mồ hôi nên sau sinh họ cần được tắm gội sạch sẽ. Việc này có thể diễn ra sau khi sinh 3 - 4 ngày nhưng cần tắm gội trong phòng kín gió và dùng nước ấm, tắm nhanh và tuyệt đối không ngâm mình trong bồn tắm. Sau khi tắm xong cần nhanh chóng lau khô người và mặc quần áo. Tuyệt đối không tắm và gội trong cùng một lúc.
Ngoài ra, sau sinh, phụ nữ cũng cần chú ý vệ sinh vùng sinh dục và hậu môn sạch sẽ, không được thụt rửa hay đặt bất cứ vật gì vào trong âm đạo. Trong thời gian còn sản dịch cần thay băng vệ sinh thường xuyên để không bị nhiễm trùng và nên kiêng quan hệ.
2.4. Về chế độ dinh dưỡng
Trong việc chăm sóc hậu sản, vấn đề dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng vì trước đó, sản phụ vừa phải trải qua một cuộc chuyển dạ tiêu tốn nhiều năng lượng. Nếu có một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và thực sự khoa học thì cơ thể và sức khỏe của người phụ nữ mới nhanh hồi phục, sớm có đủ sữa cho con bú.
Sau sinh, phụ nữ cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng để sớm hồi phục và có đủ sữa cho con
Với trường hợp sinh mổ: 6 giờ đầu sau mổ không được ăn gì, thời gian sau đó cần đảm bảo nguyên tắc ăn từ lỏng đến đặc và chỉ khi đã xì hơi mới được ăn cơm. Trong ngày đầu tiên, sản phụ nên uống nước đường hoặc nước lọc, ăn cháo loãng đến khi xì hơi thì ăn uống như bình thường.
Thời kỳ hậu sản, trong thực đơn hàng ngày, sản phụ nên tránh dùng chất kích thích, uống đủ 2 lít nước/ngày, tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây, ăn chín uống sôi và ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng. Đây cũng là thời gian cho con bú nên mẹ cần được bổ sung calcium và protein một cách chất lượng thông qua khẩu phần ăn cũng như thực phẩm bổ trợ. Việc ăn uống của phụ nữ sau sinh cần cân đối, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng và yếu tố vi lượng, tránh kiêng khem thái quá.
2.5. Chăm sóc tuyến vú
Chăm sóc vùng vú là vấn đề không thể bỏ qua ở thời kỳ hậu sản vì mẹ cần đảm bảo đầy đủ các yếu tố tốt nhất để có sữa cho con. Vì thế, đối với chăm sóc hậu sản trên phương diện này cần chú ý:
- Luôn giữ đầu vú sạch sẽ để không bị nứt, bị nhiễm khuẩn.
- Cho con bú mẹ càng sớm càng tốt để kích thích bài tiết sữa và giúp tử cung được co hồi tốt.
- Chú ý phát hiện sớm dấu hiệu tắc tia sữa để thông ngay, tránh dẫn đến áp xe vú.
2.6. Vấn đề vận động và nghỉ ngơi
- Vận động
Đây là vấn đề rất quan trọng vì nó ảnh hưởng thực tiếp đến khả năng co hồi của tử cung, tránh bế sản dịch, thuyên tắc mạch hay chảy máu sau sinh. Khi chăm sóc hậu sản vào những ngày đầu, sản phụ nên ngồi dậy đi lại nhẹ nhàng sau đó tùy vào tình trạng sức khỏe để tập đi dần dần giúp cho các chức năng bình thường của cơ thể nhanh hồi phục, tránh nguy cơ biến chứng bệnh hậu sản.
Phụ nữ sau sinh nên duy trì các bài tập vận động nhẹ nhàng để cơ thể nhanh hồi phục và tinh thần được thư giãn
- Nghỉ ngơi
Do phải trải qua một cuộc chuyển dạ mất nhiều máu và năng lượng nên sau sinh, người mẹ cần được nghỉ ngơi để hồi phục về thể chất và tinh thần. Giai đoạn này, người thân cần hỗ trợ để người mẹ được ngủ đủ giấc (8 - 9 giờ/ngày). Khi được ngủ đủ, sức khỏe và năng lượng của người mẹ sẽ sớm được hồi phục nhờ đó mà sữa tiết ra tốt hơn, tránh được tình trạng căng thẳng và trầm cảm sau sinh.
Nói tóm lại, không thể chủ quan với việc chăm sóc hậu sản vì nó là yếu tố then chốt để tránh những biến chứng bệnh hậu sản nguy hiểm cho sức khỏe và sự sống của người phụ nữ, nhất là trong hoàn cảnh thực tế hiện nay bệnh trầm cảm sau sinh có chiều hướng gia tăng. Nếu người phụ nữ được quan tâm, chăm sóc, sẻ chia từ người thân, họ sẽ giải tỏa được áp lực để cảm thấy thoải mái và hạnh phúc với thiên chức làm mẹ mà họ vừa được đảm nhận.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!