Tin tức
Chấn thương tinh hoàn - nhận diện và xử trí
- 15/11/2022 | Vỡ tinh hoàn và những điều phái mạnh nên biết
- 02/08/2022 | Nang mào tinh hoàn - bệnh lý nam giới không nên lơ là!
- 02/12/2022 | Siêu âm tinh hoàn để làm gì?
1. Dấu hiệu nhận diện chấn thương tinh hoàn
1.1. Như thế nào là chấn thương tinh hoàn?
Chấn thương thường xảy ra khi nó bị ép giữa tác nhân gây chấn thương và đùi hay khớp mu. Thường hay chấn thương ở một bên. Chấn thương tinh hoàn hai bên chiếm tỷ lệ khoảng 1.5%, cần được phát hiện và xử lý sớm để tránh những hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phái mạnh trong tương lai. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường xuất phát từ:
Tai nạn khi chơi thể thao là nguyên nhân chấn thương tinh hoàn thường gặp
- Bị thương khi chơi thể thao hoặc bị hành hung.
- Tai nạn khi tham gia giao thông.
- Tự bóp vào tinh hoàn (xảy ra ở người chuyển đổi giới tính hoặc bị tâm thần).
- Vết thương do động vật cắn, do đạn, té ngã,...
1.2. Dấu hiệu nhận biết nam giới bị chấn thương tinh hoàn
Đại đa số trường hợp chấn thương tinh hoàn là chấn thương kín nên khó nhận biết. Nếu chú ý quan sát, một số trường hợp bị chấn thương tinh hoàn sẽ xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Vùng bìu đau dữ dội có thể ngất xỉu; buồn nôn và nôn.
- Bìu bên chấn thương thường sưng to, có các đốm xuất huyết ở da bìu sau đó các đốm này dần dần to lên, sờ vào thấy đau nhói, càng để lâu thì da bìu càng chuyển sang màu tím sẫm.
- Tinh hoàn bên chấn thương thường không sờ thấy vì nằm bên trong khối máu tụ. Trường hợp nào sờ thấy thì thường cảm thấy rất đau.
Dấu hiệu chấn thương tinh hoàn sẽ có sự khác nhau tùy thuộc theo mức độ tổn thương:
- Tổn thương nhẹ: xây xát bìu, ít khi đau, có thể bị hoặc không bị rách ở ngoài da.
- Tổn thương mức trung bình: bị tụ máu ở bìu sau đó tăng dần về kích thước của vùng xuất huyết.
- Tổn thương nặng: dập nát tinh hoàn, da bìu có thể bị rách, hoại tử và xuất huyết trên phạm vi rộng gây ra cảm giác đau đớn dữ dội.
2. Cách xử trí với chấn thương tinh hoàn
2.1. Giải pháp khắc phục tạm thời
Ngay khi phát hiện ra chấn thương vùng bìu nam giới có thể tạm thời xử trí tại nhà bằng cách dùng đá lạnh để chườm lên vùng tổn thương khoảng 10 phút. Việc làm này có tác dụng giảm đau nên sẽ người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Sau thời gian chườm đá giảm đau, cần nhanh chóng di chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám.
Khi phát hiện chấn thương tinh hoàn nam giới cần nằm nghỉ ngơi và chườm lạnh để giảm đau
2.2. Can thiệp y tế
Ngay sau khi tinh hoàn bị chấn thương, tình trạng sản xuất tinh trùng sẽ bị thay đổi, thậm chí còn vô tinh. Tuy nhiên, sau khoảng 3 - 9 tháng thì khả năng sản xuất của tinh trùng có thể hồi phục. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi một bên tinh hoàn bị tổn thương thì bên còn lại có thể bị tổn thương vĩnh viễn và khả năng thụ thai dễ giảm sút. Vì thế, mọi trường hợp bị chấn thương tinh hoàn sẽ được bác sĩ theo dõi tinh trùng đồ.
2.2.1. Chẩn đoán
Chấn thương tinh hoàn được xem là tình trạng cấp cứu nên dù ở mức độ nào cũng cần được can thiệp y tế để có biện pháp xử trí kịp thời. Để chẩn đoán chính xác chấn thương tinh hoàn, bác sĩ thường chỉ định các kiểm tra cận lâm sàng như:
- Siêu âm: rất hữu ích đối với chẩn đoán chấn thương tinh hoàn.
- Chụp CT- Scanner: với trường hợp tinh hoàn bị chuyển vị, sau chấn thương nếu không thể phát hiện qua siêu âm, bác sĩ sẽ chỉ định chụp CT để xác định vị trí.
2.2.2. Điều trị
Mục tiêu điều trị chấn thương tinh hoàn là bảo tồn được mô chức năng tinh hoàn nhiều nhất có thể. Sau khi đã có căn cứ đầy đủ để đưa ra kết luận về mức độ tổn thương bác sĩ sẽ có phương pháp chữa trị phù hợp:
- Độ I: Đụng đập/máu tụ
Điều trị bảo tồn:
+ Băng cố định bìu lên cao
+ Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm nonsteroid, kháng sinh.
+ Chườm đá.
+ Nghỉ ngơi tại giường.
+ Siêu âm kiểm tra trong vòng 48 giờ.
Khám và điều trị chấn thương tinh hoàn sớm giúp bảo vệ chức năng sinh dục nam giới
- Độ II - V: Rách bao trắng, mất nhu mô hoặc vỡ tinh hoàn
Điều trị phẫu thuật cấp cứu:
+ Tiến hành: rạch rộng da bìu, cầm máu cẩn thận, lấy hết máu cục, thăm dò tinh hoàn.
+ Nếu bao trắng rách gọn (độ II): cắt lọc tổ chức hoại tử hay thiếu sức sống, cầm máu tỉ mỉ, đóng bao trắng với chỉ tiêu chậm 4.0.
+ Nếu tinh hoàn dập vỡ một phần (độ III, IV) chỉ nên cắt bỏ phần giập nát và lấy bỏ nhu mô tinh hoàn đùn ra ngoài sau đó khâu kỹ vỏ bao trắng bằng chỉ tiêu chậm 4.0. Nếu bao trắng không đủ thì có thể dùng vạt tinh mạc (tunica vaginalis) để che phủ nhu mô tinh hoàn.
+ Nếu nghi ngờ khả năng sống của tinh hoàn thì có thể ủ tinh hoàn bằng gạc tẩm nước muối ấm trong vòng 5 phút và theo dõi sự cải thiện của tưới máu. Dùng dao lạnh rạch bao trắng, nếu có máu đỏ tươi chảy có nghĩa là đủ máu nuôi dưỡng tinh hoàn. Nếu chảy dịch đen sẫm chứng tỏ tinh hoàn bị thiếu máu và cần cắt bỏ tinh hoàn.
+ Trường hợp tinh hoàn bị dập nát hoàn toàn (độ V) thì cắt bỏ tinh hoàn.
Ngoài ra, nếu phát hiện các tổn thương khác thì cần xử trí bằng phương pháp phù hợp:
+ Xoắn tinh hoàn: nỗ lực tìm cách tháo xoắn để bảo tồn tinh hoàn nhưng nếu có dấu hiệu hoại tử thì cần cắt bỏ.
+ Tinh hoàn chuyển vị: nhanh chóng cố định tinh hoàn trở về vị trí bình thường vì nguy cơ tổn thương chủ mô tinh hoàn có thể xảy ra do vị trí tinh hoàn bị chuyển vị đến có nhiệt độ không phù hợp với tinh hoàn.
Nếu đang nghi ngờ chấn thương tinh hoàn, quý khách hàng có thể đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, phát hiện chính xác bệnh. Để thuận tiện hơn trong việc chủ động về thời gian thăm khám, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56, tổng đài viên của bệnh viện sẽ hướng dẫn quý khách thao tác đặt lịch nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!