Tin tức

Chỉ số điện giải K+ trong xét nghiệm điện giải đồ: Ý nghĩa và phương pháp ổn định

Ngày 10/02/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Chỉ số điện giải K+ (kali) là một yếu tố quan trọng trong xét nghiệm điện giải đồ, giúp đánh giá nồng độ kali trong máu. Đây là chỉ số tham gia vào quá trình duy trì cân bằng điện giải và các hoạt động của cơ thể. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin cụ thể để bạn hiểu hơn về chỉ số điện giải K+ để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.

1. Vai trò của chỉ số điện giải K+ trong cơ thể

Kali là khoáng chất và cũng là ion dương chính trong tế bào, có vai trò ổn định áp lực thẩm thấu và điều hòa hoạt động của cơ tim, cơ xương.

Chỉ số điện giải K+ không chỉ phản ánh tình trạng sức khỏe tổng quát mà còn đặc biệt quan trọng đối với các hệ cơ quan chính trong cơ thể.

- Đối với hệ thần kinh:

Kali tham gia vào quá trình truyền tín hiệu thần kinh, đảm bảo hoạt động của tế bào thần kinh.

- Đối với hệ tim mạch:

Kali có vai trò duy trì nhịp tim ổn định và ngăn ngừa các rối loạn nhịp tim nguy hiểm.

- Đối với hệ thống cơ

Kali đảm bảo sự co và giãn của cơ. Thiếu kali khiến người bệnh bị chuột rút, yếu cơ.

K+ là một trong các ion dương giúp ổn định chức năng của các hệ cơ quan trong cơ thể

K+ là một trong các ion dương giúp ổn định chức năng của các hệ cơ quan trong cơ thể

2. Xét nghiệm điện giải đồ là như thế nào?

Xét nghiệm điện giải đồ được thực hiện để đo lường và đánh giá nồng độ các chất điện giải có trong máu như natri (Na+), kali (K+), clorua (Cl-),... Mục đích xét nghiệm này nhằm:

- Kiểm tra chức năng thận.

- Đánh giá tình trạng mất nước hoặc mất cân bằng điện giải của cơ thể.

- Hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý tim mạch, thần kinh.

3. Ý nghĩa của chỉ số điện giải K+ trong xét nghiệm điện giải đồ

3.1. Tại sao cần quan tâm đến chỉ số điện giải K+?

Bình thường, chỉ số điện giải kali máu ở mức 3. 5 - 5 mmol/l. Chỉ số này quá cao hay quá thấp nếu không kiểm soát tốt có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm như ngừng tim, yếu cơ, rối loạn thần kinh,...

Theo dõi chỉ số điện giải K+ định kỳ không chỉ giúp phát hiện và điều trị kịp thời các rối loạn mà còn cải thiện cuộc sống của người bệnh, nhất là người có bệnh mạn tính.

Các trường hợp sau cần quan tâm đặc biệt đến việc xét nghiệm điện giải đồ định kỳ:

- Người bị rối loạn nhịp tim, suy thận, huyết áp cao.

- Bệnh nhân có triệu chứng chuột rút, mệt mỏi hoặc yếu cơ.

Xét nghiệm điện giải đồ là công cụ hữu ích để kiểm tra sức khỏe tổng quát, nhất là các trường hợp có nguy cơ mất cân bằng điện giải. Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ có kế hoạch đưa ra phác đồ điều trị và có biện pháp để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Rối loạn chỉ số điện giải K+ có thể do thận bị tổn thương

Rối loạn chỉ số điện giải K+ có thể do thận bị tổn thương

3.2. Rối loạn chỉ số điện giải K+, nguyên nhân do đâu?

Rối loạn chỉ số điện giải K+ xảy ra khi nồng độ kali trong máu vượt ngoài phạm vi bình thường. Nguyên nhân của tình trạng này thường bắt nguồn từ bệnh lý, chế độ dinh dưỡng,...

Chỉ số điện giải K+ tăng cao chủ yếu do các tình trạng:

- Giữ lại kali: Do suy thận, do sử dụng 1 số thuốc như ức chế men chuyển, chống viêm không phải steroid, các bệnh ly toan hóa do ống thận. HC kháng corticoid. 

- Phân bố lại kali trong cơ thể đối với các trường hợp: 

+ Liệt chu kỳ gây tăng kali máu có tính chất gia đình. 

+ Nhiễm toan hóa cấp.

+ Giảm insulin. 

+ Dùng dịch ưu trương (manitol, muối ưu trương).

+ Tan máu trong phản ứng truyền máu, tiêu cơ vân.

+ Phá hủy nhiều mô cơ và nhanh: hội chứng giập nát mô, hóa trị liệu tích cực, sau phẫu thuật lớn, bỏng.

- Nguyên nhân khác

+ Cung cấp quá nhiều kali. 

+ Nối niệu quản vào ruột. 

+ Hội chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh, suy thượng thận. 

Chỉ số K+ thấp chủ yếu do: nôn mửa kéo dài, tiêu chảy, dùng thuốc lợi tiểu, chế độ ăn thiếu kali hoặc mắc bệnh lý làm mất kali qua thận. Tình trạng này không được điều trị sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, chuột rút, yếu cơ, hạ huyết áp, nhịp tim không đều,... 

4. Phương pháp điều chỉnh chỉ số điện giải K+

Điều chỉnh rối loạn chỉ số điện giải K+ muốn đạt hiệu quả như mong muốn cần có sự kết hợp của nhiều phương pháp:

4.1. Đối với trường hợp chỉ số K+ tăng cao

Khi nồng độ kali trong máu vượt ngưỡng 5 mmol/L được xem là cao. Trường hợp này, phương pháp điều chỉnh bao gồm:

- Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Hạn chế ăn nhóm thực phẩm nhiều kali như chuối, cam, khoai tây, bơ, các loại hạt, đậu,... và thay bằng nhóm thực phẩm ít kali hơn như táo, dưa chuột, gạo trắng.

- Sử dụng thuốc giảm kali

Một số thuốc liên kết kali trong ruột để giảm hấp thụ hoặc thuốc lợi tiểu sẽ được dùng để để tăng đào thải kali qua nước tiểu.

- Điều trị cấp cứu

+ Truyền insulin và glucose: Giúp kali di chuyển từ máu vào trong tế bào.

+ Sử dụng canxi: Bảo vệ tim khỏi tác động của tăng kali máu.

+ Chạy thận nhân tạo: Áp dụng trong trường hợp tăng chỉ số điện giải K+ đe dọa tính mạng hoặc suy thận.

4.2. Đối với trường hợp chỉ số K+ thấp

Khi nồng độ kali trong máu giảm dưới 3.5 mmol/L, cơ thể có thể gặp các triệu chứng mệt mỏi, chuột rút, nhịp tim không đều. Trong trường hợp này, muốn điều chỉnh để ổn định chỉ số điện giải K+, người bệnh cần:

- Bổ sung qua chế độ dinh dưỡng

Bổ sung thực phẩm giàu kali như rau xanh đậm, quả bơ, dưa hấu, nước dừa,... với lượng vừa phải, tránh tăng kali quá nhanh.

- Bổ sung kali qua thuốc

Thuốc bổ sung kali dạng viên hoặc dung dịch uống hoặc truyền tĩnh mạch theo chỉ định của bác sĩ. Quá trình điều trị cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi để đảm bảo không gặp phải biến chứng.

- Kiểm soát bệnh lý gây mất kali

+ Điều chỉnh liều thuốc lợi tiểu hoặc thay thế bằng thuốc ít ảnh hưởng đến kali.

+ Điều trị các bệnh lý gây mất nước như tiêu chảy, nôn mửa kéo dài.

Khách hàng xét nghiệm điện giải đồ trong lần kiểm tra sức khỏe tại MEDLATEC

Khách hàng xét nghiệm điện giải đồ trong lần kiểm tra sức khỏe tại MEDLATEC

Cân bằng chỉ số điện giải K+ là cần thiết để tránh gây nên những vấn đề nguy hại cho sức khỏe, nhất là với bệnh nhân suy thận, mắc bệnh tim mạch hoặc rối loạn điện giải. Kiểm tra sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất giúp phát hiện rối loạn chỉ số K+ và có biện pháp can thiệp khi cần thiết để duy trì sức khỏe ổn định.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe, làm xét nghiệm điện giải đồ tại Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn, hướng dẫn thao tác đặt lịch nhanh chóng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ