Tin tức

Chỉ số điện giải Na+ và những vấn đề cần biết về điện giải đồ

Ngày 16/12/2024
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Chỉ số điện giải Na+ thể hiện một phần sự cân bằng nước và chất điện giải của cơ thể. Bất thường về chỉ số Na+ phản ánh các vấn đề liên quan đến thận, tim mạch, rối loạn thần kinh,... Vì thế cần tìm ra nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bạn có thể tìm hiểu thêm về chỉ số này qua những thông tin do MEDLATEC chia sẻ sau đây.

1. Điện giải đồ và vai trò của chỉ số điện giải Na+ 

Điện giải đồ là xét nghiệm dùng để đo nồng độ các ion điện giải trong máu, gồm: Natri (Na+), Kali (K+), Clo (Cl-). Những ion này duy trì cân bằng nước, hỗ trợ hoạt động của các cơ quan và điều chỉnh chức năng thần kinh cơ.

Các quá trình sau đều có sự tham gia của ion Natri (Na+):

- Cân bằng nước và áp lực thẩm thấu: Na+ điều chỉnh lượng nước ra vào tế bào, ổn định chỉ số huyết áp và thể tích máu.

- Dẫn truyền thần kinh: Dẫn truyền tín hiệu thần kinh giữa các tế bào.

- Chức năng cơ: Natri kết hợp với các ion khác để đảm bảo hoạt động co giãn của cơ.

Bình thường, chỉ số điện giải Na+ ở mức: 135 - 145 mmol/l.

Na+ là một trong các ion điện giải trong máu

Na+ là một trong các ion điện giải trong máu

2. Các yếu tố có thể tác động làm thay đổi chỉ số điện giải Na+

Chỉ số điện giải Na+ có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố:

- Chế độ ăn 

+ Sử dụng lượng muối quá mức làm tăng Na+.

+ Thiếu muối gây giảm Na+.

- Thói quen sinh hoạt

+ Luyện tập thể dục cường độ cao nhưng không bổ sung đủ nước và muối.

+ Trong khoảng thời gian ngắn uống lượng nước quá nhiều.

- Tình trạng bệnh lý

+ Bệnh nội tiết: Suy thượng thận, đái tháo đường.

+ Bệnh mạn tính: Suy thận, suy tim.

3. Nguyên nhân gây tăng chỉ số điện giải Na+ và những tác động tới sức khỏe

3.1. Nguyên nhân tăng Na+

Tăng chỉ số Na+ thường là do:

- Mất nước 

+ Tiêu chảy kéo dài, nôn ói liên tục hoặc đổ mồ hôi nhiều dẫn đến mất nước nhưng không được bù kịp thời.

+ Sốt cao kéo dài.

- Tiêu thụ lượng muối lớn do

+ Lạm dụng các loại đồ ăn nhanh, dùng quá nhiều muối cho bữa ăn.

+ Sử dụng nước biển để nấu ăn hoặc uống.

- Suy giảm chức năng thận

+ Bệnh thận mạn tính khiến cho khả năng lọc và bài tiết Na+ của thận giảm.

+ Hội chứng mất cân bằng nước ở bệnh nhân suy thận.

- Bệnh lý nội tiết

+ Cường cortisol hoặc bệnh Addison có thể gây mất cân bằng hormone, dẫn đến tăng chỉ số điện giải Na+.

+ Tăng tiết aldosteron khiến tái hấp thu Na+ ở thận gia tăng.

3.2. Tác động của tăng Na+

Chỉ số Na+ tăng cao nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến:

- Khát nước nghiêm trọng

Khi chỉ số điện giải Na+ trong máu tăng cao, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách kích thích cảm giác khát để bù nước. Điều này thường dễ xảy ra ở người già hoặc bệnh nhân mất nước.

- Tổn thương thận

Chỉ số Na+ tăng cao kéo dài làm gia tăng áp lực lọc tại thận, gây tổn thương các đơn vị chức năng của thận.

- Rối loạn thần kinh

+ Gây nên các biểu hiện: Lú lẫn, co giật hoặc hôn mê.

+ Ảnh hưởng đến hoạt động của các tế bào thần kinh, khiến người bệnh phản xạ kém hoặc mất khả năng tập trung.

- Tăng nguy cơ bệnh tim mạch:

Tăng quá mức Na+ là nguyên nhân tăng áp lực máu, cao huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.

Tăng chỉ số điện giải Na+ trong thời gian dài dễ làm tổn thương thận

Tăng chỉ số điện giải Na+ trong thời gian dài dễ làm tổn thương thận

4. Nguyên nhân làm giảm chỉ số Na+ và những tác động tới sức khỏe

4.1. Nguyên nhân giảm Na+

Chỉ số điện giải Na+ giảm thường xảy ra trong các trường hợp:

- Mất natri quá mức qua dịch tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, da (bỏng, tiết nhiều mồ hôi), thận (dùng thuốc lợi tiểu, đái tháo đường,...) hoặc do chọc dịch cổ trướng quá nhiều.

- Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp.

Tăng sản xuất hormone kháng bài niệu gây giữ nước trong thận và pha loãng Na+, dễ gặp nhất ở người bị tổn thương thần kinh hoặc ung thư phổi.

- Mất quá nhiều Na+ qua đường tiết niệu và mồ hôi

+ Dùng thuốc lợi tiểu không đúng cách.

+ Đổ mồ hôi nhiều do tập luyện hoặc thời tiết nóng.

- Bệnh lý mạn tính

Giảm chỉ số điện giải Na+ dễ gặp ở người mắc bệnh thận, suy tim, suy gan hoặc bệnh lý tuyến giáp, suy tuyến yên.

4.2. Tác động của giảm Na+

Giảm chỉ số Na+ không được can thiệp kịp thời rất dễ gây:

- Yếu cơ và mệt mỏi

Na+ thấp làm giảm khả năng dẫn truyền tín hiệu giữa các cơ, gây yếu cơ, đau nhức hoặc chuột rút.

- Phù não

Khi chỉ số điện giải Na+ giảm, nước từ máu di chuyển vào trong tế bào, gây sưng phồng tế bào não, dẫn đến phù não. Phù não nhẹ gây buồn nôn, chóng mặt, đau đầu. Phù não nặng gây co giật, lú lẫn, hôn mê và tử vong.

- Rối loạn nhịp tim

Na+ đóng vai trò quan trọng đối với ổn định hoạt động của cơ tim. Khi chỉ số điện giải Na+ giảm, nhịp tim không ổn định, tiềm ẩn nguy cơ suy tim hoặc nhiều vấn đề tim mạch khác.

- Tụt huyết áp

Giảm Na+ làm giảm áp suất thẩm thấu từ đó gây hạ huyết áp, chóng mặt và ngất xỉu.

5. Khi nào cần làm xét nghiệm chỉ số điện giải Na+?

Các trường hợp sau được khuyến nghị nên làm xét nghiệm điện giải đồ để đánh giá chỉ số Na+:

- Xét nghiệm không thể thiếu để chẩn đoán và điều trị các tình trạng mất nước và thừa nước.

- Đánh giá các tình trạng rối loạn thần kinh như lú lẫn, kích thích, hôn mê.

- Theo dõi các tình trạng suy thận, xơ gan, đái tháo đường, bệnh lý khối u và đặc biệt theo dõi các bệnh nhân đang điều trị bằng truyền dịch tĩnh mạch.

- Xét nghiệm bổ sung đánh giá các rối loạn điện giải, toan - kiềm và theo dõi sau điều trị cân bằng kiềm - toan.

Khách hàng lấy mẫu xét nghiệm điện giải đồ tại MEDLATEC

Khách hàng lấy mẫu xét nghiệm điện giải đồ tại MEDLATEC

Đặc biệt, những trường hợp sau cần lưu ý để kiểm tra chỉ số Na+ định kỳ:

- Người mắc bệnh mạn tính.

- Bệnh nhân sử dụng thuốc lợi tiểu làm giảm nồng độ Na+.

- Người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ là nhóm có nguy cơ dễ bị mất cân bằng điện giải hơn do khả năng tự điều chỉnh kém.

Chỉ số điện giải Na+ bất thường không chỉ là dấu hiệu của rối loạn nước và điện giải mà còn phản ánh nhiều bệnh lý cần được phát hiện để kịp thời điều chỉnh. Vì thế, nếu nhận thấy các dấu hiệu như trên, người bệnh cần sớm đến khám bác sĩ chuyên khoa.

Quý khách hàng cần tư vấn thêm về các vấn đề liên quan đến điện giải đồ hoặc đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC hãy liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được giải đáp và hướng dẫn chu đáo.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ