Tin tức

Cho trẻ sơ sinh uống nước có ảnh hưởng gì không?

Ngày 28/12/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
70% cơ thể chúng ta là nước và đây là yếu tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe con người. Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị thiếu nước có thể khiến trẻ gặp nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên vì cơ quan thận của trẻ sơ sinh vẫn chưa được hoàn thiện nên nếu bổ sung quá nhiều nước sẽ gây tổn thương thận và nguy hiểm cho bé.

1. Sữa mẹ - nguồn cung cấp nước chính của trẻ sơ sinh

Hơn 80% thành phần chứa trong sữa mẹ là nước, đặc biệt là dòng sữa đầu mỗi cữ bú. Vì vậy nếu thấy trẻ khát thì các mẹ đều có thể cho bé ăn sữa mẹ. Điều này không những giúp trẻ thỏa mãn cơn khát, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày mà còn củng cố hệ thống miễn dịch cho trẻ. 

Một em bé bú mẹ hoàn toàn là khi chỉ được nhận duy nhất nguồn chất dinh dưỡng từ sữa mẹ, không bổ sung thêm bất cứ loại chất lỏng hay thức ăn nào khác. Ngoại trừ trường hợp trẻ cần uống dung dịch bù nước, thuốc nhỏ, khoáng chất, siro vitamin để điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ. 

Sữa mẹ chính là nguồn cung cấp nước chính của trẻ sơ sinh

Sữa mẹ chính là nguồn cung cấp nước chính của trẻ sơ sinh

2. Một số tác hại khi cho trẻ sơ sinh uống nước  

Trẻ sơ sinh uống nước sẽ làm giảm khả năng hấp thụ sữa:

Như đã đề cập thì ở những trẻ dưới 6 tháng tuổi, theo khuyến cáo của WHO thì trẻ nên nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ bởi vì tất cả những gì bé cần đều nằm trong dòng sữa này. Do đó nếu cho trẻ sơ sinh uống nước trong giai đoạn này sẽ gây cản trở cơ thể bé hấp thụ các dưỡng chất có trong sữa mẹ. 

Ngoài ra, thể tích dạ dày của bé vốn rất nhỏ nên uống nước sẽ làm đầy bụng, dạ dày khi ấy không còn khoảng trống dành cho sữa mẹ nữa. Như vậy bé sẽ trở nên biếng bú và không được nhận dưỡng chất cần thiết từ sữa mẹ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ.

Trẻ sơ sinh uống nước có thể bị nhiễm khuẩn: 

Loại nước mà trẻ uống có thể chứa mầm bệnh. Trong khi đó hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn non yếu không đủ sức chống chọi với các tác nhân gây bệnh có trong nước. Thực tế những em bé dưới 6 tháng tuổi được bổ sung nước uống thường có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tiêu chảy cao gấp 2 - 3 lần so với trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. 

Nguy cơ trẻ bị nhiễm độc nước:

Nếu trẻ đã bú sữa mẹ nhưng vẫn tiếp tục cho trẻ uống một lượng lớn nước có thể khiến trẻ bị ngộ độc. Bởi vì khối lượng cân nặng của trẻ sơ sinh thấp, việc uống thêm nước làm dư thừa nhu cầu của cơ thể khiến các chất điện giải trong máu sẽ bị pha loãng. Từ đó làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan khác trong cơ thể và gây ra những biến chứng như co giật, động kinh hay hạ thấp thân nhiệt. 

Chính vì những lý do này nên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không cần bổ sung nước mà chỉ cần bú mẹ ngay cả khi ở trong điều kiện thời tiết khí hậu nắng nóng. 

3. Nên cho trẻ sơ sinh uống nước khi nào? 

Theo khuyến cáo của WHO thì cha mẹ nên bổ sung nước cho trẻ vào những thời điểm sau:

  • Giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm (từ 6 tháng tuổi trở đi) có thể khiến trẻ dễ bị táo bón. Thời gian này hãy cho bé uống nước nhưng vẫn chỉ là bổ sung chứ không được thay thế sữa mẹ. Trẻ nên được uống sữa mẹ trong tối đa 24 tháng để đảm bảo có đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển sau này;

  • Ở những trẻ uống sữa công thức vì không có sữa mẹ thì đôi khi nên cho bé uống thêm một ít nước. Bởi vì trong loại sữa này thường chứa một chút muối, nếu bạn bổ sung nước cho bé sẽ giúp quá trình bài tiết diễn ra dễ dàng hơn. Ngoài ra trẻ uống sữa công thức sẽ lâu hấp thụ hơn sữa mẹ nên nhu cầu uống thêm nước đối với những trẻ này là điều cần thiết;

  • Trong trường hợp trẻ bị sốt, táo bón hoặc mất nước thì bạn có thể cho bé uống một chút nước lọc đun sôi để nguội. Tuy nhiên đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa ăn dặm thì cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé uống nước nhé!

Mẹ có thể bổ sung nước cho trẻ trong giai đoạn ăn dặm

Mẹ có thể bổ sung nước cho trẻ trong giai đoạn ăn dặm

Trẻ sơ sinh ngoài sữa mẹ thì nhu cầu về nước sẽ không cao. Khi bé được 4 - 6 tháng tuổi, cha mẹ có thể cho bé uống khoảng vài ngụm nước mỗi ngày (không được uống quá 4 muỗng cà phê). Ngoài 6 tháng tuổi và khi trẻ lớn hơn thì bạn có thể tăng dần lượng nước, đặc biệt có thể cho bé uống nước canh và nước hoa quả trong chế độ ăn hàng ngày.

4. Cách tập uống nước cho trẻ

Các bậc phụ huynh có thể cho bé uống nước bằng cách dùng muỗng hoặc sử dụng bình nước có vòi dành riêng cho trẻ nhỏ để bé tự tập hút. Nếu bé chưa quen với việc này, bạn hãy làm mẫu để bé bắt chước theo và dần dần bé sẽ tự làm được. 

Tập thói quen uống nước cho trẻ mặc dù không quá phức tạp nhưng lại đòi hỏi tính kiên nhẫn của người lớn. Bởi vì không phải trẻ nào cũng hợp tác uống nước ngay từ lần đầu tiên. Khi bé đã lớn hơn một chút, bạn nên tạo thói quen uống nước cho trẻ sau khi ăn, chơi và sau mỗi lần đi ra ngoài về. Uống nước mặc dù không phù hợp đối với những trẻ chưa đủ 6 tháng tuổi nhưng lại là thói quen tốt giúp bé hạn chế nguy cơ mắc phải các vấn đề về sức khỏe sau này.  Nếu ban đầu bé không thích uống nước thì đừng quát mắng và ép trẻ uống, thay vào đó hãy kiên trì giới thiệu lại cho trẻ vào những lần tiếp theo.

Ngoài ra, trước bữa ăn bạn không nên cho trẻ uống no nước vì trẻ sẽ nhanh cảm thấy no và không còn hứng thú với bữa ăn. Đồng thời thói quen này còn gây loãng dịch vị, làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, có hại cho dạ dày và đường ruột.

Một điều cần lưu ý đó là cha mẹ nên hạn chế việc cho trẻ uống nhiều nước trước khi đi ngủ vì bụng bé sẽ ậm ạch khó chịu, dễ tè dầm hoặc thức dậy giữa đêm để đi tiểu, ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Cha mẹ có thể tập uống nước cho trẻ bằng cách dùng bình sữa, đút thìa hoặc bình tập uống chuyên dụng

Cha mẹ có thể tập uống nước cho trẻ bằng cách dùng bình sữa, đút thìa hoặc bình tập uống chuyên dụng

Trên đây là những chia sẻ của chuyên gia MEDLATEC giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về việc có nên cho trẻ sơ sinh uống nước hay không, thì đối với những trẻ dưới 6 tháng tuổi việc này là không nên. Đến giai đoạn ăn dặm cha mẹ có thể bổ sung nước hàng ngày cho bé với một lượng nhỏ, tăng dần theo độ tuổi của bé.

Để biết thêm các thông tin hữu ích về sức khỏe và đặt lịch khám tại Chuyên khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, cha mẹ hãy liên hệ ngay đến tổng đài 1900 56 56 56, tư vấn viên luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ