Tin tức

Chóng mặt buồn nôn là bệnh gì và cách khắc phục nhanh chóng

Ngày 29/10/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Chóng mặt buồn nôn là những triệu chứng thường đi liền với nhau do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể là lành tính do lo âu, say tàu xe,… hoặc là triệu chứng bệnh lý nguy hiểm. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về tình trạng này, nhận biết chóng mặt buồn nôn là bệnh gì để xử trí đúng cách. 

1. Chuyên gia giải đáp: Chóng mặt buồn nôn là bệnh gì?

Chóng mặt buồn nôn có thể xuất hiện trong nhiều nguyên nhân sức khỏe khác nhau, cần dựa trên các triệu chứng và tình trạng sức khỏe khác để chẩn đoán nguyên nhân chính xác. Vậy cụ thể chóng mặt buồn nôn là bệnh gì?

Chóng mặt buồn nôn là tình trạng sức khỏe thường gặp do nhiều nguyên nhân

Chóng mặt buồn nôn là tình trạng sức khỏe thường gặp do nhiều nguyên nhân

Trong y học có miêu tả tình trạng “chóng mặt tư thế kịch phát lành tính” gây ra triệu chứng chóng mặt thường xuyên liên quan đến tư thế. Người bệnh khi ngồi dậy, xoay đầu hoặc thay đổi tư thế đột ngột thì triệu chứng chóng mặt buồn nôn xuất hiện hoặc tăng lên, ngược lại triệu chứng giảm và hết hẳn khi họ nhắm mắt hay nằm yên. Tình trạng chóng mặt buồn nôn này thường kéo dài từ vài ngày đến vài tuần và có thể tái phát song đây là tình trạng lành tính.

Ngoài ra, chóng mặt buồn nôn nếu do lo âu, căng thẳng quá mức cũng không phải là dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm. Sự lo âu quá mức sẽ khiến dạ dày và thần kinh bị kích thích khiến bạn cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, bối rối. 

Cần theo dõi và điều trị sớm với trường hợp chóng mặt buồn nôn là dấu hiệu của những bệnh lý hay vấn đề sức khỏe sau:

Bệnh lý dạ dày

Nhiễm trùng dạ dày thường là nguyên nhân gây buồn nôn và nôn mửa, bệnh cũng kích thích hệ thần kinh dẫn đến chóng mặt, đau đầu. Tác nhân gây nhiễm trùng dạ dày có thể là virus hoặc vi khuẩn, cần cẩn thận nếu người bệnh nôn quá mức không kiểm soát gây mất nước.

Chóng mặt buồn nôn có thể là dấu hiệu của chấn thương thần kinh

Chóng mặt buồn nôn có thể là dấu hiệu của chấn thương thần kinh

Bệnh lý thần kinh

Triệu chứng chóng mặt buồn nôn xuất hiện trong các trường hợp bị tổn thương thần kinh như nhiễm trùng não, chấn thương vật lý, u nang, xuất huyết não, khối u ác tính hoặc đột quỵ,… Nếu sau khi bị tai nạn hoặc chấn động mạnh ảnh hưởng đến đầu, người bệnh thấy chóng mặt buồn nôn thì cần sớm kiểm tra, sàng lọc các thương tổn ở não.

Ngoài ra, khi triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đau nhức đầu kéo dài không rõ nguyên nhân, cũng nên đi khám kiểm tra bệnh có thể gây thương tổn thần kinh.

Viêm tai trong

Tai trong có vai trò duy trì thăng bằng cho cơ thể, vì thế triệu chứng chóng mặt buồn nôn sẽ xuất hiện nếu bạn mắc các bệnh liên quan bao gồm viêm, nhiễm trùng hay chấn thương vật lý. Viêm tai trong có thể tiến triển chậm hoặc xảy ra đột ngột, đây là bệnh lý nguy hiểm cần sớm điều trị.

Đau nửa đầu

Người bị đau nửa đầu có nhiều thay đổi về tầm nhìn và nhận thức, trong đó triệu chứng chóng mặt buồn nôn cũng thường xuất hiện trước khi cảm giác đau nhức nửa đầu xuất hiện. 

Triệu chứng chóng mặt buồn nôn do đau nửa đầu

Triệu chứng chóng mặt buồn nôn do đau nửa đầu

Tổn thương nội tạng

Tổn thương nội tạng do bệnh lý, ngộ độc hay chấn thương vật lý sẽ gây ra những cơn đau đớn dữ dội kèm theo triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, nôn ói. Điển hình là đau ruột thừa, thủng ruột hoặc tổn thương tuyến tụy đều nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh cần được cấp cứu kịp thời.

2. Khi nào chóng mặt buồn nôn là dấu hiệu nguy hiểm?

Chóng mặt buồn nôn do những nguyên nhân lành tính như say tàu xe, căng thẳng thần kinh hay là dấu hiệu của thai kỳ sẽ sớm thuyên giảm và không gây vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu rơi vào những trường hợp sau, bệnh nhân nên đi khám  càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 24 giờ:

  • Buồn nôn, nôn mửa kéo dài đi kèm với sốt không thuyên giảm.

  • Đau nửa đầu đi kèm với chóng mặt, buồn nôn không giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn.

  • Người bệnh không thể ăn uống và sinh hoạt.

Nguy hiểm hơn nếu chóng mặt buồn nôn đi kèm với các dấu hiệu sau, bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay:

  • Đau đầu dữ dội, nhất là khi cơn đau thường xuất hiện hoặc có chấn thương vùng đầu trước đó.

  • Mất thăng bằng, thay đổi ý thức, khó hoặc không thể suy nghĩ.

  • Bệnh nhân gặp khó khăn khi phát âm hoặc thay đổi tầm nhìn.

  • Nôn, đi ngoài ra máu.

  • Có dấu hiệu suy gan như vàng da, đau vùng bụng trên.

  • Đau dạ dày hoặc có nguy cơ nhiễm độc nội tạng như: dùng chất kích thích, uống thuốc quá liều hoặc chất độc,…

chóng mặt buồn nôn là bệnh gì

Chóng mặt buồn nôn có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm

Cấp cứu và chữa trị chậm trễ trong các trường hợp trên có thể khiến bệnh nhân tử vong hoặc để lại di chứng sức khỏe nặng nề.

3. Cách điều trị và phòng ngừa chứng chóng mặt buồn nôn

Chứng chóng mặt buồn nôn do các nguyên nhân lành tính thường xảy ra cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Áp dụng những cách sau giúp bạn kiểm soát được tình trạng này tốt hơn.

3.1. Tránh thay đổi tư thế quá đột ngột

Khi tình trạng chóng mặt buồn nôn thường xuất hiện khi bạn đột ngột ngồi dậy hoặc đứng dậy, hãy khắc phục bằng cách thay đổi tư thế chậm rãi hơn. Tốt nhất khi đứng dậy, xoay đầu hoặc thực hiện các tư thế thay đổi độ cao, vị trí đầu, nên nhắm mặt để hạn chế thị giác bị kích thích. Cách này cũng hiệu quả với người bị say tàu xe, nên nhắm mắt để giảm cảm giác say như buồn nôn, chóng mặt do thị giác bị kích thích.

3.2. Dùng thuốc hỗ trợ

Người bị chóng mặt buồn nôn do kích thích thần kinh quá mức có thể bổ sung thuốc an thần mỗi khi người bệnh quá lo lắng, sợ hãi,… Tuy nhiên, những thuốc này không giúp chữa dứt điểm tình trạng chóng mặt buồn nôn và có nhiều tác dụng phụ, do đó nên sử dụng đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.

Với những bệnh nhân bị chóng mặt, buồn nôn nặng không thể khắc phục bằng ổn định tư thế, có thể dùng thuốc kháng histamin.

chóng mặt buồn nôn là bệnh gì

Có thể dùng thuốc an thần nếu bị chóng mặt, đau đầu do kích thích thần kinh quá mức

3.3. Cách phòng ngừa khác

Khi cơn chóng mặt, buồn nôn xảy ra, tốt nhất hãy nhắm mắt lại, hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh, tìm tư thế nghỉ ngơi thích hợp. Ổn định nhịp thở rất quan trọng để giảm cảm giác buồn nôn và chóng mặt, cách này đặc biệt hiệu quả với người bệnh mắc chứng chóng mặt tư thế kịch phát.

Như vậy, chứng chóng mặt buồn nôn có thể là tình trạng lành tính do thần kinh bị kích thích khi say tàu xe, căng thẳng quá mức, thay đổi tư thế đột ngột,… Tuy nhiên cần cẩn thận nếu tình trạng này kéo dài không đỡ dù áp dụng các biện pháp khắc phục hoặc đi kèm với triệu chứng nguy hiểm khác, nên đi khám để tìm nguyên nhân bệnh lý. 

Nếu có thắc mắc khác về chứng chóng mặt buồn nôn, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.