Tin tức
Bệnh gai khớp gối: Khả năng chữa khỏi và phương hướng điều trị?
- 01/01/2024 | Gợi ý các bài tập thể dục cho người đau khớp gối
- 17/11/2024 | Khô khớp gối: Nguyên nhân gây nên và biện pháp khắc phục tốt nhất
- 25/11/2024 | Viêm bao hoạt dịch khớp gối: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
1. Cơ chế hình thành và triệu chứng bệnh gai khớp gối
1.1. Cơ chế hình thành
Gai khớp gối là hiện tượng hình thành các mẩu xương nhỏ (gai xương) quanh vùng khớp gối. Những gai này là kết quả của quá trình xương bị thoái hóa hoặc viêm kéo dài.
Cơ chế hình thành gai khớp gối là gì có thể hiểu như sau:
- Thoái hóa sụn khớp: Khi sụn khớp bị bào mòn do tuổi tác hoặc các tác nhân khác, xương dưới sụn sẽ bị lộ ra, kích thích tạo xương mới để bù đắp.
- Viêm khớp: Quá trình viêm mãn tính làm tăng sự lắng đọng canxi, hình thành gai xương.
- Chấn thương: Các tổn thương cơ học tại khớp gối cũng dẫn đến sự hình thành gai xương.
Quá trình thoái hóa sụn khớp tự nhiên có thể hình thành gai khớp gối
1.2. Triệu chứng nhận biết
1.2.1. Khớp gối đau nhức
Đau khớp gối có thể nhẹ vào giai đoạn đầu nhưng tăng dần khi bệnh tiến triển. Đau thường xảy ra khi đi lại, đứng lâu hoặc vận động mạnh. Cơn đau thường xuất hiện nhiều hơn vào sáng sớm hoặc cuối ngày. Đặc biệt, khi thời tiết thay đổi, người bệnh có thể cảm thấy đau dữ dội hơn.
1.2.2. Cứng khớp
Người bệnh thường cảm thấy khớp gối bị đơ, cứng, khó cử động, đặc biệt sau khi thức dậy buổi sáng hoặc sau thời gian ngồi lâu không vận động. Tình trạng này thường kéo dài từ vài phút đến vài giờ tùy thuộc vào mức độ bệnh.
1.2.3. Tiếng kêu trong khớp
Khi người bệnh gập hoặc duỗi gối, có thể cảm thấy lục khục hoặc lạo xạo trong khớp. Cảm giác này xảy ra do bề mặt khớp không còn trơn tru, các gai xương cọ xát vào nhau hoặc vào sụn khớp.
Khi khớp phát ra tiếng kêu cũng thường đi kèm cảm giác đau, nhất là khi vận động mạnh.
1.2.4. Sưng, viêm khớp
Khớp gối có thể bị sưng to hơn bình thường, da vùng khớp gối trở nên đỏ và nóng. Sưng khớp thường do viêm hoặc sự tích tụ dịch trong khớp. Giai đoạn đầu của gai xương khớp gối sưng thường nhẹ nhưng khi bệnh tiến triển nặng, sưng có thể rõ rệt và kéo dài hơn.
Bệnh nhân bị sưng và đau khớp do gai khớp gối
1.2.5. Khớp gối kém linh hoạt
Gai xương khớp gối khiến người bệnh cảm thấy khó gập hoặc duỗi thẳng chân như bình thường. Các hoạt động hàng ngày như chạy, nhảy, hoặc đứng lâu đều trở nên khó khăn.
1.2.6. Khớp gối biến dạng
Khi gai xương phát triển mạnh, khớp gối có thể bị lệch trục hoặc biến dạng, nhìn thấy rõ bằng mắt thường. Đây là giai đoạn bệnh gai khớp gối đã trở nên nghiêm trọng.
2. Khả năng chữa khỏi và phương pháp điều trị bệnh gai khớp gối
2.1. Có thể chữa khỏi gai khớp gối được không?
Gai khớp gối là một bệnh lý mãn tính, chủ yếu do quá trình thoái hóa khớp gây ra. Vì vậy, căn bệnh này không thể chữa khỏi hoàn toàn, đặc biệt khi gai xương đã hình thành. Tuy nhiên, điều trị đúng cách có thể giúp kiểm soát triệu chứng, giảm đau và cải thiện chức năng vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
2.2. Phương pháp điều trị gai khớp gối
2.2.1. Điều trị không dùng thuốc
- Chế độ tập luyện
Tập luyện giúp giảm đau, tăng cường độ linh hoạt của khớp gối. Vì thế, ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể tập một số bài tập như:
+ Bài tập kéo giãn gân và cơ: Giúp giảm cứng khớp, tăng phạm vi chuyển động.
+ Bơi lội: Môn vận động nhẹ mà không tạo áp lực lớn lên khớp gối.
+ Đi bộ nhẹ nhàng: Hỗ trợ lưu thông máu và duy trì độ linh hoạt của khớp.
Người bệnh cần tránh các bài tập nặng hoặc vận động quá mức dễ làm tổn thương thêm khớp gối.
- Chườm nóng hoặc lạnh
+ Chườm lạnh: Áp dụng trong giai đoạn viêm cấp tính để giảm sưng và đau.
+ Chườm nóng: Sử dụng khi cứng khớp để tăng tuần hoàn máu, giúp thư giãn cơ và khớp.
- Điều chỉnh lối sống
+ Giảm áp lực lên khớp gối bằng cách kiểm soát cân nặng thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện.
+ Ngồi, đứng đúng tư thế và hạn chế đứng hoặc ngồi quá lâu.
+ Tránh mang vác nặng hoặc các động tác gập duỗi gối quá mức.
2.2.2. Điều trị bằng thuốc
- Thuốc giảm đau và thuốc chống viêm
+ Paracetamol: Thường được sử dụng ở giai đoạn nhẹ đến trung bình.
+ NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid).
- Thuốc bổ khớp:
+ Glucosamine và Chondroitin: Hỗ trợ tái tạo sụn khớp, cải thiện tình trạng thoái hóa.
+ Hyaluronic Acid: Có thể tiêm trực tiếp vào khớp gối để tăng độ trơn tru, giảm ma sát trong khớp.
- Corticosteroid:
Sử dụng trong trường hợp viêm nặng hoặc đau dữ dội, thường được tiêm trực tiếp vào khớp gối. Tuy nhiên, liều dùng cần được bác sĩ tính toán kỹ để tránh tác dụng phụ.
Điều trị tích cực bởi bác sĩ chuyên khoa giúp kiểm soát nguy cơ biến chứng gai khớp gối
2.2.3. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu giúp cải thiện chức năng vận động của khớp và giảm đau do gai khớp gối. Bác sĩ có thể thực hiện vật lý trị liệu thông qua:
- Sóng siêu âm: Kích thích tuần hoàn máu, giảm sưng viêm.
- Điện xung: Tăng cường lưu thông máu và giảm cơn đau.
- Bài tập phục hồi chức năng: Được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân để cải thiện độ linh hoạt và sức mạnh cơ bắp quanh khớp gối.
2.2.4. Phẫu thuật
Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, khi các biện pháp khác không mang lại hiệu quả, phẫu thuật có thể được bác sĩ cân nhắc. Hiện nay, các phương pháp phẫu thuật gai khớp gối được ưu tiên áp dụng gồm:
- Phẫu thuật nội soi
Quá trình phẫu thuật giúp loại bỏ gai xương hoặc làm sạch các mảnh sụn vỡ trong khớp. Phương pháp này ít xâm lấn và thời gian phục hồi nhanh, tùy từng tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phẫu thuật nội soi.
- Thay khớp gối nhân tạo
Khi khớp gối bị thoái hóa nghiêm trọng, phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo giúp phục hồi chức năng vận động, giảm đau triệt để và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Nếu người bệnh đang băn khoăn bệnh gai khớp gối có chữa được không thì câu trả lời là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát nếu áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Điều quan trọng là người bệnh cần được chẩn đoán bệnh sớm và tích cực điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ. Có như vậy thì chức năng khớp gối mới được bảo vệ tối ưu.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám bệnh lý xương khớp hãy liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!