Tin tức

Co thắt tâm vị là bệnh gì, nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 26/01/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Co thắt tâm vị là một bệnh lý gây khó khăn ở đường tiêu hóa. Thức ăn không được đưa thẳng xuống dạ dày mà bị giữ lại ở thực quản, không được tiêu hóa dễ dẫn đến viêm thực quản. Đây là một bệnh hiếm gặp do đó chúng ta càng không nên lơ là, chủ quan.

1. Tình trạng co thắt tâm vị là gì?

Van cơ giữa thực quản và dạ dày không giãn ra hoàn toàn, đồng thời thực quản lúc này mất khả năng co bóp, không có nhu động thực quản, gọi là co thắt tâm vị. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là do thoái hóa các cơ thực quản hoặc các dây thần kinh điều khiển cơ.  

Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và không phân biệt nam hay nữ. Tuy nhiên, độ tuổi trung niên được cho là độ tuổi mắc bệnh nhiều nhất. Ngoài ra bệnh có thể xảy ra ở những người hay lo âu, dễ xúc động hoặc có thói quen ăn vội.

Sự khác nhau giữa cơ thể bình thường (bên trái) và cơ thể bị co thắt tâm vị (bên phải)

Sự khác nhau giữa cơ thể bình thường (bên trái) và cơ thể bị co thắt tâm vị (bên phải)

2. Nguyên nhân

Việc thoái hóa các cơ thực quản hoặc các dây thần kinh điều khiển cơ được cho là nguyên nhân gây nên co thắt tâm vị. Vậy, các yếu tố tác động nói chung từ đâu?

Một số lý do được kể đến như:

  • Do thói quen ăn uống của mỗi người, ăn quá nóng hoặc quá lạnh. 

  • Quá nhiều glucid, ăn ít protein và vitamin nhóm B cũng là nguyên nhân gây co thắt tâm vị.

  • Là biến chứng của một số bệnh như lao, giang mai, hoặc sốt phát ban,...

  • Thuốc lá, bia rượu hoặc bị phơi nhiễm chất hóa học cũng là những yếu tố gây bệnh.

Bia rượu cũng là một trong những tác nhân gây ra tình trạng co thắt tâm vị

Bia rượu cũng là một trong những tác nhân gây ra tình trạng co thắt tâm vị

3. Cơ thể chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào nếu bị co thắt tâm vị?

Co thắt  tâm vị tuy là một bệnh hiếm gặp, nhưng khi đã mắc phải thì mức độ ảnh hưởng của chúng cũng không hề nhỏ. Khó nuốt hoặc bị nghẹn tức là triệu chứng đặc trưng của bệnh.

Một số triệu chứng khác thường thấy ở người bị co thắt tâm vị như: 

  • Đau vùng ngực thường xuyên, trào ngược thức ăn.

  • Sụt cân do lượng thức ăn đưa vào cơ thể ít dần. 

  • Ợ nóng.

Ngoài các triệu chứng nói trên, co thắt tâm vị còn để lại một số biến chứng cho người bệnh nếu người bệnh không tiến hành điều trị sớm, hoặc quá trình điều trị không hiệu quả:

  • Thức ăn ứ đọng lâu ngày dễ gây viêm loét thực quản, sẹo xơ gây hẹp thực quản.

  • Viêm phổi, áp xe phổi do thức ăn bị trào ngược.

  • Bệnh kéo dài dễ trở thành mãn tính gây gây ung thư hóa.

  • Cơ thể dễ bị suy dinh dưỡng ở giai đoạn cuối của co thắt tâm vị. 

Nuốt nghẹn, đau ngực là những triệu chứng điển hình của co thắt tâm vị

Nuốt nghẹn, đau ngực là những triệu chứng điển hình của co thắt tâm vị

4. Một số phương pháp điều trị

Trước kia cách duy nhất để điều trị co thắt tâm vị là phẫu thuật cơ thực quản nhằm mở cơ thắt giữa thực quản. Tuy nhiên, ngày nay y học ngày càng phát triển, đã có nhiều phương pháp tiến bộ giúp điều trị hiệu quả mà dễ dàng hơn.

Một số phương pháp thường dùng như:

Điều trị bằng thuốc:

Một số thuốc có thể dùng cho những trường hợp nhẹ như: isosorbid nitrat 5 - 10 mg ngậm dưới lưỡi trước khi ăn, một số thuốc chẹn kênh calci có tác dụng làm giãn cơ thắt dưới giúp dễ nuốt như nifedipin. 

Chỉnh định: bệnh nhân lớn tuổi có chống chỉ định nong van hay phẫu thuật.

Điều trị bằng tiêm độc tố Botulinum:

Việc tiêm thẳng loại độc tố này vào cơ thắt thực quản giúp cơ thực quản dưới giãn mở, giảm thiểu trường hợp nuốt nghẹn.

Tuy nhiên, phương pháp này hiệu quả khoảng 30% các trường hợp kéo dài khoảng 1 năm.

Nong bằng bóng hơi:

Đây là một trong những phương pháp được sử dụng khá phổ biến. Một bóng hơi có đồng hồ đo áp lực được đưa vào thực quản bằng máy nội soi. Sau đó bóng hơi được bơm căng giúp làm co giãn cơ thắt thực quản dưới. Tuy nhiên đây là phương pháp dễ xảy ra nhiều biến chứng như cơ thắt thực quản bị chảy máu, xé rách làm mất khả năng hoạt động,...

Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật:

Phương pháp này còn có tên gọi khác là phương pháp Heller. Nó được sử dụng thay cho hai phương pháp trên khi chúng không đạt hiệu quả trong quá trình điều trị. 

Bên cạnh đó việc tạo lập và duy trì một thói quen ăn uống hợp lý, lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng là điều cần thiết.

  • Ăn thức ăn lỏng, vừa ấm, đủ calo, và nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần

  • Nên ưỡn cổ ra phía sau khi nuốt, thở ra mạnh hơn để thức ăn dễ dàng đi xuống dạ dày.

  • Hạn chế ăn vào buổi tối trước khi ngủ, tránh trường hợp bị trào ngược thức ăn. 

  • Không nên uống nước quá lạnh hoặc nóng.

  • Không sử dụng rượu, bia, các chất kích thích khác khi mắc bệnh và đang trong giai đoạn điều trị.

  •  Hạn chế sử dụng một số loại gia vị như tỏi, hành trong chế biến thức ăn cho người bệnh.

Loại bỏ thuốc lá để tăng khả năng điều trị triệt để

Loại bỏ thuốc lá để tăng khả năng điều trị triệt để

Co thắt tâm vị tuy là một căn bệnh hiếm có, tuy nhiên nếu chúng ta không theo dõi điều trị kịp thời thì chúng ta cũng sẽ gánh chịu những hậu quả không hề nhỏ. Càng kéo dài thời gian mắc bệnh, cơ thể càng khó chịu, đau nhức, không ăn uống nhiều, cơ thể gầy dần dễ dẫn đến suy dinh dưỡng. Một khi cơ thể thiếu chất trầm trọng là một trong những yếu tố thuận lợi giúp vi khuẩn phát triển gây nên nhiều căn bệnh khác nhau. Dẫn đến một số biến chứng thậm chí là tử vong.

Do đó chúng tôi hy vọng qua bài viết trên các bạn sẽ hiểu rõ được căn bệnh co thắt tâm vị này. Từ đó có thể đưa ra những biện pháp phòng tránh hiệu quả, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Nếu cần được tư vấn các vấn đề liên quan đến sức khỏe, y tế, độc giả có thể gọi đến 1900565656 để được nhân viên của MEDLATEC hỗ trợ nhanh nhất.

Từ khoá: Co thắt tâm vị

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.