Tin tức
Cúm A/H1pdm có nguy hiểm không? Triệu chứng và phương pháp chẩn đoán
- 01/04/2024 | Từ A đến Z về cúm A H1N1: Triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
- 10/02/2025 | Triệu chứng quan trọng để phân biệt cúm A cúm thường chính xác
- 10/02/2025 | Test cúm A có những phương pháp nào? Quy trình thực hiện ra sao?
1. Hiểu đúng về chủng virus cúm A/H1pdm và cách thức lây lan
Cúm A/H1pdm (hay còn gọi là cúm A/H1N1) là một chủng của virus cúm A, có liên quan với đại dịch cúm toàn cầu được WHO tuyên bố vào năm 2009. Virus này có khả năng gây bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan nhanh qua đường hô hấp, nhất là ở môi trường đông người.
Virus cúm A/H1pdm lan truyền chủ yếu qua giọt bắn và tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt bị nhiễm. Người bị nhiễm có thể truyền virus khi họ ho hoặc nói chuyện gần với người khác. Virus cúm A/H1pdm tồn tại trên các bề mặt và khi người khỏe mạnh chạm vào những bề mặt này cũng có thể bị lây nhiễm.
Ngoài ra, khu vực đông người như trường học, chỗ làm, các sự kiện tập trung đông người,... dễ trở thành môi trường khiến virus phát tán nhanh chóng và lây lan trên phạm vi rộng.
Virus cúm A/H1pdm có khả năng lây và bám nhanh vào niêm mạc đường hô hấp
2. Đánh giá về tính chất nguy hiểm của cúm A/H1pdm
Mức độ nguy hiểm của cúm A/H1pdm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, sức đề kháng và bệnh lý nền của người nhiễm. Hầu hết các ca nhiễm bệnh cúm A/H1pdm có thể tự khỏi hoặc điều trị hiệu quả, nhưng vẫn có những trường hợp virus này gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm phổi cấp tính do virus tấn công sâu vào hệ hô hấp, gây tổn thương mô phổi và khiến người bệnh bị khó thở nghiêm trọng.
- Suy hô hấp: Trong một số trường hợp, các biến chứng về phổi có thể khiến bệnh nhân cần phải dùng máy thở để cải thiện chức năng hô hấp.
- Viêm cơ tim và viêm não: Dù hiếm gặp, nhưng cúm A/H1pdm cũng có thể ảnh hưởng đến tim, não, nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.
- Nhiễm trùng thứ phát: Virus có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn khác xâm nhập gây ra nhiễm trùng thứ phát, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Nhóm đối tượng dễ phải đối diện với nguy cơ biến chứng nghiêm trọng do cúm A/H1pdm gồm:
- Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người già trên 65 tuổi.
- Người có bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch, bị suy giảm miễn dịch,...
- Phụ nữ mang thai.
3. Triệu chứng của cúm A/H1pdm và phương pháp chẩn đoán
3.1. Cảnh giác với triệu chứng của cúm A/H1pdm
Các triệu chứng cho thấy nhiễm cúm A/H1pdm thường xuất hiện sau 1 - 4 ngày kể từ thời điểm bị lây nhiễm virus. Tùy vào mức độ tiến triển của bệnh và khả năng phòng thủ của hệ miễn dịch mà triệu chứng ở mỗi bệnh nhân sẽ có sự khác nhau.
Ban đầu, các triệu chứng không đặc hiệu sau đây sẽ xuất hiện nhưng dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường:
- Sốt đột ngột trên 38 độ C kèm cảm giác lạnh run.
- Đau họng và ho khan.
- Mệt mỏi, nhức đầu.
- Đau cơ, đau khớp.
Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng của cúm A/H1pdm thường trở nên nặng hơn và cần được can thiệp y tế ngay lập tức. Người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như:
- Khó thở, thở gấp.
- Môi tím tái, da xanh xao.
- Đau tức dữ dội ở vùng ngực.
- Mất nước với các biểu hiện chóng mặt, hoa mắt.
- Sức khỏe suy kiệt.
- Lơ mơ, mất ý thức.
Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1pdm bị ho, sốt và đau dữ dội ở ngực
3.2. Phương pháp giúp chẩn đoán đúng cúm A/H1pdm
Quá trình chẩn đoán cúm A/H1pdm được bác sĩ bắt đầu bằng việc khám lâm sàng. Bác sĩ hỏi người bệnh về các triệu chứng đang gặp ở hiện tại, thời điểm xuất hiện và quá trình tiến triển của chúng. Ngoài ra, bác sĩ cũng cần hỏi thêm về lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân để đánh giá nguy cơ lây nhiễm từ vùng có dịch cúm hoặc lây nhiễm từ người đã nhiễm bệnh. Sau đó, người bệnh sẽ được kiểm tra thân nhiệt, đo nhịp tim và khả năng hô hấp để xác định ban đầu về tình trạng bệnh và sức khỏe tổng thể.
Kết thúc quy trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện xét nghiệm chuyên sâu nhằm đưa ra chẩn đoán xác định cúm A/H1pdm. Những xét nghiệm sau đây thường sẽ được tiến hành:
- Test nhanh kháng nguyên: Nhằm phát hiện định tính và phân biệt kháng nguyên virus.
- Xét nghiệm PCR: Chẩn đoán chính xác khả năng nhiễm cúm A/H1pdm. Xét nghiệm PCR giúp phát hiện virus trong mẫu dịch được lấy từ mũi hoặc họng của bệnh nhân.
- Nuôi cấy virus
Những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ biến chứng nghiêm trọng thường sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện thêm các kiểm tra chuyên sâu để đánh giá tình trạng phổi và đường hô hấp như:
- Chụp X-quang ngực: Phát hiện dấu hiệu viêm phổi, tắc nghẽn phổi hoặc tổn thương mô phổi.
- Chụp CT-Scanner: Cung cấp hình ảnh chi tiết để bác sĩ đánh giá đúng mức độ lan rộng của bệnh trong phổi và phát hiện sớm các biến chứng tiềm ẩn. Người bệnh vừa mắc virus cúm hoặc kèm theo bội nhiễm virus, vi khuẩn khác có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nhiều hơn.
- Nội soi Tai mũi họng: Đánh giá biến chứng của virus cúm trên đường hô hấp trên: viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm họng,...
Việc kết hợp các phươngpháp chẩn đoán trên đây sẽ giúp bác sĩ có được cái nhìn tổng quan và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.
Mô phỏng quy trình xét nghiệm PCR chẩn đoán cúm A/H1pdm
4. Cách phòng tránh cúm A/H1pdm
Mặc dù khả năng lây nhiễm cúm A/H1pdm tương đối nhanh nhưng đây vẫn là bệnh lý có thể phòng ngừa được bằng cách:
- Tiêm vắc xin phòng cúm hằng năm.
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, đặc biệt là ở môi trường đông người.
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên, đặc biệt là sau khi nghi ngờ tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm.
- Giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người có dấu hiệu của bệnh cúm.
- Bổ sung vitamin và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể.
Cúm A/H1pdm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng điều này có thể được kiểm soát nếu người bệnh phát hiện và được chẩn đoán bệnh sớm. Mỗi cá nhân hãy chủ động theo dõi sức khỏe của mình, thực hiện phương pháp phòng ngừa đã được khuyến cáo để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Nếu nghi ngờ bản thân hoặc người nhà nhiễm cúm A/H1pdm, quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Tổng đài viên sẽ hướng dẫn bạn đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa hoặc tìm hiểu dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm cúm A tại nhà để được chẩn đoán đúng và có biện pháp điều trị phù hợp, phòng tránh bệnh lây lan.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
![bác sĩ lựa chọn dịch vụ](/media/35762/file/image_2024-10-25_15-20-17.png)