Tin tức

Cùng tìm hiểu những thông tin cơ bản về nấm thực quản

Ngày 12/09/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Nấm thực quản là một dạng bệnh nhiễm trùng và thường gặp ở những đối tượng bị suy giảm hệ miễn dịch. Bệnh khá dai dẳng nhưng nếu kiên trì điều trị vẫn có thể khỏi hoàn toàn. Việc phát hiện sớm không chỉ giúp nâng cao hiệu quả điều trị mà còn hạn chế nguy cơ lây lan sang những vùng lân cận và giảm nguy cơ tổn thương thực quản nghiêm trọng. 

1. Những ai có quy cơ cao với bệnh nấm thực quản?

Nguyên nhân gây ra căn bệnh này chính là nấm Candida. Loại nấm này thường tồn tại ở một số vùng trên cơ thể như khoang miệng, ruột, thực quản, âm đạo. Khi sức đề kháng của con người bị suy giảm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho loại nấm này sinh sôi, phát triển mạnh và gây bệnh. 

Người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ bị nấm thực quản

Người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ bị nấm thực quản

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh nấm thực quản nhưng những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ cao hơn: 

- Trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ mang thai: Đây là những đối tượng có sức đề kháng yếu và rất dễ mắc bệnh, trong đó bao gồm bệnh nấm thực quản. 

- Một số trường hợp bị suy giảm hệ miễn dịch do nhiễm một số bệnh lý mạn tính như bệnh tiểu đường, nhiễm HIV/AIDS, suy tuyến thượng thận, người bệnh sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh, dùng thuốc ức chế miễn dịch, người bệnh vừa trải qua phẫu thuật hoặc xạ trị ung thư vùng cổ,…

- Những người thường xuyên sử dụng chất kích thích, đồ ăn cay nóng,… cũng có nguy cơ phải đối mặt với những bệnh lý về thực quản dạ dày, bao gồm nấm thực quản. 

2. Một số triệu chứng cảnh báo bệnh nấm thực quản 

Giai đoạn đầu, những triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng vì thế rất khó để nhận biết bệnh. Trên thực tế, phần lớn trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán bệnh khi thăm khám sức khỏe đường tiêu hóa hoặc thông qua phương pháp nội soi dạ dày. 

Nấm thực quản thường gây ra những triệu chứng mơ hồ

Nấm thực quản thường gây ra những triệu chứng mơ hồ

Khi tiến triển, bệnh không chỉ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh, gây tổn thương nghiêm trọng vùng thực quản mà còn khiến nấm lây lan sang những cơ quan khác của cơ thể. 

Càng về giai đoạn sau, khi nấm đã sinh sôi phát triển thì những dấu hiệu của bệnh mới trở nên rõ ràng hơn. Dưới đây là một số triệu chứng cảnh báo bệnh nấm thực quản:

- Thường xuyên có cảm giác khó nuốt, dễ bị nghẹn hay đau khi nuốt. 

- Vùng niêm mạc lưỡi, cổ họng, miệng có những mảng trắng bất thường: Đây là dấu hiệu cảnh báo những vùng này đã bị lây lan nấm từ thực quản. 

 - Với những trường hợp bệnh đã tiến triển nghiêm trọng, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng nôn ra máu. 

- Một số triệu chứng khác như tiêu chảy, sốt, giảm cân nhưng không rõ nguyên nhân. 

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp, bệnh nhân có thể phải đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng như viêm loét, thủng thực quản, xuất huyết thực quản, hẹp thực quản,… Đáng lo ngại hơn khi nấm Candida phát triển và lan rộng sang nhiều cơ quan nội tạng khác sẽ có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng hơn. Đồng thời, quá trình điều trị sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. 

Ngược lại, nếu phát hiện sớm và điều trị theo đúng phương pháp, bệnh nhân có thể khỏi bệnh dứt điểm, phục hồi sức khỏe tốt và tránh được những biến chứng nguy hiểm. 

3. Chẩn đoán và điều trị bệnh nấm thực quản bằng những phương pháp nào?

3.1. Chẩn đoán nấm thực quản bằng cách nào?

Những biểu hiện của bệnh nấm thực quản thường khá mờ nhạt, chính vì thế để chẩn đoán bệnh chính xác, các bác sĩ thường chỉ định người bệnh thực hiện nội soi thực quản. Đây là cách đưa một loại thiết bị đã được gắn sẵn camera nhỏ vào thực quản để thấy rõ được tình trạng thực quản của người bệnh. Bệnh nấm thực quản có thể chia thành nhiều cấp độ khác nhau, cụ thể như sau: 

Nội soi thực quản để chẩn đoán bệnh

Nội soi thực quản để chẩn đoán bệnh

- Nấm thực quản cấp độ 1: Số lượng nấm ít, xuất hiện mảng trắng ở thực quản nhưng với kích thước nhỏ, chỉ 2 mm, có thể xảy ra tình trạng xung huyết nhưng không phù, loét.

- Nấm thực quản cấp độ 2: So với cấp độ 1, lúc này mảng trắng do nấm thực quản đã xuất hiện nhiều hơn với kích thước >2mm, có thể xảy ra tình trạng phù hoặc xuất huyết nhưng chưa dẫn đến loét thực quản. 

- Nấm thực quản cấp độ 3: Mảng nấm trắng xuất hiện nhiều hơn trong thực quản, thậm chí tạo thành từng đám, bám dọc trên ống thực quản. Lúc này, thực quản của người bệnh đã có dấu hiệu phù, xung huyết và loét. 

- Nấm thực quản cấp độ 4: Bước sang giai đoạn này, bệnh nhân đã bị tổn thương khá nghiêm trọng ở thực quản và còn xảy ra tình trạng chít hẹp niêm mạc. 

Bên cạnh đó, trong quá trình nội soi, các bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết. Mẫu bệnh phẩm sẽ được nuôi cấy trong phòng xét nghiệm để định danh loại nấm. Khi đã xác định rõ được loại nấm gây bệnh, bác sĩ sẽ có thể đưa ra phương pháp điều trị bệnh hiệu quả hơn. 

3.2. Phương pháp điều trị nấm thực quản

Hiện nay, phương pháp chủ yếu được áp dụng trong điều trị căn bệnh này là sử dụng thuốc kháng nấm. Có thể dùng thuốc qua đường uống hoặc truyền qua đường tĩnh mạch. 

Dùng thuốc để tiêu diệt nấm ở thực quản

Dùng thuốc để tiêu diệt nấm ở thực quản

Tùy vào từng trường hợp, các bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc kháng nấm phù hợp. Mỗi bệnh nhân cũng sẽ được áp dụng liều lượng thuốc khác nhau. Do đó, người bệnh không nên tự ý mua thuốc, lạm dụng thuốc hoặc ngừng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đây là những thói quen xấu, không những không đạt hiệu quả điều trị mà còn khiến cho tình trạng sức khỏe của người bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Lời khuyên tốt nhất dành cho bạn đó là hãy đi khám sớm ngay khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường. 

Bên cạnh việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh nhân cũng cần áp dụng chế độ ăn khoa học, phù hợp với thể trạng sức khỏe. Nên ăn những thức ăn mềm, dạng lỏng. Đặc biệt hạn chế các loại nước uống có gas, có cồn và những loại đồ ăn ngọt,… 

Nên duy trì các thói quen sinh hoạt lành mạnh để cải thiện tình trạng bệnh chẳng hạn như uống nhiều nước, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, nghỉ ngơi hợp lý, tập luyện thể dục,…

Để đặt lịch thăm khám và tư vấn sức khỏe, quý khách hàng có thể liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được tư vấn và hướng dẫn đặt lịch khám sớm. 

Từ khoá: nấm Candida

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.