Tin tức

Da bị trầy xước bôi thuốc gì mau lành? Lưu ý khi chăm sóc vết thương

Ngày 01/05/2024
Nguyễn Thu Hằng
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Trầy xước da trong sinh hoạt hàng ngày là điều khá thường gặp. Đây thường là các tổn thương ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể hồi phục sau khi chăm sóc, vệ sinh và bôi thuốc. Vậy da bị trầy xước bôi thuốc gì mau lành và an toàn?

1. Trầy xước da là tình trạng như thế nào?

Trầy xước trên da là một dạng tổn thương bề mặt biểu bì da do cọ xát trực tiếp với các bề mặt cứng, thô ráp hoặc vật dụng sắc nhọn. Tình trạng trầy xước da được phân loại vào nhóm vết thương kín do các mô bên dưới biểu bì không bị ảnh hưởng và tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Da bị trầy xước là tổn thương nông nên ít chảy máu hoặc nếu có thì chảy không nhiều máu, tuy nhiên sẽ đi kèm theo cảm giác đau, rát khi bị thương.

Da bị trầy xước thường do tai nạn xe hoặc va quẹt với bề mặt cứng, thô ráp

Da bị trầy xước thường do tai nạn xe hoặc va quẹt với bề mặt cứng, thô ráp

Các tình huống thường khiến da bị trầy xước như té ngã, tai nạn giao thông, va quẹt,... tại các vị trí dễ tiếp xúc như tay chân, khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân,...

2. Các mức độ trầy xước trên da

Tuỳ thuộc vào độ ma sát giữa da và bề mặt tiếp xúc khi tai nạn thì tình trạng trầy xước trên da sẽ được phân loại thành các mức từ nhẹ đến nặng như:

2.1. Trầy xước nhẹ

Bề mặt da khi trầy xước nhẹ phần lớn không có hiện tượng chảy máu, thay vào đó vùng da ma sát sẽ hơi ửng đỏ, sưng nhẹ và có vết xước nông. Tình trạng này còn được gọi là xước da hoặc bong tróc. Tổn thương của vết thương này chỉ ảnh hưởng đến bề ngoài của biểu bì nên thời gian hồi phục nhanh và tỷ lệ để lại sẹo thấp.

2.2. Trầy xước trung bình

Đối với mức độ trầy xước trung bình là những tổn thương ở phần biểu bì và một phần hạ bì tạo thành vết thương có độ lõm nhẹ. Tại vị trí bị thương có hiện tượng chảy máu nhẹ, tiết dịch, xung quanh miệng vết thương có dấu hiệu sưng và đỏ da. Ngoài ra, ngoài cảm giác rát thì người bị thương có thể bị đau và khó di chuyển nếu vết thương tại các vị trí như khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân.

Trầy xước mức trung bình có thể bị chảy máu và sưng nhẹ

Trầy xước mức trung bình có thể bị chảy máu và sưng nhẹ

2.3. Trầy xước nặng

Trầy xước nặng là tình trạng da bị ma sát nghiêm trọng gây tổn thương sâu đến phần hạ bì với hiện tượng chảy máu nhiều, đau rát dữ dội. Vết xước sâu có hình dáng lõm xuống và quầng da sưng đỏ nặng kèm cảm giác đau buốt, khó vận động. Với vết trầy xước nặng thì người bệnh cần được kiểm tra và chăm sóc y tế tại các cơ sở phòng khám, bệnh viện để tránh tình trạng nhiễm trùng.

3. Cách sơ cứu vết thương

Bất kỳ vết thương trầy xước nhẹ hay nặng thì việc sơ cứu đúng cách và kịp thời luôn giúp hạn chế tối đa khả năng nhiễm trùng. Các bước sơ cứu vết thương tại chỗ bao gồm:

       Vệ sinh tay và dụng cụ sơ cứu bằng cồn để tránh nhiễm khuẩn.

       Người sơ cứu cần mang bao tay y tế nếu có. Trường hợp không có bao tay, người thực hiện nên vệ sinh sạch sẽ bằng cồn và lau khô bằng khăn giấy sạch.

       Cầm máu: Đối với vết thương sâu có chảy máu, dùng khăn sạch, băng gạc để ép lên giúp hỗ trợ cầm máu. Nâng cao bộ phận nơi có vết thương đang chảy máu để giảm lượng máu đến khu vực này.

       Vệ sinh vết thương: Sau khi máu ngưng chảy, sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước sạch (nước suối, nước lọc,...) để rửa vết thương và lau khô bằng gạc hoặc khăn sạch. Lặp lại thao tác nhiều lần đến khi vết thương không còn dính bụi bẩn. Người sơ cứu không chà sát hoặc tác động lên vết thương trong quá trình vệ sinh. Trường hợp nếu có dị vật, có thể sử dụng nhíp gắp để lấy ra hoặc vết thương sâu thì nên băng bó tạm thời và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý.

Vệ sinh vết thương bằng nước muối sinh lý và băng bó tránh bụi bẩn

Vệ sinh vết thương bằng nước muối sinh lý và băng bó tránh bụi bẩn

       Sau khi vệ sinh sạch sẽ và lau khô bề mặt vết thương có thể sử dụng thuốc bôi kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm tình trạng nhiễm trùng và giúp mau lành.

       Băng vết thương: đối với vết trầy xước nhẹ không chảy máu có thể để không cần băng và để thoáng khí. Các trường hợp vết thương có máu nên sử dụng gạc, băng để che vết thương tránh bụi bẩn cũng như đề phòng trường hợp chảy máu khi vận động.

       Theo dõi nhiễm trùng: khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường như sưng tấy, vết thương tiết dịch mủ, đau dữ dội,... người bệnh nên đến bệnh viện để được kiểm tra và xử để tránh nhiễm trùng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

4. Da bị trầy xước bôi thuốc gì?

Da bị trầy xước bôi thuốc gì là câu hỏi phổ biến được nhiều người quan tâm. Khi da bị trầy xước có thể khiến vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng vì thế sau khi vệ sinh sạch sẽ vết thương bằng nước muối sinh lý thì có thể sử dụng thuốc bôi để giúp kháng viêm. Người bị thương có thể sử dụng thuốc bôi chứa các chất kháng sinh như: thuốc silvirin, thuốc fobancort, fucicort, fucidin,...

Da bị trầy xước bôi thuốc gì là điều được nhiều người quan tâm

Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc bôi kháng sinh khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn của dược sĩ tại nhà thuốc. Khi nhắc đến da bị trầy xước bôi gì thì ngoài các loại thuốc bôi giúp tránh nhiễm trùng, mau lành vết thương thì cũng không nên bỏ qua các loại thuốc bôi mờ thâm, giảm sẹo.

5. Một số lưu ý khi chăm sóc vết thương

Bên cạnh tìm hiểu thông tin da bị trầy xước bôi thuốc gì để vết thương mau hồi phục và hạn chế để lại sẹo thì người bị thương cũng không thể bỏ qua một số lưu ý dưới đây:

Vệ sinh sạch sẽ và giữ vết thương khô ráo để mau hồi phục

Vệ sinh sạch sẽ và giữ vết thương khô ráo để mau hồi phục

       Không được chà sát hoặc tác động mạnh khi vệ sinh hàng ngày.

       Giữ vết thương khô ráo và tránh những nơi nhiều bụi bẩn, ẩm ướt.

       Không bôi dầu hoặc bất kì các loại cồn, oxy già lên vết thương có thể khiến da bị tổn thương nghiêm trọng hơn.

       Thường xuyên theo dõi các biểu hiện nhiễm trùng như: sưng đỏ, đau nhức, sốt, tiết dịch mủ,...

       Hạn chế chạm tay trực tiếp vào miệng vết trầy xước.

       Đối với người bị thương do vật sắt nhọn kim loại gây ra nên đến cơ sở y tế kiểm tra và tư vấn chích ngừa uốn ván sớm.

Hy vọng những thông tin chi tiết trong bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc da bị trầy xước bôi thuốc gì. Nếu nhận thấy vết thương có biểu hiện bất thường, bạn cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và xử lý. Một địa chỉ bạn có thể tham khảo là chuyên khoa Da liễu thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách hãy liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.