Tin tức

Đau đầu vùng trán: căn nguyên và hướng xử trí an toàn

Ngày 10/09/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Đau đầu vùng trán là hiện tượng có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi, làm giảm sút chất lượng cuộc sống. Trong một số trường hợp, cơn đau đầu ở trán còn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý và cần sớm được can thiệp y tế. Trong bài viết dưới đây, MEDLATEC sẽ giúp bạn tìm hiểu về nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này.

1. Những nguyên nhân nào gây nên đau đầu vùng trán?

Đau đầu vùng trán có thể xuất phát từ yếu tố tâm lý nhưng cũng có khả năng do vấn đề về sức khỏe như:

1.1. Căng thẳng tâm lý

Căng thẳng tâm lý là một trong những nguyên nhân chính gây đau đầu vùng trán. Khi bạn phải đối mặt với áp lực từ công việc, gia đình hoặc các mối quan hệ xã hội, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách giải phóng các hormone căng thẳng như cortisol và adrenaline. Đây là các hormone kích thích tăng nhịp tim, huyết áp và gây co thắt cơ vùng đầu cổ. Kết quả là bạn sẽ cảm thấy đau nhức ở vùng trán kèm theo cảm giác nặng nề và căng cứng ở vùng cổ, vai gáy.

Cơn đau do căng thẳng thường kéo dài, có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhưng phổ biến hơn vào buổi chiều hoặc tối do cơ thể đã trải qua mệt mỏi trong một ngày dài. Đặc biệt, những người làm việc văn phòng, phải ngồi lâu trước máy tính hoặc những người làm công việc đòi hỏi tập trung cao thường dễ bị đau đầu vùng trán do căng thẳng.

Căng thẳng và mệt mỏi kéo dài có thể xuất hiện cơn đau đầu vùng trán

Căng thẳng và mệt mỏi kéo dài có thể xuất hiện cơn đau đầu vùng trán

1.2. Mỏi mắt

Mỏi mắt cũng có thể dẫn đến cơn đau đầu vùng trán, nhất là với người làm việc nhiều với máy tính hoặc thiết bị điện tử. Khi mắt phải làm việc quá nhiều trong thời gian dài mà không được nghỉ ngơi, cơ mắt sẽ bị căng thẳng làm vùng trán bị đau nhức.

Ngoài ra, các yếu tố như ánh sáng không đủ, ánh sáng màn hình hoặc đọc sách trong điều kiện ánh sáng kém cũng có thể làm mỏi mắt và gây đau đầu. Cơn đau do mỏi mắt thường khởi phát từ mắt sau đó lan dần lên trán.

1.3. Thiếu ngủ

Ngủ đủ giấc tái tạo năng lượng và duy trì sức khỏe. Khi thiếu ngủ, cơ thể sẽ không được nghỉ ngơi đầy đủ nên dễ bị căng thẳng thần kinh và tăng nguy cơ bị đau đầu vùng trán. 

Đau đầu do thiếu ngủ thường xuất hiện sau khi thức giấc và kéo dài cả ngày. Cơn đau này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu tiếp tục bị thiếu ngủ trong những ngày tiếp theo.

1.4. Viêm xoang

Viêm xoang, nhất là viêm xoang trán thường gây nên triệu chứng đau đầu vùng trán. Tình trạng viêm nhiễm ở xoang khiến cho niêm mạc bên trong xoang sưng nề, tiết nhiều dịch nhầy. Điều này gây ra áp lực lên các vùng xung quanh, đặc biệt là vùng trán, từ đó sinh ra cảm giác đau tức.

Cơn đau do viêm xoang thường gia tăng khi cúi đầu, ho hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột. Ngoài đau đầu vùng trán, viêm xoang còn gây ra các triệu chứng khác như nghẹt mũi, chảy mũi, giảm khứu giác, đôi khi sốt nhẹ. Viêm xoang mạn tính có thể dẫn đến những cơn đau kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị kịp thời.

Đau nhức vùng trán là một trong những triệu chứng của bệnh viêm xoang

Đau nhức vùng trán là một trong những triệu chứng của bệnh viêm xoang

1.5. Bệnh lý khác

Ngoài những nguyên nhân thông thường, đau đầu vùng trán cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng:

- Cao huyết áp: áp lực máu tăng cao có thể gây đau đầu, đặc biệt là vùng trán. 

- U não: mặc dù hiếm gặp, nhưng u não cũng có thể gây đau đầu vùng trán, đặc biệt khi khối u phát triển ở vùng trán. Cơn đau đầu do u não thường kèm theo các triệu chứng buồn nôn, mất cân bằng, thay đổi thị lực.

- Rối loạn thần kinh: một số rối loạn thần kinh như bệnh đau nửa đầu migraine hay các rối loạn co giật cũng có thể gây đau đầu vùng trán. Cơn đau do những bệnh lý này thường dữ dội và kéo dài.

- Bệnh lý khác: đau dây thần kinh, thiếu máu não.

1.6. Yếu tố thời tiết và môi trường

Thời tiết thay đổi, tiếp xúc với chất gây dị ứng, môi trường sống ô nhiễm cũng có thể gây đau đầu vùng trán. Những người nhạy cảm với thời tiết có thể bị đau đầu mỗi khi trời chuyển mưa, gió mùa hoặc áp suất không khí thay đổi. Bên cạnh đó, tiếp xúc với các hóa chất trong không khí, bụi bẩn, khói thuốc lá cũng có thể kích thích các dây thần kinh trong não, tạo điều kiện cho cơn đau xuất hiện.

2. Phương pháp khắc phục đau đầu vùng trán

Để khắc phục tình trạng đau đầu vùng trán, người bệnh cần:

2.1. Thay đổi chế độ sinh hoạt

Chế độ sinh hoạt là thay đổi theo hướng khoa học có thể giảm đau đầu vùng trán. Bạn nên hạn chế căng thẳng, cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, tập luyện thể thao thường xuyên để cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất.

Ngoài ra, các phương pháp thư giãn như yoga, thiền, bấm huyệt,... cũng có thể thực hiện để giảm căng thẳng, cải thiện tuần hoàn máu và thư giãn tinh thần khi bị đau đầu vùng trán.

Bệnh nhân đau đầu vùng trán cần khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân

Bệnh nhân đau đầu vùng trán cần khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân

2.2. Dùng thuốc giảm đau

Trong trường hợp cơn đau không thuyên giảm người bệnh nên khám bác sĩ chuyên khoa để được kê đơn thuốc giảm đau an toàn. Thông thường các loại thuốc giảm đau được sử dụng là paracetamol, ibuprofen hoặc aspirin, thuốc cải thiện tuần hoàn não.

2.3. Điều trị bệnh lý gốc

Nếu đau đầu vùng trán xuất phát từ các bệnh lý như viêm xoang, huyết áp cao, cận thị,... thì cần điều trị căn nguyên này. Người bệnh cần có sự chẩn đoán từ bác sĩ chuyên khoa để được định hướng phác đồ điều trị thích hợp.

Trường hợp bị đau đầu vùng trán kéo dài vài ngày, đã dùng thuốc giảm đau mà không thuyên giảm hoặc đi kèm với các triệu chứng như chóng mặt, mất cân bằng, buồn nôn, yếu liệt một phần cơ thể,... thì cần thăm khám ngay.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn thao tác đặt lịch nhanh chóng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.