Tin tức

Dấu hiệu bệnh mộng du điển hình và phương pháp điều trị

Ngày 19/05/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Bệnh mộng du là một dạng rối loạn giấc ngủ gặp ở một số người, khiến họ thực hiện nhiều hành động giống như khi thức nhưng thực tế vẫn chìm trong giấc ngủ, không nhận thức được việc mình làm. Một cơn mộng du có thể chỉ xảy ra vài phút nhưng cũng có thể kéo dài lâu hơn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh và gây phiền toái cho những người xung quanh. Dấu hiệu bệnh mộng du khá điển hình và dễ nhận biết.

1. Dấu hiệu bệnh mộng du điển hình nhất

Cơn mộng du thường xuất hiện vào đầu buổi đêm, khi người bệnh đã chìm vào giấc ngủ khoảng 1 - 2 giờ. Trong những cơn ngủ ngắn như vào ban ngày, mộng du không xuất hiện. Thời gian của cơn mộng du có thể chỉ kéo dài vài phút nhưng nhiều trường hợp lâu hơn, người bệnh thậm chí có thể ra ngoài và làm nhiều hoạt động khi không nhận thức được.

Người mộng du có thể làm nhiều hành động lạ khi đang ngủ

Người mộng du có thể làm nhiều hành động lạ khi đang ngủ

Những hoạt động mà người bị mộng du có thể làm rất đa dạng, phổ biến như:

  • Ra khỏi giường, đi bộ xung quanh nhà.

  • Ngồi dậy trên giường và mở mắt, tuy nhiên mắt vô hồn không thực sự nhận thức được các sự việc xảy ra xung quanh.

  • Không trả lời, giao tiếp đối đáp với người khác khi bị mộng du mặc dù có thể có nói chuyện.

  • Rất khó để đánh thức người đang trong cơn mộng du.

  • Mất phương hướng, bối rối trong khoảng thời gian ngắn sau khi được đánh thức vào buổi sáng.

  • Người bị mộng du sẽ hoàn toàn không nhớ gì vào buổi sáng sau khi thức dậy.

  • Mất tập trung, mệt mỏi vào ban ngày do mộng du khiến giấc ngủ bị xáo trộn, chất lượng giấc ngủ kém.

Mộng du gây ra tình trạng mệt mỏi thiếu ngủ vào ban ngày

Mộng du gây ra tình trạng mệt mỏi thiếu ngủ vào ban ngày

  • Một số người đồng thời gặp phải hội chứng giấc ngủ kinh hoàng bên cạnh các dấu hiệu điển hình của mộng du.

  • Người bệnh thực hiện các hoạt động thường ngày như ăn uống, mặc quần áo, nói chuyện, lái xe, đi bộ ra khỏi nhà, thậm chí có hoạt động tình dục khi không có nhận thức,...

  • Có hành vi bất thường như đi tiểu trong tủ quần áo, đi cầu thang bị ngã, nhảy qua khỏi cửa sổ,...

Mặc dù mộng du không phải là bệnh nguy hiểm nhưng những hành động vô thức khi người bệnh bị mộng du hoàn toàn có thể gây tổn thương người bệnh hoặc những người xung quanh. Hơn nữa, mộng du là dạng rối loạn giấc ngủ, càng xảy ra với tần suất cao thì sức khỏe người bệnh càng bị ảnh hưởng.

Các chuyên gia cho biết, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để đánh giá tình trạng và điều trị khi các cơn mộng du xảy ra thường xuyên (nhiều hơn 1 - 2 lần/tuần), gây gián đoạn giấc ngủ và mệt mỏi quá mức vào ban ngày, gây ra thương tích cho bản thân hay những người xung quanh,...

2. Có thể điều trị mộng du không?

Thực tế, nếu chứng mộng du không xảy ra thường xuyên thì không cần thiết phải điều trị, nhất là chứng mộng du có liên quan đến hiện tượng tè dầm ở trẻ. Triệu chứng này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên, cũng là lúc hệ thần kinh đã phát triển đầy đủ hơn. 

Mộng du ở trẻ đặc trưng bởi hiện tượng tè dầm

Mộng du ở trẻ đặc trưng bởi hiện tượng tè dầm

Khi chứng mộng du khiến người bệnh gây ra những hành vi bất thường, gây thương tích hay ảnh hưởng đến các thành viên gia đình thì nên chủ động điều trị sớm. Tùy từng nguyên nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị khác nhau.

Điều trị mộng du có thể bao gồm:

  • Điều trị bệnh lý nền có liên quan, ví dụ như rối loạn giấc ngủ, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng chân không yên.

  • Điều chỉnh thuốc điều trị nếu mộng du có liên quan đến thuốc.

  • Thuốc điều trị chứng mộng du như benzodiazepines hoặc thuốc chống trầm cảm.

  • Đánh thức người bị mộng du khoảng 15 phút trước thời điểm họ thường bị mộng du và giữ cho họ tỉnh táo vài phút trước khi ngủ trở lại.

  • Trị liệu hoặc tư vấn nếu chứng mộng du có liên quan đến căng thẳng, áp lực thần kinh, chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ và thư giãn.

  • Liệu pháp thôi miên: người bị mộng du có thể tiếp thu các gợi ý qua quá trình thu miên, từ đó trở lại giấc ngủ với trạng thái thư giãn sâu.

Ngoài các phương pháp điều trị chính trên, có thể cải thiện giảm nhẹ chứng mộng du bằng các biện pháp khắc phục tại nhà như:

Nên thiết lập môi trường an toàn để tránh người mộng du tự làm tổn thương

Nên thiết lập môi trường an toàn để tránh người mộng du tự làm tổn thương

Thiết lập môi trường an toàn

Người bị mộng du có thể gặp phải chấn thương do những hành động thực hiện không nhận thức, để phòng ngừa thì cần đóng, khóa tất cả cửa sổ lẫn cửa ra vào trước khi đi ngủ, đặt vật sắc nhọn hoặc dễ vỡ ngoài tầm với,...

Ngủ đủ giấc

Sự mệt mỏi do thiếu ngủ là nguyên nhân góp phần gây ra mộng du, nên tránh tiếng ồn hoặc các vật kích thích ảnh hưởng đến giấc ngủ, đảm bảo giấc ngủ sâu đủ 7 - 8h mỗi ngày.

Thực hiện các biện pháp thư giãn

Thư giãn trước khi đi ngủ bằng các hoạt động nhẹ nhàng như: đọc sách, ngâm mình trong bồn tắm, tập thiền,... vừa tạo sự thoải mái vừa giúp giấc ngủ sâu hơn.

Kiểm soát căng thẳng

Muốn kiểm soát căng thẳng, cần xác định vấn đề gây ra tình trạng này, hãy cố gắng trò chuyện cùng mọi người nhiều hơn để giải tỏa.

Tránh thức uống kích thích

Thức uống có cồn gây kích thích như rượu, bia,... ảnh hưởng lớn đến một giấc ngủ ngon, thậm chí còn khiến chứng mộng du trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhẹ nhàng dẫn người mộng du trở lại giường

Khi bị mộng du, bạn không cần thiết phải đánh thức người đó dậy vì có thể khiến họ bối rối, không xác định được tình huống, mất phương hướng và dễ bị kích động. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng đưa họ trở lại giường để có thể tiếp tục giấc ngủ.

Nên điều trị sớm cho người bệnh mộng du

Nên điều trị sớm cho người bệnh mộng du

Người bị bệnh mộng du không nhận thức được hành động của bản thân nên không nhớ gì vào buổi sáng khi thức dậy. Nếu trong gia đình bạn có người có những dấu hiệu bệnh mộng du như trên, hãy thực hiện các biện pháp cải thiện tại nhà hoặc đưa đến bệnh viện khám. 

Dù ít khi gây nguy hiểm nhưng cải thiện chứng bệnh này giúp người bệnh có giấc ngủ ngon hơn, giảm mệt mỏi vào ban ngày cũng giảm phiền toái cho mọi người xung quanh.

Hi vọng với những chia sẻ trên đây, bạn đọc có thể nắm được để nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh mộng du, nếu cần tư vấn thêm, hãy liên hệ qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ