Tin tức
Dấu hiệu chuyển phôi thất bại: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử trí
- 01/07/2021 | Những lưu ý trong quá trình chuyển phôi chị em nào cũng cần biết
- 16/06/2024 | Chỉ số Beta HCG sau 9 ngày chuyển phôi bao nhiêu là tốt?
- 21/11/2024 | Trước khi chuyển phôi nên ăn gì để tăng tỷ lệ thành công? Gợi ý thực đơn chi tiết
1. Thông tin tổng quan về quá trình chuyển phôi
Chuyển phôi là một giai đoạn quan trọng trong phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF). Trong môi trường thuận lợi, tinh trùng kết hợp với trứng để tạo thành phôi thai và khi phát triển đến một mức độ thích hợp, phôi thai sẽ được đưa vào tử cung của người mẹ. Đây chính là quá trình chuyển phôi trong thụ tinh nhân tạo.
Mỗi lần chuyển phôi, bác sĩ thường chỉ cấp từ 1 - 2 phôi vào tử cung. Quá trình chuyển phôi sẽ được diễn ra sau giai đoạn trứng rụng ở phụ nữ và niêm mạc tử cung đạt độ dày lý tưởng để tạo điều kiện thuận lợi cho phôi làm tổ.
Chuyển phôi là quá trình quan trọng trong quá trình thực hiện thụ tinh nhân tạo
Sau khi phôi được chuyển vào tử cung, chúng sẽ tiếp tục phát triển và làm tổ trong buồng tử cung. Trong 14 ngày tiếp theo, việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe cẩn thận là rất quan trọng để giúp quá trình chuyển phôi diễn ra thành công.
2. Nguyên nhân và dấu hiệu chuyển phôi thất bại
Sau khi chuyển phôi, không phải tất cả các trường hợp đều thành công ngay. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến quá trình chuyển phôi thất bại, cụ thể như sau:
- Tuổi tác: Tuổi càng cao, chất lượng trứng càng giảm, khả năng thành công của chuyển phôi càng thấp;
- Tâm lý và chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi của mẹ: Chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi không khoa học cũng là một trong những yếu tố khiến chuyển phôi thất bại;
- Chất lượng trứng và tinh trùng: Chất lượng phôi thai sẽ được quyết bởi chất lượng trứng và tinh trùng. Nếu trứng và tinh trùng không đạt chất lượng sẽ khiến phôi thai khó có thể phát triển trong tử cung;
- Khả năng tiếp nhận phôi của tử cung: Độ dày niêm mạc và độ nhầy ở tử cung đạt tiêu chuẩn sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp phôi bám vào và làm tổ. Ngược lại, nếu hai yếu tố này không đạt tiêu chuẩn sẽ tác động đến khả năng thụ thai.
Theo đó, một số dấu hiệu chuyển phôi thất bại có thể nhận biết được bao gồm:
Chảy máu âm đạo
Ra máu âm đạo nhiều hoặc ra ít máu âm đạo nhưng kéo dài kèm theo cảm giác đau bụng là dấu hiệu chuyển phôi thất bại điển hình nhất. Điều này có thể được lý giải bởi nếu quá trình chuyển phôi thất bại, niêm mạc tử cung sẽ bong ra, phản ứng giống như chu kỳ kinh nguyệt.
Ra máu âm đạo bất thường là một trong những dấu hiệu chuyển phôi thất bại
Không có dấu hiệu thai nghén
Khoảng 1 tuần sau khi chuyển phôi, cơ thể người phụ nữ có thể bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu đặc trưng của thai kỳ. Nếu không có các triệu chứng như thay đổi khẩu vị, thèm ăn một số món lạ; bầu ngực căng tức; buồn nôn; cơ thể mệt mỏi và uể oải; nhiệt độ cơ thể hơi tăng; đau bụng dưới và táo bón… rất có thể quá trình chuyển phổi đã không thành công. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào không có dấu hiệu thai nghén có nghĩa là chuyển phôi thất bại.
Nồng độ beta HCG không tăng
Xét nghiệm nồng độ beta hCG là phương pháp để biết chắc chắn nhất chuyển phôi có thất bại không. Xét nghiệm hCG thường được thực hiện ở tuần thứ 2 sau khi chuyển phôi. Nếu nồng độ beta hCG tăng chứng tỏ quá trình chuyển phôi đã thành công, ngược lại nồng độ hCG dưới 5 U/ L là dấu hiệu chuyển phôi thất bại.
3. Cần làm gì khi quá trình chuyển phôi thất bại?
Nếu quá trình chuẩn phôi thất bại thì sau bao lâu có thể tiến hành chuyển phôi lại? Câu trả lời đó là phôi có thể được chuyển vào chu kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vì vậy các chị em cần lưu ý một số điểm quan trọng sau đây:
Tìm hiểu nguyên nhân thất bại
Việc xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến thất bại trong quá trình chuyển phôi sẽ giúp bác sĩ đề xuất phương pháp điều trị phù hợp.
- Nếu nguyên nhân thất bại do vấn đề về hệ miễn dịch, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để điều trị;
- Nếu nguyên nhân là do các vấn đề về niêm mạc tử cung, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng cụ thể để đưa ra các biện pháp can thiệp phù hợp cũng như cần chuẩn bị tốt niêm mạc trước lần chuyển phôi tiếp theo;
- Nếu chất lượng phôi thai kém, phương pháp điều trị bao gồm: Hỗ trợ phôi thoát màng, sàng lọc tiền phôi (PGD) trước khi chuyển.
Giữ vững tâm lý, tránh căng thẳng
Hành trình tìm con bằng phương pháp IVF là một quá trình dài và đầy khó khăn. Do vậy, các cặp đôi cần phải kiên trì và chuẩn bị một tâm lý vững vàng để đối diện với mọi tình huống. Đừng để sự nôn nóng, căng thẳng hay thất vọng làm ảnh hưởng đến tâm lý, nhất là khi lần đầu tiên chưa đạt được kết quả mong muốn.
Bổ sung dưỡng chất đầy đủ và duy trì lối sống lành mạnh
Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thất bại trong quá trình chuyển phôi là sức khỏe của các cặp vợ chồng và chất lượng trứng, tinh trùng không đảm bảo. Do vậy, các cặp đôi nên cải thiện sức khỏe bằng cách xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng; thiết lập giờ giấc sinh hoạt điều độ; hạn chế thức khuya, căng thẳng; tăng cường vận động để nâng cao sức khỏe tổng thể.
Các cặp đôi cần duy trì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh
Như vậy, những thông tin về dấu hiệu chuyển phôi thất bại đã được trình bày chi tiết và cụ thể. Hy vọng rằng, các cặp đôi sẽ có thêm thông tin cần thiết và ứng dụng hiệu quả trên hành trình tìm con. Mọi thông tin thắc mắc cần giải đáp và tư vấn, các cặp đôi vui lòng liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!