Tin tức

Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý khi bà bầu bị tụt huyết áp hiệu quả

Ngày 24/07/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Tụt huyết áp là tình trạng không hiếm gặp trong thai kỳ, đặc biệt ở ba tháng đầu và giữa thai kỳ. Nếu không xử lý đúng cách, mẹ bầu có thể đối mặt với nhiều rủi ro. Vậy cách xử lý khi bà bầu bị tụt huyết áp​ như thế nào để vừa nhanh chóng, vừa an toàn cho cả mẹ và bé?

1. Vì sao phụ nữ khi mang thai dễ bị tụt huyết áp

Trong thai kỳ, cơ thể phụ nữ trải qua hàng loạt thay đổi về nội tiết và sinh lý. Một trong những tình trạng thường gặp là tụt huyết áp. So với người bình thường, phụ nữ mang thai dễ bị tụt huyết áp hơn vì:

  • Sự giãn nở của mạch máu để tăng cường thể tích tuần hoàn đến tử cung nuôi thai.
  • Một số bệnh lý cũng là nguyên nhân gây tụt huyết áp khi mang thai như: bệnh lý tim mạch, thiếu máu, nhiễm trùng, chảy máu, chấn thương, bệnh lý thận, mất nước, nôn mửa, phản ứng dị ứng, tác dụng phụ của các loại thuốc.
  • Ở kỳ tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3, tử cung ngày một lớn làm tăng áp lực, đè lên các mạch máu, dễ dẫn đến tụt huyết áp, kèm theo buồn nôn.
  • Chế độ ăn thiếu dưỡng chất, bỏ bữa hoặc uống không đủ nước làm giảm tạo máu, gây mệt mỏi, hoa mắt và làm tụt huyết áp ở mẹ bầu.
  • Yếu tố tâm lý như căng thẳng kéo dài, lo lắng thái quá có thể làm giãn mạch qua cơ chế thần kinh, từ đó gây tụt huyết áp gián tiếp.
  • Một số nguyên nhân khác như ốm nghén, tiểu đường thai kỳ, hạ đường huyết,... 

Mẹ bầu dễ tụt huyết áp do thay đổi nội tiết tố

Mẹ bầu dễ tụt huyết áp do thay đổi nội tiết tố

2. Nhận biết bà bầu bị tụt huyết áp qua những dấu hiệu nào?

Tụt huyết áp là khi huyết áp tâm thu dưới 90mmHg hoặc huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg. Tụt huyết áp thường được phát hiện một cách tình cờ khi kiểm tra sức khỏe định kỳ khi khám thai hoặc khi xuất hiện các dấu hiệu gợi ý sau:

  • Chóng mặt hoặc choáng váng đột ngột: Cảm giác quay cuồng, mất thăng bằng, đặc biệt khi thay đổi tư thế như đứng dậy quá nhanh hoặc cúi xuống rồi ngẩng đầu lên. 
  • Đau đầu âm ỉ, lan tỏa: Cơn đau thường không dữ dội nhưng dai dẳng, kèm theo cảm giác mệt mỏi, nặng đầu hoặc khó tập trung.
  • Tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp: Là phản xạ bù trừ của cơ thể để duy trì tuần hoàn khi huyết áp tụt. Mẹ bầu có thể cảm nhận rõ tiếng tim đập mạnh trong lồng ngực, ngay cả khi không hoạt động thể lực.
  • Da nhợt nhạt, lạnh và đổ mồ hôi: Khi máu không đủ đến các mạch máu ngoại vi khiến da trở nên tái xanh, lạnh.
  • Buồn nôn, nôn khan hoặc bồn chồn: Hệ thần kinh bị ảnh hưởng khi thiếu oxy có thể dẫn đến cảm giác nôn nao, đi kèm với trạng thái lo lắng không rõ nguyên nhân.
  • Ngất xỉu thoáng qua: Đây là dấu hiệu nặng và xuất hiện khi não bộ không được cung cấp đủ máu. Tình trạng có thể gây nên những hệ lụy nghiêm trọng như khiến mẹ bầu bị ngã, va chạm hoặc lượng máu đến bánh nhau để nuôi dưỡng cho bào thai bị suy giảm, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai.

Chóng mặt hoặc choáng váng là dấu hiệu dễ nhận biết khi bà bầu bị tụt huyết áp

Chóng mặt hoặc choáng váng là dấu hiệu dễ nhận biết khi bà bầu bị tụt huyết áp

3. Mẹ bầu tụt huyết áp nguy hiểm thế nào nếu không xử lý kịp?

Tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai tưởng chừng là hiện tượng bình thường nhưng nếu kéo dài hoặc không được xử lý đúng cách có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả mẹ và thai nhi như:

  • Ngất xỉu, té ngã bất ngờ: Huyết áp tụt khiến máu lên não giảm, dễ gây choáng váng, ngã quỵ, từ đó tăng nguy cơ chấn thương hoặc ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Giảm máu nuôi thai nhi: Lưu lượng máu đến nhau thai giảm khiến thai nhi thiếu oxy và dưỡng chất, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng bào thai hoặc phát triển chậm trong tử cung.
  • Tăng nguy cơ sinh non hoặc dọa sảy thai: Tình trạng huyết áp thấp kéo dài có thể gây co bóp tử cung bất thường, làm tăng khả năng sinh non, nhất là ở thai phụ có tiền sử sảy thai.
  • Gây mệt mỏi, giảm khả năng vận động: thiếu máu và huyết áp thấp khiến mẹ bầu kiệt sức, khó duy trì sinh hoạt bình thường, dễ rơi vào trạng thái suy nhược.
  • Ảnh hưởng đến chuyển dạ: Trong giai đoạn sinh nở, tụt huyết áp có thể khiến tim thai bất thường, giảm hiệu quả co bóp tử cung và kéo dài thời gian chuyển dạ.
  • Tăng rủi ro cho thai kỳ: Những mẹ bầu mang đa thai, thiếu máu hoặc có bệnh lý nền dễ gặp biến chứng nặng hơn nếu tụt huyết áp không được theo dõi sát.

Tụt huyết áp có thể làm giảm khả năng vận động ở mẹ bầu

Tụt huyết áp có thể làm giảm khả năng vận động ở mẹ bầu

4. Hướng dẫn cách xử lý khi bà bầu bị tụt huyết áp nhanh chóng, hiệu quả

Để tránh những rủi ro không mong muốn, người thân cần nắm được các cách xử lý khi bà bầu bị tụt huyết áp như sau:

4.1. Tụt huyết áp ở mức độ nhẹ, thỉnh thoảng xuất hiện

Nếu tình trạng bị tụt huyết áp chỉ thi thoảng mới xảy ra, đồng thời xuất hiện một số biểu hiện nhẹ như chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, bạn có thể áp dụng những cách xử lý khi bà bầu bị tụt huyết áp. Cụ thể là:

4.1.1. Đưa mẹ bầu nằm nghỉ đúng tư thế

Ngay khi có biểu hiện tụt huyết áp, bạn cần cho mẹ bầu nằm xuống ở nơi thoáng mát, tránh nơi đông người hoặc ngột ngạt. Tư thế nằm lý tưởng là nằm nghiêng bên trái, giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới và tăng tuần hoàn máu về tim. Có thể kê gối nâng nhẹ chân cao hơn tim để cải thiện lưu thông máu.

Cách xử lý khi bà bầu bị tụt huyết áp là nằm nghỉ đúng tư thế

Cách xử lý khi bà bầu bị tụt huyết áp là nằm nghỉ đúng tư thế

4.1.2. Uống nước ấm

Mất nước nhẹ là một nguyên nhân phổ biến gây tụt huyết áp. Khi tỉnh táo trở lại, mẹ bầu nên uống một ly nước lọc ấm hoặc nước trà gừng ấm. Bạn cần tránh cho mẹ bầu dùng nước lạnh hoặc nước có đường cao vì có thể gây rối loạn tiêu hóa hoặc làm huyết áp dao động.

4.1.3. Bổ sung thực phẩm dễ tiêu, giàu năng lượng

Nếu mẹ bầu có thể ăn nhẹ thì nên ưu tiên thực phẩm giàu tinh bột hoặc protein dễ tiêu hóa, như bánh mì, chuối chín, ngũ cốc, sữa ấm,... Mẹ bầu không nên để bụng đói quá lâu, vì tình trạng hạ đường huyết có thể khiến huyết áp tụt thêm, đồng thời nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, tránh bỏ bữa sáng.

4.1.4. Nới lỏng quần áo đang mặc

Quần áo bó sát làm cản trở lưu thông máu, có thể khiến tình trạng tụt huyết áp nghiêm trọng hơn. Do đó, nếu mẹ bầu tụt huyết áp, việc nới lỏng quần áo là điều cần thiết. Ngoài ra, để tránh tình trạng này, mẹ bầu nên ưu tiên trang phục mỏng, co giãn, chất liệu thấm hút tốt và không gây áp lực lên vùng bụng, ngực hay đùi.

4.2. Triệu chứng nặng, thường xuyên bị tụt huyết áp

Nếu mẹ bầu tụt huyết áp thường xuyên, không cải thiện sau nghỉ ngơi hoặc đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng như đau đầu dữ dội, mờ mắt, lạnh tay chân, ngất xỉu,… thì không nên tự xử lý tại nhà. Lúc này, người thân cần cần đưa mẹ bầu đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám và điều trị.

Nên đi khám nếu tình trạng tụt huyết áp xảy ra thường xuyên

Nên đi khám nếu tình trạng tụt huyết áp xảy ra thường xuyên

Nếu bạn đã băn khoăn chưa biết nên chọn địa chỉ y tế nào để thăm khám thì chuyên khoa Sản khoa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC là một gợi ý lý tưởng. Với gần 30 năm hoạt động, MEDLATEC sở hữu những thế mạnh nổi bật như:

  • Đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm. 
  • Trung tâm Xét nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2022 và được cấp chứng chỉ CAP bởi Hội Bệnh học Hoa Kỳ.
  • Hệ thống máy chẩn đoán hình ảnh hiện đại: siêu âm, X-quang, MRI, CT Scan,... được nhập khẩu tại Mỹ, Đức, Thụy Sĩ,... 

Hiểu rõ và áp dụng đúng cách xử lý khi bà bầu bị tụt huyết áp là bước quan trọng giúp mẹ vượt qua thai kỳ một cách an toàn và khỏe mạnh. Để đặt lịch khám tại MEDLATEC, Quý khách có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ