Tin tức
Dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh và phương pháp điều trị
- 06/08/2021 | Đau xương mu khớp háng: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
- 14/11/2020 | Tìm hiểu về cấu tạo khớp háng và các bệnh lý thường gặp
- 16/07/2021 | Nguyên nhân gây đau khớp háng thường gặp và cách điều trị
1. Tại sao trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh?
Trật khớp háng bẩm sinh xảy ra ngay khi trẻ được sinh ra hoặc muộn hơn một vài tuần, song đều ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sự phát triển sau này của trẻ. Thực tế đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác dẫn đến trật khớp háng bẩm sinh, song tình trạng này thường gặp ở trẻ sinh non, sinh con so và sinh ngược.
Ảnh chụp X-quang của trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh
Ngoài ra, trật khớp háng bẩm sinh có thể xảy ra do các vấn đề khác như:
-
Chấn thương trong khi sinh.
-
Tư thế, vị trí bất thường của thai trong tử cung.
-
Mẹ bị nhiễm trùng khi mang thai.
-
Loạn sản nguyên phát của ổ cối.
-
Tình trạng lỏng lẻo khớp do cơ thể mẹ thiếu hụt nội tiết tố trong thời gian mang thai.
-
Đột biến nhiễm sắc thể, nhất là chứng cứng đa khớp bẩm sinh như: cứng khớp đối, bàn chân khoèo, cứng khớp vai, cứng khớp khuỷu,…
-
Yếu tố di truyền: hiện chưa có nhiều bằng chứng về mối liên quan giữa vai trò của yếu tố di truyền trong trật khớp háng bẩm sinh.
2. Dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh dễ nhận biết nhất
Trật khớp háng bẩm sinh là tình trạng chỏm xương đùi của một hoặc cả hai bên khớp háng bị trật ra khỏi vị trí đúng. Tình trạng này có thể xuất hiện sớm ngay sau khi sinh hoặc sau một vài tuần, cha mẹ cần lưu ý phát hiện bệnh ở trẻ qua các dấu hiệu sau:
-
Hai chân trẻ bị chênh lệch chiều dài, bên phía trật khớp háng bẩm sinh sẽ có chiều dài ngắn hơn so với bên còn lại. Tuy nhiên nếu trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh ở cả hai bên thì không thể phát hiện bệnh qua dấu hiệu này.
-
Khi trẻ nằm duỗi chân, bàn chân đổ ra bên ngoài thay vì đặt tư thế bình thường.
-
Xuất hiện một bên chân đùi có nhiều nếp lằn mông hơn, đây là bên bị trật.
-
Trẻ bị hạn chế gấp, dạng khớp háng ở bên bị trật.
-
Ở tư thế trẻ gấp gối, khớp gối ở bên trật khớp háng bẩm sinh bị thấp hơn so với bên còn lại.
-
Trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh khi lớn hơn sẽ thấy dáng đi khập khiễng thấy rõ.
-
Trẻ lớn hơn 6 tuổi khi gấp, khép háng sẽ thấy xương đùi ở một hoặc cả hai bên khớp háng trật ra khỏi vị trí ban đầu.
Đa phần trật khớp háng bẩm sinh xuất hiện sớm sau khi sinh
Nếu có dấu hiệu nghi ngờ trên, cha mẹ nên sớm đưa trẻ đi khám để siêu âm hoặc chụp X-quang, hình ảnh chụp sẽ chỉ ra chính xác và chi tiết có trật khớp háng bẩm sinh hay không.
3. Trật khớp háng bẩm sinh có chữa được không?
Thực tế trật khớp háng bẩm sinh không khó điều trị, song cần phát hiện sớm và điều trị ngay từ khi còn là trẻ sơ sinh sẽ ít gây đau đớn và thời gian lành bệnh nhanh. Vì thế, các chuyên gia khuyên rằng cha mẹ nên tự kiểm tra và để ý tư thế của trẻ ngay sau khi sinh, phát hiện sớm trật khớp háng bẩm sinh.
Lúc này, điều trị ở trẻ sơ sinh chỉ đơn giản là duy trì tư thế khớp háng dạng, đầu gối gấp để ép khớp háng trở lại bình thường. Các biện pháp giúp thực hiện việc này bao gồm:
Duy trì tư thế khớp háng ở trẻ sơ sinh bị trật khớp háng bẩm sinh
-
Đóng bỉm vệ sinh cho trẻ, dùng tã gấp dày để khớp háng của trẻ luôn dạng ra.
-
Cõng, địu trẻ, đặt trẻ nằm sấp khi ngủ.
Khi duy trì tư thế này, đa phần tình trạng trật khớp háng bẩm sinh sẽ trở lại bình thường sau 3 - 4 tuần, tuy nhiên chỉ hiệu quả ở trẻ từ 1 - 6 tháng tuổi. Tuy nhiên vẫn có tỉ lệ nhỏ khoảng 5 - 10% trẻ sơ sinh không cải thiện bệnh với tư thế này.
Tư thế thích hợp giúp tình trạng trật khớp háng bẩm sinh tự khắc phục
Điều trị trật khớp háng bẩm sinh
Các trường hợp trẻ lớn hoặc duy trì tư thế ở trẻ sơ sinh không hiệu quả, bệnh nhân cần được can thiệp toàn diện, bó bột, nẹp chỉnh hình,… để điều trị. Đến lúc này, không điều trị thì khớp háng bị trật sẽ không thể tự trở về vị trí bình thường, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển sau này của trẻ. Cụ thể các phương pháp điều trị bao gồm:
Nẹp chỉnh hình: Nẹp bằng xốp mềm được áp dụng để ổn định cơ khớp háng bị trật, đưa khớp trở về trạng thái bình thường. Tùy vào độ tuổi của trẻ mà thời gian đeo nẹp chỉnh hình để đạt được hiệu quả điều trị là khác nhau. Thời gian đeo nẹp chỉnh hình có thể kéo dài đến 1 năm, đeo thường xuyên hoặc chỉ đeo vào ban đêm tùy vào diễn biến bệnh. Bác sĩ sẽ cùng theo dõi tiến triển chỉnh nắn tình trạng trật khớp thường xuyên.
Bó bột chỉnh hình: Phương pháp này hiệu quả nếu trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh phát hiện sớm dưới 6 tháng tuổi. Mỗi đợt bó bột cho trẻ kéo dài khoảng 2 tuần, thực hiện nhiều đợt để phục hồi hoàn toàn. Trong quá trình này, cha mẹ và bác sĩ cần theo dõi thường xuyên tình trạng cải thiện cũng như ngăn ngừa bó bột gây hoại tử, đau cho trẻ.
Bó bột chỉnh hình áp dụng với trường hợp trật khớp háng bẩm sinh kéo dài
Phẫu thuật chỉnh hình: Với trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh nhưng phát hiện muộn khi trên 18 tháng tuổi thì phẫu thuật chỉnh hình là bắt buộc mới đem lại hiệu quả tốt. Với can thiệp này, trẻ có thể phát triển bình thường khi tình trạng trật khớp không được cải thiện với các phương pháp trên.
Có thể thấy, dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh không khó phát hiện song điều quan trọng là cha mẹ cần lưu ý theo dõi, áp dụng biện pháp thay đổi tư thế hoặc đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm nếu các biện pháp cải thiện không hiệu quả. Điều trị càng sớm thì thời gian điều trị càng ngắn, hiệu quả cao và không gây ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là cơ sở y tế uy tín, chất lượng, được nhiều bệnh nhân tin tưởng hiện nay. Các chuyên khoa như Nhi, Xương khớp của bệnh viện đều có đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, tận tình với bệnh nhân.
Bên cạnh đó, hệ thống trang thiết bị của bệnh viện tiên tiến, hiện đại giúp phát hiện nhiều bệnh lý khó trong thời gian ngắn, từ đó hỗ trợ chẩn đoán và điều trị đạt hiệu quả tốt hơn. Nếu có nhu cầu cần tư vấn chi tiết hơn, tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC luôn luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!