Tin tức
Đau mắt đỏ có lây không và những vấn đề liên quan
- 01/03/2024 | Đau mắt đỏ ở trẻ em - Nên xử trí sao cho đúng cách?
- 29/02/2024 | 9 cách giúp bạn phòng ngừa đau mắt đỏ hiệu quả
- 29/02/2024 | Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi và lời giải đáp từ bác sĩ Nhãn khoa
1. Tổng quan về đau mắt đỏ
Sẽ có một số người không biết đau mắt đỏ là gì và đau mắt đỏ có lây không. Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc mà nguyên nhân có thể là do virus, vi khuẩn, dị ứng, kích ứng,… Người bị đau mắt đỏ sẽ thấy lòng trắng mắt và kết mạc có mí mắt đỏ kèm theo các triệu chứng sau.
- Ngứa và cộm ở mắt như có vật gì ở trong mắt.
- Chảy nước mắt nhiều.
- Ghèn tích tụ nhiều ở mi mắt có màu xanh hoặc vàng, thậm chí khiến mắt không thể mở ra được.
- Mắt cực kỳ nhạy cảm và khó chịu với ánh sáng.
- Tầm nhìn mờ, giảm thị lực.
Ai cũng có thể bị đau mắt đỏ và bệnh lý này xảy ra quanh năm. Đặc biệt, thời điểm giao mùa từ hè sang thu, khi trời đang nắng nóng chuyển qua mưa rào chính là lúc bệnh đau mắt đỏ “hoành hành” mạnh nhất, có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Đau mắt đỏ là bệnh rất thường gặp với biểu hiện lòng trắng mắt bị đỏ
2. Đau mắt đỏ có lây không?
Trong dân gian vẫn “đồn thổi” rằng nếu nhìn vào mắt của người bị đau mắt đỏ thì bạn sẽ bị nhiễm bệnh. Liệu điều này có đúng? Đau mắt đỏ có lây không? Theo các bác sĩ, nếu đau mắt đỏ do virus, vi khuẩn thì bệnh sẽ lây; còn đau mắt đỏ do tác nhân dị ứng, kích ứng thì bệnh không có khả năng lây.
Tuy nhiên, con đường lây của bệnh đau mắt đỏ không như “lời đồn”, nghĩa là nếu bạn chỉ nhìn vào mắt của người bệnh thì sẽ không bị nhiễm bệnh. Cụ thể hơn, đau mắt đỏ lây qua đường nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ở phần dưới.
3. Đau mắt đỏ lây qua đường nào?
Như đã chia sẻ, đau mắt đỏ có lây không thì tùy trường hợp. Trường hợp đau mắt đỏ do virus thì khả năng lây rất cao. Và bệnh sẽ lây truyền qua những con đường sau.
Tiếp xúc trực tiếp (lây qua đường hô hấp)
Khi bạn đứng gần với người bệnh và người bệnh có những hành động như trò chuyện, hắt hơi, ho,… thì khả năng cao bạn sẽ bị lây bệnh đau mắt đỏ. Bởi lúc này, virus có trong nước bọt, nước mũi của người bệnh bay ra ngoài không khí, bạn hít vào thì chúng sẽ xâm nhập vào trong cơ thể và gây bệnh.
Đứng gần và trò chuyện với người bị đau mắt đỏ có thể làm bạn nhiễm bệnh
Tiếp xúc gián tiếp (lây khi chạm vào dịch tiết)
Dịch tiết của người bị đau mắt đỏ chứa virus gây bệnh. Khi bạn tiếp xúc với dịch tiết (nước bọt, nước mũi, ghèn mắt) thì sẽ có khả năng cao bị lây bệnh. Sự tiếp xúc này bao gồm cả gián tiếp, tức là sờ, chạm tay vào những bề mặt nhiễm khuẩn hay sử dụng chung đồ dùng cá nhân của người bệnh,…
Các đường lây khác
Ngoài ra đau mắt đỏ lây qua các con đường khác như:
- Dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh (như khăn mặt, ly/cốc nước uống, gối…).
- Sử dụng nguồn nước công cộng dễ bị nhiễm mầm bệnh (ao, hồ, bể bơi).
- Thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi, ngậm vào miệng...
4. Cách phòng tránh lây lan đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ có lây không? Câu trả lời là có, thậm chí là rất dễ lây lan thành dịch trong cộng đồng. Ngay cả khi người bệnh đã khỏi bệnh được 1 tuần thì trong thời gian này vẫn có khả năng làm lây bệnh. Đối với đau mắt đỏ do nguyên nhân virus, hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin ngừa đau mắt đỏ. Do đó, bạn cần chủ động phòng ngừa bằng những biện pháp sau.
Đối với người bệnh
Khi đang bị đau mắt đỏ, bạn hãy thực hiện tốt những việc sau để không làm lây lan bệnh cho người khác.
- Rửa tay thường xuyên bằng nước xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Vệ sinh mắt 3 lần/ ngày bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng.
- Dùng riêng vật dụng cá nhân và những đồ dùng này cần được làm sạch sau mỗi lần sử dụng.
- Hạn chế tiếp xúc với người khỏe mạnh bằng cách ở phòng riêng, không đến nơi đông người, tạm thời nghỉ học hoặc nghỉ làm.
- Khi đi ra ngoài thì đeo kính râm để vừa bảo vệ mắt đang nhạy cảm, vừa hạn chế nguy cơ lây bệnh.
- Sử dụng thuốc điều trị đúng hướng dẫn của bác sĩ và tái khám theo lịch trình để bệnh mau khỏi.
- Sau khi khỏi bệnh thì những vật dụng như khăn lau, bàn chải, thuốc nhỏ mắt,… cần được vứt bỏ để tránh nguy cơ tái phát bệnh.
Người bị đau mắt đỏ nên ở phòng riêng và hạn chế tiếp xúc với người khác
Đối với người khỏe mạnh
Ngoài việc tránh tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ thì bạn cũng đừng bỏ qua những lưu ý sau để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
- Luôn vệ sinh tay sạch sẽ, nhất là sau khi ra ngoài về hoặc tiếp xúc với các bề mặt như tay nắm cửa, nút bấm thang máy,…
- Nhỏ nước muối sinh lý cho mắt để vệ sinh mắt, đặc biệt là sau khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh.
- Hạn chế đưa tay lên chạm mắt vì virus, vi khuẩn bám trên tay mà bạn không biết và vô tình đưa lên mắt, khiến mắt bị nhiễm bệnh.
- Các vật dụng cá nhân như khăn tắm, khăn lau,… cần sử dụng riêng và giặt sạch, phơi khô sau mỗi lần sử dụng.
- Kính mắt, kính áp tròng, hộp đựng kính cần được làm sạch bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng hoặc nước sát khuẩn trước khi sử dụng.
- Giặt và thay chăn ga gối nệm thường xuyên vì đây chính là môi trường lý tưởng để tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn gây bệnh.
- Thận trọng khi đến những nơi đông người như sân bay, bến xe, ga tàu, đặc biệt là hồ bơi công cộng.
Người khỏe mạnh cần rửa tay thường xuyên để chủ động phòng đau mắt đỏ
Chúng ta đã cùng tìm hiểu đau mắt đỏ có lây không và làm cách nào để hạn chế sự lây nhiễm. Nếu bạn đang bị đau mắt đỏ hoặc mắt đang gặp vấn đề về tật khúc xạ, bệnh lý mắt, hãy đến ngay Chuyên khoa Mắt của Hệ thống Y tế MEDLATEC để thăm khám và điều trị. Trước khi đến, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 để đặt lịch trước.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!