Tin tức
Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi và lời giải đáp từ bác sĩ Nhãn khoa
- 29/02/2024 | 9 cách giúp bạn phòng ngừa đau mắt đỏ hiệu quả
- 21/08/2024 | Đau mắt đỏ có lây không và những vấn đề liên quan
- 28/08/2024 | Bệnh đau mắt đỏ - Tổng hợp những thông tin cần biết
1. Đau mắt đỏ do nguyên nhân gì và có biểu hiện ra sao?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng đau mắt đỏ, điển hình là các yếu tố sau:
● Nhiễm virus: đây là tác nhân thường gặp nhất gây bệnh đau mắt đỏ. Triệu chứng để nhận biết đau mắt đỏ do virus đó là ngứa, chảy nước mắt, cảm thấy cộm mắt như có dị vật, giảm thị lực, sưng mí mắt. Đôi khi khô mắt cũng là nguyên nhân khiến người bệnh bị đau mắt đỏ. Virus có thể lây cho người khác nếu tiếp xúc với dịch mắt của bệnh nhân. Ngoài ra nó còn lây lan qua dịch tiết hô hấp khi bệnh nhân ho, hắt hơi do cúm hay viêm họng.
● Do nhiễm khuẩn: 2 loại vi khuẩn Haemophilus Influenzae và Staphylococcus là “thủ phạm” chính gây đau mắt đỏ. Khi bị nhiễm khuẩn, người bệnh sẽ có triệu chứng như mắt tiết dịch vàng (thường xảy ra vào buổi sáng sớm), chảy nhiều nước mắt, ngứa mắt. Nếu bị nhiễm trùng nặng, người bệnh có khả năng bị loét giác mạc và mù loà. Nếu bạn tiếp xúc với nước mắt hay bề mặt nhiễm virus thì nguy cơ bị lây đau mắt đỏ là rất cao.
● Do dị ứng với các tác nhân khác như lông động vật, phấn hoa, bụi bẩn hoặc do dùng thuốc. Đau mắt đỏ do dị ứng có thể được nhận biết qua các dấu hiệu như ngứa mắt dữ dội, tiết nhiều nước mắt kéo theo viêm mũi. Khác với 2 nguyên nhân nêu trên, đau mắt đỏ do dị ứng thường không lây và có thể ảnh hưởng tới cả 2 mắt.
Đau mắt đỏ có thể là do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc dị ứng
2. Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi?
Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi là thắc mắc chung của rất nhiều người. Thời gian khỏi bệnh sẽ tùy thuộc vào các yếu tố như nguyên nhân gây bệnh là gì và phương pháp được áp dụng khi điều trị đau mắt đỏ. Đa phần bệnh nhân sẽ khỏi trong khoảng một vài ngày tới 2 tuần. Trường hợp nguyên nhân gây bệnh là do virus thì có thể sẽ phải mất đến 3 tuần để hồi phục.
Đối với bệnh nhân bị đau mắt đỏ do dị ứng thì sẽ phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng. Sau khi đã loại bỏ hết những chất gây kích ứng cho mắt thì triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm trong 24 giờ. Nhưng việc xác định yếu tố gây dị ứng cũng không dễ dàng bởi vì đó có thể là do thời tiết, phấn hoa theo mùa hay lông động vật,...
3. Đau mắt đỏ khắc phục như thế nào?
Phương pháp điều trị đau mắt đỏ sẽ dựa trên nguyên nhân gây bệnh là gì. Cụ thể:
● Nếu bị đau mắt đỏ là do nhiễm khuẩn: bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê đơn sử dụng thuốc kháng sinh, có thể là kháng sinh đường uống, thuốc mỡ bôi da hoặc dạng thuốc nhỏ mắt. Bệnh nhân cần tuân thủ liều dùng và cách sử dụng các loại thuốc này, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi chưa có đơn kê hay hướng dẫn từ bác sĩ.
● Đau mắt đỏ do dị ứng: thường bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi hay thuốc chống viêm steroid. Bệnh nhân cũng có thể áp dụng phương pháp tạm thời là chườm túi đá lạnh lên mắt.
● Nếu đau mắt đỏ là do kích ứng: nếu người bệnh bị đau mắt đỏ do có dị vật bay vào mắt thì trước tiên cần rửa sạch mắt với nước ấm một cách nhẹ nhàng. Không để mắt tiếp xúc với bụi bẩn hay chất gây kích ứng. Đặc biệt đối với những người bị đau mắt đỏ do kích ứng với chất kiềm, axit hay hóa chất thì sau khi rửa sạch mắt với nước hãy đi gặp bác sĩ ngay để có biện pháp khắc phục kịp thời, tránh những biến chứng làm tổn thương mắt nghiêm trọng.
● Đau mắt đỏ do nhiễm virus: dùng thuốc kháng virus để hạn chế sự phát triển virus gây bệnh cho mắt.
Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi là nỗi băn khoăn của nhiều người
Ngoài việc áp dụng các biện pháp điều trị nêu trên, bệnh nhân cũng cần lưu ý một số điều như sau:
● Sử dụng thuốc đúng loại và đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
● Dùng thuốc đúng cách, không để đầu lọ thuốc tiếp xúc trực tiếp với giác mạc. Nếu thuốc ở dạng nhỏ giọt thì nên nhỏ khoảng 1 - 2 giọt mỗi bên, thuốc mỡ thì bôi vùng mi dưới sát mắt.
● Nếu thấy tình trạng mắt không tiến triển, thậm chí chảy nhiều dịch, đau hơn, sưng nhiều hơn thì bạn nên ngừng thuốc và tái khám ngay.
● Không được tự ý chữa đau mắt đỏ bằng những bài thuốc dân gian truyền miệng chưa được khoa học kiểm chứng về hiệu quả như: đắp củ hành, nhỏ sữa mẹ, xông lá trầu,...
4. Bệnh đau mắt đỏ và cách phương pháp phòng ngừa
Để hạn chế tối đa nguy cơ bị đau mắt đỏ, mỗi người nên thực hiện những biện pháp sau:
● Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi chạm phải các bề mặt có chứa vi khuẩn và mầm bệnh.
● Không nên dụi tay vào mắt mà hãy dùng khăn giấy sạch để lau và vệ sinh mắt.
● Không dùng chung khăn với người khác, ví dụ như khăn mặt, khăn tắm hay khăn lau. Nếu cần giặt quần áo hay khăn của người bệnh thì hãy sử dụng nước nóng và chất tẩy rửa để diệt khuẩn.
● Thay vỏ chăn, ga, gối đệm định kỳ để loại bỏ những tác nhân gây bệnh hoặc gây dị ứng cho mắt.
● Không dùng chung mỹ phẩm hay dụng cụ trang điểm với người khác vì có thể làm lây nhiễm virus, vi khuẩn gây đau mắt đỏ.
● Không đi bơi khi đang bị đau mắt đỏ để không lây bệnh cho người xung quanh.
● Khi đi ra ngoài hãy đeo kính râm, kính chắn gió để bảo vệ mắt trước những tác động từ khói bụi.
Hãy đi khám khi bị đau mắt đỏ để được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp
Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như nguyên nhân gây bệnh cũng như cách điều trị và chăm sóc. Có thể thấy rằng bệnh đau mắt đỏ tuy có thể tự hết trong thời gian ngắn nếu biết cách xử trí phù hợp nhưng vẫn cần phải được quan tâm lưu ý. Bởi vì bệnh vẫn có khả năng tiến triển thành những biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, thậm chí là mù lòa vĩnh viễn.
Nếu bạn đang có các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ nhưng không biết nên đi khám ở đâu thì có thể liên hệ ngay với MEDLATEC để đặt lịch khám cùng bác sĩ Chuyên khoa Mắt ngay hôm nay. Tổng đài 1900565656 luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn cho quý khách hàng 24/7.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!