Tin tức

Đau nhức khớp tay khi mang thai: Nguyên nhân và cách khắc phục an toàn cho mẹ bầu

Ngày 26/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lê Thị Dương
Đau nhức khớp tay khi mang thai là hiện tượng gặp phải ở không ít mẹ bầu, nhất là trong những tháng cuối của thai kỳ. Tình trạng này kéo dài không chỉ gây khó chịu, hạn chế sinh hoạt hàng ngày mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ. Những chia sẻ dưới đây sẽ giúp mẹ tìm hiểu nguyên nhân gây nên và cách khắc phục an toàn để mẹ bầu có được thai kỳ khỏe mạnh.

1. Nguyên nhân nào khiến phụ nữ bị đau nhức khớp tay khi mang thai

1.1. Thay đổi nội tiết

Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu tiết ra nhiều hormone relaxin và estrogen. Những hormone này làm giãn dây chằng quanh khớp, giúp khung chậu mở rộng cho quá trình sinh nở. Tuy nhiên, điều này cũng gây lỏng lẻo cho các khớp tay và có thể dẫn đến đau nhức.

1.2. Tăng cân nhanh và nhiều

Mẹ bầu thường tăng cân đáng kể trong thai kỳ. Đây là yếu tố làm tăng áp lực lên khớp tay khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Áp lực này khiến khớp dễ bị tổn thương và đau nhức.

Tăng cân quá nhiều trong thai kỳ của thể tạo áp lực lên khớp tay và gây đau

Tăng cân quá nhiều trong thai kỳ của thể tạo áp lực lên khớp tay và gây đau

1.3. Thiếu hụt dinh dưỡng

Đau nhức khớp tay khi mang thai cũng có thể xuất phát từ sự thiếu hụt vi chất trong cơ thể mẹ bầu. Trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu cần được bổ sung nhiều canxi và vitamin D để cung cấp cho quá trình phát triển xương của thai nhi. Nếu chế độ ăn không đủ dưỡng chất, mẹ có thể thiếu canxi, vitamin D hoặc magie khiến mật độ xương giảm, khớp yếu, cứng cơ và đau mỏi khớp.

1.4. Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép. Tích nước và phù nề là nguyên nhân chính gây nên hội chứng này. Nếu bị hội chứng ống cổ tay, mẹ bầu sẽ cảm thấy tê, nóng ran, đau buốt từ cổ tay lan xuống các ngón tay, nhất là vào 3 tháng cuối của thai kỳ.

2. Mức độ ảnh hưởng của đau nhức khớp tay đối với thai kỳ

Đau nhức khớp tay khi mang thai làm giảm chất lượng cuộc sống thường ngày và tâm lý của mẹ bầu:

- Cản trở sinh hoạt thường ngày: 

Thường xuyên bị đau khớp tay khiến mẹ bầu gặp khó khăn khi làm việc, khó cầm nắm vật dụng, khó thực hiện công việc nhà hoặc chăm sóc con.

- Tăng nguy cơ mất ngủ và mệt mỏi

Cảm giác đau nhức kéo dài về đêm có thể khiến mẹ khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Tình trạng mất ngủ thường xuyên dẫn đến mẹ bầu bị mệt mỏi, uể oải và giảm năng lượng vào ngày hôm sau.

- Ảnh hưởng đến tâm lý

Đau nhức khớp tay khi mang thai thường xuyên tái diễn khiến mẹ bầu căng thẳng và dễ cáu gắt. Tâm trạng tiêu cực này có thể tác động gián tiếp đến sự phát triển của thai nhi.

- Tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề xương khớp sau sinh

Nếu không điều trị sớm, đau khớp tay có thể tiếp tục kéo dài đến sau sinh và có nguy cơ biến chứng như viêm khớp, thoái hóa khớp, hội chứng ống cổ tay mạn tính,...

3. Khắc phục tình trạng đau nhức khớp tay khi mang thai bằng cách nào?

3.1. Thay đổi thói quen sinh hoạt

Nếu bị đau nhức khớp khi mang thai, mẹ bầu nên:

- Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử liên tục như điện thoại, máy tính bảng, bàn phím máy tính để giảm áp lực lên khớp tay.

- Nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh làm việc hoặc cầm nắm vật nặng trong thời gian dài.

- Sử dụng gối kê tay khi ngủ hoặc làm việc để giữ khớp tay ở tư thế thoải mái, giảm áp lực lên dây chằng.

- Tránh ngủ nghiêng một bên quá lâu, nhất là nghiêng bên tay bị đau. Khi ngủ, mẹ có thể dùng gối nâng tay để giảm áp lực lên khớp tay và cổ tay.

Bị đau nhức khớp tay khi mang thai, mẹ bầu không nên cầm điện thoại quá lâu

Bị đau nhức khớp tay khi mang thai, mẹ bầu không nên cầm điện thoại quá lâu

3.2. Tập thể dục nhẹ nhàng

Để cải thiện khả năng vận động khớp tay, giảm đau tại nhà, mẹ bầu hãy thực hiện các bài tập giãn cơ tay nhẹ nhàng như co duỗi các ngón tay, xoay cổ tay theo vòng tròn,... Mẹ bầu cũng có thể chọn các bài tập yoga nhẹ nhàng, đi bộ,... để cải thiện tinh thần, tăng lưu thông máu, giảm phù nề,... giúp tránh căng giãn cơ khớp tay.

3.3. Điều chỉnh lại chế độ ăn

Cung cấp đầy đủ dưỡng chất qua chế độ ăn hằng ngày không chỉ tốt cho sức khỏe của mẹ mà còn đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt, nếu bị đau nhức khớp tay khi mang thai, mẹ bầu nên chú ý ăn nhiều rau xanh, tôm, cá, lòng đỏ trứng,... để bổ sung canxi và vitamin D cho cơ thể.

Các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, chuối,... cũng sẽ giúp mẹ bầu giảm được tình trạng tê bì, đau nhức chân tay.

Chế độ ăn giàu dinh dưỡng giúp hạn chế thiếu hụt vi chất gây đau nhức khớp tay cho mẹ bầu

Chế độ ăn giàu dinh dưỡng giúp hạn chế thiếu hụt vi chất gây đau nhức khớp tay cho mẹ bầu

3.4. Giảm đau tự nhiên 

Các phương pháp tự nhiên như chườm ấm, chườm lạnh lên vùng khớp tay cũng sẽ giúp mẹ giảm đau, giảm cứng khớp mà không ảnh hưởng tới thai nhi. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể dùng dầu dừa để massage vùng khớp tay giúp thư giãn cơ, giảm đau hiệu quả.

3.5. Thăm khám bác sĩ chuyên khoa

Nếu đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ giảm đau nhức khớp tay khi mang thai nêu trên nhưng không cải thiện hoặc bị tăng cảm giác đau nhức, yếu cơ, tê bì chân tay nghiêm trọng, khó cầm nắm,... thì mẹ bầu cần đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác. 

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn sử dụng thuốc giảm đau an toàn hoặc theo dõi các bệnh lý liên quan để có hướng can thiệp phù hợp cho mẹ bầu. 

Nguyên nhân gây đau nhức khớp tay khi mang thai ở mỗi mẹ bầu không giống nhau. Chỉ khi được thăm khám, chẩn đoán đúng, mẹ bầu mới biết cách khắc phục hiệu quả và tránh được những yếu tố gây nguy hiểm tới thai kỳ.

Nếu thường xuyên tái diễn tình trạng đau nhức khớp tay, mẹ bầu có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Qua các kiểm tra cần thiết, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán xác định và tư vấn hướng điều trị tốt nhất cho mẹ bầu.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ