Tin tức
Sưng khớp ngón chân cái là gì? - Triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh lý xương khớp
- 23/11/2020 | Điểm danh ngay 8 nguyên nhân khiến ngón chân cái bị tê
- 17/11/2020 | Bị tê ngón chân cái: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
- 19/04/2021 | Bị tê ngón chân cái là bị bệnh gì? Chữa trị bằng cách nào?
- 21/09/2021 | Cảnh báo nên biết: Sưng ngón chân là dấu hiệu của bệnh gì?
- 23/04/2022 | Sưng ngón chân cái, người phụ nữ đi khám phát hiện tình trạng thường gặp ở 23% người trưởng...
1. Sưng khớp ngón chân cái là gì?
Sưng khớp ngón chân cái là tình trạng viêm, tích tụ dịch hoặc tổn thương mô quanh khớp ngón chân cái khiến khớp sưng to, đỏ, nóng, gây đau khi vận động. Hiện tượng này không phải là bệnh lý đơn lẻ mà thường là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến các bệnh lý xương khớp, bệnh chuyển hóa hay hệ miễn dịch.
Tình trạng sưng khớp ngón cái có thể xuất hiện đột ngột (như trong bệnh gout cấp) hoặc tiến triển âm ỉ theo thời gian (trong bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp),.... Nếu tình trạng sưng đau khớp kéo dài, không được điều trị kịp thời và đúng cách, khớp ngón chân cái có thể bị biến dạng hoặc mất chức năng vận động.
Sưng khớp ngón chân cái không phải là bệnh lý đơn lẻ mà thường là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn
2. Nguyên nhân gây sưng khớp ngón chân cái
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng sưng khớp ngón chân cái. Việc xác định nguyên nhân chính xác là yếu tố quan trọng trong việc định hướng phương pháp điều trị. Dưới đây là một số nguyên nhân gây sưng khớp thường gặp:
- Gút (Gout): Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây sưng đau khớp ngón chân cái, đặc biệt ở nam giới trung niên. Gút xảy ra khi nồng độ acid uric trong máu tăng cao, tạo thành tinh thể urat lắng đọng ở khớp, biểu hiện sưng nóng, đỏ, đau khớp ngón chân cái dữ dội, nhất là vào ban đêm.
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là bệnh lý tự miễn, trong đó hệ miễn dịch tấn công nhầm vào màng hoạt dịch khớp, biểu hiện sưng nóng khớp, cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 60 phút,... Bệnh thường ảnh hưởng đối xứng hai bên cơ thể và có thể liên quan đến khớp ngón chân.
- Thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp xảy ra do có sự bào mòn của sụn khớp theo thời gian, thường gặp ở người lớn tuổi. Bệnh tiến triển chậm, gây đau khớp âm ỉ, sưng nhẹ, hạn chế vận động khớp.
- Viêm khớp nhiễm khuẩn: Bệnh lý xảy ra do vi khuẩn xâm nhập vào khớp qua đường máu hoặc vết thương, gây ra viêm khớp cấp. Tình trạng này cần được xử lý y tế khẩn cấp để tránh hủy hoại khớp vĩnh viễn.
- Chấn thương: Sưng khớp ngón chân cái có thể do các chấn thương va đập, bong gân, trật khớp hoặc gãy xương quanh khớp ngón chân cái,...
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng sưng khớp ngón chân cái
3. Triệu chứng sưng khớp ngón chân cái
Sưng khớp ngón chân cái có thể biểu hiện khác nhau tùy nguyên nhân, nhưng một số triệu chứng điển hình bao gồm:
- Sưng, đỏ, nóng tại khớp kèm theo đau nhức khi chạm hoặc vận động.
- Người bệnh hạn chế đi lại, khó đi lại, đứng lâu hoặc mang giày dép.
- Nếu đau do cơn gút cấp, bệnh nhân thường đau dữ dội, đau nhiều, đặc biệt đau tăng về đêm.
- Nếu sưng khớp ngón chân cái do viêm khớp dạng thấp, người bệnh có thể có biểu hiện cứng khớp, đặc biệt vào buổi sáng, có thể kéo dài hơn 60 phút.
- Nếu sưng khớp ngón chân cái kéo dài không điều trị, có thể gây biến dạng ngón chân.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân còn có biểu hiện toàn thân như sốt (nếu có nhiễm khuẩn), mệt mỏi, giảm cân (trong viêm khớp dạng thấp).
4. Điều trị sưng khớp ngón chân cái như thế nào?
Việc điều trị sưng khớp ngón chân cái cần tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Các biện pháp điều trị hiện nay thường kết hợp giữa dùng thuốc, vật lý trị liệu và thay đổi lối sống.
4.1. Điều trị nội khoa
Đây là phương pháp điều trị phổ biến và được chỉ định đầu tiên trong hầu hết các trường hợp.
Thuốc giảm đau và chống viêm
- NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid): Ibuprofen, naproxen, diclofenac... được dùng để giảm đau và viêm hiệu quả, đặc biệt trong các trường hợp viêm do chấn thương hoặc thoái hóa.
- Colchicine: Là thuốc đặc hiệu trong điều trị cơn gút cấp, dùng trong 24 – 48 giờ đầu có thể rút ngắn đáng kể thời gian sưng đau.
- Corticosteroid: Dùng đường uống hoặc tiêm tại chỗ trong các trường hợp viêm nặng, không đáp ứng với NSAIDs. Tuy nhiên, cần thận trọng với các tác dụng phụ như loãng xương, tăng đường huyết, suy tuyến thượng thận.
Thuốc điều trị nguyên nhân
- Thuốc hạ acid uric (Allopurinol, Febuxostat): Dành cho người bị bệnh gút mạn tính.
- DMARDs: Như methotrexate, sulfasalazine, hydroxychloroquine... dùng trong viêm khớp dạng thấp, nhằm điều chỉnh miễn dịch và ngăn ngừa tổn thương khớp.
- Kháng sinh: Sử dụng các loại kháng sinh nếu nguyên nhân gây đau khớp là viêm khớp nhiễm khuẩn.
Điều trị nội khoa là phương pháp điều trị phổ biến và được chỉ định đầu tiên trong hầu hết các trường hợp
4.2. Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng
Sau khi tình trạng viêm cấp được kiểm soát, người bệnh nên bắt đầu các bài tập phục hồi để duy trì độ linh hoạt và sức mạnh của khớp ngón chân. Bao gồm:
- Thực hiện các bài tập vận động khớp nhẹ nhàng như co duỗi khớp ngón chân, đi bộ trên mặt phẳng mềm,..
- Chườm lạnh trong 48 giờ đầu để giảm sưng đau khớp, sau đó chườm ấm giúp tăng tuần hoàn máu và làm giãn cơ.
- Ngâm chân với nước muối ấm (không thay thế điều trị y khoa) giúp thư giãn cơ, cải thiện tuần hoàn.
4.3. Can thiệp ngoại khoa
Các chỉ định ngoại khoa chỉ được xem xét trong trường hợp nặng hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa, bao gồm:
- Nội soi khớp hoặc rửa khớp: Áp dụng trong viêm khớp nhiễm khuẩn cấp.
- Phẫu thuật chỉnh trục hoặc thay khớp ngón chân cái: Dành cho bệnh nhân có biến dạng khớp nặng, thoái hóa giai đoạn cuối.
- Loại bỏ hạt tophi: Trong bệnh gút mạn tính có lắng đọng tinh thể urat lớn gây chèn ép, biến dạng khớp.
4.4. Thay đổi lối sống và sinh hoạt
Bên cạnh các phương pháp điều trị, chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng góp phần thúc đẩy quá trình hồi phục của khớp, giảm tái phát và phòng ngừa bệnh hiệu quả. Bạn cần:
- Chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, tăng cường các loại rau xanh, chất xơ, ngũ cốc nguyên cám. Hạn chế các loại thực phẩm giàu nhân purin (nội tạng, thịt đỏ, hải sản,…
- Kiểm soát cân nặng nhằm tránh tạo áp lực lên khớp chân.
- Uống nhiều nước mỗi ngày giúp tăng đào thải acid uric qua thận.
- Tránh đi giày cao gót hoặc giày mũi hẹp, lựa chọn giày dép thoải mái, hỗ trợ tốt cho bàn chân.
- Theo dõi và tái khám định kỳ các bệnh lý cơ xương khớp.
Chế độ ăn uống lành mạnh góp phần thúc đẩy quá trình hồi phục của khớp, giảm tái phát và phòng ngừa bệnh hiệu quả
Việc điều trị sưng khớp ngón chân cái thường cần theo dõi lâu dài, đặc biệt nếu có bệnh lý nền như gút hoặc viêm khớp dạng thấp. Người bệnh nên tái khám định kỳ để kiểm soát hiệu quả điều trị, điều chỉnh thuốc khi cần thiết và phát hiện sớm biến chứng.
Nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ, đừng chần chừ mà hãy đến Hệ thống Y tế MEDLATEC thăm khám chuyên khoa Cơ xương khớp để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời. Bạn có thể liên hệ với hotline 1900 56 56 56 để đặt lịch khám và được hướng dẫn chi tiết nhất.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
