Tin tức
Dị tật vành tai bẩm sinh: Các dạng thường gặp, nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng tới trẻ
- 25/08/2024 | Tai súp lơ và những điều có thể bạn chưa biết
- 19/09/2024 | Các loại phẫu thuật tai thường gặp
- 11/10/2024 | Nổi hạch ở trước tai - tuyệt đối không được chủ quan
1. Dị tật vành tai bẩm sinh là thế nào?
1.1. Quá trình hình thành tai ở thai nhi
Vào khoảng tuần thứ 4 của thai kỳ, các mầm mô đầu tiên tạo nên tai bắt đầu xuất hiện từ cung mang. Lúc này, các mô và tế bào phôi bắt đầu phát triển thành cấu trúc ban đầu của tai ngoài, tai giữa và tai trong.
Từ tuần thứ 9, vành tai bắt đầu di chuyển từ vị trí thấp gần cổ lên vị trí cuối cùng ở hai bên đầu. Hình dạng vành tai trở nên rõ ràng hơn với các đường cong và nếp gấp đặc trưng của tai ngoài. Các cấu trúc tai giữa, bao gồm màng nhĩ và chuỗi xương con cũng phát triển hoàn thiện hơn.
Đến tuần 20, tai ngoài gần như đạt đến hình dạng cuối cùng, với đầy đủ cấu trúc và các chi tiết cần có. Tai trong và tai giữa tiếp tục trưởng thành, chuẩn bị cho chức năng nghe.
Quá trình hình thành tai nếu có bất kỳ bất thường nào, thai nhi có thể gặp phải các dị tật vành tai bẩm sinh.
1.2. Thế nào là dị tật vành tai bẩm sinh?
Dị tật vành tai bẩm sinh là một nhóm các bất thường liên quan đến hình dạng và cấu trúc của tai ngoài, xảy ra trong quá trình phát triển bào thai. Điều này khiến cho tai có hình dạng không đúng như bình thường hoặc bị thiếu một phần. Dị tật này có thể ảnh hưởng một hoặc đến cả hai tai.
Trẻ bị dị tật vành tai bẩm sinh thường có đặc điểm:
- Hình dạng tai bất thường: Tai có thể bị vẹo, nhô ra quá mức hoặc có hình dạng không đối xứng.
- Kích thước tai nhỏ hoặc lớn hơn bình thường.
- Thiếu một phần cấu trúc tai ngoài.
Dị tật vành tai bẩm sinh xuất phát từ cấu trúc tai bất thường trong thai kỳ
2. Nguyên nhân chính gây nên dị tật vành tai bẩm sinh ở trẻ
- Di truyền
Yếu tố di truyền từ cha mẹ có thể khiến trẻ bị dị tật vành tai bẩm sinh. Ngoài ra, gia đình có tiền sử dị tật tai thì trẻ cũng có nguy cơ cao bị mắc dị tật này.
- Biến đổi gen trong thai kỳ
Tai ngoài bắt đầu hình thành ở tuần thứ 4 - 6 của thai kỳ. Nếu quá trình này gặp trục trặc, dị tật có thể xảy ra. Những thay đổi trong gen hoặc bất thường trong phân chia tế bào có thể gây nên dị tật vành tai ở thai nhi.
- Tác động từ môi trường
Phụ nữ mang thai dùng thuốc không an toàn, tiếp xúc với hóa chất độc hại, lạm dụng chất kích thích có thể khiến sự phát triển của phôi thai chịu ảnh hưởng tiêu cực. Phơi nhiễm bức xạ hoặc ô nhiễm môi trường cũng là nguy cơ khiến cho thai nhi bị dị tật vành tai.
- Thiếu hụt dinh dưỡng trong thai kỳ
Thiếu axit folic và các chất dinh dưỡng thiết yếu có thể làm tăng nguy cơ dị tật vành tai.
3. Các loại dị tật vành tai bẩm sinh trẻ có thể mắc phải
3.1. Tai nhỏ
Tai nhỏ (Microtia) là dị tật vành tai bẩm sinh thể hiện qua kích thước tai ngoài nhỏ hơn bình thường hoặc tai ngoài phát triển không hoàn thiện. Các mức độ dị tật tai nhỏ thường gồm:
- Tai nhỏ hơn bình thường nhưng vẫn đầy đủ thành phần cấu trúc cơ bản.
- Tai bị biến dạng nhẹ, không đầy đủ cấu trúc, thiếu một phần vành tai.
- Tai ngoài chỉ còn lại một cấu trúc nhỏ, thường được mô tả như một cục sụn nhỏ.
Hình ảnh về dị tật vành tai bẩm sinh ở trẻ
3.2. Không có vành tai Anotia
Dị tật Anotia được hiểu là trẻ sinh ra không có tai ngoài. Dị tật vành tai bẩm sinh này rất hiếm gặp, chủ yếu là do gặp phải vấn đề ở tai giữa và tai trong.
Hệ quả của dị tật Anotia không chỉ dừng ở việc giảm thính lực gây khó khăn cho trẻ trong giao tiếp mà còn ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sự phát triển xã hội của trẻ.
3.3. Tai vểnh
Tai vểnh (tai nhô) là tình trạng vành tai nằm ở góc lớn hơn bình thường so với đầu. Tai có xu hướng nhô ra xa khỏi đầu, khiến gương mặt trở nên mất cân đối.
Nguyên nhân gây nên dị tật tai vểnh thường là do sụn tai phát triển không đúng cách khiến cho cấu trúc vành tai yếu hoặc phát triển không ổn định.
3.4. Tai to tai nhỏ
Dị tật vành tai bẩm sinh này xảy ra khi hai tai có kích thước hoặc hình dạng không đồng đều, làm khuôn mặt bị mất cân đối. Trẻ mắc dị tật này sẽ có một bên tai phát triển không hoàn thiện so với bên kia.
4. Dị tật vành tai bẩm sinh ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?
4.1. Giảm tính thẩm mỹ ngoại hình
Dị tật vành tai bẩm sinh thường gây mất cân đối trên khuôn mặt, làm giảm sự hài hòa về tổng thể ngoại hình.
Ngoại hình khác biệt có thể khiến trẻ cảm thấy bị cô lập hoặc khó hòa nhập với bạn bè cùng lứa. Đặc biệt, các dị tật nặng như tai nhỏ hoặc không có vành tai thường dễ nhận thấy, khiến trẻ cảm thấy mình khác biệt và có tâm lý tiêu cực.
4.2. Suy giảm chức năng nghe
Một số dị tật vành tai bẩm sinh làm gián đoạn chức năng của tai ngoài và tai giữa, gây suy giảm thính lực. Khi tai ngoài bị biến dạng hoặc bịt kín, âm thanh không được thu nhận tốt nên trẻ có thể chỉ nghe được một tai.
Suy giảm thính lực từ sớm có thể làm chậm quá trình phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp của trẻ.
4.3. Tâm lý bị tác động
Trẻ em với dị tật vành tai bẩm sinh thường phải đối mặt với áp lực tâm lý từ rất sớm, dễ phải trải qua các cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần.
Dị tật vành tai khiến trẻ cảm thấy mình khác biệt và trở nên tự ti trước bạn bè. Ngoại hình bất thường có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị bạn bè bắt nạt hoặc cô lập. Theo thời gian, trẻ sẽ ngày càng mặc cảm, thu mình, hạn chế khả năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ xã hội.
Vì vậy việc động viên và giúp trẻ tự tin hòa nhập với các bạn đồng trang lứa rất quan trọng đến từ phía gia đình và nhà trường.
Dị tật vành tai bẩm sinh khiến trẻ tự ti, cản trở giao tiếp xã hội
4.4. Tăng nguy cơ nhiễm trùng
Một số dạng dị tật vành tai bẩm sinh có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng do cấu trúc tai bất thường. Cấu trúc tai bất thường khiến cho khả năng bảo vệ tai kém, dễ bị viêm nhiễm khi tiếp xúc với nước hoặc bụi bẩn.
5. Điều trị
Những phương pháp giải quyết dị tật vành tai thường là phẫu thuật tạo hình vành tai. Tùy thuộc vào mức độ, tình trạng và nhu cầu của trẻ và gia đình, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp giúp trẻ có đôi tai như bình thường. Các kỹ thuật hiện đang được áp dụng rộng rãi như: tạo hình vành tai bằng các vật liệu từ sụn sườn tự thân, sụn tai nhân tạo, Medpor, Omnipro, Silicon,…
Dị tật vành tai bẩm sinh của trẻ có thể được tầm soát trong các lần khám thai định kỳ. Vì thế, thai phụ cần khám thai đúng mốc được bác sĩ hẹn để phát hiện sớm các bất thường bẩm sinh. Đặc biệt, trường hợp gia đình có tiền sử dị tật thì trước khi mang thai, người mẹ nên tham vấn chuyên gia di truyền để xác định nguy cơ, có phương án hỗ trợ tốt cho thai kỳ.
Để yên tâm chăm sóc, sàng lọc thai kỳ với kết quả chính xác, quý khách hàng có thể đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!