Tin tức
Điều trị và phòng ngừa viêm amidan cấp như thế nào?
- 24/08/2024 | Tổng hợp cách chữa viêm amidan ở trẻ không dùng kháng sinh
- 06/09/2024 | Viêm amidan hốc mủ có nguy hiểm không? Điều trị và phòng ngừa như thế nào?
- 06/09/2024 | Viêm amidan mạn tính: Tìm hiểu triệu chứng, biến chứng và cách điều trị
1. Viêm amidan cấp là gì?
Viêm amidan cấp là tình trạng amidan bị viêm do nhiễm vi khuẩn (liên cầu beta tan huyết nhóm A, haemophilus influenzae, tu cầu, xoắn khuẩn,…) hoặc virus (cúm, sởi, ho gà,…). Tình trạng viêm này thường kéo dài khoảng 2 tuần với các triệu chứng như sau.
● Người bệnh bị rét run kèm theo sốt 38 - 39 độ.
● Hôi miệng và đau họng, cảm giác đau rõ rệt khi nuốt nước bọt hoặc ăn uống.
● Khó thở, có xu hướng thở bằng miệng và thở ngáy khi ngủ.
● Hạch nổi ở cổ.
● Mệt mỏi, chán ăn, người khó chịu và cáu gắt.
● Amidan sưng đỏ, có mảng trắng và mủ.
● Viêm amidan cấp ở trẻ nhỏ khiến trẻ bị sổ mũi, ho có đờm, thở khò khè,…
Các triệu chứng này khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày do cổ họng luôn có cảm giác sưng đau, khó nuốt, khó thở. Nghiêm trọng hơn, viêm amidan cấp còn thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm khớp, viêm cầu thận, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp,… nếu không được điều trị tích cực.
Viêm amidan cấp khiến người bệnh bị đau rát họng, khó nuốt
2. Điều trị viêm amidan cấp
Qua thăm khám, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây viêm amidan cấp, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp. Nếu tình trạng viêm do virus thì chủ yếu điều trị bằng cách tăng đề kháng và chăm sóc hỗ trợ. Còn nếu viêm do vi khuẩn thì sẽ chỉ định dùng thuốc. Cụ thể, viêm amidan cấp được điều trị như sau.
Dùng thuốc kháng sinh
Phương pháp điều trị này không áp dụng khi viêm amidan cấp do virus, chỉ áp dụng trong trường hợp do tác nhân vi khuẩn. Lúc này, thuốc kháng sinh sẽ có tác dụng ức chế và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, đồng thời, ngăn ngừa các biến chứng viêm khớp, viêm cầu thận, viêm cơ tim,… cho người bệnh.
Lưu ý là kháng sinh chỉ được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ. Và bạn cần tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng để đảm bảo hiệu quả cao, phòng tránh nguy cơ kháng thuốc. Tuyệt đối không tự ý dừng hoặc lạm dụng kháng sinh để tránh những rủi ro không mong muốn.
Điều trị viêm amidan cấp do vi khuẩn bằng cách dùng thuốc kháng sinh
Phẫu thuật cắt amidan
Thực tế thì bị viêm amidan cấp không cần phải phẫu thuật cắt amidan mà chỉ cần dùng thuốc và chăm sóc hỗ trợ. Phẫu thuật cắt amidan thường áp dụng cho những người bị thường xuyên bị viêm amidan tái phát nhiều lần trong 1 năm. Nói chung, phương pháp này thường được chỉ định cho các bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em bị viêm amidan 7 lần trong một năm, 5 lần/ năm trong hai năm liên tiếp hoặc 3 lần/ năm trong ba năm liên tiếp.
Ngoài ra, phẫu thuật cắt amidan cũng được áp dụng khi tình trạng viêm amidan cấp nặng, gây biến chứng áp xe amidan. Việc phẫu thuật cắt sẽ giúp loại bỏ dịch mủ có trong ổ áp xe.
Chăm sóc hỗ trợ
Những biện pháp chăm sóc hỗ trợ dưới đây sẽ giúp cải thiện triệu chứng viêm amidan cấp, đặc biệt là viêm do virus, không cần phải dùng đến kháng sinh.
● Uống nhiều nước để cổ họng không bị khô rát. Ngoài nước lọc, bạn cũng có thể uống nước ép trái cây, nước dừa và trà thảo dược để vừa cung cấp vitamin, khoáng chất tăng đề kháng; vừa bổ sung chất chống oxy hóa và kháng viêm để giảm kích ứng họng, miệng.
● Tránh ăn thực phẩm cứng như các loại hạt, rau củ quả sấy khô; thay vào đó là ưu tiên ăn thức ăn mềm, loãng như canh, cháo, súp,…
● Thường xuyên vệ sinh họng bằng cách súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý. Bạn có thể súc nhiều lần đến khi thấy cổ họng bớt đau rát và miệng bớt hôi là được.
● Không nên nói nhiều, nói to và la hét lớn vì việc này có thể gây kích ứng cổ họng và làm gia tăng các triệu chứng của viêm amidan cấp.
● Tăng độ ẩm cho không gian sống bằng các thiết bị tạo độ ẩm hoặc máy phun sương, nhất là khi trong phòng có sử dụng điều hòa.
● Nếu viêm amidan cấp gây đau họng, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen, aspirin hoặc ngậm kẹo trị viêm họng.
● Dùng thuốc xịt họng như benzydamine, phenol, dibucaine, benzocaine, rượu benzyl để giảm triệu chứng sưng viêm.
Uống nhiều nước để giảm cảm giác sưng viêm, đau rát họng do viêm amidan cấp
3. Các biện pháp phòng ngừa viêm amidan cấp
Khi gặp điều kiện thuận lợi như thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường ô nhiễm, cơ thể nhiễm lạnh, miễn dịch suy yếu,… thì bạn rất dễ bị viêm amidan cấp. Do đó, để phòng ngừa thì bạn cần chủ động thực hiện các biện pháp sau.
● Hạn chế đến những nơi tập trung đông người, đặc biệt là trong những thời điểm cao điểm của dịch bệnh.
● Luôn giữ ấm cơ thể khi tiết trời lạnh, nhiệt độ xuống thấp để phòng ngừa cơ thể bị nhiễm lạnh, dẫn đến viêm họng, viêm amidan.
● Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là ở nơi đông người hoặc môi trường nhiều khói bụi.
● Rửa tay bằng nước sát khuẩn hoặc xà phòng ngay sau khi ra ngoài về, trước khi ăn và sau mỗi lần đi vệ sinh.
● Hạn chế đưa tay lên sờ mắt, mũi, miệng.
● Vệ sinh miệng, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
● Tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tập luyện mỗi ngày.
● Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin như cúm, sởi, ho gà, liên cầu khuẩn nhóm A.
● Khi trẻ bị viêm amidan cấp, cha mẹ nên cho trẻ đi khám và điều trị đến khi hết thì mới cho đến trường để hạn chế nguy cơ lây lan sang các bé khác.
Giữ ấm cơ thể, uống trà thảo dược,… là cách phòng ngừa viêm amidan cấp hiệu quả
Trên đây là những chia sẻ về viêm amidan cấp, hy vọng bạn đọc sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích. Nếu đang mắc bệnh lý này hoặc các bệnh khác về tai mũi họng, bạn có thể đến khám tại Chuyên khoa Tai Mũi Họng của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Quý khách cũng có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ đặt lịch khám trước khi đi khám nhanh nhất.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!