Tin tức

Dính thắng lưỡi ở trẻ: Nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp xử lý

Ngày 26/10/2022
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Dị tật dính thắng lưỡi ở trẻ là một bệnh lý bẩm sinh chiếm khoảng 5%, tình trạng này làm quá trình cử động của lưỡi và phát âm của trẻ bị hạn chế. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến dính thắng lưỡi, dấu hiệu phát hiện dị tật bẩm sinh này là gì? 

1. Tật dính thắng lưỡi là gì?

Một trong những bệnh lý bẩm sinh mà bất cứ đứa trẻ nào cũng có khả năng mắc phải là dính thắng lưỡi do dây thắng lưỡi bị ngắn. Dị tật này làm chuyển động của lưỡi bị cản trở và gây nhiều khó khăn trong việc ăn uống, gây khó bú, phát âm.

Theo thống kê, có đến 5% trẻ sơ sinh sau khi chào đời mắc bệnh dị tật này và gần như được phát hiện ngay trong tháng đầu khi tiêm chủng hoặc khám sức khỏe định kỳ. Hoặc trẻ được nhận biết trễ hơn khi phụ huynh thấy bé phát âm khó khăn, bú sữa khó và chậm tăng cân. Tật dính thắng lưỡi có thể chia thành nhiều loại, có thể dính ít hoặc nhiều.

Có khoảng 5% trẻ mới sinh gặp dị tật dính thắng lưỡi

Có khoảng 5% trẻ mới sinh gặp dị tật dính thắng lưỡi

2. Nguyên nhân dẫn đến dị tật dính thắng lưỡi ở trẻ

Tuy dị tật dính thắng lưỡi trẻ em không tạo thành nguy hiểm, nhưng chúng khiến công năng của lưỡi bị ảnh hưởng. Tính đến hiện nay, các chuyên gia y tế vẫn chưa phát hiện ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng dị tật dính thắng lưỡi. Một số nghiên cứu khoa học đã đưa ra bằng chứng rằng dính thắng lưỡi trẻ em bắt nguồn từ yếu tố di truyền.

3. Dấu hiệu nhận biết

Dính thắng lưỡi là nguyên do khiến cho trẻ gặp trở ngại khi bú sữa, nên trẻ sẽ bú rất lâu và lên cân rất chậm. Dựa theo độ tuổi và mức độ mắc phải bệnh mà dấu hiệu của dị tật sẽ khác nhau, cụ thể:

  • Những cử động của lưỡi bị hạn chế do dây thắng lưỡi ngắn.

  • Trẻ không thể thè đầu lưỡi qua khỏi môi.

  • Trẻ không thể đưa đầu lưỡi chạm đến vòm họng.

  • Khi khóc đầu lưỡi của trẻ có hình trái tim, có hình nhọn hoặc vuông khi trẻ nhỏ thè lưỡi.

  • Răng cửa ở hàm dưới của trẻ bị hở hoặc nghiêng do dính thắng lưỡi.

  • So với những đứa trẻ bình thường, trẻ dính thắng lưỡi gặp cản trở khi bú sữa và phát âm.

Trẻ nhỏ gặp trở ngại khi bú sữa nếu mắc bệnh dính thắng lưỡi

Trẻ nhỏ gặp trở ngại khi bú sữa nếu mắc bệnh dính thắng lưỡi

4. Trẻ bị ảnh hưởng như thế nào khi bị dính thắng lưỡi?

Dị tật dính thắng lưỡi không những tạo thành ảnh hưởng đến sự phát âm của trẻ nhỏ mà còn khiến cho giọng nói của trẻ bị ngọng, gặp khó khăn khi nói. Bên cạnh đó, dị tật này còn dẫn đến nhiều ảnh hưởng khác, chẳng hạn như:

  • Việc ăn uống gặp nhiều trở ngại do lưỡi bị co lại khi nuốt thức ăn, do đó trẻ lười ăn, nhẹ cân.

  • Vì tật dính thắng lưỡi khiến cho những răng cửa ở hàm dưới có khe hở hoặc bị nghiêng làm hàm răng trở nên mất thẩm mỹ.

5. Các mức độ dính thắng lưỡi thường gặp

Phụ thuộc vào độ dài của dây thắng lưỡi bằng cách đo từ nơi dính ở lưỡi đến vị trí dính tại sàn miệng mà chúng ta có thể phân loại các mức độ dính thắng lưỡi.

  • Mức độ 1 - nhẹ: Từ 12 - 16mm

  • Mức độ 2 - trung bình: Từ 8 - 11mm

  • Mức độ 3 - nặng: Từ 3 - 7mm

  • Mức độ 4 - hoàn toàn: Dưới 3mm

6. Phương pháp điều trị tật dính thắng lưỡi ở trẻ

Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi nhận biết trẻ bị tật dính thắng lưỡi để được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán mức độ dính thắng lưỡi một cách chính xác. Từ đó xác định xem có nên cho trẻ phẫu thuật cắt không.

Chỉ định phẫu thuật dính thắng lưỡi ở trẻ sẽ dựa trên sự ảnh hưởng đến quá trình bú sữa mẹ, trẻ phát âm và mức độ dính thắng lưỡi. Đối với trường hợp trẻ bị ảnh hưởng nhiều đến việc bú sữa thì được yêu cầu phẫu thuật sớm. Khi dị tật này tác động đến việc phát âm thì cần được bác sĩ chuyên khoa răng - hàm - mặt đánh giá trước khi phẫu thuật để loại bỏ các khả năng trẻ bị khó phát âm khác.

Bên cạnh đó, phương pháp cắt dây thắng lưỡi còn dựa vào độ tuổi của trẻ. Đối với trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi thì phải cố định thật chặt đầu của trẻ, chỉ được tiêm hoặc bôi tê cho trẻ, sau đó sử dụng dao điện để cắt thắng lưỡi. Trẻ có thể bú sữa ngay sau khi áp dụng kỹ thuật cắt này. Những trẻ lớn hơn thì có thể gây tê tại chỗ hoặc gây mê rồi sử dụng máy cắt/ dao mổ để phẫu thuật thắng lưỡi, sau đó may vết thương và chúng sẽ lành sau vài tuần thực hiện phẫu thuật.

Cắt thắng lưỡi ở trẻ là phương pháp điều trị thường được chỉ định

Cắt thắng lưỡi ở trẻ là phương pháp điều trị thường được chỉ định

7. Chăm sóc trẻ dính thắng lưỡi sau cuộc phẫu thuật

Tại khu vực vết thương sau khi thực hiện cắt thắng lưỡi sẽ hình thành một vết trắng, nhưng tình trạng này sau một vài tuần sẽ tự hết nên các bậc phụ huynh không cần quá lo sợ. Bên cạnh việc thực hiện đúng các chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa thì cần chăm sóc và theo dõi trẻ một cách cẩn thận.

Tuyệt đối không cho trẻ ngậm hoặc cắn những đồ vật, thức ăn cứng để hạn chế hiện tượng chảy máu. Đồng thời không cho trẻ nhỏ chạm vào vết thương vừa phẫu thuật để tránh sự nhiễm trùng. Ngoài ra, sau khi ăn và luyện tập vận động lưỡi cha mẹ cần tiến hành vệ sinh miệng cho trẻ và cho trẻ uống thật nhiều ngược để khoang miệng được làm sạch.

8. Một số câu hỏi liên quan đến tật dính thắng lưỡi ở trẻ

8.1. Chi phí cắt thắng lưỡi cho trẻ bao nhiêu?

Tùy vào phương pháp mà bác sĩ chọn là gây mê hoặc gây tê mà chi phí cắt dính thắng lưỡi sẽ có sự khác nhau. Mức chi phí điều trị còn dựa vào độ dính thắng lưỡi và độ tuổi phẫu thuật. Nếu trẻ ổn định sau khi phẫu thuật có thể được cho về nhà trong ngày, chi phí nằm viện sẽ không tốn nhiều.

8.2. Thời điểm phù hợp cắt thắng lưỡi

Thời gian thực hiện phẫu thuật cắt dính thắng lưỡi lý tưởng cho trẻ là dao động từ 3 - 6 tháng tuổi, bởi:

  • Trẻ có đủ khả năng để chịu đựng để các chuyên gia thực hiện phẫu thuật.

  • Đối với trẻ bị dính thắng lưỡi ở mức nặng thì không nên phẫu thuật trễ hơn, bởi để càng lâu sẽ càng tạo thành tác động lớn đến khả năng ngôn ngữ, công năng ăn uống và thẩm mỹ của trẻ.

8.3. Không nên cắt thắng lưỡi khi nào?

Mặc dù phương pháp cắt thắng lưỡi đơn giản, tuy nhiên trong tình huống trẻ bị nhiễm trùng răng miệng hoặc mắc chứng rối loạn đông máu thì không nên tiến hành. Bởi có thể gây chảy máu nhiều hoặc khiến vết mổ có nguy cơ bị nhiễm trùng nếu thực hiện phẫu thuật trong trường hợp này.

8.4. Dị tật dính thắng lưỡi mức độ nhẹ có thể tự hết không?

Nếu trẻ mắc dị tật dính thắng lưỡi ở mức độ nhẹ và trung bình thì bác sĩ sẽ thực hiện đánh giá, chẩn đoán và tiếp tục theo dõi thêm. Đa số những đứa trẻ dính thắng lưỡi mức độ nhẹ gần như không chịu tác động bởi việc phát âm, ăn uống và có thể tự điều chỉnh.

Những trường hợp trẻ em có mức độ dính thắng lưỡi nặng và gây cản trở đến việc bú sữa thì cần tiến hành cắt sớm. Đối với trường hợp dính thắng lưỡi tạo thành ảnh hưởng đến việc phát âm của trẻ thì cần thực hiện phẫu thuật trước độ tuổi trẻ phát triển ngôn ngữ.

Trẻ dính thắng lưỡi ở mức độ nặng và gây cản trở đến việc bú sữa thì cần tiến hành phẫu thuật

Trẻ dính thắng lưỡi ở mức độ nặng và gây cản trở đến việc bú sữa thì cần tiến hành phẫu thuật

Trên đây là những thông tin chi tiết về dị tật bẩm sinh dính thắng lưỡi ở trẻ mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo. Quý khách có thể đưa các bé đến chuyên khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để các bác sĩ thăm khám trực tiếp. Để đặt lịch thăm khám, Quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 của bệnh viện.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ