Tin tức
Động mạch thân tạng là gì và bệnh lý liên quan
- 31/01/2024 | Phình động mạch não: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- 30/06/2023 | Tìm hiểu phương pháp banding động mạch phổi điều trị tim bẩm sinh
- 22/08/2024 | CCS tim mạch (hội chứng động mạch vành mạn): triệu chứng và hướng phòng ngừa hiệu quả
1. Động mạch thân tạng là gì?
Động mạch thân tạng là một nhánh rẽ được tách ra từ động mạch chủ bụng. Các cơ quan như gan, lách, tuyến tụy cùng một phần của hệ tiêu hóa (ruột) được cung cấp máu và nuôi dưỡng bởi nhánh động mạch này. Bình thường, động mạch thân tạng có kích thước (đường kính) khoảng 6 - 8mm.
2. Bệnh lý về động mạch thân tạng
Ở đây được hiểu là bệnh phình động mạch thân tạng. Và đúng như tên gọi, đây là hiện tượng động mạch thân tạng bị phình ra, tức là kích thước tăng lên gấp 1,5 lần so với kích thước trung bình. Xơ vữa động mạch hoặc thành mạch bị thoái hóa (suy yếu, mỏng đi) là nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này.
Ngoài ra, những nguyên nhân khác hiếm gặp hơn bao gồm loạn sản sợi cơ, bệnh nấm, viêm động mạch tế bào khổng lồ, khiếm khuyết gen do các bệnh lý di truyền. Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc bệnh có thể kể đến như lớn tuổi, thừa cân béo phì, cao huyết áp, tiền sử mắc bệnh tim mạch hoặc bệnh liên quan đến mạch máu, thói quen hút thuốc lá.
Động mạch thân tạng có thể bị xơ vữa và tắc nghẽn
3. Triệu chứng và biến chứng phình động mạch thân tạng
Khi động mạch thân tạng bị phình ra, người bệnh hầu như không có triệu chứng rõ ràng. Biểu hiện thường gặp nhất là cơn đau bụng hoặc đau vùng rốn thoáng qua. Một số trường hợp bị đau vùng thượng vị. Những biểu hiện này khá giống với bệnh lý tiêu hóa thông thường nên người bệnh thường chủ quan bỏ qua.
Đến khi nhánh động mạch chủ bụng này phình cực đại và vỡ ra, gây xuất huyết ồ ạt trong ổ bụng dẫn đến mất máu cấp tính, người bệnh nôn hoặc đi ngoài ra máu mới được thăm khám thì đã ở giai đoạn muộn. Lúc này, người bệnh sẽ đối mặt với các biến chứng như sốc mất máu, mạch đập nhanh, huyết áp giảm, rối loạn ý thức, bất tỉnh, tử vong.
Phình động mạch thân tạng khiến người bệnh đau bụng
Ngoài ra, một biến chứng khác của phình động mạch thân tạng là tại chỗ bị phình có hiện tượng bóc tách nội mạc. Lúc này, lưu lượng máu từ các động mạch phía sau chỗ lóc tách đến các cơ quan nội tạng bị giảm khiến hoạt động của các cơ quan nội tạng bị suy yếu. Nếu không được can thiệp ngoại khoa sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tóm lại, phình động mạch thân tạng không phổ biến, thậm chí là hiếm gặp. Tuy nhiên, bệnh lý này lại có mức độ nguy hiểm cao do các triệu chứng ban đầu không rõ ràng, đến khi có triệu chứng điển hình thì việc điều trị sẽ khó khăn, người bệnh đối mặt với nhiều rủi ro khó lường.
4. Chẩn đoán và điều trị phình động mạch thân tạng
Để bảo vệ sức khỏe và tính mạng, người bị phình động mạch thân tạng cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chẩn đoán
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp X-quang, CT và MRI thường được áp dụng trong chẩn đoán phình động mạch thân tạng. Những phương pháp này không chỉ giúp xác định được vị trí phình, kích thước khối phình mà còn phát hiện được những biến chứng như tắc nghẽn động mạch, xuất huyết ổ bụng.
Điều trị
Điều trị phình động mạch thân tạng như thế nào còn tùy thuộc vào trường hợp cụ thể. Nếu khối phình có kích thước dưới 2cm, chưa bị vỡ, người bệnh có thể được theo dõi và kiểm tra định kỳ để xác định sự phát triển của khối phình. Trong thời gian này, bác sĩ có thể cho dùng thuốc huyết áp nhằm kiểm soát độ phình của nhánh động mạch.
Nếu khối phình nhỏ, người bệnh được theo dõi và dùng thuốc
Ngược lại, với khối phình lớn hơn 2cm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, bác sĩ sẽ cân nhắc các phương pháp phẫu thuật sau.
- Phẫu thuật: Hay còn gọi là mổ mở nhằm mục đích loại bỏ khối phình. Trong quá trình mổ, bác sĩ cũng tiến hành khắc phục những tổn thương xảy ra ở những động mạch khác bị ảnh hưởng.
- Can thiệp nội mạch: Tức là đặt stent vào động mạch thân tạng bị phình. Phương pháp này được thay thế cho mổ hở vì mổ hở mất nhiều thời gian và tiềm ẩn các biến chứng sau phẫu thuật, không thích hợp với người lớn tuổi. Tuy nhiên, để đặt stent đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao và tốn kém chi phí.
- Phẫu thuật kết hợp: Trong chuyên môn gọi là Hybrid, tức là kết hợp cả mổ hở với đặt stent. Chính vì vậy, phương pháp này vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tối ưu chi phí điều trị, tuy nhiên, vẫn đòi hỏi máy móc hiện đại.
5. Phòng ngừa phình động mạch thân tạng
Chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa phình động mạch thân tạng.
Chế độ dinh dưỡng
Trong thực đơn ăn uống, bạn cần tránh tiêu thụ các thực phẩm chứa chất béo không lành mạnh. Thay vào đó, hãy sử dụng nguồn thực phẩm chứa chất béo tốt như dầu ô liu, hạt hạnh nhân, cá hồi,… Đồng thời, tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây và uống đủ nước mỗi ngày. Đặc biệt, hãy kiểm soát tốt lượng muối dung nạp vào cơ thể và nói không với đồ đóng hộp, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
Thực phẩm giàu chất béo lành mạnh rất tốt cho sức khỏe
Thói quen sinh hoạt
Bạn cần xây dựng thói quen tập luyện mỗi ngày và duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Khi tập luyện, tránh những tổn thương ở vùng bụng, nếu tham gia trò mạo hiểm hay có nguy cơ cao, cần trang bị trang phục bảo hộ cho vùng bụng. Bên cạnh đó, tránh tiếp xúc với hóa chất, thuốc lá, chất gây nghiện để tránh làm tổn thương mạch máu, gây phình động mạch.
Đặc biệt, hãy thăm khám sức khỏe định kỳ vì có nhiều trường hợp phát hiện phình động mạch thân tạng thông qua hoạt động kiểm tra sức khỏe thường niên. Khi thực hiện siêu âm hay chụp X-quang, bác sĩ vô tình phát hiện được khối phình trong động mạch.
Chúng ta đã cùng tìm hiểu động mạch thân tạng là gì và bệnh lý liên quan. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc, hãy đến gặp bác sĩ Khoa Tim mạch - Hệ thống Y tế MEDLATEC hoặc gọi đến 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết và đặt lịch khám.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!