Tin tức

Dược liệu cây cỏ máu: đặc điểm, công dụng và cách sử dụng

Ngày 31/10/2023
Lương Thanh Thủy
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Cây cỏ máu (kê huyết đằng) là dược liệu mang trong mình nhiều công dụng đối với khí huyết, lợi sữa, xương khớp,... Dưới đây, MEDLATEC sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về đặc điểm, công dụng và cách sử dụng hiệu quả dược liệu này.

1. Một vài đặc điểm sinh học cây cỏ máu

Cây cỏ máu có rất nhiều tên gọi khác nhau như: huyết rồng, kê huyết đằng, máu gà, hồng đăng, đại huyết đằng,... Loài cây này chủ yếu mọc ở vùng núi cao với khí hậu mát mẻ, đây cũng là điều kiện giúp cây tăng cường sự hấp thụ chất dinh dưỡng, làm tăng chất lượng và giá trị của dược liệu.

Thân cây khi được cắt ra có màu đỏ gần màu máu nên được gọi là cây cỏ máu

Thân cây khi được cắt ra có màu đỏ gần màu máu nên được gọi là cây cỏ máu

Cây cỏ máu thuộc dạng thân gỗ dây leo, dài tối đa khoảng 10 mét, đường kính thân 3 - 4cm dạng dẹt hoặc trụ tròn. Thân cây thô ráp, vỏ màu nâu. Do khi cắt đôi phần thân sẽ chảy ra lớp nhựa màu hơi giống với màu máu nên cây được dân gian gọi là cỏ máu.

Lá cây cỏ máu thuộc dạng kép, mặt phía trên nhẵn bóng màu xanh đậm còn mặt dưới nhạt màu hơn. Hoa cây cỏ máu mọc từ nách lá, phần cuống nhỏ, bên ngoài hoa có phủ lớp lông mịn. Quả cỏ máu màu tím, thường ra vào tháng 9 - 10, hình dạng lưỡi liềm hoặc hình trứng, chiều dài 7cm, bên ngoài vỏ có lớp lông nhung mịn, bên trong quả có khoảng 3 - 5 hạt.

2. Thu hoạch, chế biến và bảo quản dược liệu cây cỏ máu

Cây cỏ máu được khai thác phần thân để làm dược liệu. Thân cây dẹt hoặc trụ tròn, to, màu vàng hơi nhạt, lát cắt có dạng các vòng gỗ đồng tâm và chảy ra nhựa màu hơi giống màu máu. Các lát cắt cỏ máu nếm sẽ thấy có vị chát, cứng, kích thước không đều nhau.

2.1. Thu hoạch

Phần thân cây được thu hoạch quanh năm nhưng chủ yếu là vào thời điểm tháng 8 - 10. Thông thường, cây còn tươi, chắc, vỏ mịn và vàng sẽ chọn để cắt trước. Sau khi thu hoạch, phần lá sẽ được bỏ hết và phân loại theo kích thước rồi mới thái lát để sấy khô dùng dần hoặc dùng tươi.

2.2. Chế biến

- Dùng tươi: dược liệu được rửa sạch rồi thái thành các lát mỏng để dùng luôn.

- Sấy hoặc phơi khô: thân cây cỏ máu sẽ được đem đi ngâm nước, tùy vào kích thước lớn hay nhỏ của thân cây mà giờ ngâm sẽ khác nhau. Nếu thân nhỏ thì ngâm khoảng 1 - 2 giờ, nếu thân to thì ngâm khoảng 3 ngày. Thời gian sau đó thân sẽ được vớt ra, rửa sạch và thái lát mỏng rồi đem sấy hoặc phơi để dùng dần.

 

Cây cỏ máu thường được thu hoạch phần thân, thái lát, phơi hoặc sấy khô để dùng

Cây cỏ máu thường được thu hoạch phần thân, thái lát, phơi hoặc sấy khô để dùng

2.3. Bảo quản

Cần bảo quản dược liệu cỏ máu trong điều kiện nhiệt độ phòng, ở nơi không bị ẩm ướt để tránh bị nấm mốc tấn công. Vào những ngày trời có nắng, tốt nhất nên đem dược liệu phơi nắng hoặc có thể sấy lại để tăng thời gian bảo quản.

3. Thành phần dược liệu và công dụng của cây cỏ máu

3.1. Thành phần dược liệu

Theo nghiên cứu thu được từ phòng thí nghiệm thì dược liệu cỏ máu có chứa các chất: Daucosterol, Beta Sitosterol, 5 Alpha-Stigmastane-3 Beta, 9-Methoxy Coumestrol, Milletol, Medicagol, Epicatechin, 4-tetrahydroxy chalcone, Protocatechuic acid, Licochalcone, Friedelan-3-Alpha-Ol, Glucozit,...

3.2. Công dụng của dược liệu cỏ máu

Y học cổ truyền quan niệm cây cỏ máu có vị đắng, tính ấm, hậu ngọt, thơm nhẹ, quy kinh vào can, thận và tỳ. Tác dụng của dược liệu này là thư cân, thông kinh hoạt lạc, lợi huyết, chỉ thống, táo vị, hành huyết,... Vì thế, cỏ máu chủ trị hư lao, thiếu máu, chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, kinh nguyệt không đều, mỏi gối, đau lưng, khí huyết hư, suy nhược cơ thể, thiếu máu não, đau dạ dày, đổ mồ hôi trộm, thiếu máu sau sinh,...

Y học hiện đại đã có những nghiên cứu cho thấy cỏ máu có nhiều tác dụng như:

- Sử dụng chiết xuất cồn trên chuột bị viêm khớp cho thấy khả năng đẩy lùi viêm nhiễm do Formaldehyde. Cũng nghiên cứu được thử nghiệm trên chuột cho thấy cỏ máu có thể thúc đẩy khả năng chuyển hóa phosphate ở tử cung và thận.

- Sử dụng nước sắc từ cỏ máu thử nghiệm cho thỏ và chó ghi nhận giảm chỉ số huyết áp. Cũng nước sắc này thử nghiệm trên ếch cho thấy khả năng ức chế cơ tim.

- Sử dụng dịch chiết cỏ máu tiêm vào màng bụng của chuột nhắt ghi nhận công dụng an thần, giảm đau.

Tùy vào mục đích sử dụng mà cỏ máu sẽ được kết hợp với các dược liệu khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất

Tùy vào mục đích sử dụng mà cỏ máu sẽ được kết hợp với các dược liệu khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất

3.3. Cách dùng

Cây cỏ máu có thể dùng nấu để lấy nước uống như trà, ngâm rượu, sắc uống hoặc cô thành cao. Liều dùng không quá 10 - 30g/ngày.

Cần hết sức thận trọng lạm dụng cỏ máu quá liều vì tiêm chiết xuất cỏ máu vào tĩnh mạch súc vật liều 4.25g/ kg cho thấy động vật bị chết.

4. Một số bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu cỏ máu

Cây cỏ máu từ xưa đã được sử dụng trong dân gian và y học cổ truyền để chữa nhiều bệnh và cải thiện các vấn đề về sức khỏe. Dưới đây là một số bài thuốc thông dụng từ dược liệu này:

4.1. Các bài thuốc từ dược liệu cỏ máu

4.1. Bài thuốc dành cho người bị thiếu máu não hoặc thiếu máu

- Thành phần dược liệu: 300g cỏ máu khô.

- Cách thực hiện: giã dược liệu thành dạng vụn nhỏ rồi ngâm với 1 lít rượu 40 độ trong 7 - 10 ngày sau đó mỗi ngày uống 1 chén nhỏ.

4.2. Bài thuốc điều kinh

- Thành phần dược liệu: 12g ích mẫu, 16g cỏ máu, 6g khương hoàng, 10g ngưu kinh.

- Cách thực hiện: đem tất cả dược liệu rửa sạch rồi sắc cùng 1 lít nước cho đến khi còn khoảng 1 bát nước thì lấy chia thành 3 lần uống trong ngày.

Bài thuốc này phù hợp cho phụ nữ bị đau bụng kinh và kinh nguyệt. Nên dùng tối thiểu 1 tuần để tăng tuần hoàn máu và ổn định kinh nguyệt.

4.3. Bài thuốc dùng cho phụ nữ sau sinh

- Thành phần dược liệu: 50g cỏ máu khô.

- Cách thực hiện: dược liệu đem rửa sạch rồi nấu cùng 1.5 lít nước trong 30 phút sau đó chắt lấy nước uống trong ngày.

Phụ nữ sau sinh thường bị thiếu máu, suy nhược cơ thể. Uống liên tục nhiều ngày với bài thuốc này có thể lợi huyết, ngon miệng, cải thiện sức khỏe.

4.4. Bài thuốc dành cho người bị viêm thấp khớp

- Thành phần dược liệu: 16g từng loại: cỏ máu, rễ vòi voi, cây cứt lợn, khúc khắc; 12g từng loại: ngưu tất, địa hoàng; 10g từng loại; hồng trúc, rễ cà gai leo, cây đơn châu chấu, rễ cúc ảo.

- Cách thực hiện: sắc tất cả các dược liệu đã chuẩn bị cùng 1.5 lít nước rồi lấy nước uống trong ngày. Duy trì khoảng 1 tháng có thể cải thiện tình trạng đau nhức khớp, cải thiện vận động cho người bệnh.

4.2. Lưu ý khi dùng dược liệu cỏ máu

- Không dùng cỏ máu cho thai phụ để tránh bị động thai.

- Không dùng cỏ máu cho người có cơ địa dị ứng.

- Khi dùng dược liệu cỏ máu dạng khô luôn chú ý không để pha tạp với dược liệu khác, không dùng khi bị đổi màu hay ẩm mốc.

- Thận trọng khi dùng cỏ máu với người thân nhiệt vì cây cỏ máu có tính ấm, nếu lạm dụng có thể gây khô họng, táo bón.

- Mua dược liệu tại địa chỉ uy tín để tránh dùng phải dược liệu pha tạp, ẩm mốc, bụi bẩn.

Mặc dù cây cỏ máu có nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng để phát huy được những công dụng vốn có và đạt mục đích điều trị bệnh, tránh ngộ độc, thì tốt nhất người bệnh nên thăm khám thầy thuốc đông y để được kê đơn dùng phù hợp, an toàn.

Từ khoá: cây cỏ máu

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ