Tin tức
Giải đáp: Bị bệnh cao huyết áp sống được bao lâu?
- 12/12/2020 | Cách điều trị bệnh cao huyết áp ở người già hiệu quả
- 08/05/2022 | Giải đáp băn khoăn: bị cao huyết áp uống nước dừa được không?
- 15/07/2025 | Dấu hiệu cao huyết áp ở người trẻ: Nhận biết sớm và kiểm soát hiệu quả
1. Bệnh cao huyết áp là gì?
cao huyết áp, hay còn gọi là tăng huyết áp, là tình trạng áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch cao hơn mức bình thường và kéo dài trong thời gian dài.
Chỉ số huyết áp thường được biểu thị bằng hai con số là huyết áp tâm thu (chỉ số cao hơn) và huyết áp tâm trương (chỉ số thấp hơn). Ở người trưởng thành khỏe mạnh, chỉ số huyết áp được xem là bình thường khi ở mức dưới 120/80 mmHg. Khi cả hai chỉ số huyết áp duy trì thường xuyên ở mức từ 140/90 mmHg trở lên, người bệnh sẽ được chẩn đoán là mắc cao huyết áp.
Chỉ số huyết áp được biểu thị bằng hai con số là huyết áp tâm thu (chỉ số cao hơn) và huyết áp tâm trương (chỉ số thấp hơn)
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành trong độ tuổi từ 30 đến 79 đang sống chung với căn bệnh này. Điều đáng lo ngại là gần một nửa số người mắc không hề biết mình đang bị bệnh, do cao huyết áp thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Chính vì vậy, nó được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”.
Cao huyết áp được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng vì có thể lặng lẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Việc không phát hiện và điều trị sớm có thể khiến huyết áp tăng cao kéo dài, khiến tim phải hoạt động quá sức, từ đó dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận, tổn thương võng mạc gây mù lòa, và trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
2. Bị cao huyết áp thì sống được bao lâu?
Khi được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp, nhiều người không khỏi lo lắng: Liệu mắc bệnh cao huyết áp sống được bao lâu?
Mắc bệnh cao huyết áp sống được bao lâu được rất nhiều người quan tâm
Đây là một câu hỏi không có câu trả lời tuyệt đối, bởi tuổi thọ của người bị tăng huyết áp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.
Dưới đây là những yếu tố ảnh hưởng đến thời gian sống và chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh tăng huyết áp:
2.1. Khả năng kiểm soát huyết áp
Nếu người bệnh kiểm soát tốt chỉ số huyết áp thông qua thuốc men đều đặn, lối sống khoa học và tái khám định kỳ thì hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh, lâu dài như người bình thường. Ngược lại, huyết áp cao kéo dài mà không được kiểm soát hiệu quả có thể âm thầm phá hủy các cơ quan quan trọng như tim, não, thận, và làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận mạn tính – những biến chứng đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
2.2. Bệnh lý đi kèm
Cao huyết áp hiếm khi xuất hiện một mình, nó thường đi kèm với các bệnh mạn tính khác như tiểu đường, rối loạn lipid máu, béo phì hay bệnh lý mạch vành. Sự kết hợp của nhiều bệnh lý nền sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương cơ quan đích và khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp hơn. Ví dụ, một người vừa bị cao huyết áp vừa mắc bệnh tiểu đường sẽ có nguy cơ suy thận cao hơn nhiều so với người chỉ mắc một trong hai bệnh.
2.3. Biến chứng đã từng gặp phải
Tiền sử từng bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim hay suy tim sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ của người cao huyết áp. Mức độ nặng nhẹ của biến chứng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tuổi thọ của người bệnh. Việc quản lý hiệu quả các biến chứng là cực kỳ cần thiết để kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2.4. Lối sống và thói quen sinh hoạt
Sống chung với cao huyết áp đồng nghĩa với việc người bệnh cần sửa lại lối sống một cách nghiêm túc để có thể kéo dài tuổi thọ cho mình:
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhạt, hạn chế đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, ưu tiên rau xanh, cá, các loại ngũ cốc nguyên hạt. Áp dụng chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) với ít muối, nhiều kali, magie, canxi, chất xơ giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả và giảm nguy cơ biến chứng.
- Hoạt động thể chất đều đặn: Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, giúp hạ huyết áp, cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát cân nặng và giảm stress.
- Từ bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia: Đây là hai thủ phạm gây tổn thương thành mạch và làm tăng huyết áp. Tránh xa thuốc lá, rượu bia là cách giúp bảo vệ tim mạch và kéo dài tuổi thọ.
- Quản lý căng thẳng: Stress kéo dài có thể khiến huyết áp tăng vọt. Vì thế bạn nên kiểm soát căng thẳng bằng cách ngồi thiền, tập yoga, ngủ đủ giấc và duy trì tinh thần lạc quan.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu bạn đang thừa cân, giảm cân là một trong những yếu tố có ảnh hưởng tích cực nhất đến việc hạ huyết áp ở người béo phì.
2.5. Tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ
Việc điều trị tăng huyết áp không chỉ dừng lại ở uống thuốc. Người bệnh cần hiểu rằng đây là cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và phối hợp chặt chẽ với bác sĩ. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định điều trị như uống thuốc đúng giờ, đúng liều, không được tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tái khám đều đặn để điều chỉnh phác đồ khi cần thiết. Tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ sẽ giúp kiểm soát tốt tình trạng cao huyết áp và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ sẽ giúp kiểm soát tốt tình trạng cao huyết áp và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh
Rất khó để có câu trả lời chính xác cho câu hỏi mắc bệnh cao huyết áp sống được bao lâu bởi tuổi thọ của người bị cao huyết áp phụ thuộc rất nhiều vào cách họ kiểm soát và điều trị căn bệnh này. Với sự chủ động trong chăm sóc sức khỏe, tuân thủ điều trị nghiêm túc và lối sống lành mạnh, người bệnh hoàn toàn có thể sống lâu, sống khỏe và sống chất lượng.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về bệnh cao huyết áp hoặc cần được tư vấn cụ thể hơn về tình trạng sức khỏe của mình, bạn có thể gọi ngay tới hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được nhận tư vấn chuyên sâu từ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
