Tin tức

Giải đáp viêm phổi có lây không và cách phòng ngừa lây nhiễm

Ngày 13/05/2025
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp dễ gặp và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Một câu hỏi về tình trạng viêm phổi khiến nhiều người băn khoăn là liệu viêm phổi có lây không? Trong bài viết này, MEDLATEC sẽ cùng bạn tìm hiểu về vấn đề trên và cách phòng ngừa lây nhiễm hiệu quả.

1. Viêm phổi là bệnh gì?

Viêm phổi là một dạng nhiễm trùng xảy ra tại nhu mô phổi – nơi trao đổi khí giữa oxy và cacbonic trong cơ thể. Khi bị viêm, các túi khí nhỏ trong phổi (gọi là phế nang) bị lấp đầy bởi dịch hoặc mủ, khiến người bệnh cảm thấy khó thở, ho nhiều, sốt, đau ngực và thường xuyên mệt mỏi. Mức độ nghiêm trọng của viêm phổi có thể từ nhẹ đến nặng, tùy vào nguyên nhân gây bệnh, tình trạng sức khỏe, độ tuổi và khả năng miễn dịch của mỗi người.

Viêm phổi là một dạng nhiễm trùng xảy ra tại nhu mô phổi

Viêm phổi là một dạng nhiễm trùng xảy ra tại nhu mô phổi

Nguyên nhân gây viêm phổi rất đa dạng, bao gồm:

  • Vi khuẩn: Phổ biến nhất là Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn), ngoài ra còn có Haemophilus influenzae, Legionella, Staphylococcus aureus, Legionella pneumophila, Moraxella catarrhalis, Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, trực khuẩn gram âm…
  • Virus: Như virus cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV), virus corona, Adenovirus, Rhinovirus, Coronavirus, Methapneumovirus người (hMPV)…
  • Nấm: Gây bệnh chủ yếu ở người có miễn dịch yếu, các loại nấm thường gặp là nấm Candida, nấm Aspergillus…
  • Yếu tố không nhiễm khuẩn: Viêm phổi cũng có thể xảy ra do bạn hít phải hóa chất độc hại hoặc phản ứng dị ứng, không liên quan đến vi khuẩn hay virus.

2. Viêm phổi có lây không? Câu trả lời còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh

Khi bản thân hoặc người nhà gặp tình trạng viêm phổi, câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất là “viêm phổi có lây không?”

“Viêm phổi có lây không?” là câu hỏi nhiều người quan tâm

“Viêm phổi có lây không?” là câu hỏi nhiều người quan tâm

Một trong những yếu tố then chốt để xác định viêm phổi có lây hay không chính là nguồn gốc gây bệnh và yếu tố cơ địa người bệnh. Thực tế, không phải loại viêm phổi nào cũng có thể lây từ người này sang người khác.

  • Nếu viêm phổi do vi khuẩn hoặc virus: Những tác nhân này có thể dễ dàng lây lan từ người sang người qua các giọt bắn từ ho, hắt hơi hoặc khi tiếp xúc gần với người bệnh.
  • Viêm phổi do nấm hoặc do hít phải hóa chất độc hại: Những trường hợp này không có khả năng lây nhiễm giữa người với người. Nguyên nhân thường liên quan đến điều kiện môi trường hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
  • Viêm phổi thứ phát sau các bệnh lý nền hoặc do suy giảm miễn dịch: Khả năng lây truyền rất thấp. Đa phần, bệnh phát sinh do các vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào cơ thể hoặc do rối loạn miễn dịch bên trong cơ thể người bệnh.

Bên cạnh đó, một số đối tượng dễ bị lây và phát triển thành bệnh viêm phổi hơn và bệnh cũng có xu hướng nặng hơn, dễ biến chứng hơn, bao gồm:

  • Người cao tuổi, đặc biệt nhóm tuổi trên 65 tuổi.
  • Trẻ em, đặc biệt là dưới 5 tuổi có nguy cơ cao hơn do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
  • Những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, bệnh phổi. tắc nghẽn mạn tính (COPD).
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như bệnh nhân HIV/AIDS, người đang điều trị hóa chất hay ghép tạng.
  • Người hút thuốc lá hoặc nghiện rượu.
  • Nhân viên y tế và những người sống trong môi trường đông đúc.

3. Làm sao để phòng tránh viêm phổi lây nhiễm một cách hiệu quả?

Viêm phổi, đặc biệt là do vi khuẩn và virus, có khả năng lây lan nhanh chóng nếu không được kiểm soát tốt. Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, bạn cần chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:

3.1. Tiêm vắc xin đầy đủ

Tiêm phòng cúm hàng năm và vắc xin ngừa phế cầu khuẩn là những phương án quan trọng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có sức đề kháng yếu để phòng ngừa bệnh viêm phổi. 

Tiêm phòng cúm hàng năm và vắc xin ngừa phế cầu khuẩn giúp phòng lây nhiễm viêm phổi hiệu quả

Tiêm phòng cúm hàng năm và vắc xin ngừa phế cầu khuẩn giúp phòng lây nhiễm viêm phổi hiệu quả

3.2. Giữ gìn vệ sinh cá nhân

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh giúp loại bỏ tác nhân gây bệnh. Trong những tình huống không có nước, có thể dùng dung dịch sát khuẩn tay nhanh để thay thế.

3.3. Đeo khẩu trang

Khi đến nơi đông người hoặc trong mùa dịch, đeo khẩu trang là cách đơn giản nhưng hiệu quả để bảo vệ bản thân và người xung quanh khỏi các bệnh lây qua đường hô hấp.

3.4. Hạn chế tiếp xúc với người nghi mắc bệnh

Nếu có người trong gia đình hoặc nơi làm việc có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, bạn nên hạn chế tiếp xúc gần với họ và chủ động theo dõi sức khỏe.

3.5. Tăng cường sức đề kháng

Một cơ thể khỏe mạnh sẽ chống chọi tốt hơn với bệnh tật. Vì vậy, hãy duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, vận động thường xuyên, ngủ đủ giấc và giữ tinh thần lạc quan để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

3.6. Giữ môi trường sống sạch sẽ

Không gian sinh hoạt nên được vệ sinh định kỳ. Các bề mặt hay tiếp xúc như tay nắm cửa, mặt bàn, công tắc điện cũng cần được lau chùi thường xuyên.

3.7. Tầm soát định kỳ

Nếu bạn nằm trong nhóm có nguy cơ cao, chẳng hạn như hút thuốc lá, làm việc trong môi trường ô nhiễm hoặc có người thân từng mắc ung thư phổi, thì đừng xem nhẹ việc khám sức khỏe định kỳ. Đây chính là bước quan trọng giúp phát hiện sớm và tăng cơ hội điều trị hiệu quả nếu có dấu hiệu bất thường.

Tóm lại, viêm phổi có lây không? Câu trả lời là , nếu nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn hoặc virus, chúng có thể lây truyền qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần. Tuy nhiên, viêm phổi do nấm, do hóa chất hoặc do yếu tố nội sinh thì không lây từ người sang người.

Nếu bạn hoặc người thân xuất hiện các triệu chứng như ho kéo dài kèm theo sốt cao, cảm giác đau tức ngực – nhất là khi hít sâu hoặc ho, khó thở, thở gấp, ớn lạnh, đổ mồ hôi nhiều, kèm theo tình trạng mệt mỏi, chán ăn… thì tuyệt đối không nên chủ quan. Việc đến cơ sở y tế để được thăm khám sớm và thực hiện các xét nghiệm cần thiết là rất quan trọng để xác định chính xác nguyên nhân bệnh và có hướng điều trị kịp thời.

Nếu bạn có bất kỳ biểu hiện nào nghi ngờ viêm phổi hoặc cần tư vấn chi tiết về phòng ngừa, tiêm phòng, điều trị viêm phổi, hãy liên hệ ngay với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ nhanh chóng và chính xác.

Từ khoá: viêm phổi khó thở

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ