Tin tức
Giun xoắn (Trichinella spiralis) và những điều bạn cần biết
- 02/05/2020 | Bệnh giun kim: cách nhận biết và phòng ngừa hiệu quả
- 18/04/2020 | Phương pháp chẩn đoán bệnh do các loại giun lây truyền qua đất
- 01/05/2020 | Tìm hiểu về bệnh giun chỉ bạch huyết
- 05/05/2020 | Bệnh giun chỉ và hiện tượng đái ra dưỡng chấp: những thông tin bạn cần biết
- 18/04/2020 | Bệnh giun lươn và các phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh
1. Khái quát về giun xoắn
Giun xoắn Trichinella spiralis thuộc lớp giun tròn, truyền qua thịt động vật, ký sinh ở ruột non người và động vật (lợn, chó, mèo, chuột, gấu, báo, cáo, chồn, sói, ngựa,...), ấu trùng ký sinh chủ yếu ở cơ vân.
Hình ảnh 1: Hình ảnh giun xoắn Trichinella spiralis
Giun cái có thể đẻ 550 - 1500 ấu trùng trong 4 - 6 tuần. Ấu trùng kích thước 0,1 mm đi vào hệ bạch huyết và máu để tới các cơ của cơ thể vật chủ. Trong cơ, chúng phát triển kích thước và cuộn tròn thành kén 0,5 x 0,25 mm, bên trong ấu trùng có hình lò xo, mỗi kén thường có 1 con. Ấu trùng giun xoắn ký sinh trong cơ gây co rút và nhiễm độc. Sự tạo kén trong vòng 2 tháng và bắt đầu bị calci hóa từ 6 - 9 tháng.
Hình 2: Hình ảnh ấu trùng giun xoắn ký sinh trong cơ
2. Chu kỳ phát triển của giun xoắn
- Đường lây: Lây qua đường ăn uống, ăn các sản phẩm chế biến từ thịt (đặc biệt là thịt lợn) chưa được nấu chín.
- Diễn biến chu kỳ:
Người hay động vật ăn phải ấu trùng giun xoắn ở thịt chưa được nấu chín sẽ bị nhiễm bệnh. Ấu trùng vào ruột nở ra giun xoắn đực và cái. Giun trưởng thành ký sinh ở niêm mạc ruột, giao hợp và đẻ ấu trùng. Ấu trùng vào máu và bạch huyết tới làm tổ ở cơ tạo kén, gây co rút và nhiễm độc, có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Hình 3: Chu kỳ phát triển của giun xoắn
3. Chẩn đoán bệnh nhiễm giun xoắn
3.1. Chẩn đoán dựa trên các biểu hiện của cơ thể
Sau thời gian ủ bệnh 10 - 25 ngày, các triệu chứng đồng loạt xuất hiện: + Phù: thường phù mí mắt, có khi phù cả đầu, hay xuống chi trên hoặc toàn thân. + Đau cơ: rất thường gặp, đau khi vận động, đi lại khó khăn, nuốt khó,... + Sốt: thường sốt tăng dần cùng các triệu chứng trên, đôi khi sốt âm ỉ. + Ngoài ra, có thể ngứa, nói ngọng, khó thở, đau bụng, ỉa chảy, đi ngoài ra máu, sụt cân.. Phần lớn các triệu chứng giống với bệnh nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira nên việc xét nghiệm chẩn đoán xác định căn nguyên gây bệnh là rất cần thiết.
3.2. Chẩn đoán thông qua các phương pháp xét nghiệm
- Sinh thiết cơ tìm ấu trùng soi trực tiếp. Sinh thiết cơ sẽ cung cấp một chẩn đoán xác định ca bệnh, tuy nhiên độ nhạy không cao và phương pháp này gây đau cho bệnh nhân. Kết quả sinh thiết âm tính không loại trừ được khả năng nhiễm ký sinh trùng này.
- Xét nghiệm phân trực tiếp tìm ấu trùng hoặc giun xoắn trưởng thành. Kỹ thuật xét nghiệm phân trực tiếp là kỹ thuật đơn giản, nhanh, không đòi hỏi các dụng cụ, hóa chất phức tạp. Tuy nhiên, độ nhạy không cao nên cần lặp lại xét nghiệm nhiều lần để tăng khả năng phát hiện ký sinh trùng. Tùy vào mục đích xét nghiệm mà số lượng phân cần lấy khác nhau, nếu muốn tìm ấu trùng thì chỉ cần lấy 5 - 10g phân (khoảng bằng hạt lạc), nếu muốn tìm con giun trưởng thành phải lấy toàn bộ số lượng phân được thải ra.
- Xét nghiệm huyết thanh học (ELISA) rất có giá trị trong chẩn đoán. Nguyên lý kỹ thuật: Phức hợp Kháng nguyên - kháng thể được phát hiện nhờ enzym gắn với kháng thể hoặc kháng kháng thể tác động lên cơ chất đặc hiệu. Xét nghiệm này có độ nhạy cao, nồng độ kháng thể bắt đầu tăng từ tuần thứ 2 - 3, đạt đỉnh thoảng tháng thứ 3 sau khi nhiễm ký sinh trùng. Kháng thể kháng giun xoắn Trichinella spiralis có thể tồn tại vài năm sau khi nhiễm. Lưu ý, nồng độ kháng thể trong huyết thanh không tương quan với diễn biến của bệnh. Yêu cầu lấy mẫu bệnh phẩm rất đơn giản: - Mẫu bệnh phẩm: Máu tính mạch thể tích 1,5 - 2 mL được bảo cho vào ống xét nghiệm không có chất chống đông. - Thời gian vận chuyển, bảo quản: Mẫu ổn định 2 ngày ở nhiệt độ 15 - 25 ℃, ổn định 5 ngày nếu ở nhiệt độ 2 - 8 ℃. - Mẫu xét nghiệm sau khi lấy sẽ được đóng gói, vận chuyển, bảo quản đúng quy định. Sau khi về tới Phòng xét nghiệm sẽ được phân tích trên hệ thống máy móc hiện đại cũng như quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt, kết quả xét nghiệm ELISA tại MEDLATEC luôn đảm bảo chính xác nhất.
Ngoài ra, một số xét nghiệm khác có giá trị hỗ trợ trong chẩn đoán: Xét nghiệm công thức máu, có bạch cầu ái toan tăng, xét nghiệm IgE huyết thanh.
Hình ảnh 4: Hệ thống máy xét nghiệm tại Trung tâm Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
4. Các biện pháp phòng bệnh giun xoắn
- Thực hiện tốt công tác kiểm dịch, khâu kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại lò giết mổ
- Không nuôi lợn thả rông ngoài rừng, ngoài vườn.
- Không ăn sống các loại thịt hoặc chưa nấu chín, đặc biệt là thịt lợn.
- Hạn chế ăn các loại thịt xông khói, thịt làm khô không rõ nguồn gốc, do cách chế biến này không tiêu diệt được nang kén.
- Giáo dục sức khỏe cộng đồng để thay đổi hành vi có hại cho sức khỏe, tạo hành vi có lợi cho sức khỏe như không ăn thịt lợn còn sống: nem chua, nem chạo, tiết canh,...
Hình ảnh 5: Hiểm họa đến từ việc ăn các thức ăn chế biến từ thịt chưa được nấu chín
Trung tâm xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, đã được Văn phòng công nhận chất lượng (Bộ Khoa học công nghệ) trao chứng chỉ ISO 15189:2012. Với dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả tại nhà, tư vấn kết quả online, chất lượng xét nghiệm được cam kết, MEDLATEC đã đem đến sự hài lòng cho quý khách hàng sử dụng dịch vụ.
Để đặt lịch khám, lấy mẫu và tư vấn kết quả xét nghiệm, liên hệ số điện thoại 1900565656
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!