Tin tức

Góc giải đáp: Ung thư buồng trứng là gì? Có cách nào điều trị không?

Ngày 18/08/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Bên cạnh ung thư cổ tử cung hay ung thư vú, ung thư buồng trứng cũng là một trong những bệnh lý ác tính phổ biến thường gặp ở phụ nữ. Trong giai đoạn đầu bệnh thường diễn biến lặng lẽ, ít bộc lộ triệu chứng điển hình nên khó nhận biết, tuy nhiên khi phát hiện ra thì bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng gây nhiều khó khăn cho việc điều trị và nguy cơ tử vong cao.

1. Khái niệm ung thư buồng trứng 

Ung thư buồng trứng là hiện tượng các tế bào bất thường xuất hiện trên một hoặc cả hai buồng trứng, dần dần phát triển thành những khối u ác tính. Khối u này có khả năng phát triển nhanh về kích cỡ, dần dần lan rộng, tấn công các mô khỏe mạnh và di căn tới những cơ quan khác trong cơ thể. Có đến 90% các trường hợp ung thư xuất phát từ lớp niêm mạc ngoài của buồng trứng hay còn được gọi là ung thư biểu mô buồng trứng.

Ung thư buồng trứng được chia thành các loại như sau:

  • Ung thư tế bào mầm: ung thư xuất phát và tiến triển từ các tế bào sản sinh ra trứng;

  • Ung thư biểu mô buồng trứng: là dạng phổ biến nhất, tình trạng ung thư xảy ra tại các tế bào ở bề mặt buồng trứng;

  • Những loại khác: ung thư bắt nguồn từ trung mô, ung thư từ mô đệm sinh dục và ung thư từ cơ quan khác di căn tới buồng trứng (ung thư thứ phát).

Ung thư buồng trứng

Khi các tế bào tăng sinh một cách bất thường trong buồng trứng sẽ tạo thành khối u ác tính

Ở giai đoạn đầu do biểu hiện của bệnh không rõ ràng nên dễ bị lầm tưởng sang những bệnh lý khác nên khó chẩn đoán xác định ngay từ đầu, thậm chí khi vận dụng tới xét nghiệm Pap smear cũng khó có thể phát hiện ra.

Do vậy, các chuyên gia đã khuyến cáo chị em phụ nữ nên thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ để được chẩn đoán chính xác những bất thường của cơ thể, ví dụ như:

  • Chán ăn, ăn uống kém ngon miệng;

  • Hay bị đầy bụng hoặc đau bụng vùng chậu;

  • Đau lưng;

  • Ợ nóng;

  • Rối loạn tiêu hóa: táo bón, buồn nôn, nôn mửa;

  • Sụt cân không rõ nguyên do;

  • Thường xuyên cáu gắt, mệt mỏi, đi tiểu nhiều lần;

  • Đau rát mỗi lần giao hợp;

  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều, bất thường, chảy máu âm đạo sau mãn kinh.

2. Nguyên nhân nào dẫn đến ung thư buồng trứng? 

Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào tìm được ra nguyên nhân chính xác gây nên ung thư buồng trứng. Tuy nhiên có thể khẳng định những yếu tố sau làm gia tăng nguy cơ bị bệnh:

  • Tuổi tác: ung thư buồng trứng thường xảy ra ở phụ nữ ngoài 50 tuổi, nhất là người trên 60 tuổi;

  • Di truyền: trong gia đình bệnh nhân có mẹ hoặc chị em gái ruột bị ung thư buồng trứng, ung thư vú hay ung thư đại trực tràng thì rủi ro bị ung thư buồng trứng ở bệnh nhân cũng tăng cao gấp 2 - 4 lần so với người bình thường;

  • Tiền sử bệnh lý: người bệnh trước đây từng bị ung thư đại tràng hay ung thư vú cũng có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng;

  • Tác dụng phụ của những loại thuốc kích thích phóng noãn;

  • Phụ nữ đã qua thời kỳ mãn kinh, sinh nở ít;

  • Điều trị hormone thay thế (hay liệu pháp mãn kinh);

  • Dùng bột Talcum: khoáng chất này chứa các thành phần như oxy, silic và magie được ứng dụng nhiều trong mỹ phẩm, ví dụ như bột phấn rôm (có tác dụng giúp làn da luôn khô thoáng, hạn chế tình trạng phát ban). Tuy nhiên nếu chất bột này tiếp xúc với cơ quan sinh dục của người phụ nữ thì sẽ kích thích sự phát triển của khối u ác tính trong buồng trứng.

3. Một số phương pháp giúp điều trị ung thư buồng trứng ở nữ giới 

3.1. Phẫu thuật

Phương pháp này thường được ưu tiên áp dụng đối với những trường hợp ung thư buồng trứng giai đoạn đầu. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ các định rõ hơn giai đoạn ung thư, tình trạng hiện tại của buồng trứng, khối u và các tổn thương liên quan. 

Phẫu thuật sẽ bao gồm loại bỏ khối u, cắt toàn bộ tử cung và phần phụ hai bên, các mạc nối lớn. Ngoài ra bác sĩ cũng cần kiểm tra toàn bộ phục mạc, mặt dưới cơ hoành và nếu nghi ngờ bất thường thì cần sinh thiết tế bào. Tiếp đến là kiểm tra các hạch như hạch chủ bụng, hạch chậu, loại bỏ hạch đã bị ung thư di căn, thu mẫu dịch ổ bụng để làm tế bào học.

Mô phỏng 4 giai đoạn tăng trưởng của tế bào ung thư buồng trứng

Mô phỏng 4 giai đoạn tăng trưởng của tế bào ung thư buồng trứng

3.2. Xạ trị

Các tia phóng xạ năng lượng cao sẽ được vận dụng để tiêu diệt khối u. Tuy nhiên xạ trị không những tác động lên tế bào ung  thư mà còn làm ảnh hưởng tới các tế bào bình thường nên sẽ kéo theo các tác dụng phụ. Điều này phụ thuộc vào liều lượng tia phóng xạ và cả phần cơ thể bị chiếu xạ là ở đâu. 

Bệnh nhân thường gặp phải các tác dụng không mong muốn như chán ăn, mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn, thay đổi da vùng bụng, tiểu tiện khó,... Đặc biệt nếu vùng xạ trị là phúc mạc thì người bệnh có thể bị đau bụng, thậm chí là tắc ruột.

3.3. Hóa trị

Được chỉ định sau phẫu thuật nhằm điều trị triệt căn tế bào ung thư, ngăn không cho chúng lan rộng. Ở giai đoạn 1 và 2 của ung thư buồng trứng, hóa trị liệu sẽ được áp dụng theo 2 hình thức: hóa chất truyền tĩnh mạch hoặc truyền ổ bụng. Còn khi  bệnh sang đến giai đoạn 3 và 4 thì là truyền hóa chất theo đường tĩnh mạch, đôi khi là kết hợp với truyền ổ bụng.

Tương tự như xạ trị, hóa chất cũng gây ra một số tác dụng không mong muốn như mệt mỏi, buồn nôn và nôn mửa, đau đầu, chán ăn, sạm da, khó chịu vùng bàn chân, bàn tay,... thông thường các biểu hiện này sẽ hết khi ngừng truyền thuốc nhưng nếu triệu chứng kéo dài thì người bệnh cần thông tin cho bác sĩ để có chỉ định khắc phục.

3.4. Liệu pháp điều trị đích

Đây là phương pháp điều trị quan trọng, giúp kiềm chế sự phát triển và di căn của khối u. Cụ thể, phương pháp này sẽ tập trung vào việc ngăn chặn các protein hoặc các gen trong tế bào ung thư hay những tế bào có liên quan đến ung thư.

Liệu pháp này có thể khiến cho bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, tăng huyết áp, tiêu chảy, suy tim, viêm niêm mạc, viêm da, chảy máu, vết thương chậm lành,... Có những trường hợp còn bị thủng ruột, thủng thành thực quản, dạ dày,... và phần lớn những tác dụng phụ như vậy sẽ biến mất khi bệnh nhân ngừng điều trị.

3.5. Điều trị bảo tồn khả năng sinh sản

Một số phương pháp điều trị ung thư buồng trứng phổ biến như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị có thể khiến cơ quan sinh sản của phụ nữ bị tổn thương, làm giảm hoặc thậm chí là mất khả năng làm mẹ sau quá trình điều trị ung thư. Chính vì thế, nếu trong tương lai người bệnh vẫn có mong muốn tiếp tục mang thai thì cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để có phương án bảo tồn chức năng sinh sản trước khi tiếp nhận điều trị.

Hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về phương án bảo tồn khả năng sinh sản trước khi tiếp nhận điều trị ung thư buồng trứng

Hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về phương án bảo tồn khả năng sinh sản trước khi tiếp nhận điều trị ung thư buồng trứng

3.6. Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Ngoài việc tuân thủ theo hướng dẫn điều trị từ bác sĩ, người bệnh cũng cần xây dựng một chế độ ăn uống khoa học để kiểm soát tình trạng bệnh, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể:

  • Rau xanh và hoa quả tươi: trong trái cây và rau xanh rất giàu vitamin C, beta - carotene có tác dụng chống lại quá trình oxy hóa, hỗ trợ làm lành vết thương, chống lại hiện tượng nhiễm trùng và các tế bào ung thư; 

  • Thực phẩm giàu protein: ví dụ như cá, thịt nạc, sữa,... sẽ giúp củng cố hệ miễn dịch;

  • Thực phẩm giàu tinh bột: có trong những thực phẩm như ngũ cốc, gạo, khoai tây, bánh mì,... là nguồn cung cấp glucose dồi dào, đem tới năng lượng cho cơ thể;

  • Các loại chất béo có lợi: công dụng của chất béo có lợi chứa trong dầu cá, bơ, các loại hạt hay dầu thực vật,... kích thích cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng tốt hơn, từ đó hạn chế được tình trạng mệt mỏi do biểu hiện của bệnh cũng như do tác dụng phụ của các phương pháp điều trị.

Hiện nay Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã và đang triển khai dịch vụ tầm soát ung thư định kỳ, trong đó có tầm soát ung thư buồng trứng cho các khách hàng nữ. Chuyên khoa Ung bướu của MEDLATEC là nơi quy tụ đội ngũ các chuyên gia giàu kinh nghiệm, tận tâm, kết hợp với đó là hệ thống máy móc y tế hiện đại, Trung tâm Xét nghiệm được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận đạt chuẩn ISO 15189:2012 và gần đây nhất là CAP do Hội Bệnh học Hoa Kỳ cấp sẽ giúp đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác, nhanh chóng hơn.

Liên hệ ngay tới tổng đài 1900 56 56 56 để được tổng đài của MEDLATEC  tư vấn chi tiết hơn ngay hôm nay bạn nhé!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.