Tin tức

Gợi ý những mẹo giúp quản lý hệ thống miễn dịch suy yếu

Ngày 05/08/2021
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Nhiều nguyên nhân khiến cho hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Đối với những người đang sử dụng thuốc hoặc mắc một số bệnh thì càng có nguy cơ gặp phải tình trạng này. Đây là lúc chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến bản thân. Tuy nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng, chỉ cần suy nghĩ tích cực, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện một số mẹo giúp quản lý hệ thống miễn dịch suy yếu dưới đây, bạn sẽ thấy cơ thể thoải mái, khỏe khoắn hơn rất nhiều.

1. Hệ thống miễn dịch suy yếu là như thế nào?

Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng, hệ thống miễn dịch của cơ thể có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể tránh khỏi sự xâm nhập, tấn công từ vi khuẩn và nhiều yếu tố khác từ bên ngoài. Nhưng nếu hệ thống miễn dịch bị suy yếu, khả năng chống lại vi khuẩn, chống lại các loại bệnh tật, đặc biệt là nguy cơ nhiễm trùng của chúng ta sẽ yếu đi rất nhiều.

Mẹo giúp quản lý hệ thống miễn dịch suy yếu

Hệ thống miễn dịch suy yếu khiến cơ thể mệt mỏi, dễ bị nhiễm trùng

Hệ thống miễn dịch bao gồm lách, amidan, tủy xương và các hạch bạch huyết. Những bộ phận này có nhiệm vụ giải phóng các tế bào bạch cầu lympho để chống lại những vi khuẩn tấn công cơ thể. Trong các tế bào bạch cầu lympho bao gồm tế bào B và T. Trong đó, các tế bào B có nhiệm vụ giải phóng các kháng thể đặc hiệu cho bệnh đang tấn công cơ thể, còn tế bào T đảm nhiệm việc phá hủy những tế bào lạ hay bất thường.

Tình trạng suy giảm hệ miễn dịch có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải. Trong đó, những trường hợp suy giảm miễn dịch mắc phải chiếm tỉ lệ cao hơn các trường hợp suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Trong đó:

Hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh

Tình trạng này có thể được phát hiện ngay khi sinh ra hoặc cũng có khi đến tuổi trưởng thành mới phát hiện bệnh. Hội chứng này là do người bệnh mắc phải một số khiếm khuyết di truyền hoặc một số khiếm khuyết gen của hệ miễn dịch. Người bệnh sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn những trường hợp khác và khi đã bị nhiễm trùng thì việc điều trị bệnh cũng khó khăn hơn những đối tượng có hệ miễn dịch hoạt động tốt.

Những trường hợp này không lây nhiễm bệnh cho người khác. Nhưng nếu bố mẹ có vấn đề về hệ miễn dịch, thì con cái khi sinh ra cũng có nguy cơ cao mắc phải những tình trạng giống như bố mẹ. Chính vì thế, những người bệnh bị suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có ý định sinh con.

Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải

Đây là những trường hợp, hệ miễn dịch bị tấn công bởi những yếu tố bên ngoài chẳng hạn như các hóa chất độc hại, tình trạng nhiễm trùng,… khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải: Bị bỏng nặng, bệnh nhân ung thư phải điều trị theo phương pháp hóa trị, xạ trị, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, bị suy dinh dưỡng, bị nhiễm HIV/AIDS, bệnh viêm gan, bệnh đa u tủy, người bị bệnh bạch cầu,…

2. Một số mẹo giúp quản lý hệ thống miễn dịch suy yếu

Dưới đây là một số mẹo giúp quản lý hệ thống miễn dịch suy yếu mà bạn có thể tham khảo thực hiện để cơ thể luôn ở một trạng thái khỏe mạnh nhất có thể:

Hãy chăm chỉ viết ra những điều mình làm mỗi ngày

Phần lớn những người đang bị suy giảm hệ miễn dịch sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, nhất là những bệnh nhân đang điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, hóa trị, họ thậm chí cảm thấy như bị cạn kiệt sức lực. Ngay cả những hoạt động rất bình thường trong sinh hoạt như đi mua sắm, gặp gỡ bạn bè, người thân cũng khiến họ vô cùng mệt mỏi.

Viết nhật ký hoạt động mỗi ngày

Viết nhật ký hoạt động mỗi ngày

Vậy bạn hãy thử ghi chép mọi hoạt động trong ngày - đây là một giải pháp đơn giản nhưng có thể mang đến hiệu quả rất tốt. Bằng việc ghi chép liên tục trong vòng một tuần, bạn sẽ biết được năng lượng của bạn ở mỗi thời điểm trong ngày ra sao. Sau đó, bạn sẽ phân bổ những hoạt động của mình hợp lý hơn. Chẳng hạn những thời điểm nào bạn cảm thấy mệt mỏi thì bạn cần nghỉ ngơi, còn những thời điểm bạn nhiều năng lượng hơn thì hãy liệt kê những hoạt động cần làm. Như vậy, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và giảm bớt mệt mỏi.

Chú trọng đến chất lượng bữa ăn

Những người bị suy yếu hệ miễn dịch nên chú ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống, đặc biệt là chất lượng dinh dưỡng của mỗi bữa ăn. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, những đối tượng này nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là đạm, những loại trái cây, rau xanh và các loại ngũ cốc nguyên hạt.

Nên ăn đa dạng thực phẩm để bổ sung dinh dưỡng

Nên ăn đa dạng thực phẩm để bổ sung dinh dưỡng

Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh xa những loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe như đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, đồ ăn tái sống,… Chỉ nên sử dụng thực phẩm chức năng nếu có chỉ định của bác sĩ. Nếu sử dụng không hợp lý, thực phẩm chức năng còn có thể gây hại cho cơ thể.

Tập thể dục nhẹ nhàng

Nhiều người cho rằng, hệ miễn dịch bị suy yếu khiến cơ thể mệt mỏi vì thế bạn càng phải nghỉ ngơi nhiều hơn. Nhưng đây là quan điểm sai. Lời khuyên cho bạn là hãy vận động nhẹ nhàng chẳng hạ như đi bộ, bơi, tập yoga,… Bạn có thể chia nhỏ thời gian tập và nghỉ giữa giờ tập để cơ thể luôn khỏe khoắn. Bên cạnh đó, thể dục mỗi ngày cũng là cách giúp bạn giảm căng thẳng - khi tinh thần vui vẻ, thoải mái thì bạn cũng sẽ thấy cơ thể khỏe hơn.

Vận động nhẹ nhàng để tăng cường sức đề kháng

Vận động nhẹ nhàng để tăng cường sức đề kháng

Bảo vệ cơ thể tốt hơn

Những người có hệ miễn dịch suy yếu hệ rất dễ bị nhiễm trùng và vì thế, người bệnh cần biết cách bảo vệ mình để tránh tối đa nguy cơ nhiễm trùng. Như vậy, bảo vệ bản thân cũng là một mẹo giúp quản lý hệ thống miễn dịch suy yếu.

Bạn nên rửa tay thường xuyên, hạn chế hoặc không bắt tay khi chào hỏi, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, tránh những nơi đang có dịch bệnh, không tiếp xúc với người bị bệnh, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách, tiêm phòng đầy đủ, hạn chế nuôi chim hoặc một số loài bò sát vì chúng có thể mang mầm bệnh.

Hi vọng những thông tin trên hữu ích đối với bạn. Nếu có nhu cầu thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc cần tư vấn về những vấn đề sức khỏe, bạn có thể gọi đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để được tư vấn thêm.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ