Tin tức

Hen phế quản là bệnh gì? Có điều trị được không?

Ngày 14/03/2023
Hen phế quản hay hen suyễn là một trong những bệnh lý thuộc đường hô hấp có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này và hiện nay tỷ lệ người bị hen suyễn đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Bài viết sau sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn hen phế quản là bệnh gì? Hen phế quản có nguy hiểm không và cách điều trị ra sao.

1. Hen phế quản là bệnh gì?

Hen phế quản hay còn được gọi là bệnh hen suyễn có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Đây là bệnh lý về đường hô hấp gây ra nhiều trở ngại trong đời sống sinh hoạt thường nhật của bệnh nhân. Hiện vẫn chưa có phương pháp giúp điều trị dứt điểm căn bệnh này nên người bệnh cần tuân thủ việc dùng thuốc cũng như các quy tắc điều trị để tránh tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng gây nên bệnh hen phế quản. Đó có thể là do sự phản ứng quá mẫn của cơ thể người với các tác nhân gây dị ứng, tác động khác từ môi trường hoặc do di truyền. Ngoài ra hen phế quản khởi phát còn xuất phát từ các yếu tố như sau:

  • Do virus, vi khuẩn tấn công gây nhiễm khuẩn đường hô hấp;

  • Bệnh nhân trải qua cảm xúc mạnh, căng thẳng quá độ;

  • Lao động hoặc vận động thể lực gắng sức;

  • Nhiễm không khí lạnh;

  • Do trào ngược dạ dày thực quản;

  • Do hít phải khói thuốc lá, hóa chất độc hại hay hạt bụi bay trong không khí;

  • Một số loại đồ ăn mà người bệnh ăn phải cũng dẫn đến phản ứng hen đó là: trái cây sấy khô, rượu bia, hải sản,...;

  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như ibuprofen, naproxen, aspirin, ức chế beta,... 

Hen phế quản thường gây ra nhiều trở ngại trong đời sống sinh hoạt của bệnh nhân

Hen phế quản thường gây ra nhiều trở ngại trong đời sống sinh hoạt của bệnh nhân

2. Bệnh hen phế quản gây ra những biểu hiện như thế nào? 

Phụ thuộc vào từng trường hợp mà triệu chứng của hen phế quản sẽ thay đổi, ví dụ như có người thường xuyên phải trải qua các cơn hen, cũng có người thường sẽ bộc phát cơn hen sau khi vận động thể lực. Bệnh có các triệu chứng lâm sàng như:

  • Thở dốc, thở nhanh, thở khò khè, thở rít. Dấu hiệu thở rít còn xảy ra vào ban đêm;

  • Người bệnh bị ho, ho có đờm, nghiêm trọng hơn có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp trên;

  • Có cảm giác đau bóp nghẹt ở ngực;

  • Khó thở, rối loạn giấc ngủ, ngáy khi ngủ.

Khi bệnh tiến triển càng nặng thì tần suất các cơn hen phế quản xuất hiện sẽ ngày càng nhiều. Người bệnh sẽ thở nặng nề hơn và cần phải dùng đến thuốc đường hít để cắt cơn hen. Sau đây là một số biểu hiện khi bị hen suyễn nặng bệnh nhân và người nhà cần phải đặc biệt lưu ý:

  • Tình trạng thở dốc, thở rít diễn ra nhanh chóng với mức độ nghiêm trọng hơn bình thường;

  • Triệu chứng hen phế quản xuất hiện đột ngột ngay cả khi bệnh nhân chỉ vận động nhẹ hoặc khi đang nghỉ ngơi;

  • Triệu chứng bệnh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi đã áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà như dùng thuốc tác dụng nhanh bằng đường hít.

Các triệu chứng và cách xử trí khi bị hen phế quản

Các triệu chứng và cách xử trí khi bị hen phế quản

3. Hen phế quản có nguy hiểm không? 

Về cơ bản phần lớn các triệu chứng hen phế quản đều có thể kiểm soát được. Nhưng mức độ nguy hiểm của bệnh rất cao nếu không được kiểm soát tốt và xử trí kịp thời, nguy cơ biến chứng luôn tiềm ẩn cụ thể như sau:

  • Viêm phổi hoặc nhiễm trùng phổi;

  • Dễ phải nhập viện điều trị nếu lên cơn hen nặng;

  • Bệnh nhân ngủ không ngon, hoạt động thể lực bị hạn chế;

  • Luôn trong trạng thái mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, không còn hứng thú làm việc gì;

  • Nếu lên cơn hen nặng không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng;

  • Trẻ chậm phát triển do bị hen suyễn không được kiểm soát tốt;

  • Ảnh hưởng của tác dụng phụ từ các thuốc trị hen phế quản.

4. Những ai dễ bị hen phế quản?

Một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen phế quản. Khi xác định được những yếu tố này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc kiểm soát  các triệu chứng của bệnh. Cụ thể như sau:

  • Thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc lá (cả chủ động lẫn thụ động);

  • Đã từng mắc bệnh liên quan đến dị ứng như viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng,...;

  • Người thừa cân, béo phì;

  • Hít phải nhiều khói bụi hay hóa chất độc hại trong môi trường sống và môi trường làm việc;

  • So với các bé trai thì các bé gái có tỷ lệ bị hen suyễn thấp hơn. Tuy nhiên tỷ lệ này lại tương đương giữa 2 giới khi bước sang tuổi 20, từ 40 tuổi trở lên phụ nữ dễ bị hen suyễn hơn so với nam giới.

Nếu không được kiểm soát tốt thì nguy cơ gặp phải biến chứng do hen phế quản là rất cao

Nếu không được kiểm soát tốt thì nguy cơ gặp phải biến chứng do hen phế quản là rất cao

5. Hen phế quản và cách điều trị 

Rất khó để điều trị dứt điểm bệnh hen phế quản nhưng vẫn có thể kiểm soát được triệu chứng của bệnh. Mục tiêu điều trị bệnh hen suyễn đó là:

  • Xác định, nhận diện và phòng tránh các yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát các cơn hen suyễn;

  • Sử dụng đúng loại thuốc trong điều trị bệnh để đảm bảo kiểm soát tốt cơn hen.

Sau đây là một số loại thuốc thường được dùng để điều trị bệnh hen suyễn:

  • Thuốc kháng Leukotriene: thường dùng cho những trường hợp hen nhẹ, ít tác dụng phụ và dùng kết hợp cùng các loại thuốc khác;

  • Thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài: giúp làm giãn phế quản và kiểm soát cơn hen;

  • Thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn: công dụng tương tự như thuốc chủ vận beta kéo dài nhưng tác dụng trong thời gian ngắn hơn;

  • Thuốc corticoid dạng hít: đường dùng nhiều cho bệnh nhân hen phế quản do dị ứng;

  • Thuốc Omalizumab: là các thuốc có hiệu quả cho những trường hợp hen suyễn dị ứng do lượng igE tự do suy giảm;

  • Thuốc Theophylline: hỗ trợ làm giãn phế nang và phế quản nhưng hiện nay ít khi được chỉ định trong điều trị hen suyễn;

  • Thuốc corticosteroid đường uống: cắt cơn hen nhanh chóng, tác dụng trong thời gian ngắn nhưng nếu dùng lâu dài dễ gặp phải nhiều tác dụng phụ;

  • Liệu pháp miễn dịch: giúp kiểm soát tình trạng mẫn cảm của bệnh nhân đối với các dị nguyên gây dị ứng đường thở.

Trên đây là một số thông tin giúp giải đáp cho thắc mắc bệnh hen phế quản là bệnh gì, hen phế quản có nguy hiểm không? Ngoài việc dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng của hen phế quản, người bệnh cũng cần chú ý đến thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, hãy tránh xa những thực phẩm và tác nhân có thể gây dịch ứng và bộc phát những cơn hen cấp tính. 

Nếu bạn đang bị hen phế quản và cần được tư vấn điều trị, hãy đến với Chuyên khoa Hô hấp của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được các bác sĩ giàu kinh nghiệm thăm khám và tư vấn chuyên sâu hơn, hoặc bạn có thể đặt lịch khám trước qua hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ