Tin tức

Hendra virus gây bệnh gì và có nguy hiểm không?

Ngày 26/08/2022
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Hendra virus là một thành viên thuộc chi Henipavirus, họ Paramyxoviridae, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1994. Virus này là nguyên nhân gây ra các đợt dịch bệnh trên ngựa và người ở Úc, và cũng là loại virus mới được phát hiện gần đây tại Trung Quốc.

1. Nguồn lây Hendra virus

Hendra cùng với Nipah là hai loại virus thuộc chi Henipavirus với khả năng lây bệnh cao cho người cũng như các động vật có vú khác. Bên cạnh đó, gần đây, tại Trung Quốc đã phát hiện tới 35 trường hợp nhiễm Langya henipavirus cũng thuộc chi này.

Langya không phải mới xuất hiện mà đã được tìm thấy sự tồn tại từ năm 2018 song đến nay, chúng đã gây ra số lượng ca mắc gia tăng đáng kể. Điều này cho thấy chi Henipavirus đang tiếp tục có những biến đổi phức tạp và khó lường, có thể gây ra nhiều lo ngại cho sức khỏe con người.

Những con cáo bay hay còn gọi là dơi ăn quả (tên khoa học là Pteropus) được xem là ổ chứa của virus Hendra, chúng phần lớn tập trung ở một số vùng như: Đông Nam Á, Nam Á, Đông Phi, Úc và một số đảo thuộc Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.

Dơi ăn quả có thể sống chung và trở thành ổ chứa của nhiều virus nguy hiểm

Dơi ăn quả có thể sống chung và trở thành ổ chứa của nhiều virus nguy hiểm

Khi những con dơi ăn quả này bị nhiễm bệnh, virus có thể theo nước bọt, nước tiểu và phân của chúng ra môi trường bên ngoài. Tiếp đó, những con ngựa có thể vô tình trở thành vật trung gian truyền bệnh khi tiếp xúc với các chất dịch này qua việc gặm cỏ.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được bằng chứng khẳng định loại virus này lây trực tiếp từ dơi sang người hoặc từ người sang người mà chủ yếu là do người tiếp xúc với chất thải, mô hoặc dịch cơ thể của ngựa bị bệnh.

Có thể thấy dơi chính là động vật có thể khiến lây truyền rất nhiều loại virus gây bệnh nguy hiểm, chẳng hạn như Corona hay Marburg và cả virus thuộc chi Henipavirus.

Nguyên nhân là vì vốn là động vật có vú, song chúng biết bay, có nhiều kích cỡ và có một hệ thống miễn dịch khá đặc biệt, giúp chúng có thể chung sống với nhiều loại mầm bệnh nguy hiểm và vô tình trở thành vật truyền bệnh cho các động vật khác. 

Virus từ nước bọt, chất thải của dơi có thể qua cỏ đi vào cơ thể ngựa

Virus từ nước bọt, chất thải của dơi có thể qua cỏ đi vào cơ thể ngựa

Qua kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, có thể thấy virus Hendra được tìm thấy trong tất cả các loài thuộc họ dơi ăn hoa quả tại Úc. Chính vì vậy, những người sống trong khu vực phân bố của dơi ăn hoa quả hoặc có nghề nghiệp tiếp xúc với những con ngựa thuộc những khu vực này có nguy cơ mắc bệnh cao.

Điều này có nghĩa là người chăn nuôi, chăm sóc, bác sĩ thú y,… là những đối tượng cần phải cẩn trọng trước bệnh.

2. Hendra virus gây bệnh gì?

Năm 1994, một đợt bùng phát dịch bệnh do Hendra virus gây ra tại Australia đã khiến cho một số con ngựa cùng với những người huấn luyện chúng chết do bệnh phổi đi kèm với các dấu hiệu của xuất huyết.

Sau khi đi vào cơ thể, loại virus này có thể ủ bệnh trong thời gian khoảng 9 tới 16 ngày, sau đó, gây ra các triệu chứng về đường hô hấp khiến liên tưởng đến cúm giai đoạn nặng, chẳng hạn như: đau cơ, đau người, sốt, ho, viêm họng. Một số trường hợp, bệnh tiến triển thành viêm não và gây tử vong.

Mặc dù cho đến nay, số lượng người nhiễm không lớn song tỷ lệ tử vong do bệnh lại rất cao, có thể lên tới hơn 50%. Điều này cũng lý giải vì sao các virus thuộc chi Henipavirus lại được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào cấp độ 4, rất nguy hiểm cho con người.

Các nhà khoa học đã tìm ra loại vắc xin phòng virus Hendra cho ngựa từ tháng 11 năm 2012, điều này giúp hạn chế việc lây lan của virus từ ngựa sang cho người. Cho đến nay, việc nghiên cứu, ứng dụng vắc xin cho người chưa có kết quả.

Xét nghiệm giúp tìm ra sự tồn tại của virus trong cơ thể người và ngựa

Xét nghiệm giúp tìm ra sự tồn tại của virus trong cơ thể người và ngựa

Chính vì vậy, việc điều trị chủ yếu là khắc phục triệu chứng và hạn chế biến chứng có thể xảy ra. Hiện nay, cũng chưa có loại thuốc nào được chỉ định đặc trị cho bệnh, thuốc Ribavirin mặc dù cho kết quả trong điều kiện thí nghiệm song chưa được ứng dụng trong thực tế.

Việc xét nghiệm chẩn đoán được thực hiện chủ yếu qua hai phương pháp RT-PCR và ELISA.

3. Phòng ngừa việc nhiễm bệnh như thế nào?

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh gây ra bởi virus thuộc họ Henipa trong khi COVID-19 tiếp tục xuất hiện biến chủng mới và nhiều bệnh có dấu hiệu phức tạp trở lại, nguy cơ đe dọa tới sức khỏe con người ngày càng lớn.

Để đảm bảo an toàn trước Hendra virus, có thể thực hiện một số khuyến cáo như:

Hạn chế sử dụng động vật hoang dã làm thức ăn

Đặc biệt, cần xóa bỏ thói quen ăn thịt dơi tại một số quốc gia trên thế giới bởi đây chính là vật chủ mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm.

Các loại động vật hoang dã tồn tại trong tự nhiên nên rất khó để con người kiểm soát được độ an toàn của chúng. Vì vậy, không tiêu thụ, ăn uống là cách tốt để chúng ta có thể tự bảo vệ.

Tăng cường ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái

Theo một số nghiên cứu được đưa cho thấy nạn phá rừng gia tăng ở Úc có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho virus này phát tán mạnh hơn. Nguyên nhân bởi vì thông thường, loài dơi này kiếm ăn trên cây ở phần lớn thời gian trong một năm.

Tuy nhiên, do rừng bị tàn phá, chúng buộc phải di chuyển sang các địa bàn khác nhằm tìm nguồn thức ăn. Điều này khiến cho việc tiếp xúc giữa chúng với ngựa trở nên thường xuyên hơn càng khiến tăng nguy cơ bệnh tật. Chính vì vậy, việc thực hiện trồng lại rừng tại các khu vực quan trọng, tập trung sinh sống của dơi có thể giúp giảm nguy cơ lây lan virus.

Tiêm vắc xin phòng virus Hendra cho ngựa, đảm bảo an toàn lao động

Thực hiện tiêm vắc xin cho ngựa, đặc biệt tại các vùng có sự tồn tại của loài dơi mang bệnh là điều cần thiết. Cùng với đó, trong quá trình chăm sóc, chăn nuôi hoặc chữa bệnh cho ngựa, đặc biệt trường hợp có nguy cơ cao, người thực hiện nên được trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ nhằm đảm bảo an toàn.

Tiêm vắc xin cho ngựa, sử dụng bảo hộ cho người nuôi ngựa để phòng bệnh

Tiêm vắc xin cho ngựa, sử dụng bảo hộ cho người nuôi ngựa để phòng bệnh

Giữ vệ sinh

Bao gồm cả vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, nên sử dụng thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, được chứng nhận an toàn.

Từ khi xuất hiện cho tới nay, virus này đã gây ra một số đợt dịch lớn tại Úc với tỷ lệ tử vong ở cả người và ngựa rất cao nên chúng ta cần nâng cao ý thức cảnh giác.

Bài viết trên hy vọng đã cung cấp cho quý khách những hiểu biết cơ bản về Hendra virus, nếu cần tìm hiểu thêm thông tin, vui lòng gọi tới số tổng đài của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC - 1900 56 56 56.

Từ khoá: tiêm vắc xin

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.