Tin tức
Hở van động mạch chủ: Cách nhận biết triệu chứng và giải pháp điều trị bệnh
- 11/01/2023 | Bệnh động mạch chủ - biểu hiện và phương hướng xử trí
- 01/04/2024 | Phình động mạch chủ bụng điều trị như thế nào và cách phòng ngừa
- 20/11/2024 | Phát hiện bệnh lý phình tách động mạch chủ ngực không có triệu chứng nhân lúc đi khám cơ xươ...
1. Hở van động mạch chủ là bệnh như thế nào?
Van động mạch chủ nằm ở giữa tâm thất trái và động mạch. Chức năng của nó là ngăn dòng máu từ động mạch chủ trôi ngược về tâm thất trái.
Tình trạng van này không thể đóng kín khiến cho máu có thể trôi ngược từ động mạch chủ trở về tâm thất trái được gọi là hở van động mạch chủ và được phân thành những cấp độ như sau:
- Hở van động mạch chủ 1/4: Ở những trường hợp này, phân suất tống máu thường đạt mức bình thường, có thể xảy ra giãn tâm thất trái hoặc không, đồng thời bệnh nhân cũng không có những biểu hiện bất thường nào.
- Hở van động mạch chủ 2/4: Người bệnh bắt đầu có những biểu hiện như khó thở, đau ngực, đánh trống ngực,... và rất khó chữa triệt để. Ngay cả những trường hợp can thiệp điều trị thì bệnh vẫn có nguy cơ tái phát và cần điều trị duy trì để hạn chế nguy cơ biến chứng.
Đau thắt ngực có thể là do hở van động mạch chủ
- Hở van động mạch chủ 3/4: Lúc này, bệnh đã ở giai đoạn nặng và gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người bệnh. Nếu không được điều trị sớm, chức năng tim có thể bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí bệnh nhân khó có thể thực hiện phẫu thuật thay van trong tương lai.
- Hở van động mạch chủ 4/4: Đây là tình trạng rất nghiêm trọng và cần điều trị ngay. Bệnh nhân thường được chỉ định phẫu thuật cấp cứu thay thế hoặc sửa chữa van bị hỏng.
2. Triệu chứng hở van động mạch chủ
Đây là căn bệnh tiến triển rất chậm. Ở giai đoạn đầu, hở van động mạch chủ thường không gây ra những triệu chứng rõ ràng hoặc không hề có biểu hiện bất thường nào. Khi người bệnh cảm nhận được triệu chứng bệnh thì rất có thể bệnh đã tiến triển nghiêm trọng. Dưới đây là những biểu hiện bệnh thường gặp:
- Cơ thể luôn mệt mỏi, nhất là khi phải thường xuyên vận động.
- Khi gắng sức hay khi tập luyện thể thao, bệnh nhân thường rất mệt và khó thở. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.
Người bệnh thường mệt mỏi khi gắng sức
- Bàn chân, mắt cá chân của người bệnh bị sưng phù.
- Đau ngực, căng tức ở ngực. Tình trạng này sẽ rõ ràng hơn khi người bệnh hoạt động thể chất.
- Ngất xỉu.
- Loạn nhịp tim.
3. Điều trị hở van động mạch chủ
Trước hết, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng. Sau đó sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các phương pháp như siêu âm tim, chụp X-quang ngực, chụp cộng hưởng từ tim,... để đưa ra chẩn đoán bệnh và lên phác đồ điều trị phù hợp. Một số phương pháp điều trị bệnh phổ biến như sau:
3.1. Phương pháp không phẫu thuật
Đối với những trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh chỉ cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe, điều chỉnh lối sống và có thể dùng thuốc điều trị bệnh nếu cần thiết. Các loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định là các loại thuốc giãn mạch, thuốc chẹn Beta giao cảm,...
3.2. Phẫu thuật
Nếu bệnh đã tiến triển nghiêm trọng thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật thay van động mạch chủ cho bệnh nhân. Ngay cả khi bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng nhưng nếu tình trạng hở van động mạch chủ đã nghiêm trọng, chức năng co bóp của tim đã suy giảm,... thì phương pháp phẫu thuật vẫn rất cần thiết.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị bệnh phổ biến
Thay thế van động mạch chủ thường được áp dụng để điều trị bệnh. Bác sĩ có thể dùng van cơ học hoặc van sinh học hay van động mạch phổi của chính bệnh nhân để thay thế.
4. Phòng ngừa hở van động mạch chủ
Rất khó để có thể phòng ngừa tuyệt đối căn bệnh này. Tuy nhiên, một số lưu ý sau có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Sốt thấp khớp có thể làm tăng nguy cơ bị hở van động mạch chủ. Điều trị viêm họng đúng cách để phòng phòng ngừa sốt thấp khớp.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, nhất là những trường hợp bị bệnh lý về van tim hoặc mắc bệnh tim bẩm sinh.
- Theo dõi huyết áp thường xuyên.
- Xây dựng lối sống khoa học: Đây là vấn đề rất quan trọng giúp bạn khỏe mạnh hơn và phòng ngừa nguy cơ bị hở van động mạch chủ. Cụ thể như sau:
+ Chế độ ăn uống khoa học: Nên ăn nhiều loại trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm,... Hạn chế ăn những loại chất béo bão hòa, không ăn quá nhiều đường và không ăn quá mặn,...
+ Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân béo phì không chỉ khiến bạn tự ti về ngoại hình mà còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, trong đó bao gồm vấn đề hở van động mạch chủ. Do đó, bạn nên duy trì cân nặng hợp lý. Nếu bị thừa cân, bạn hãy lên kế hoạch giảm cân khoa học và cố gắng thực hiện để có một vóc dáng thon gọn và một cơ thể khỏe mạnh hơn.
+ Thường xuyên tập thể dục: Tuy nhiên, bạn lưu ý tham khảo bác sĩ để có thể lựa chọn chính xác bài tập phù hợp với tình trạng của mình. Nếu bạn đang có vấn đề sức khỏe, nhất là những bệnh lý về tim mạch thì không nên lựa chọn những môn thể thao có tính đối kháng.
- Luôn giữ tinh thần vui vẻ, tích cực, tránh căng thẳng quá mức: Có nhiều cách giúp bạn giảm stress như tập thể thao, đi du lịch, đọc sách, gặp gỡ bạn bè,...
Bạn nên đi khám nếu có biểu hiện nghi ngờ bệnh
Qua những thông tin trên, hi vọng bạn đã hiểu rõ hơn về bệnh hở van động mạch chủ. Nếu có biểu hiện bất thường hoặc có nguy cơ cao bị bệnh, bạn nên đi khám sớm.
Chuyên khoa Tim mạch của Hệ thống Y tế MEDLATEC là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực tim mạch, cùng với đó là các trang thiết bị hiện đại, tân tiến, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh nhanh chóng và điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Để được đặt lịch khám sớm, quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!