Tin tức

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì, dấu hiệu và cách điều trị

Ngày 09/09/2021
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ, đa phần mọi người không biết hoặc không nghĩ rằng đây là vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Thực tế nhiều trường hợp gặp phải hội chứng này mắc phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí tử vong do thiếu oxy quá mức.

1. Thế nào là hội chứng ngưng thở khi ngủ?

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh khi đang ngủ có những cơn ngưng thở hoàn toàn, lặp lại ít nhất 10 lần trong mỗi giấc ngủ đêm. Thực tế bản thân người bệnh rất khó biết được mình mắc hội chứng này bởi nó chỉ xảy ra khi ngủ. Những người xung quanh nếu không chú ý cũng không thể phát hiện bệnh.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ thường gặp hơn ở nam giới

Hội chứng ngưng thở khi ngủ thường gặp hơn ở nam giới

Thực tế, hội chứng ngưng thở khi ngủ gồm 3 thể bệnh khác nhau bao gồm:

  • Ngưng thở tắc nghẽn.

  • Ngưng thở trung ương.

  • Ngưng thở hỗn hợp.

Trong đó, ngưng thở tắc nghẽn là thể bệnh thường gặp nhất phổ biến hơn ở nam giới. Tuy nhiên chỉ có khoảng 10% người bệnh đi khám và biết về tình trạng bệnh của bản thân để điều trị. Còn lại sống chung với căn bệnh này cho đến khi biến chứng không may xảy ra.

Bản chất của hội chứng ngưng thở khi ngủ là do khi ngủ, lưỡi và các mô mềm ở hầu họng giãn ra, gây nghẽn đường thở một phần hoặc hoàn toàn. Không khí đi qua vùng nghẽn bị hạn chế, làm giảm oxy trong máu và đánh thức phần não liên quan để kích hoạt hoạt động thở. Ban đầu cơ ngực sẽ phải hoạt động nhiều hơn để thông khí bù lại quãng thời gian bị ngưng thở. Sau khi hơi thở trở lại bình thường thì quy trình này lại lặp lại, khiến người bệnh bị ngưng thở khi ngủ lặp lại nhiều lần trong đêm.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể do cấu trúc đường thở bất thường

Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể do cấu trúc đường thở bất thường

Nguyên nhân gây hội chứng ngưng thở khi ngủ thường là tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường hô hấp trên trong khi ngủ do: mô ở thành sau họng quá to, lưỡi lớn, bất thường về xương hàm,… Còn chứng ngưng thở khi ngủ trung ương là do vấn đề ở não khiến tín hiệu điều khiển cơ hô hấp của người bệnh khi ngủ bị rối loạn.

Các yếu tố nguy cơ như: vấn đề về xoang, béo phì, phì đại VA, lưỡi hoặc amidan làm tăng nguy cơ hoặc khiến người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng hơn. Đa phần người bị chứng ngưng thở khi ngủ trung ương có đồng thời gặp vấn đề về thần kinh hoặc suy tim.

Nam giới có nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ cao hơn nữ giới đến 2 lần, đa phần đến tuổi trung niên mới bắt đầu khởi phát và tiến triển nặng. Hội chứng này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh, khiến người bệnh mệt mỏi, tăng nguy cơ tai nạn lao động, tai nạn giao thông, giảm chất lượng cuộc sống,…

2. Hội chứng ngưng thở khi ngủ có triệu chứng gì?

Có đến 90% người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ thể tắc nghẽn không biết về tình trạng bệnh của bản thân. Nguyên nhân do triệu chứng chỉ xảy ra khi ngủ, nghĩa là bệnh nhân không ý thức được tình trạng này đang xảy ra. Tuy nhiên, hội chứng này sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nếu bạn đang gặp các vấn đề sau thì hãy kiểm tra nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ rất khó phát hiện

Hội chứng ngưng thở khi ngủ rất khó phát hiện

  • Đau đầu khi thức dậy vào buổi sáng.

  • Buồn ngủ nhiều vào ban ngày kể cả khi ban đêm ngủ dài và không bị thức giấc.

  • Ngủ ngáy, lúc ngủ có khi bị ngạt thở, ngừng thở, dấu hiệu này cần người bên cạnh giúp bạn kiểm tra.

  • Đi tiểu nhiều lần trong đêm khi hội chứng ngưng thở khi ngủ khiến bạn thức giấc do thiếu hụt oxy quá mức, não tạo xung kích thích để phục hồi lại hoạt động thở.

  • Giảm trí nhớ, giảm độ tập trung do chất lượng giấc ngủ kém và oxy nuôi não không đáp ứng tốt.

  • Tăng huyết áp kháng trị.

  • Béo phì, thừa cân, cấu trúc bất thường ở vùng hàm mặt.

Các triệu chứng này có thể không phải do hội chứng ngưng thở khi ngủ song bạn vẫn nên đến các bệnh viện chuyên khoa hô hấp để khám và điều trị sớm nhất. Nhiều đối tượng người bệnh do không phát hiện bệnh và điều trị, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tai nạn giao thông, giảm sút trí nhớ, mất tập trung, đột tử trong đêm, cơn đau thắt ở ngực,…

Hội chứng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe

Hội chứng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe

Hội chứng ngưng thở khi ngủ thường gặp ở lứa tuổi trung niên trở đi, song trẻ nhỏ vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Ở trẻ mắc bệnh, dấu hiệu khác đi kèm có thể gặp như tinh thần thiếu ổn định, hiếu động thái quá, tiểu dầm, hay gây gổ, giảm thành tích học tập,…

3. Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể điều trị không?

Có nhiều phương pháp chữa hội chứng ngưng thở khi ngủ theo từng tình trạng và nguyên nhân gây bệnh, vi thế bệnh nhân cần được chẩn đoán chính xác các thông tin bệnh lý này. Các phương pháp điều trị thường áp dụng bao gồm:

  • Giảm cân nếu hội chứng ngưng thở khi ngủ do béo phì.

  • Thay đổi lối sống tăng chất lượng giấc ngủ và hoạt động của hệ hô hấp.

  • Phẫu thuật loại bỏ các nguyên nhân cơ học gây tắc nghẽn đường thở.

  • Đeo nẹp hàm.

  • Liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ được theo dõi để đánh giá khả năng đáp ứng phương pháp điều trị. Ngoài điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ, cần điều trị và kiểm soát cả nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ gây bệnh như: mỡ máu, rối loạn chuyển hóa, huyết áp,… 

Những thói quen sau sẽ giúp bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm bớt triệu chứng bệnh: Giảm cân, ngưng sử dụng thuốc an thần, tránh uống rượu hoặc các chất gây nghiện, thay đổi tư thế ngủ, ngưng hút thuốc lá,…

Hạn chế các chất kích thích để kiểm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ

Hạn chế các chất kích thích để kiểm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ

Không nên chủ quan với hội chứng ngưng thở khi ngủ dù đa phần nó không đe dọa đến tính mạng người bệnh song ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ cũng như sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn cần tư vấn chẩn đoán và điều trị hội chứng này, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ