Tin tức
Hỏi đáp: Cần làm gì khi bị ho đờm kéo dài không khỏi?
- 27/07/2021 | Vì sao dịch đờm từ mũi xuống họng? Phương pháp điều trị như thế nào?
- 22/10/2021 | Trẻ ho có đờm và các phương pháp tiêu đờm hiệu quả
- 08/10/2021 | Hướng dẫn bố mẹ cách xử trí trẻ bị sặc đờm dãi khi ho
1. Ho có đờm là gì?
Đờm (một số nơi gọi là đàm) là chất tiết của đường hô hấp. Chất tiết này được tiết từ khí quản, phế quản, các xoang hàm trán, các hốc mũi và họng. Chúng bao gồm chất nhầy, hồng cầu, bạch cầu mủ và cả vi khuẩn, virus xâm nhập từ đường hô hấp trên. Thông thường, đờm sẽ được nuốt hoặc chảy qua thực quản rồi đào thải ra khỏi cơ thể theo đường tiêu hóa.
Trong một số trường hợp, lượng đờm quá nhiều nên khi đi qua cổ họng, chúng sẽ được đẩy ra ngoài bằng phản xạ ho. Tùy tình trạng bệnh cũng như cơ địa mỗi người mà đờm có đặc điểm (độ nhầy, đặc và màu sắc) khác nhau. Chẳng hạn như đờm thanh, đờm nhầy, đờm có mủ, đờm có máu, đờm bã đậu,…
Ho có đờm xảy ra ở mọi lứa tuổi với tình trạng và mức độ khác nhau
2. Nguyên nhân ho đờm kéo dài không khỏi
Ho đờm kéo dài nhiều ngày không khỏi do nhiều nguyên nhân, trong đó, đường hô hấp bị viêm và nhiễm trùng được cho là nguyên nhân chính. Vậy do đâu đường hô hấp bị viêm nhiễm?
Tiếp xúc các tác nhân gây dị ứng
Với những người nhạy cảm, dễ bị dị ứng thì khi tiếp xúc với khói bụi, lông thú, phấn hoa, nước hoa, khói thuốc lá,… các tác nhân này sẽ kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động và sản sinh ra các chất trung gian hoá học như bradykinin, cytokine, histamin,… Từ đó, gây ra một loạt phản ứng của các cơ quan như: hô hấp, da, tiêu hoá,… Các chất này tác động lên hệ thống hô hấp gây ngứa vùng cổ, khí quản kích thích phản xạ ho. Đồng thời, nó cũng gây kích thích các phế quản làm phù nề và tăng tiết dịch nhầy tạo ra đờm.
Mức độ dị ứng càng nặng thì dịch tiết càng nhiều, người bệnh càng dễ ho. Đây là một phản xạ có lợi để bảo vệ cơ thể. Ho khạc đờm có thể giúp tống các tác nhân gây dị ứng ra khỏi đường thở. Tuy nhiên, nếu phản ứng quá mức thì sẽ gây co thắt phế quản, phù nề và xuất tiết dịch nhầy nhiều gây bít tắc đường thở. Từ đó, có thể tạo thành cơn hen phế quản hoặc nặng hơn là suy hô hấp.
Sự xâm nhập của vi khuẩn, virus
Một số loại vi khuẩn, virus như virus ho gà, virus sởi, virus thủy đậu, virus cúm,… khi tấn công và xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viêm nhiễm đường hô hấp. Lúc này, hệ thống bảo vệ của đường hô hấp gồm các tế bào bạch cầu đa nhân, Mono bào, đại thực bào sẽ hoạt động mạnh để tấn công, tiêu diệt các tác nhân vi khuẩn, virus gây bệnh. Đồng thời, phản ứng viêm tại chỗ cũng làm tăng tiết dịch, đờm lúc này chứa dịch tiết đường hô hấp, xác vi khuẩn, virus và các tế bào bạch cầu.
Tuỳ từng tác nhân gây bệnh và giai đoạn bệnh mà màu sắc và số lượng đờm là khác nhau. Đờm này sẽ được hệ thống lông nhung đường thở đưa ra khỏi hệ hô hấp dưới đến vùng cổ sẽ kích thích gây ho khạc ra ngoài.
Thói quen hút thuốc lá
Tình trạng ho đờm kéo dài không khỏi thường xảy ra với những người có thói quen hút thuốc lá. Bởi trong thuốc lá có chứa hơn 4000 loại chất độc gây hại. Khi thường xuyên hít phải khói thuốc lá sẽ gây ra các phản ứng viêm mạn tính và tiến triển từ từ tăng dần. Đến một thời điểm nào đó sẽ hình thành lên các bệnh lý phổi mạn tính như: viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ phổi, hay thậm chí ung thư phổi. Các bệnh lý này thường có sự gia tăng tiết đờm và gây ra ho khạc đờm kéo dài.
Hút thuốc lá là nguyên nhân khiến ho đờm kéo dài không khỏi
Mắc các bệnh lý bẩm sinh đường hô hấp
Ho có đờm kéo dài không khỏi cũng có thể xảy ra với những người mắc bệnh hen phế quản, các bệnh lý tự miễn tại phổi, bệnh tích Protein phế nang, Sarcoidosis,...
3. Làm gì khi ho đờm kéo dài không khỏi?
Người bị ho có đờm cần chủ động thực hiện những việc sau để bệnh tình được thuyên giảm:
-
Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng họng và ngực. Tuyệt đối không để bị nhiễm lạnh, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa.
-
Không ăn thực phẩm cay, nóng, khó nuốt. Ưu tiên cho những món loãng như canh, cháo, súp,…
-
Uống nhiều nước ấm và bổ sung thêm nước trái cây. Không uống rượu bia, nước ngọt, nước đá lạnh,…
-
Hạn chế tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng, kích thích cơn ho như khói bụi, thuốc lá, lông thú, phấn hoa,…
-
Hạn chế đến nơi đông người, nếu phải đi ra ngoài thì nên đeo khẩu trang để vừa tránh các tác nhân gây dị ứng, vừa ngăn ngừa lây nhiễm bệnh, nhất là bệnh qua đường hô hấp.
Khi bị ho có đờm kéo dài, người bệnh nên giữ ấm cơ thể và uống thật nhiều nước
Bên cạnh đó, người bệnh nên chủ động đi thăm khám. Tùy nguyên nhân và tình trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một số loại thuốc làm giảm triệu chứng. Có thể kể đến như thuốc giảm ho, thuốc long đờm, thuốc tiêu đờm, thuốc kháng viêm,…
Đặc biệt, nếu ho đờm kéo dài không khỏi (kéo dài trên 3 tuần) và xuất hiện các triệu chứng dưới đây thì người bệnh tuyệt đối không được chủ quan:
-
Cảm giác đau tức vùng ngực khi ho. Kèm theo đó là thở nhanh, thở gấp, khó thở.
-
Ho ra đờm đặc, có màu vàng, xanh, trắng đục.
-
Ho nhiều vào ban đêm và sáng sớm.
-
Ho kèm sốt cao, đổ nhiều mồ hôi.
-
Khi khạc nhổ, đờm có lẫn mủ và tia máu.
-
Ăn uống khó khăn, ngủ không ngon giấc, sụt cân nhanh chóng.
4. Ho đờm kéo dài không khỏi có nguy hiểm không?
Như đã nói ở trên, nếu tình trạng ho đờm kéo dài hơn 3 tuần không khỏi thì có thể người bệnh đã bị ho có đờm mãn tính. Và đây cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh hô hấp nguy hiểm.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Đối với những người hút thuốc lá thường xuyên trong một thời gian dài vài chục năm, khi ho khạc đờm lâu ngày, kèm theo triệu chứng khó thở thì rất có thể đã bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khi mắc bệnh này, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng ho khạc đờm, khó thở thường xuyên, cả ngày, cả khi nghỉ ngơi và tăng lên khi vận động hoặc có tác nhân gây ra đợt cấp của bệnh.
Ho đờm kéo dài không khỏi, đờm lẫn máu và mủ có thể là dấu hiệu của các bệnh hô hấp nguy hiểm
Bệnh giãn phế quản
Bệnh giãn phế quản có triệu chứng khá giống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tuy nhiên, khi ho, người bệnh sẽ khạc ra đờm có mủ, đặc, màu vàng xanh (giãn phế quản ướt) hoặc đờm có máu (giãn phế quản khô).
Bệnh lao phổi
Ho đờm kéo dài không khỏi có thể là dấu hiệu của bệnh lao phổi. Hay nói cách khác, lao phổi là nguyên nhân khiến tình trạng ho có đờm kéo dài không dứt. Lúc này, người bệnh có thể ho ra máu tươi. Nếu bệnh nặng, có thể biến chứng suy hô hấp và tử vong.
Tóm lại, ho có đờm thường là biểu hiện của các bệnh cấp tính (cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm xoang cấp,…). Tuy nhiên, nếu ho kéo dài không khỏi, đờm đặc, lẫn máu hoặc mủ, kèm theo khó thở, tức ngực thì có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm khác.
Do đó, khi bị ho đờm kéo dài không khỏi, người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Hạn chế việc trì hoãn khám bệnh và tự ý sử dụng thuốc để tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!