Tin tức
Hướng dẫn cách giảm căng cơ tại nhà cực đơn giản
1. Dấu hiệu nhận biết tình trạng căng cơ
Căng cơ không chỉ xuất hiện ở những vận động viên thể thao mà còn khá phổ biến ở người bình thường khi lao động hay sinh hoạt hàng ngày. Nếu tình trạng căng cơ không có biện pháp xử trí hợp lý và chăm sóc đúng cách có thể gây biến chứng đứt gân hoặc rách cơ rất nguy hiểm.
Bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể cũng có khả năng gặp phải tình trạng căng cơ, nhưng thường gặp nhất đó là bộ phận chân tay, vai, cổ và thắt lưng. Một số triệu chứng điển hình khi bệnh nhân bị căng cơ thường sẽ là:
- Gân cơ yếu hơn bình thường;
- Ở vị trí bị căng cơ có dấu hiệu bầm tím, sưng tấy và đau nhức;
- Ở những bệnh nhân bị căng cơ nhẹ: bệnh nhân gặp khó khăn trong việc vận động nhóm cơ bị căng;
- Đối với trường hợp căng cơ nặng: cơn đau cơ tiến triển nghiêm trọng, người bệnh mất khả năng vận động và cần phải được can thiệp bằng các biện pháp y tế.
Dấu hiệu nhận biết căng cơ
2. Nguyên nhân dẫn đến căng cơ là gì?
Nguyên nhân gây căng cơ khá đa dạng và sau đây là những nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tình trạng này:
- Do bị té ngã;
- Mang vác vật nặng hoặc ngồi nằm sai tư thế, thực hiện sai động tác trong thi đấu thể thao có thể khiến vùng cơ ở các vị trí như cổ, vai, gáy, thắt lưng luôn ở trong tình trạng căng thẳng;
- Do cơ bắp bị mất đi tính dẻo dai, linh hoạt;
- Trước khi vận động, tập luyện thể dục thể thao không chú trọng khởi động kỹ lưỡng;
- Tần suất lặp lại động tác ở một vị trí được thực hiện quá nhiều lần. Ví dụ như người bệnh chạy bộ, đu xà, tập thể dục dụng cụ quá mức;
- Căng thẳng: tâm trạng thường xuyên bị căng thẳng, lo âu cũng có ảnh hưởng không tốt đến hệ thần kinh. Cụ thể là khi tâm lý căng thẳng, sợ hãi sẽ làm rối loạn đường truyền tín hiệu của xung thần kinh đi từ não bộ tới các cơ bắp, từ đó gây giảm thiểu lưu lượng máu đến vị trí các bộ phận trong cơ thể. Khi cơ bắp không được cung cấp đủ máu sẽ dễ gặp phải hiện tượng căng cứng cơ.
3. Một số cách giảm căng cơ hiệu quả
Dưới đây là những cách giảm căng cơ hiệu quả bạn có thể cân nhắc áp dụng tại nhà:
- Nghỉ ngơi;
- Giảm đau giảm viêm bằng cách nâng vùng cơ lên trên cao;
- Chườm lạnh: bạn có thể dùng túi chườm lạnh chuyên dụng hoặc bọc đá vào khăn sạch chườm lên vùng cơ bị căng. Mỗi lần chườm chỉ nên kéo dài trong 15 phút;
- Băng ép vùng cơ đang bị căng đau nhưng cần lưu ý là không được băng quá chặt vì sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu;
- Nâng vùng cơ bắp bị căng lên cao sẽ giúp giảm triệu chứng sưng viêm;
- Áp dụng một số bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa;
- Sử dụng thuốc do bác sĩ chỉ định. Đó có thể là các thuốc kháng sinh áp dụng cho những trường hợp căng cơ do nhiễm trùng, thuốc giãn cơ có tác dụng giảm thiểu tình trạng co cứng khớp và tăng cường chức năng vận động, dùng thuốc corticoid giảm sưng viêm,...;
- Biện pháp phẫu thuật sẽ được cân nhắc đối với những trường hợp căng cơ nghiêm trọng và các phương pháp điều trị trên không đem lại hiệu quả tích cực.
Mẹo giảm căng cơ hiện tại
4. Những điều không nên làm khi bị căng cơ
Nếu gặp phải triệu chứng căng cơ thì người bệnh cần lưu ý không nên thực hiện những điều như sau:
- Không nên vận động mạnh: vị trí vùng bắp cơ bị căng đau cần có thời gian phục hồi và nghỉ ngơi hợp lý. Nếu bạn vận động mạnh và thường xuyên tập luyện với cường độ cao thì sẽ chỉ khiến cho tình trạng căng cơ trở nên nghiêm trọng hơn;
- Không chườm nóng vào vết thương: nhiệt độ cao sẽ dễ khiến các cơ mất đi độ đàn hồi, trở nên yếu hơn và nguy cơ chấn thương cũng sẽ cao hơn. Người bệnh cũng nên lưu ý là không sử dụng dầu và rượu để xoa bóp vùng cơ bị căng đau.
Ngoài ra để phòng ngừa nguy cơ bị căng cơ, bạn cũng nên áp dụng những cách dưới đây:
- Trước mỗi buổi tập luyện thể dục thể thao thì bạn nên khởi động kỹ càng để kéo giãn và làm nóng cơ bắp;
- Hàng ngày nên chủ động luyện tập, vận động thường xuyên để các khớp và cơ linh hoạt, dẻo dai hơn;
- Trước khi định mang vác một vật nặng nào đó, bạn nên điều chỉnh đúng tư thế và hết sức thận trọng khi bê vác. Nếu cảm thấy quá sức của mình thì bạn không nên cố mang mà hãy chỉ bê vác những vật có tải trọng phù hợp để tránh làm tổn thương cơ thể;
- Không vận động hay đứng, ngồi, nằm quá lâu ở một tư thế, nhất là nhân viên văn phòng thường xuyên phải làm việc ít nhất 7 - 8 tiếng/ngày. Mỗi giờ làm việc bạn nên đứng dậy đi lại nhẹ nhàng và thư giãn gân cốt;
- Có chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để cơ xương khớp được hồi phục hiệu quả;
- Xây dựng chế độ ăn uống với đầy đủ dưỡng chất thiết yếu, cân bằng, tăng cường bổ sung các loại khoáng chất và vitamin thiết yếu;
- Uống đủ nước mỗi ngày nhằm ngăn chặn tình trạng cơ thể bị ứ đọng axit lactic, qua đó giúp giảm triệu chứng căng mỏi và nóng rát cơ.
Những lưu ý khi bị căng cơ
Tuy rằng căng cơ là một biểu hiện thường gặp nhưng nếu không có phương pháp điều trị đúng đắn thì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng vận động cũng như đời sống sinh hoạt thường nhật của bệnh nhân. Ở những trường hợp bị căng cơ nhẹ, nếu người bệnh được chăm sóc đúng cách, kịp thời thì tình trạng này sẽ được cải thiện nhanh chóng chỉ trong vài ngày. Còn trường hợp nặng hơn thì nên đi khám để được can thiệp y tế.
Nếu bạn đang có các triệu chứng của căng cơ và chưa biết cách điều trị, xử trí thì có thể liên hệ qua hotline 1900565656 để được tổng đài viên của MEDLATEC tư vấn, hỗ trợ giải đáp cũng như đăng ký đặt lịch khám của các bác sĩ Chuyên khoa Cơ xương khớp ngay hôm nay.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!