Tin tức

Hướng dẫn cách trị hôi miệng từ dạ dày an toàn, mau khỏi

Ngày 01/07/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI.BSNT Phạm Văn Quang
Hơi thở có mùi hôi là nguyên nhân khiến cho không ít người trở nên thiếu tự tin trong giao tiếp hàng ngày. Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ xuất phát từ vấn đề răng miệng còn có thể bắt nguồn từ dạ dày. Vậy trị hôi miệng từ dạ dày bằng cách nào mới đạt hiệu quả lâu dài? Trong bài viết sau, MEDLATEC sẽ cùng bạn đi tìm nguyên nhân và cách xử lý tình trạng đó.

1. Hôi miệng từ dạ dày là gì? Xuất phát từ nguyên nhân nào?

1.1. Thế nào là hôi miệng từ dạ dày?

Hôi miệng là hiện tượng hơi thở có mùi hôi khó chịu. Hôi miệng bắt nguồn từ dạ dày tức là mùi hôi được sinh ra từ thức ăn lên men hoặc vi khuẩn, thức ăn lên men hoặc trào ngược axit có mùi đặc trưng lên thực quản và khoang miệng. Đặc điểm của Hôi miệng do dạ dày là mùi nặng, kéo dài và thường không đáp ứng với nước súc miệng hay kem đánh răng thông thường.

1.2. Nguyên nhân gây nên mùi hôi miệng từ dạ dày

Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên mùi hôi miệng từ dạ dày là:

- Viêm loét dạ dày tá tràng: 

Viêm loét gây tổn thương niêm mạc dạ dày, khiến thức ăn tiêu hóa kém và sinh ra khí gây mùi. Khí này di chuyển ngược từ dạ dày lên thực quản sẽ sinh ra mùi hôi miệng.

- Trào ngược dạ dày thực quản:

Axit dịch vị và hơi thức ăn từ dạ dày khi trào ngược lên thực quản sẽ sinh ra mùi hôi. 

- Rối loạn tiêu hóa:

Khi hệ tiêu hóa hoạt động chậm, thức ăn bị lên men lâu trong dạ dày sẽ tạo mùi khó chịu. Khí sinh ra từ quá trình phân hủy này sẽ khiến cho hơi thở có mùi hôi đặc trưng.

- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): 

Vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày dẫn đến trào ngược và sinh ra khí hôi trong khoang miệng.

- Chế độ ăn uống không hợp lý:

Ăn quá nhiều thực phẩm cay, nhiều dầu mỡ, uống nhiều rượu bia, caffeine,… làm tăng axit trong dạ dày, dẫn đến mùi hôi từ dạ dày lên miệng.

Các bệnh lý dạ dày dễ gây nên triệu chứng hôi miệng

Các bệnh lý dạ dày dễ gây nên triệu chứng hôi miệng

2. Dấu hiệu nhận diện mùi hôi miệng từ dạ dày

Trước khi tìm cách trị hôi miệng từ dạ dày, bạn cần phân biệt hôi miệng từ dạ dày với các nguyên nhân khác qua các biểu hiện sau:

- Mùi hôi miệng không mất đi dù đã vệ sinh miệng bằng mọi phương pháp như súc miệng, đánh răng, dùng chỉ nha khoa,... thậm chí sau vài phút vệ sinh miệng, mùi hôi lại trở lại như cũ.

- Mùi hôi miệng kèm theo các triệu chứng của bệnh dạ dày như đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, buồn nôn,…

- Lưỡi có lớp bám cặn màu trắng hoặc vàng.

- Có cảm giác miệng đắng, chua hoặc có mùi tanh trong một thời gian dài.

3. Trị hôi miệng từ dạ dày bằng cách nào hiệu quả?

Để trị hôi miệng từ dạ dày đạt hiệu quả lâu dài cần có kết hợp đồng thời nhiều phương pháp:

3.1. Điều trị dứt điểm bệnh lý dạ dày

Muốn trị hôi miệng từ dạ dày hiệu quả và tránh tái phát, việc quan trọng hàng đầu cần làm là xử lý tận gốc các bệnh lý về dạ dày. Khi dạ dày khỏe mạnh, quá trình tiêu hóa diễn ra bình thường sẽ không tạo ra khí hôi hoặc axit trào ngược lên thực quản gây mùi khó chịu trong hơi thở.

Nếu có triệu chứng hôi miệng từ dạ dày người bệnh cần thăm khám để được chẩn đoán đúng nguyên nhân và thực hiện điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. Tùy theo từng nguyên nhân gây nên tình trạng này mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị phù hợp với mỗi bệnh nhân như:

- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày nhằm bảo vệ niêm mạc trước ảnh hưởng của axit và dịch vị dạ dày.

- Thuốc prokinetic giúp tăng trương lực cơ thắt thực quản dưới và thúc đẩy làm rỗng dạ dày, hỗ trợ điều trị trào ngược.

- Thuốc ức chế bơm proton nhằm giảm tiết dịch axit dạ dày.

- Thuốc kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) - nguyên nhân gây loét gián tiếp gây ra.

- Thuốc chống trào ngược giúp tăng cường khả năng đóng van dạ dày thực quản, ngăn không cho axit trào lên thực quản.

Người bệnh dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để trị hôi miệng từ dạ dày

Người bệnh dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để trị hôi miệng từ dạ dày

3.2. Thực hiện tốt khâu vệ sinh răng miệng 

Vệ sinh răng miệng là khâu quan trọng, cần đảm bảo thực hiện đúng cách trong quá trình trị hôi miệng từ dạ dày. Để giảm thiểu tối đa mùi hôi trong hơi thở, người bệnh cần:

- Dùng kem đánh răng có chứa fluor và bàn chải mềm để đánh răng ngay sau mỗi bữa ăn.

- Dùng chỉ nha khoa làm sạch cặn bám hoặc thức ăn còn sót lại bên trong kẽ răng.

- Cạo lưỡi để loại bỏ mảng bám và vi khuẩn gây mùi bám trên bề mặt lưỡi.

- Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng chứa thành phần tự nhiên để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, mảng bám còn sót lại trong khoang miệng.

3.3. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Người bị hôi miệng từ dạ dày nếu có được chế độ ăn hợp lý sẽ giúp hạn chế sản sinh khí hôi từ quá trình tiêu hóa đồng thời làm dịu niêm mạc dạ dày, giảm trào ngược và hỗ trợ tiêu hóa. 

Người có vấn đề về dạ dày nên ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin C, sữa chua để hỗ trợ hệ tiêu hóa. Lựa chọn thực phẩm mềm, dễ tiêu, ít chất béo cũng sẽ giúp giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, hạn chế tình trạng lên men gây khí hôi.

Khi có mùi hôi miệng từ dạ dày, người bệnh nên tránh ăn hành sống, tỏi sống, đạm động vật, đồ ăn chiên rán, nước ngọt có gas, bia rượu,... vì chúng chính là tác nhân làm tăng mùi hôi miệng.

3.4. Một số lưu ý để đảm bảo hiệu quả của quá trình trị hôi miệng từ dạ dày

Trong quá trình áp dụng các cách trị hôi miệng từ dạ dày, để đảm bảo thu được hiệu quả tối ưu, người bệnh nên chú ý:

- Không lạm dụng kẹo cao su hay xịt thơm miệng vì chúng chỉ giúp có tác dụng khử mùi tạm thời chứ không điều trị gốc rễ vấn đề.

- Không tự ý dùng thuốc trị đau dạ dày khi không có chỉ định từ bác sĩ để tránh gặp phải tác dụng ngược, làm trầm trọng hơn các vấn đề ở dạ dày.

- Ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc, không thức khuya để hỗ trợ quá trình hồi phục sức khỏe của hệ tiêu hóa.

- Nếu đã thực hiện điều trị theo phác đồ của bác sĩ nhưng sau 4 tuần các triệu chứng về dạ dày và hôi miệng không cải thiện, người bệnh cần tái khám để được đánh giá và có hướng điều chỉnh phù hợp.

Bị hôi miệng từ dạ dày chỉ có thể điều trị dứt điểm khi có sự chẩn đoán và điều trị của bác sĩ

Bị hôi miệng từ dạ dày chỉ có thể điều trị dứt điểm khi có sự chẩn đoán và điều trị của bác sĩ

Hôi miệng từ dạ dày là triệu chứng cảnh báo các vấn đề bất thường ở dạ dày. Chỉ khi được xác định đúng nguyên nhân, người bệnh mới tìm ra hướng điều trị hiệu quả. 

Nếu nhận thấy các triệu chứng như: hơi thở có mùi hôi kèm theo đau bụng dữ dội, đi ngoài phân đen, ợ chua, ợ nóng,... quý khách hàng có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ Chuyên khoa Tiêu hóa - Hệ thống Y tế MEDLATEC. Bằng cách này, quý khách sẽ xác định đúng tình trạng bệnh của mình và biết hướng điều trị tốt nhất.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ