Tin tức
Hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp ngay tại nhà
- 20/08/2021 | Xử trí đúng cách và chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp
- 18/08/2021 | Các biểu hiện nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ dạng cấp tính
1. Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp - những thông tin cơ bản
1.1. Như thế nào là nhiễm khuẩn hô hấp
Nhiễm khuẩn đường hô hấp là bệnh lý dễ gặp ở trẻ nhỏ
Nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh lý gây nên bởi virus hoặc vi khuẩn khiến cho bất kỳ vị trí nào trong đường hô hấp cũng có thể bị tổn thương như: phổi, phế quản, thanh quản, tai, họng, mũi,...
Bệnh lý này gồm 2 loại:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: gồm nhiễm khuẩn ở vùng tai, mũi, họng; chủ yếu do virus gây ra và có thể tự khỏi khi được chăm sóc tốt.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: gồm nhiễm khuẩn ở phổi, phế quản,...; cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm.
1.2. Vì sao trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp
Hầu hết các trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp là do virus vì đại đa số các virus ái lực với đường hô hấp và dễ lây lan, khả năng miễn dịch của cơ thể với virus ngắn và yếu, tỉ lệ người lành có virus cao. Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể trở thành tác nhân khiến bệnh nặng hơn, nhất là ở những nước có điều kiện môi trường sống ô nhiễm và khí hậu nhiệt đới.
Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dễ xảy ra với trẻ khi:
- Độ ẩm và nhiệt độ thời tiết thay đổi một cách đột ngột.
- Ô nhiễm, khói bụi quá nhiều trong môi trường sống.
- Cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể trẻ không đầy đủ.
- Trẻ tiêm chủng không đủ.
- Trẻ mắc các bệnh lý mạn tính, sinh non.
1.3. Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp có biểu hiện thế nào
Muốn chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp đúng cách thì trước tiên cha mẹ cần ghi nhớ biểu hiện của bệnh gồm:
- Trẻ bị sốt trên 37.5 độ C.
- Ít bú, ăn kém.
- Mệt mỏi, thường xuyên quấy khóc, da xanh xao.
- Ho, sổ mũi, tiêu chảy, thở khò khè.
Khi trẻ không thể ăn hay bú được cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám
Nếu bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trở nặng, trẻ sẽ có các biểu hiện:
- Thở rút lõm ở lồng ngực, thở nhanh.
- Bú ít hoặc không bú, không thể ăn uống được.
- Bị nôn tất cả mọi thứ cho vào người, kể cả nước.
- Tím tái, co giật, li bì, khó đánh thức.
- Thở một cách bất thường.
- Bị suy dinh dưỡng ở mức độ nặng.
2. Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp để con nhanh khỏi bệnh
Chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp tại nhà đúng cách có vai trò rất quan trọng trong việc giúp trẻ mau khỏi bệnh, sức khỏe được hồi phục nhanh chóng. Vì thế, cha mẹ nên:
2.1. Chăm sóc thân nhiệt
Khi chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp tại nhà, việc đầu tiên cha mẹ cần ghi nhớ là phải chú ý cặp nhiệt độ để theo dõi thân nhiệt của trẻ. Trường hợp trẻ bị sốt trong khoảng 37.5 - dưới 38.5 độ C thì cần bỏ bớt và nới rộng quần áo, chăn đồng thời chườm ấm ở vùng bẹn, nách, trán cho trẻ kết hợp với việc cho trẻ tăng cường uống nước hoặc bú.
Khi trẻ sốt từ 38.5 độ C trở lên là lúc cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo liều lượng phù hợp với độ tuổi và cân nặng. Mặt khác, cha mẹ cũng cần tích cực hạ sốt cho trẻ bằng chườm ấm ở những vùng như trên.
2.2. Chăm sóc đường thở
- Vệ sinh mũi
Việc vệ sinh mũi nên được tiến hành khi trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi khiến cho việc ăn và ngủ trở nên kém đi. Để đường mũi của trẻ thông thoáng, cha mẹ hãy làm loãng dịch mũi bằng cách nhỏ nước muối 9‰ vào từng bên mũi cho dịch mũi loãng ra rồi dùng dụng cụ hút mũi loại bỏ dịch mũi cho trẻ.
- Vệ sinh họng
Nếu trẻ ho ít, cha mẹ không cần can thiệp vì đây là phản xạ giúp chất tiết được tống ra ngoài. Nếu trẻ ho quá nhiều nên mất ngủ và nôn trớ thì cách chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp trong trường hợp này là cho trẻ uống nước ấm để đờm loãng ra và giúp cơn ho dịu bớt đi.
Hút mũi đúng cách khi chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp tại nhà sẽ giúp đường thở của trẻ được thông thoáng
Một số việc làm sau cũng sẽ giúp trẻ tống xuất đờm và giảm ho tốt:
- Vỗ long đờm trước bữa ăn hoặc sau khi ăn 1 giờ để tránh nôn bằng cách gập bàn tay ở cổ tay và khum bàn tay lại sao cho ngón cái ép vào với ngón trỏ. Thao tác vỗ cần thực hiện từng bên một, mỗi bên 3 - 5 phút.
- Dùng các loại siro thảo dược với liều lượng phù hợp do bác sĩ chỉ dẫn cho trẻ uống.
2.3. Chú ý dinh dưỡng và môi trường sống
Trong khi chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp tại nhà vấn đề dinh dưỡng cần được đặc biệt chú ý bởi khi được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng sức đề kháng của trẻ sẽ tăng lên, nhờ đó mà khả năng khỏi bệnh cũng nhanh hơn. Muốn vậy, mẹ hãy cho trẻ nhỏ theo nhu cầu còn trẻ lớn cần ăn đủ chất và chế biến thức ăn dạng lỏng để trẻ dễ tiêu.
Cha mẹ cũng nên chia thành nhiều bữa ăn trong ngày và khẩu phần ăn mỗi bữa nên ít hơn ngày thường, không ép trẻ khi trẻ không ăn hết lượng thức ăn mà cha mẹ mong muốn. Trong chế độ ăn của trẻ, tốt nhất nên tăng cường bổ sung hoa quả và rau xanh. Ngoài ra, trẻ cũng cần uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi do sốt đồng thời giúp họng dịu hơn, đờm loãng ra.
Vệ sinh môi trường sống của trẻ cũng rất quan trọng vì nó giúp hạn chế nguồn lây bệnh. Vì thế cha mẹ cần vệ sinh thường xuyên phòng trẻ ở cho sạch, thông thoáng. Các dụng cụ vệ sinh và chăm sóc đường hô hấp cho trẻ cần được vệ sinh thường xuyên và tiệt trùng thật kĩ.
2.4. Thời điểm cần đưa trẻ đến viện
Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp tại nhà trên đây chỉ áp dụng với những trường hợp trẻ bị bệnh nhưng vẫn ăn uống, vui chơi bình thường và có triệu chứng nhẹ. Những trường hợp sau cần được đưa đến cơ sở y tế nhanh chóng:
- Trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn nặng như đã nêu ở trên.
- Trẻ bị sốt trên 38.5 độ C hoặc sốt kéo dài trên 3 ngày, uống thuốc hạ sốt không có dấu hiệu giảm sốt.
Về cơ bản, bậc cha mẹ nào cũng nên biết cách chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp tại nhà sao cho đúng vì bệnh lý này rất phổ biến, dễ tái phát. Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường hoặc cần tư vấn thêm về bệnh lý này, cha mẹ có thể gọi đến đường dây nóng 1900 56 56 56 để nhanh chóng có được hướng xử trí phù hợp, an toàn cho trẻ từ các chuyên gia hô hấp của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!