Tin tức

Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân lao phổi đúng cách tại nhà

Ngày 10/05/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) là nguyên nhân dẫn đến bệnh lao. Vi khuẩn này có thể xâm nhập và gây bệnh tại bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, trong đó phổ biến nhất là bệnh lao phổi. Đây được xem là căn bệnh nguy hiểm gây ra rất nhiều ca tử vong trên toàn thế giới. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có cơ hội được chữa khỏi hoàn toàn. Dưới đây là hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân lao phổi tại nhà.

1. Tổng quan về lao phổi

Khi hít hay nuốt phải các giọt bắn bị nhiễm vi khuẩn lao, bạn sẽ có nguy cơ bị bệnh. Đây là những giọt bắn ra từ người bị lao phổi trong quá trình họ nói chuyện, hắt hơi hoặc ho. Giọt bắn có khả năng lơ lửng trong không khí đến hàng giờ liền. 

Tuy nhiên không phải ai khi nhiễm phải vi khuẩn lao cũng tiến triển thành bệnh lao. Có những trường hợp bị nhiễm nhưng không bộc lộ triệu chứng (thể lao tiềm ẩn). Nhưng trong tương lai những vi khuẩn lao ngủ yên này vẫn có thể bộc phát thành bệnh và lây sang cho người khác. Những đối tượng sau đây được xếp vào nhóm nguy cơ cao bị bệnh lao:

  • Bệnh nhân HIV;

  • Nghiện ma túy;

  • Lạm dụng bia rượu;

  • Mắc các bệnh như tiểu đường (giảm khả năng chống lại vi sinh vật gây bệnh của cơ thể);

  • Thường xuyên phải sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch;

  • Trước đây từng bị lao nhưng không được điều trị đúng cách. 

Người mắc bệnh lao có thể phát tán vi khuẩn ra ngoài và lây bệnh cho người xung quanh

Người mắc bệnh lao có thể phát tán vi khuẩn ra ngoài và lây bệnh cho người xung quanh

Bệnh nhân mắc lao phổi thường sẽ xuất hiện những triệu chứng như sau:

  • Mệt mỏi, ốm yếu, sụt cân;

  • Ra nhiều mồ hôi về ban đêm;

  • Sốt về chiều;

  • Đau tức ngực;

  • Ho, ho ra máu.

Nếu không được điều trị bằng thuốc theo đúng phác đồ, bệnh nhân bị lao phổi sẽ lây cho người khác, bản thân họ cũng sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm và cuối cùng là tử vong.

2. Điều trị lao bằng thuốc

2.1. Các thuốc trị lao thường dùng hiện nay

Khi được chẩn đoán mắc lao phổi, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân lên kế hoạch và tư vấn điều trị lao phổi theo phác đồ dùng thuốc. Nếu tuân thủ liệu trình điều trị sẽ giúp kiểm soát tốt triệu chứng của bệnh và hạn chế nguy cơ lây bệnh cho người khác.
Dưới đây là những thuốc trị lao phổ biến nhất hiện nay: 

  • Ethambutol;

  • Isoniazid (INH);

  • Pyrazinamide;

  • Rifampin (RIF).

Một liệu trình điều trị cần kéo dài trong ít nhất là 6 tháng để chấm dứt sự phát triển của vi khuẩn lao. Thường thì triệu chứng bệnh sẽ giảm chỉ sau vài tuần dùng thuốc. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần tuân thủ liệu trình, không được tự ý bỏ thuốc hay giảm liều lượng.

2.2. Những lưu ý khi dùng thuốc trị lao phổi

Người bệnh cần ghi nhớ những điều sau khi dùng thuốc trị lao:

  • Uống thuốc cố định theo lịch (nên đặt đồng hồ để nhắc giờ uống thuốc);

  • Bảo quản thuốc trong hộp đựng kín, riêng biệt và để tại nơi dễ nhớ, dễ tìm thấy;

  • Quên uống thuốc: Nếu quên uống thuốc một lần hoặc bỏ lỡ một liều thì cũng không nên quá lo lắng. Hãy tiếp tục uống liều kế tiếp theo lịch. Trong trường hợp quên uống hơn một liều, hãy liên hệ ngay cho bác sĩ trước khi dùng liều kế tiếp để có cách xử trí phù hợp;

  • Tự ý ngừng thuốc: tuyệt đối không được làm điều này vì có thể bị tái phát bệnh lao, dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc và ngay cả các thuốc mới cũng không đem lại hiệu quả điều trị như ban đầu, đồng thời tăng nguy cơ lây nhiễm lao cho người xung quanh.

Người bệnh lao phổi cần tuân thủ liệu trình điều trị bằng thuốc

Người bệnh lao phổi cần tuân thủ liệu trình điều trị bằng thuốc

3. Chăm sóc bệnh nhân lao phổi tại nhà

3.1. Phòng ngừa lây bệnh cho người thân

Khi chăm sóc bệnh nhân lao phổi tại nhà, người thân hoặc người chăm sóc cần đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Cách ly người bệnh trong phòng riêng và miễn tiếp khách tới thăm cho đến khi khỏi bệnh;

  • Bệnh nhân cần tránh xa/không tiếp xúc với trẻ nhỏ, người già, người có bệnh lý nền, sức đề kháng kém như bệnh nhân tiểu đường, HIV/AIDS, suy thận,...;

  • Bệnh nhân  phải mang khẩu trang mọi lúc, nhất là khi ra khỏi phòng tiếp xúc với người khác;

  • Bệnh phẩm phải được vứt bỏ và phân hủy theo quy định: khăn giấy bỏ vào thùng rác đậy kín và đem vứt ở đúng khu vực;

  • Không dùng chung đồ đạc cá nhân với người bị lao phổi: không ăn chung, dùng chung bát đĩa, cốc nước, bàn chải đánh răng, khăn trải giường, bồn cầu, không bắt tay,...

3.2. Chăm sóc bệnh nhân lao phổi bị ho ra máu 

  • Người bệnh cần tránh di chuyển, nằm tại giường trong phòng yên tĩnh, không kích động;

  • Nâng cao đầu và nghiêng đầu sang một bên;

  • Chuẩn bị cho bệnh nhân một chiếc cốc bên cạnh, mỗi khi ho hãy dùng cốc này hứng máu để biết được lượng máu đã ho. Tránh không để người bệnh nuốt ngược vào trong vì sẽ kích thích nôn;

  • Nếu người bệnh ho ra quá nhiều máu, hãy đưa đi cấp cứu ngay.

3.3. Chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân lao phổi

Vì người bị bệnh lao sẽ có thể trạng ốm yếu, mệt mỏi nên để có sức đề kháng chống lại vi khuẩn lao, cần đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Ngoài ra hãy động viên bệnh nhân ăn nhiều, làm mới món ăn mỗi ngày giúp kích thích vị giác cho người bệnh. 

Khẩu phần ăn của bệnh nhân lao cần đáp ứng các yếu tố như năng lượng, kẽm (thịt bò, ngũ cốc, các loại hạt), đạm (trứng, thịt), sắt (nấm hương, mộc nhĩ, lòng đỏ trứng, đậu nành), vitamin (rau củ, hoa quả, cá biển, chuối, khoai tây, súp lơ,...).

Giai đoạn đầu khi mới khởi phát lao phổi, người bệnh nên ăn thức ăn lỏng, nhẹ, dễ tiêu hóa như các món canh, súp. Bệnh nhân tuyệt đối không được hút thuốc lá, uống bia rượu và không dùng chất kích thích. Nên hạn chế ăn những món cay nóng vì sẽ gây ho nhiều hơn.

3.4. Chế độ nghỉ ngơi sinh hoạt

Người bệnh cần được nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh, ngủ đủ giấc để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Trung bình bệnh nhân nên dành ra khoảng 7 - 8 tiếng ngủ đêm và 1 - 2 tiếng ngủ trưa.

Khi bệnh đã có dấu hiệu tiến triển tốt hơn, hết triệu chứng thì người bệnh nên vận động nhẹ nhàng, tập thể dục, đi dạo, đọc sách nhưng không nên đến nơi đông người. Giai đoạn này người bệnh đã có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt như bình thường. 

Bệnh nhân lao phổi cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Thông qua hoạt động này, bác sĩ có thể kiểm tra sức khỏe, tiến triển của bệnh và đánh giá được hiệu quả điều trị.  

Bệnh nhân lao phổi cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ

Bệnh nhân lao phổi cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ

Có thể thấy rằng việc cách ly để điều trị lao phổi và phải duy trì dùng thuốc mỗi ngày là hoạt động không phải đơn giản. Tuy nhiên khi đã hình thành theo thói quen thì sẽ giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi lao phổi. Để chiến thắng bệnh lao thì cần có quyết tâm của người bệnh cũng như sự chung tay góp sức của cả người thân trong gia đình. 

Hãy liên hệ đặt lịch khám ngay với các bác sĩ Chuyên khoa Hô hấp của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị bệnh lao phổi ngay từ hôm nay. Đặc biệt là khi bạn đã phát hiện triệu chứng của bệnh thì càng phải đi khám và điều trị từ sớm.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.