Tin tức
Hướng dẫn xử trí sốt do viêm amidan đúng cách
- 23/08/2024 | Tổng hợp cách chữa viêm amidan ở trẻ không dùng kháng sinh
- 07/11/2024 | Viêm amidan quá phát và nguy cơ gây khó thở
- 12/11/2024 | Chi phí cắt amidan có bảo hiểm y tế là bao nhiêu?
1. Sốt do viêm amidan là gì?
Amidan là hai khối mô lympho nằm hai bên thành họng, giữ vai trò như “hàng rào phòng thủ” đầu tiên của cơ thể, giúp ngăn chặn vi khuẩn và virus xâm nhập qua đường hô hấp. Khi sức đề kháng bị suy giảm hoặc cơ thể bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, amidan có thể bị viêm. Đây cũng là lúc phản ứng sốt xuất hiện như một cơ chế tự vệ của cơ thể.
Thực chất, sốt là biểu hiện cho thấy hệ miễn dịch đang nỗ lực chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus gây viêm. Tuy nhiên, nếu sốt kéo dài, sốt cao không đáp ứng thuốc điều trị hoặc kèm theo những dấu hiệu bất thường, đó có thể là cảnh báo tình trạng viêm amidan nghiêm trọng hoặc đã có biến chứng.
Dấu hiệu thường gặp khi bị sốt do viêm amidan:
- Sốt từ 38- 40°C, sốt có thể đến đột ngột và kéo dài nếu không được điều trị.
- Cổ họng đau rát, cảm giác khó nuốt hoặc nuốt đau, đặc biệt khi ăn uống.
- Hơi thở có mùi, do vi khuẩn tích tụ trong vùng amidan viêm.
- Amidan sưng đỏ, đôi khi xuất hiện mủ trắng hoặc các chấm trắng trên bề mặt.
- Khó thở, giọng khàn do amidan sưng lớn gây chèn ép.
- Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau tai.
- Với trường hợp nặng, đặc biệt ở trẻ em, có thể xuất hiện co giật, phát ban hoặc sưng hạch cổ.
Sốt do viêm amidan là biểu hiện cho thấy hệ miễn dịch đang nỗ lực chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus gây viêm
Có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sốt do viêm amidan:
- Nhiễm virus: Phần lớn các ca viêm amidan, đặc biệt ở trẻ em là do virus như cúm, adenovirus, rhinovirus, Epstein-Barr... gây nên. Triệu chứng thường nhẹ và có xu hướng tự khỏi sau vài ngày nếu được chăm sóc đúng cách.
- Nhiễm vi khuẩn: Viêm amidan do vi khuẩn, điển hình là liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus pyogenes), thường khiến người bệnh sốt cao, có mủ, đau họng dữ dội và dễ gặp biến chứng nếu không điều trị sớm. Một số vi khuẩn hiếm gặp hơn như Haemophilus influenzae, Streptococci nhóm C hoặc G cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
2. Sốt do viêm amidan có thực sự nguy hiểm không?
Sốt do viêm amidan thông thường nếu được điều trị kịp thời và đúng cách thường không gây nguy hiểm đến người bệnh. Tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh viêm amidan có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
- Áp-xe quanh amidan: Khi mủ tích tụ ở vùng tổ chức xung quanh amidan, người bệnh sẽ cảm thấy đau họng dữ dội, nói khó, nuốt khó, thậm chí là khó thở. Trường hợp này thường cần được cấp cứu ngay lập tức.
Khi mủ tích tụ quanh amidan, người bệnh sẽ cảm thấy rất đau rát ở vùng họng, nuốt khó
- Viêm tai giữa, viêm xoang: Vi khuẩn từ amidan có thể lan sang tai hoặc các xoang, gây viêm và kéo theo nhiều triệu chứng khác như đau tai, nghẹt mũi, chảy mũi.
- Viêm cầu thận, viêm khớp, thấp tim: Đây là những biến chứng có thể xảy ra sau viêm amidan do liên cầu khuẩn nhóm A nếu không được điều trị kháng sinh đúng cách. Nguyên nhân không phải do vi khuẩn lan rộng, mà do hệ miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại vi khuẩn, nhưng lại nhầm lẫn tấn công nhầm vào tim, thận và khớp, gây tổn thương nghiêm trọng. Những biến chứng này thường xuất hiện sau vài tuần và có thể ảnh hưởng lâu dài nếu không được theo dõi và xử lý kịp thời.
- Chuyển thành viêm amidan mãn tính hoặc amidan phì đại: Tình trạng viêm amidan tái đi tái lại sẽ làm amidan sưng to, gây khó thở, ngủ ngáy, thậm chí ngưng thở khi ngủ, gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, cản trở sinh hoạt, học tập và công việc hàng ngày.
Vì vậy, đừng xem nhẹ sốt do viêm amidan, khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài không thuyên giảm, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
3. Hướng dẫn xử trí sốt do viêm amidan đúng cách
Khi sốt do viêm amidan, cách xử lý đúng và kịp thời không chỉ giúp làm dịu các triệu chứng khó chịu mà còn hạn chế nguy cơ biến chứng, đồng thời hỗ trợ cơ thể sớm hồi phục.
Trong trường hợp sốt nhẹ do viêm amidan hoặc chưa có dấu hiệu cảnh báo, bạn hoàn toàn có thể hỗ trợ điều trị tại nhà bằng những phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả như:
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Khi cơ thể được nghỉ ngơi, hệ miễn dịch sẽ có điều kiện hoạt động hiệu quả hơn để chống lại tác nhân gây bệnh.
- Uống đủ nước mỗi ngày: Người bệnh nên uống nước ấm, oresol, nước trái cây hoặc canh súp để bổ sung nước và điện giải. Tránh nước lạnh, nước có gas hay rượu bia vì có thể khiến cổ họng bị kích ứng và gây đau hơn.
- Súc miệng bằng nước muối ấm: Đây là cách đơn giản giúp làm sạch họng, hỗ trợ loại bỏ chất nhầy và vi khuẩn, từ đó làm dịu cơn đau. Bạn nên thực hiện từ 3 - 4 lần/ngày.
- Sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách: Paracetamol là lựa chọn an oàn với liều lượng phù hợp theo hướng dẫn. Tuy nhiên, không nên tự ý cho trẻ em dùng Aspirin vì có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như hội chứng Reye.
- Chọn thực phẩm mềm, dễ nuốt: Các món như cháo, súp sẽ giúp bạn ăn uống dễ dàng hơn. Tránh các món cay, nóng hoặc quá cứng có thể làm tổn thương niêm mạc họng.
- Hạn chế tiếp xúc với khói bụi và chất kích thích: Người bệnh nên tránh khói thuốc lá, bụi bẩn hoặc không khí ô nhiễm vì đây là những yếu tố khiến bệnh kéo dài và trầm trọng hơn.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất: Việc ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ quá trình hồi phục nhanh hơn.
Trong trường hợp sốt không thuyên giảm sau vài ngày, hoặc khi có dấu hiệu nặng hơn như khó nuốt, đau họng dữ dội, sốt cao kéo dài... người bệnh cần được bác sĩ thăm khám để có hướng điều trị kịp thời. Việc điều trị sốt do viêm amidan sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng như:
- Dùng thuốc kháng sinh: Bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh nếu nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn. Bạn cần tuân thủ nghiêm túc đơn thuốc, dùng đủ liều và đúng thời gian để tránh tình trạng kháng thuốc.
- Dùng thuốc kháng viêm, giảm đau: Những loại thuốc này sẽ giúp giảm sưng và hạ sốt, đồng thời cải thiện cảm giác đau rát ở cổ họng.
- Sử dụng thuốc xịt họng hoặc viên ngậm: Đây là cách giúp làm dịu họng tại chỗ và hỗ trợ giảm đau nhanh chóng.
- Phẫu thuật cắt amidan: Nếu bạn bị viêm amidan tái phát nhiều lần trong năm, hoặc amidan quá lớn gây cản trở hô hấp, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, quyết định này sẽ được đánh giá rất kỹ, nhất là đối với trẻ nhỏ vì amidan vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch.
Việc điều trị sốt do viêm amidan sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng
Nếu bạn đang lo lắng về sốt do viêm amidan hay bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác, bạn có thể liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ đặt lịch khám nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
