Tin tức

Khi gặp cơn hen khó thở cần xử trí ra sao?

Ngày 15/03/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Hen suyễn là tình trạng bệnh lý đường hô hấp nhiều người mắc phải. Trong đó hiện tượng hen khó thở là một trong những triệu chứng thường gặp mỗi khi bệnh nhân lên cơn hen cấp tính. Vậy trong những tình huống như thế bệnh nhân và người xung quanh nên xử trí thế nào? Hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

1. Các triệu chứng điển hình của một cơn hen cấp tính

Hen suyễn hay hen phế quản là tình trạng viêm phế quản mạn tính do niêm mạc của bộ phận này bị kích thích bởi các tác nhân bên ngoài hoặc do bản thân người bệnh (trải qua cảm xúc căng thẳng, hồi hộp quá độ). Điều này khiến cơ trơn phế quản bị co thắt và hiện tượng này xảy ra không cố định, có thể tự phục hồi hoặc khắc phục bằng cách dùng thuốc giãn phế quản.

Hen phế quản nếu diễn tiến nặng mà không được kiểm soát kịp thời có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tước đi tính mạng của người bệnh. Chính vì là bệnh lý nghiêm trọng nên việc nhận biết các triệu chứng của cơn hen cấp tính là điều vô cùng cần thiết để giúp người bệnh thoát khỏi cơn khó thở kịch phát. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết tình trạng này:

  • Trước khi cơn hen xảy đến: người bệnh bị ho, ngứa họng, hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi,...

  • Khi cơn hen xuất hiện, bệnh nhân sẽ có hàng loạt triệu chứng như: ho liên tục, khó thở, thở nhanh, thở khò khè, cảm giác nặng ngực, đau thắt ngực. Càng xử trí muộn thì triệu chứng sẽ càng nặng nề hơn như lo âu, khó phát âm. vã mồ hôi, tím môi cùng đầu các chi, da mặt nhợt nhạt,... Nếu kéo dài sẽ gây giảm oxy máu, thiếu máu não, dần dần mất ý thức và ngất xỉu, nặng nhất là tử vong.

Khi cơn hen xuất hiện, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở, tức ngực

Khi cơn hen xuất hiện, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở, tức ngực

Cơn hen thường xảy ra sau khi bệnh nhân gặp phải các yếu tố kích thích như thời tiết thay đổi, gắng sức hay lao động quá mức, tiếp xúc với các chất gây dị ứng (thức ăn, khói thuốc lá, hóa chất, khói bụi,...), nhiễm trùng đường hô hấp,...

2. Các cách xử trí khi gặp một cơn hen suyễn cấp tính 

Để hạn chế nguy cơ gặp phải các cơn hen khó thở, người bệnh cần tránh tiếp xúc với các yếu tố gây hen, đồng thời tuân thủ theo hướng dẫn trong điều trị của bác sĩ. Hãy luôn đem theo một bình thuốc giúp cắt cơn hen bên người để lấy ra sử dụng khi cần thiết.

Ngoài ra người thân và người xung quanh cũng nên học cách sơ cứu bệnh nhân khi họ lên cơn hen cấp tính:

  • Bước 1: đưa người bệnh đến nơi thoáng khí, không để nhiều người vây quanh bệnh nhân. Người bệnh cần được ngồi trong tư thế thẳng, giữ bình tĩnh, giảm căng thẳng thần kinh và tinh thần thoải mái hơn để giúp sự trao đổi khí không bị gián đoạn;

  • Bước 2: giữ ấm cho cơ thể người bệnh;

  • Bước 3: người bệnh có thể nằm kê cao nửa thân trên hoặc ngồi dậy để dễ thở hơn. Không được vuốt ngực hay xoa ngực cho bệnh nhân đang lên cơn hen vì điều này sẽ càng khiến bệnh nhân bị khó thở;

  • Bước 4: dùng thuốc trị hen suyễn tác dụng nhanh, dạng xịt như Berodual hoặc Ventolin (hãy lấy loại thuốc có sẵn trong người bệnh nhân mang theo). Trong trường hợp bệnh nhân bị hen nhẹ thì xịt 2 nhát/lần sẽ giúp cắt cơn hen nhanh chóng. Còn nếu sau 20 phút cơn hen không có dấu hiệu thuyên giảm thì hãy xịt thêm 2 nhát nữa, khi triệu chứng bệnh không được cải thiện hãy xịt thêm 2 nhát và di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Chú ý cần xịt thuốc đúng cách;

  • Bước 5: trong trường hợp bệnh nhân bị hen khó thở nặng (nói không hết câu, thở dốc, ngồi nghỉ không cũng cảm thấy khó thở) thì hãy dùng thuốc cắt cơn hen và nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu;

  • Bước 6: nếu cơn hen có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh (triệu chứng lú lẫn, da môi tím tái, không thể nói chuyện, đổ nhiều mồ hôi,...) thì cần liên hệ xe cấp cứu ngay. Trong khi chờ đợi hãy xịt 2 nhát thuốc để cắt cơn hen.

Thuốc cắt cơn hen là vật bất ly thân của bệnh nhân hen suyễn

Thuốc cắt cơn hen là vật bất ly thân của bệnh nhân hen suyễn

3. Đối phó với tình trạng hen khó thở mạn tính 

Đối với những trường hợp bị hen khó thở mạn tính, bệnh nhân có thể áp dụng các cách dưới đây:

  • Thở chậm, thở sâu và giữ trạng thái thư giãn: nhẹ nhàng hít không khí vào bằng mũi, sau đó từ từ thở ra qua đường mũi hoặc đường miệng;

  • Luôn duy trì thói quen hít thở nhẹ nhàng khi leo cầu thang, khi đi bộ, hít thở theo nhịp độ mà bạn cảm thấy thoải mái nhất;

  • Nếu có dấu hiệu khó thở, hãy đổi sang tư thế khác như đứng lên hoặc ngồi xuống, ngồi dậy để dễ thở hơn;

  • Kiểm soát nhịp thở: luôn đảm bảo vùng cơ ngực trên và vùng vai ở tư thế thoải mái.

4. Các cách giúp hạn chế tình trạng hen khó thở 

Để giảm thiểu nguy cơ gặp phải hiện tượng hen khó thở, bạn có thể tham khảo một số cách như:

  • Thường xuyên vận động, tập thể dục hợp lý: nếu thường xuyên tập thể dục với cường độ cao thì nguy cơ khởi phát các cơn hen khó thở là rất lớn. Do đó thay vì chạy bộ hay thử sức với các bài tập nặng, độ khó cao thì người bị hen suyễn nên chuyển sang tập yoga hay đi bộ nhẹ nhàng;

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: không nên sử dụng các loại thực phẩm giàu calo, đồ uống có gas, đồ ăn chứa chất bảo quản, thực phẩm dễ gây dị ứng, đồ đông lạnh hoặc muối chua,... Bạn nên bổ sung các thực phẩm cung cấp nhiều vitamin D, vitamin A, vitamin C, chất chống oxy hóa, thức ăn giàu omega-3, rau củ và trái cây tươi; 

  • Các lưu ý khác: đi khám định kỳ, dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, mang thuốc dự phòng theo bên người, không hút thuốc lá, giữ ấm cơ thể khi giao mùa và trời lạnh, tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm, duy trì chỉ số cơ thể phù hợp.

Tập kiểm soát hơi thở là cách giúp phòng ngừa các cơn hen suyễn

Tập kiểm soát hơi thở là cách giúp phòng ngừa các cơn hen suyễn

Trên đây là tổng hợp một số cách xử trí khi xảy ra các cơn hen khó thở bạn nên ghi nhớ để kịp thời áp dụng đối với bản thân hoặc khi gặp trường hợp bệnh nhân bị hen suyễn. Tuy rằng không có biện pháp đặc trị căn bệnh này nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa nó bằng những cách thông thường. Hãy đặc biệt chú ý các triệu chứng khi cơn hen khó thở cấp tính xuất hiện để kịp thời xử lý. 

Nếu bạn cần được hỗ trợ thêm, hãy liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và hướng dẫn đặt lịch khám cùng các bác sĩ Chuyên khoa Hô hấp thuộc Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC ngay hôm nay!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.